Bài học xương máu từ ‘Mùa xuân Ả Rập’

Có thể nói rằng, “Mùa xuân Ả Rrập” đã cho tất cả các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước nhỏ một bài học về độc lập, tự chủ và lấy dân làm gốc trong các quyết sách chính trị của giới cầm quyền.

Những bài học xương máu từ ‘Mùa xuân Ả Rập’

Bánh vẽ của “Mùa xuân Ả Rrập”

Đã 7 năm trôi qua, kể từ khi những biến chuyển chính trị – xã hội ở khu vực Trung Đông – Bắc Phi đã tạo ra “Mùa xuân Ả Rrập” – một làn sóng “cách mạng” với các cuộc nổi dậy, biểu tình để phản đối chính quyền chưa từng có tiền lệ tại các quốc gia của thế giới Ả Rrập, trong đó có Yemen.

Song đó không phải là mùa xuân của thời tiết trong lành, với những hoa thơm, quả ngọt, mà là “mùa xuân” của các cuộc khủng hoảng toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh, nó diễn ra không chỉ ở mỗi quốc gia, mà còn đối với toàn khu vực.

Cuộc chiến tranh nồi da nấu thịt ở Yemen gần đây chỉ là một trong những trái đắng tiếp theo của “Mùa xuân Ả Rrập”.

Vậy, do đâu mà dẫn đến một “mùa xuân” như vậy?

Có thể khẳng định rằng, không phải tất cả các quốc gia ở khu vực Trung Đông – Bắc Phi rơi vào cuộc khủng hoảng do “Mùa xuân Ả Rrập” mang lại đều nghèo đói;

Mà ngược lại, có những nước đang nằm trong nhóm các quốc gia đang phát triển, với GDP bình quân đầu người khá cao.

Lybia từng là nước giàu nhất châu Phi, có GDP bình quân đầu người năm 2010 là 12.000 USD.

Tunisia từng là một trong những quốc gia phát triển thịnh vượng ở Bắc Phi, được xem là một điển hình kinh tế ở châu Phi.

Trong khi đó Ai Cập được lọt vào nhóm “Tám sư tử châu Phi” về phát triển kinh tế.

Chỉ có Yemen là có sự khác biệt.

Có một điều phải thừa nhận rằng, ở các quốc gia này, sự phân cực giàu nghèo là rất lớn, điều kiện sống của người dân không được chính phủ quan tâm;

Tình trạng độc đoán, quan liêu, tham nhũng hoành hành; nội bộ giới cầm quyền mất đoàn kết, hình thành lợi ích nhóm giữa các phe phái.

Đây chính là nguyên nhân bên trong và là kẽ hở nghiêm trọng để các thế lực bên ngoài lợi dụng can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia đó, gây nên tình hỗn loạn về chính trị và dẫn đến khủng hoảng, xung đột.

Các thế lực bên ngoài với những toan tính lợi của mình, khi nhìn thấy nguồn tài nguyên thiên nhiên rất lớn, nhất là dầu mỏ cùng vị trí địa chiến lược rất quan trọng ở các nước Trung Đông – Bắc Phi nên đã tìm cách can thiệp vào.

Họ muốn thiết lập chính phủ thân mình để tiện bề cho việc thực hiện những toan tính.

Bên cạnh đó, các thế lực bên ngoài còn hỗ trợ cho sự ra đời và nuôi dưỡng hàng trăm tổ chức phi chính phủ, đầu tư phát triển mạng xã hội và hậu thuẫn cho các lực lượng chính trị đối lập để chuẩn bị cho các cuộc “cách mạng” lật đổ chính quyền đương nhiệm và thiết lập chính quyền mới.

Hệ quả từ những nguyên nhân vừa trực tiếp vừa sâu xa, vừa bên trong vừa bên ngoài này đã đẩy các nước ở Trung Đông – Bắc Phi rơi vào khủng hoảng, với những cuộc đấu đá quyền lực đẫm máu giữa các phe phái ở trong nước, cùng sự tranh giành ảnh hưởng của các thế lực bên ngoài.

Từ đó đã gây nên thảm cảnh “huynh đệ tương tàn”, nồi da nấu thịt người dân, mà Ai Cập, Lybia, Syria, Yemen là những minh chứng rõ ràng nhất cho cuộc “cách mạng mùa xuân” này.

Tính riêng cuộc khủng hoảng ở Yemen, trong hơn hai năm qua – kể từ khi nổ ra cuộc chiến tranh quy mô lớn, đã cướp đi sinh mạng của gần 10.000 dân thường, trong đó có khoảng 20% là trẻ em;

Hơn 49.000 người bị thương, gần 200.000 người phải tị nạn sang các nước láng giềng và hơn 20 triệu người cần phải được hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp cả về lương thực và thuốc chữa bệnh, đã tạo ra một thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.

Có lẽ hiện tại, những người dân ở các nước trong khu vực Trung Đông – Bắc Phi nói chung – nơi đã từng bị “Mùa xuân Ả Rrập” quét qua và ở Yemen nói riêng, sẽ lại đang mơ ước được trở lại những ngày tiền “Mùa xuân Ả Rrập”.

Bởi tuy những ngày đó cuộc sống của họ có thể vẫn vất vả, tình trạng chính trị – xã hội ở những khía cạnh nào đó có thể khiến họ chưa bằng lòng, nhưng dù sao họ vẫn có được một cuộc sống bình yên, đất nước họ không có chiến tranh và không phải đổ máu.

Rõ ràng, những viễn cảnh “thiên đường” của “Mùa xuân Ả Rrập” chẳng qua cũng chỉ là những “bánh vẽ”.

Sự ngộ nhận của người dân về một “thiên đường của mùa xuân” đã khiến họ tự chuốc lấy thảm kịch, mà không thể tìm đâu ra lối thoát để trở về những năm tháng tiền “mùa xuân”.

Tự nắm lấy vận mệnh, đừng dựa vào ngoại bang

Những hệ lụy đau lòng về “Mùa xuân Ả Rrập” sẽ còn tiếp tục tác động sâu sắc đến tình hình các nước mà nó đã quét qua và sẽ là bài học xương máu cho các nhà cầm quyền, các đảng đối lập và người dân ở tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước nhỏ.

Các nước nhỏ cần phải biết tự đứng lên, tự nắm lấy vận mệnh của mình, đừng ảo tưởng vào một sự giúp đỡ, ban ơn của bất kỳ thế lực nào bên ngoài.

Bởi sẽ không ai và không có thế lực nào bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của các nước nhỏ mà không mang theo những toan tính lợi ích của họ.

Tuy nhiên, để tự nắm lấy được vận mệnh của mình, trước hết, các nước nhỏ luôn phải hướng tới mục tiêu xây dựng được đất nước ngày càng ổn định, dân chủ, công bằng và phồn vinh.

Từ bài học “Mùa xuân Ả Rrập”, xin đưa ra mấy điều suy ngẫm.

Thứ nhất, các nhà lãnh đạo và những người nằm trong bộ máy công quyền luôn cần phải có quan điểm vì dân, vì nước, xây dựng bộ máy lãnh đạo trong sạch vững mạnh, luôn biết quan tâm chăm lo đến đời sống nhân dân và tạo sự công bằng trong xã hội.

Nhìn lại cuộc khủng hoảng của các nước đã bị “mùa xuân Ả Rrập” quét qua, các nhà lãnh đạo bị lật đổ của các nước này đều đã từng được coi là những người anh hùng trong cuộc chiến chống chủ nghĩa thực dân giành độc lập cho dân tộc của họ.

Khi cơ cực, họ là những người anh hùng, thế nhưng khi được hưởng giàu sang phú quý, thì họ đã không còn là chính mình.

Một số vị đã trở nên độc đoán, chuyên quyền, tham ô, tham nhũng, không còn quan tâm một cách đầy đủ đến cuộc sống của người dân, dẫn đến toàn bộ bộ máy công quyền cũng trở nên quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân.

Hậu quả đem đến là một xã hội thiếu dân chủ, mất công bằng, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, tệ nạn xã hội hoành hành, tạo nên những bức xúc trong lòng xã hội.

Và đây cũng chính là “điểm yếu”, là kẽ hở để các thế lực bên ngoài can thiệp, kích động, lôi kéo người dân, làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn xã hội, để rồi bị đẩy lên cao trào trở thành các cuộc nổi dậy, biểu tình lật đổ chính phủ.

Thứ hai, hãy lấy dân làm gốc và đừng bao giờ đổ lỗi cho người dân về những bất ổn chính trị – xã hội của đất nước.

Người dân ở bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, họ chỉ luôn quan tâm đến những quyền lợi trực tiếp và trước mắt của họ, đó là cuộc sống bình yên, là cơm áo, gạo tiền, là các giá trị phổ quát mà họ có quyền được hưởng như quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Chính trị đối với những người dân bình thường cũng không ở đâu xa mà chính là cuộc sống của họ.

Cho nên, lãnh đạo các nước muốn giữ được địa vị của mình thì hãy lấy dân làm gốc, lấy dân làm nền tảng cho những quyết sách chính trị của mình.

Khi nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, họ sẽ ủng hộ chính quyền, thậm chí sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ chính quyền, họ sẽ không phải nghe ai, đi theo ai để làm đảo lộn cuộc yên bình của họ.

Thực tế của “Mùa xuân Ả Rrập” đã chỉ ra rằng, người dân chỉ là công cụ và là nạn nhân của các cuộc tranh giành quyền lực.

Bởi vậy, đừng nên và đừng bao giờ đổ lỗi cho người dân về những bất ổn chính trị – xã hội, mà nguyên nhân sâu xa lại do chính những người cầm quyền tạo ra.

Còn đối với người dân, cần phải nêu cao tinh thần cảnh giác trước bất kỳ lời mời gọi nào từ các thế lực ngoại bang. Chỉ có dân tộc mình mới quyết định được tương lai của chính mình, nếu không sẽ trở thành con rối, hay miếng mồi cho kẻ khác.

Thứ ba, cần phải xây dựng một tinh thần đoàn kết, thống nhất trong nội bộ lãnh đạo và lựa chọn đúng những người có đủ đức, đủ tài vào các chức vụ chủ chốt trong bộ máy công quyền.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới “Mùa xuân Ả Rrập” là tình trạng phe phái trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đất nước theo những toan tính cá nhân thực dụng vì đặc quyền đặc lợi của gia tộc và các nhóm lợi ích;

Khiến nội bộ bị chia rẽ, mất đoàn kết và phân hóa sâu sắc, từ đó làm suy giảm lòng tin và gây bất bình trong nhân dân.

Do đó, giới lãnh đạo các nước nếu thực sự vì dân, vì nước, cần phải tạo ra một tinh thần đoàn kết chặt chẽ, ngăn chặn và chấm dứt tình trạng phe phái, đối lập trong nội bộ;

Và hãy công tâm, chính xác trong việc lựa chọn những người có đủ đức, đủ tài vào các vị trí lãnh đạo trong bộ máy công quyền.

Đừng vì những lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm trước mắt mà sử dụng những người không đủ phẩm chất, năng lực, sẽ tạo nên những “con sâu, con mọt” gây hại cho đất nước, cho chế độ.

Thứ tư, cần phải có chính sách đúng đắn, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững, giữ vững độc lập tự chủ cả về kinh tế và chính trị.

Sự phát triển bền vững của nền kinh tế là nền tảng vật chất bảo đảm cho sự ổn định và phát triển của đất nước.

Nếu nền kinh tế lâm vào khủng hoảng và suy thoái, tình trạng thất nghiệp, nghèo đói gia tăng, đời sống của nhân dân lâm vào cảnh túng quẫn thì đất nước sẽ rơi vào mất ổn định chính trị.

Chính cục diện này sẽ tạo điều kiện cho các thế lực bên ngoài lôi kéo và kích động nhân dân biểu tình, nổi dậy lật đổ chính quyền, làm sụp đổ chế độ.

Do vậy, giới lãnh đạo cần phải có chính sách đổi mới, quan tâm chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo việc làm và các phúc lợi xã hội.

Có quan điểm chính trị đúng đắn, độc lập tự chủ, vì lợi ích quốc gia dân tộc, không để cho các thế lực bên ngoài thao túng cả về kinh tế và chính trị, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của đất nước.

Có thể nói rằng, “Mùa xuân Ả Rrập” đã cho tất cả các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước nhỏ một bài học về độc lập, tự chủ và lấy dân làm gốc trong các quyết sách chính trị của giới cầm quyền.

Vì vậy, từ người lãnh đạo cao nhất, cho đến các đảng phái đối lập và những người dân bình thường hãy đừng bao giờ mơ mộng và ảo tưởng về một “mùa xuân” như đã từng xảy ra ở Trung Đông – Bắc Phi, bởi sẽ không ai lo cho mình bằng chính tự mình nắm lấy vận mệnh của mình.

Theo PHẠM DOÃN TÌNH / GIÁO DỤC VIỆT NAM (2017)

Tags: , , ,