Bàn về dân chủ và minh bạch thông tin

Cho đến nay ở ta các công trình nghiên cứu và các bài viết về dân chủ vẫn chưa nói được cho rõ dân chủ là một quá trình phát triển.

Nghĩa là chưa thấy dân chủ là một thành tựu do con người làm ra, làm được đến đâu thì hưởng đến đó, không cào bằng giữa mọi nơi, mà ngay ở một địa điểm thì nó cũng lên xuống tùy lúc dù rằng đường biểu diễn xuyên suốt lịch sử của nó vẫn là mũi tên phóng chéo lên trên. Theo cách hiểu này, dân chủ sẽ là công việc tổ chức cuộc sống, trong đó công việc của người trí thức sẽ không dừng lại ở hô hào xuông, mà là bắt tay thực sự cùng mọi người làm ra những thành tựu dân chủ.

Cách hiểu và cách định nghĩa này đi xa hơn cách quan niệm khái niệm dân chủ theo chỉ một hướng tổ chức quyền lực. Chúng ta thừa biết rằng tổ chức quyền lực của ba ông Vua, vua Mèo, vua Bảo Đại và vua Đan Mạch là hoàn toàn không như nhau. Vua Mèo ở cao nguyên Đồng Văn xưa thì sống và hoạt động trong cái hũ nút um khói thuốc phiện và khói cám lợn do gia nhân nuôi để tự túc cho những cuộc rượu thâu đêm trong tiếng cối đá gầm gừ xay bột mèn mén. Còn vua Bảo Đại và các vua khác ở Đông Dương xưa thì chỉ có quyền lực của nhà nước Đại Pháp ban cho, ấy là xin anh cứ rong chơi, xin anh cứ tiêu xài cho hết quỹ thời gian thiên định, xin anh đừng động đến tổ chức thực thi quyền lực của chúng tôi, và thế là đủ. Còn vua Đan Mạch thì hoàn toàn khác, đó là vua của một xứ sở nhõn năm triệu dân vẫn dư nguồn lực viện trợ những dân tộc đông tới trăm triệu dân, nơi bất kỳ kẻ nào đứng trên dân và đứng trên luật pháp đều bị đặt ngoài vòng pháp luật và bị nghiêm trị.

Cách hiểu mới sẽ đặt khái niệm dân chủ vào toàn bộ cuộc sống con người và làm cho thấy rõ cái gốc của vấn đề nằm trong năng lực dân chủ được tạo ra cho con người trong xã hội.

Trước hết, trên con đường tạo ra dân chủ cần một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu đó là thông tin. Không biết bao các dự án gửi xuống cho dân, rồi cũng hô hào dân bàn, dân làm, dân kiểm tra đấy chứ, nhưng dự án lại bị tắc ngay từ khâu dân biết. Chỉ cần mở báo ra và xem những vụ người ta cướp trắng đất dự án xóa đói giảm nghèo của dân rồi người ta làm đồn điền hệt như thời thực dân. Chuyện diễn ra hàng nhiều năm, diễn ra ở hầu hết các tỉnh, nhưng nào dân có biết để mà kiểm tra? Việc ỉm thông tin để giành miếng mồi dự án cho phe phái mình, thậm chí cho cái chi bộ với đa số người thuộc dòng họ nhà mình, là điều có thực đã và đang xảy ra không chỉ lẻ tẻ một đôi nơi.

Trong những trường hợp thông tin bị nghẽn như thế, những người làm báo chí đã dũng cảm đi vào điểm nóng, không nhận phong bì để lờ tội cho bọn quan tham mà dấn thân trong hiểm nguy để phanh phui sự việc rồi theo dõi giải quyết vụ việc. Ta sẽ gọi những nhà báo đáng kính trọng đó là những nhà trí thức của nhân dân tham gia tổ chức quá trình dân chủ của xã hội, và ta nhận ra rằng quả thực báo chí là một mắt xích vô cùng quan trọng của thông tin. Thế nhưng báo chí kia cũng có ba bảy đường, và rất có thể người làm báo cũng ba bảy đường. Tại sao? Vì chính trong cái tiểu xã hội báo giới ấy, gạt một bên những yếu kém, những khát khao quyền lực được đứng trên dân, có một yếu tố căn bản để một số người trong giới thông tin này không phải là người trí thức của dân thực thụ, do họ chưa nghĩ đến quyền lợi của dân. Trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, cụ Hồ Chí Minh trích của triết học xã hội Hoa Kỳ một câu đầy ý nghĩa: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Cái gọi là quyền lợi ấy nay được hiểu gọn lại thành các quyền. Một dự án xóa đói giảm nghèo không phải là kết quả từ một sự ban phát ân huệ, mà đó là một trong nhiều cái quyền của người dân, họ phải được hưởng những dự án như thế. Cách hiểu tổng quát đó về quyền con người đã khiến cho nhân dân trở thành nhân tố chủ động tổ chức nền dân chủ về mọi mặt cho mình: kinh tế, xã hội, chính trị, văn hoá… Ở đâu cái nhân tố chủ động đó mất đi tính chủ động, thì mọi “thành tựu” dân chủ chỉ là những thứ dân chủ hình thức.

Do chỗ việc tổ chức quá trình dân chủ không diễn ra ngày một ngày hai, tién trình đó lâu dài và quanh co, nên sứ mệnh của nhà trí thức là phải tham gia tổ chức tiến trình đó bằng việc tham gia vào sự nghiệp Giáo dục. Sự nghiệp Giáo dục quan trọng vì đó là công trình tổ chức cho toàn dân ngay từ tấm bé đã biết xử lý thông tin. Nó đòi hỏi nhà trí thức đứng ra chịu trách nhiệm công cuộc này cũng phải biết xử lý thông tin. Hệ xử lý này phải chắt lọc, tiết kiệm tối đa, do đó nó không thể quá tải. Làm ăn luộm thuộm khiến cho hệ thống đó quá tải rồi lại giảm tải rồi lại vẫn quá tải chứng tổ một năng lực tổ chức yếu hèn không thể tha thứ.

Để cho công cuộc Giáo dục thành một hệ xử lý thông tin, thì phải thấy rằng đó là một hệ thống hoạt động giúp người học không phải là thu vén những mảnh bằng mà giúp học sinh chiếm lĩnh được những điều tạo thành cái năng lực người không thể thiếu của con người hiện đại. Biết cách dạy và học, thì hành trang đó sẽ rất giản dị, nó chính là những cách biểu đạt ngôn ngữ đích thực của con người.

Trước nhất đó là học cách biểu đạt ngôn ngữ khoa học. Cách biểu đạt này phải được chiếm lĩnh thông qua những khái niệm thực thụ. Hành trang năng lực xử lý thông tin khoa học này không tạo nên nhờ những bộ sách “cải tiến” càng to càng được coi là có giá, càng nhiều tài liệu tham khảo càng được coi là chu đáo. Sự thiếu tự tin do không nắm được khái niệm khoa học dẫn đến nạn học thêm và chúi mũi chúi lái quên ăn quên ngủ làm bài tập cho nhiều. Thế ấy mà đến khi đi thi vẫn còn thiếu tự tin vì không bao giờ có được khái niệm đích thực, đành phải mua phao mang theo. Và đến khi vào đời thì luôn luôn lẫn lộn khái niệm và xử lý sai mọi thông tin.

Tiếp đó là học cách biểu đạt ngôn ngữ nghệ thuật. Năng lực này được học qua việc huấn luyện cách xử lý thông tin nghệ thuật đặc thù. Gọi là đặc thù nhưng chẳng có gì ghê gớm nếu người thầy cũng được huấn luyện để biết thật rõ tâm lý sáng tạo nên tác phẩm nghệ thuật. Công việc sáng tạo đó nằm trong các thao tác tưởng tượng, liên tưởng và sắp đặt, những thao tác từng tiến hành bởi người nghệ sĩ đi trước, và các thao tác đó sẽ được huấn luyện lại cho học sinh, để tự mình “sáng tạo lại” tác phẩm nghệ thuật và từ đó cảm nhận cái đẹp nghệ thuật. Hành trang này tuyệt nhiên không thể được tạo ra nhờ dỏng tai nghe những lời bình giảng lỗ mỗ rồi nhại lại y nguyên theo vô vàn đáp án ở các lò luyện thi.

Việc tổ chức quá trình dân chủ không diễn ra ngày một ngày hai, tiến trình đó lâu dài và quanh co, nên sứ mệnh của nhà trí thức là phải tham gia tổ chức tiến trình đó bằng việc tham gia vào sự nghiệp Giáo dục vì đó là công trình tổ chức cho toàn dân ngay từ tấm bé đã biết xử lý thông tin.

Và tiếp theo, còn cách biểu đạt ngôn ngữ thứ ba, gọi bằng ngôn ngữ ẩn (metalanguage). Đó là cái thứ ngôn ngữ khó nói nổi thành lời… đó là sự đồng cảm, đó là sự thương yêu, sự xót xa, nỗi ghét bỏ, sự đắng cay, nỗi giận hờn… những giá trị hoàn toàn khó hiểu với các nhà cải cách và đổi mới Giáo dục nửa vời. Rất khó huấn luyện các giá trị ẩn ngầm này, nhưng nếu biết rõ chúng là hệ quả gián tiếp từ cách chiếm lĩnh hai loại ngôn ngữ khoa học và nghệ thuật đã nói bên trên, thì nhà Giáo dục cũng có thể tìm ra cách làm.

* * *

Dân chủ, chuyện thật dễ và thật khó, thật khó và thật dễ. Dễ, nếu nhà trí thức ngồi viết tào lao bàn tán về nó với đầy đủ những “sáng kiến” đủ để được khen là nhà thông thái. Khó, nếu nhà trí thức tham gia vào tạo ra tiến trình dân chủ phát triển từ thấp lên cao của xã hội, bắt đầu bằng thông tin. Lúc này, ta sẽ lại đụng chạm tới một khái niệm khác, mới mà cũ cũ mà mới, khái niệm public intellectual xin tạm dịch là người trí thức nhân dân. Nhưng đó lại là nội dung của một bài viết khác.

Theo PHẠM TOÀN / TẠP CHÍ TIA SÁNG

Tags: ,