Bản lĩnh và tầm nhìn Kim Jong-un

Kim Jong-un là một nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhưng thời gian qua đã khẳng định được bản lĩnh chính khách của mình.

>> Toàn văn tuyên bố chung của ông Donald Trump và ông Kim Jong-un
.

Trong Thượng đỉnh liên Triều, lần đầu tiên ông Kim xuất hiện nhiều và trực tiếp trước truyền thông thế giới. Tại đó, ông đã thể hiện được bản lĩnh ngoại giao bình tĩnh, đĩnh đạc của mình, từ tác phong đi đứng, cách phát biểu, đến biểu cảm nét mặt. Ông tỏ ra rất khéo, tươi cười tự nhiên và lấy lòng được Tổng thống Hàn Quốc cũng như khán giả truyền hình Hàn Quốc, những người thậm chí cho rằng ông Kim rất dễ thương.

Nhà lãnh đạo Kim đã có nhiều động thái tinh tế, như mời Tổng thống Moon Jae-in bước sang lãnh thổ Triều Tiên – điều nằm ngoài kịch bản chương trình Hội nghị Thượng đỉnh.

Lần này, tại Thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore, Kim Jong-un một lần nữa đã thể hiện được điều đó và tạo ra được thiện cảm ở người đối diện. Ông lại một lần nữa cười rất tươi, vui vẻ chụp selfie với Ngoại trưởng Singapore.

Có thể nói rằng Kim Jong-un là một nhà lãnh đạo Triều Tiên kiểu mới. Khác biệt với thế hệ cha và ông, Kim Jong-un không ngại ra nước ngoài và không ngại đi máy bay thay cho tàu hỏa (cả trong và ngoài nước).

Về mặt chiến lược với Mỹ, ông Kim Jong-un đã chấp nhận nhượng bộ, hứa hẹn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên – điều mà cả Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều mong. Ông đã bắn tín hiệu về đối thoại với Mỹ ngay từ đầu năm mới 2018. Tất cả những điều này góp phần nhen lên hy vọng ở phía Mỹ.

Triều Tiên nằm ở giao lộ tầm ảnh hưởng của nhiều nước lớn (Mỹ, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản). Và ông Kim, với tư cách là lãnh đạo tối cao của Triều Tiên, đã khéo léo giữ cân bằng khá tốt giữa các nước đó, khiến ông trở thành một tâm điểm của ván bài địa chính trị tại Đông Bắc Á. Với kỹ năng “đi dây” ngoạn mục của ông Kim Jong-un, dường như nước nào cũng cố tranh thủ Triều Tiên và nhà lãnh đạo này.

Trước Thượng đỉnh Mỹ-Triều, các quan chức cấp cao của Mỹ, Hàn Quốc, Nga và Trung Quốc đều đã lần lượt sang thủ đô Bình Nhưỡng.

Kim Jong-un có tinh thần độc lập rất cao. Sau khi lên cầm quyền ở Triều Tiên, ông đã gạt bỏ các nhóm thân Trung Quốc trong chính trường nước mình. Một thời gian rất dài, ông không hề sang thăm Bắc Kinh. Ông Kim đã góp phần củng cố hơn nữa mức độ độc lập của Triều Tiên vốn đã cao sẵn dưới thời Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật.

Nhưng vào năm 2018 này, ông Kim đã sang Trung Quốc và gặp trực tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình tới hai lần. Có thể ông Kim đi để báo cáo tình hình với ông Tập và giành thêm sự ủng hộ từ phía Trung Quốc. Mặt khác, hai chuyến công du đó có thể là tín hiệu nhắc nhở ông Trump hãy tích cực hơn trong đối thoại với Triều Tiên.

Và Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều đã diễn ra thành công, với sự mong chờ của dư luận thế giới, thái độ hợp tác của Mỹ, sự hậu thuẫn của Nga và Trung Quốc, sự giúp đỡ của Hàn Quốc và sự hỗ trợ của Singapore.

Năm nay kỷ niệm 70 năm sự ra đời của CHDCND Triều Tiên và Đại hàn Dân quốc (Hàn Quốc) trên bán đảo Triều Tiên nên rất có thể ông Kim mong muốn tạo ra một đột phá thật sự cho bán đảo Triều Tiên cũng như sự nghiệp chính trị của mình.

Theo VOV 

Tags: ,