An sinh xã hội và phúc lợi xã hội: Những điểm giống và khác nhau

“Không có xã hội nào có thể chắc chắn hưng thịnh và có hạnh phúc khi phần lớn người dân phải sống trong cảnh nghèo đói và khổ cực” – Adam Smith, 1776.

An sinh xã hội và phúc lợi xã hội: Những điểm giống và khác nhau

An sinh xã hội và Phúc lợi xã hội là những cụm từ hiện nay đang được sử dụng nhiều trong các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trong các bài viết, các nghiên cứu. Điều này cho thấy đây là những vấn đề có tính “thời sự” trong đời sống xã hội ở Việt nam. Tuy nhiên, do tính phức tạp và tính phát triển của an sinh xã hội và phúc lợi xã hội nên hai vấn đề này được tiếp cận ở nhiều giác độ khác nhau và với những quan điểm khác nhau. Trong hoạt động thực tiễn, giữa an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đôi khi cũng có sự đan xen về nội dung cũng như hình thức. Điều này, đôi khi tạo ra sự nhầm lẫn, đồng nhất giữa an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Bài viết này hy vọng làm sáng tỏ phần nào những sự tương đồng và khác biệt giữa an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Về An sinh xã hội

Gần đây cụm từ an sinh xã hội đã dùng tương đối phổ biến ở nước ta và được tiếp cận từ nhiều giác độ khác nhau và đã có nhiều bài viết về vấn đề này. Do vậy, trong bài viết này, chúng tôi không bàn luận nhiều về lịch sử phát triển và bản chất của an sinh xã hội. Tuy nhiên, theo chúng tôi, để hiểu một cách thống nhất, nên sử dụng khái niệm đã được tổ chức lao động quốc tế (ILO) công nhận: an sinh xã hội là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình thông qua một loạt các biện pháp công cộng, nhằm chống lại những khó khăn về kinh tế và xã hội do bị ngừng hoặc giảm thu nhập, gây ra bởi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, thương tật, tuổi già và chết; đồng thời đảm bảo các chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình đông con.

Như vậy, về mặt bản chất, an sinh xã hội là góp phần đảm bảo thu nhập và đời sống cho các công dân trong xã hội. Phương thức hoạt động là thông qua các biện pháp công cộng. Mục đích là tạo ra sự “an sinh” cho mọi thành viên trong xã hội và vì vậy mang tính xã hội và tính nhân văn sâu sắc, và đây cũng là tư tưởng muốn hướng tới của Adam Smith nêu trên – hướng tới sự hưng thịnh và hạnh phúc cho mọi người và cho xã hội.

Về mặt cấu trúc, trên giác độ khái quát nhất, an sinh xã hội gồm những bộ phận cơ bản là: Bảo hiểm xã hội; Trợ giúp xã hội; Trợ cấp gia đình; Các dịch vụ xã hội khác được tài trợ bằng nguồn vốn công cộng…

Như vậy, an sinh xã hội là một phạm trù kinh tế-xã hội, có nội hàm rất rộng và mặc dù phương thức thực hiện là công cộng, nhưng nếu phân định theo nguồn lực thì có thể thấy bao gồm từ sự đóng góp của các bên tham gia vào một quỹ nhất định (ví dụ quỹ BHXH), từ ngân sách nhà nước, thông qua thuế (ví dụ cho các trợ cấp xã hội) hoặc cũng có thể từ sự đóng góp của các nhà hảo tâm (trong các hoạt động trợ giúp xã hội)…

Về phúc lợi xã hội

Thuật ngữ phúc lợi xã hội được dịch từ tiếng Anh là Social welfare. Tuy nhiên, ở Việt nam có những nơi, có những tài liệu dịch Social welfare theo nghĩa của bảo trợ xã hội. Điều này cũng dễ hiểu bởi có những nội dung của phúc lợi xã hội trùng với những hoạt động trợ giúp xã hội. phúc lợi xã hội, chung nhất được hiểu là một hệ thống các chính sách, các chương trình và các dịch vụ nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của xã hội hoặc các nhóm xã hội khác nhau về đời sống, kinh tế, văn hoá, tinh thần, giáo dục và chăm sóc sức khoẻ…Theo chúng tôi, các chính sách và giải pháp phúc lợi xã hội tập trung vào nhóm người yếu thế, nhóm người thiệt thòi trong xã hội nhiều hơn nhằm hướng tới sự công bằng xã hội. Theo từ điển Bách khoa Việt nam, phúc lợi xã hội là một bộ phận thu nhập quốc dân được sử dụng nhằm thoả mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của các thành viên trong xã hội, chủ yếu được phân phối ngoài thu nhập theo lao động, phân phối lại. Như vậy, về khía cạnh này, giữa an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đã có sự khác biệt. Nếu như trong an sinh xã hội phân phối trong thu nhập theo lao động là chủ yếu (đặc biệt là đối với bảo hiểm xã hội), thì trong phúc lợi xã hội, phân phối ngoài thu nhập theo lao động lại là chủ yếu.

Dưới giác độ kinh tế học phúc lợi, phúc lợi xã hội là những biện pháp của nhà nước và xã hội nhằm khắc phục những “thất bại”, khiếm khuyết của thị trường. Bản chất của phúc lợi xã hội là làm giảm thiểu sự bất công bằng trong xã hội, đảm bảo cho các thành viên trong xã hội đều có thể thụ hưởng những cái “chung” của xã hội. Một mặt phải làm cho cái “bánh” của xã hội to ra; mặt khác phải “chia” cái bánh đó “hợp lý”. Như vậy, một lần nữa, có thể thấy giữa an sinh xã hội và phúc lợi xã hội có sự khác biệt. Nếu như mục tiêu của an sinh xã hội là góp phần đảm bảo thu nhập thì mục tiêu của phúc lợi xã hội là giảm bớt sự bất công bằng xã hội. Tuy nhiên, giữa an sinh xã hội và phúc lợi xã hội có cùng một mục tiêu hướng đến là một xã hội hưng thịnh và hạnh phúc cho mọi người (A. Smith).

Trong kinh tế học phúc lợi, một vấn đề thường được đưa ra bàn luận trong phúc lợi xã hội là mối quan hệ giữa hiệu quả và công bằng. Liệu có thể đánh đổi, “hy sinh” hiệu quả (kinh tế, xã hội…) để có đạt được công bằng xã hội hay không? hoặc đánh đổi thì ở giới hạn nào có lợi nhất, vừa đạt được hiệu quả, vừa đảm bảo được công bằng. Trong nền kinh tế thị trường, với việc tối đa hóa lợi nhuận, các doanh nghiệp phải tính đến hiệu quả kinh tế với việc giảm thiểu các chi phí, trong đó có các chi phí cho phúc lợi xã hội. Ngược lại, Chính phủ muốn xã hội ổn định, phải có các giải pháp, chính sách để giảm bớt sự bất công trong xã hội. Hai mục tiêu này dường như là mâu thuẫn khó dung hoà. Tuy nhiên, trên thực tế, kinh tế học phúc lợi đã chỉ ra rằng xã hội sẽ phát triển bền vững nếu như dung hoà được hiệu quả và công bằng.

Kinh tế học phúc lợi xã hội chỉ ra rằng, trong phúc lợi xã hội vai trò của Chính phủ là rất lớn và chỉ có Chính phủ mới có thể điều chỉnh được những khiếm khuyết, những thất bại của thị trường. Ví dụ, để phát triển kinh tế- xã hội giữa hai bờ sông Hồng cần phải xây dựng một số cầu. Nếu chỉ vì lợi nhuận, chưa chắc đã có doanh nghiệp nào tự xây cầu. Nhưng vì lợi ích chung nên Chính phủ phải tổ chức xây dựng cầu (bằng nguồn vốn nhà nước) và đây cũng là sự khác biệt giữa an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Đối với các nhà hoạch định chính sách phúc lợi xã hội là làm sao tiếp cận đến sự cân bằng hai yếu tố hiệu quả và công bằng, cái gì có thể đánh đổi được và cái gì là không thể để đạt được cả hai yếu tố này. Như vậy, về bản chất, phúc lợi xã hội không phải là sự cho không mà đó là chính sách và các giải pháp của Chính phủ, với nguồn lực còn hạn chế, phải đảm bảo đem lại lợi ích cho số đông, nhưng không vì thế mà làm tổn hại đến lợi ích của số ít; đồng thời phải tiệm cận được hai yếu tố hiệu quả và công bằng.

Tóm lại, giữa an sinh xã hội và phúc lợi xã hội có những điểm giống, nhưng không phải là đồng nhất. An sinh xã hội là sự phân phối lại thu nhập, còn phúc lợi xã hội hướng tới sự công bằng. Phúc lợi xã hội là một trong những đối trọng của “tăng trưởng”, là một trong những thành tố của sự phát triển. Chính sách phúc lợi xã hội hướng tới đảm bảo sự cân bằng được giữa hiệu quả và công bằng. Chính sách phúc lợi xã hội phải là động lực để tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Tuy trên, trên thực tế, việc xây dựng và thực hiện chính sách phúc lợi xã hội để đạt được hai mục tiêu trên phụ thuộc nhiều vào năng lực xây dựng chính sách và năng lực tổ chức thực hiện của những người thực thi chính sách.

Theo PGS-TS MẠC VĂN TIẾN / BHXHBQP.VN

Tags: ,