⠀
Ẩn họa cho người Việt khi lạm dụng thứ không phải là thuốc
Ở nhiều bệnh viện, bác sĩ lách luật, khi kê đơn cho người bệnh thì kê 2 đơn, một đơn thuốc và một đơn thực phẩm chức năng, mà giá tiền cái đơn thực phẩm chức năng nhiều khi cao gấp mấy lần cái đơn thuốc.
Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân.
Dân gian thường quan niệm uống thuốc bổ vào người “không bổ ngang thì bổ dọc” và không ảnh hưởng gì. Với thực phẩm chức năng cũng như vậy. Nhưng tình trạng lạm dụng khiến người bệnh tốn kém, và cũng có thể dẫn đến những hệ lụy về sức khỏe như tăng nguy cơ tác dụng phụ và phản ứng chéo giữa các thành phần khi dùng cùng một lúc…
Là một người làm việc trong ngành y, tôi thấy thái độ của xã hội với thực phẩm chức năng khá là chia rẽ. Phần đông thì tin vào tác dụng của những sản phẩm này, thậm chí có những người cho rằng nó có tác dụng thần kỳ. Một số khác lại khá là ác cảm với mấy từ thực phẩm chức năng. Vậy thì thực chất nó có tác dụng gì cho sức khỏe con người?
Theo khoản 23 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm năm 2010, thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học.
Như vậy, thực phẩm chức năng được pháp luật công nhận là có ích cho cuộc sống. Chúng ta đều biết với cuộc sống bận rộn, hoặc trong một số điều kiện khó khăn riêng, không phải lúc nào bữa ăn cũng cung cấp cho con người đủ dưỡng chất cần thiết. Vì thế thực phẩm chức năng bổ sung đầy đủ các chất thiết yếu, sẽ là tốt cho sức khỏe con người. Không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới, doanh số thực phẩm chức năng luôn rất cao.
Ví dụ, dù sức khỏe bình thường nhưng nếu có điều kiện thì chúng ta cũng nên uống bổ sung một viên multi vitamin theo định kỳ, để được cung cấp đầy đủ các vitamin và khoáng chất thiết yếu. Khi bị rối loạn tiêu hóa mức nhẹ, ta có thể uống bổ sung vi khuẩn đường ruột có ích và một số enzym tiêu hóa. Khi tập thể thao ta có thể uống bổ sung khoáng chất để bù lại lượng muối đã mất và uống thêm protein để tăng cơ…
Tuy nhiên ranh giới giữa thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh nhiều khi không rõ ràng. Ví dụ vitamin B1, khi người bệnh bị bệnh tê phù do thiếu B1 thì phải tiêm vitamin B1. Lúc đó vitamin B1 là thuốc. Nhưng khi người ta khỏe mạnh, hàng ngày uống một viên multi vitamin, trong thành phần đó có vitamin B1, thì lúc ấy B1 là thực phẩm chức năng. Cũng tương tự như vậy, khi người bệnh đi ngoài mất nước mất muối, cần phải truyền các loại muối, thì khi đó muối là thuốc. Nhưng khi ta tập thể thao, ta uống một chai muối khoáng, thì lúc đó các loại muối ấy là thực phẩm chức năng…
Tất cả câu chuyện rắc rối bắt nguồn từ việc phân biệt thế nào là thực phẩm chức năng, thế nào là thuốc. Theo quy định của luật pháp thì tất cả thực phẩm chức năng không phải là thuốc, và khi quảng cáo phải luôn đi kèm với câu: “Không phải là thuốc và không thay thế thuốc chữa bệnh”. Nhưng trong suy nghĩ của nhiều người dân, cái gì chữa được bệnh đều gọi là “thuốc”. Lối suy nghĩ đó đã bị nhiều kẻ kinh doanh trục lợi, quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng thần kỳ như thuốc và bán với giá trên trời.
Ở ta nhiều người có suy nghĩ trộn lẫn giữa y học hiện đại và y học cổ truyền, đặc điểm này dễ dẫn đến sự nhầm lẫn giữa thực phẩm chức năng và thuốc. Trong khi hiếm nước nào trên thế giới lại có lối suy nghĩ lẫn lộn như vậy. Một ví dụ để thấy hàng ngày chúng ta đã vô tư trộn lẫn cổ kim như thế nào. Như có ai đó bị ngứa, liền có người khuyên: “nóng gan đấy, uống cái gì cho mát gan đi”. Phân tích câu này ra, ta sẽ thấy: Một số trường hợp ngứa đúng là do ứ mật trong gan, nhưng đại đa số ngứa là phản ứng dị ứng, không liên quan gì tới gan. Trong y học hiện đại không có khái niệm “nóng gan” và “mát gan”. Nóng và mát là khái niệm của y học cổ truyền. Mà chính xác ra phải nói là “nóng can” và “mát can”.
Từ cái lối suy nghĩ trộn lẫn giữa y học hiện đại và y học cổ truyền nên rất nhiều bài thuốc y học cổ truyền khi sản xuất thì xin phép như thực phẩm chức năng, nhưng khi quảng cáo lại quảng cáo như thuốc. Mà người dân mình cũng rất vị tha, khi uống các loại thực phẩm chức năng quảng cáo như thuốc ấy mà không thấy hiệu quả, lại tự giải thích rằng, “Y học cổ truyền nó thế, chậm mà chắc!”.
Với thực phẩm chức năng, tôi có một kỷ niệm không vui. Chuyện là cách đây hơn 20 năm, khi đó tôi đang làm ở một bệnh viện lớn ở TPHCM, thì một hôm có hai bạn trẻ vào xin gặp và tự giới thiệu là nhân viên của công ty chuyên kinh doanh sản phẩm từ một loại cây. Hai bạn đó nói rất hùng hồn về tác dụng kỳ diệu của loại cây này rồi mời tôi đến thăm trụ sở công ty để bàn chuyện hợp tác.
Tôi nhận lời đến thăm công ty. Khi đến, tôi chứng kiến một đám đông rất lớn đang tụ tập lấy hàng trả tiền, mà những người đang mua bán đó trông không có vẻ gì là có liên quan đến ngành Y cả. Tò mò, tôi thâm nhập thực tế thì được chào mời mua sản phẩm cùng các hướng dẫn về bí kíp quảng cáo, tỷ lệ ăn chia sản phẩm, đúng kiểu của một công ty kinh doanh đa cấp. Thế là bao ý tưởng thơ ngây về một hợp tác nghiên cứu khoa học đã tan vỡ. Tất cả sự thật trần trụi là kinh doanh đa cấp mà thôi. Tôi bỏ về không tiếp xúc với công ty nữa.
Sau khi tìm hiểu thêm, tôi có viết một bài báo đăng trên tờ báo ngành Y tế, phản ánh về việc thổi phồng quá mức tác dụng chữa bệnh của thành phần có trong loại cây để kinh doanh đa cấp. Từ một sản phẩm rất rẻ nhập nước ngoài về, sau nhiều vòng xoay đã biến thành dược phẩm thần kỳ chữa bách bệnh. Sau bài báo, tôi chịu nhiều sức ép lẫn dọa dẫm từ phía công ty và những người liên quan. Đỉnh điểm là họ mời tôi đến đối chất tại công ty, có luật sư tham dự, dọa kiện tôi ra tòa. Tuy nhiên sau một hồi đấu lý giữa một mình tôi với cả một ban của công ty, họ xuống nước, năn nỉ xin tôi “đình chiến”, mong tôi không viết gì thêm, còn về phía họ cũng không gây khó dễ gì cho tôi nữa. Xét tình thế cô độc của mình lúc đó, tôi đồng ý với giải pháp ấy.
Khoảng một thời gian lâu sau đó, nhiều tờ báo vào cuộc, tung loạt bài về công ty nêu trên kinh doanh đa cấp thực phẩm chức năng. Các phóng viên với nghiệp vụ chuyên môn đã bóc ra giá thật sự khi nhập khẩu sản phẩm và giá đa cấp đến tay người tiêu dùng. Sự thật còn kinh khủng hơn phản ánh trong bài báo của tôi viết trước đó nhiều lần…
Bây giờ sau hơn hai mươi năm, tôi thấy thị trường kinh doanh thực phẩm chức năng phát triển hơn trước rất nhiều lần. Tốt có, xấu có, nhưng vấn đề là với người dân bình thường thì không dễ để phân biệt, không dễ để lựa chọn.
Qua theo dõi thị trường, tôi thấy các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ y học hiện đại, như các loại vitamin, khoáng chất, bột protein, collagen, glucosamine, omega 3-6… thì tương đối ổn định cả về tác dụng và giá cả. Người dân cũng hiểu được tác dụng bổ sung của nó và ít khi nhầm lẫn với thuốc chữa bệnh.
Vấn đề chủ yếu nằm ở các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ y học cổ truyền, được quảng cáo như thuốc chữa bệnh. Có thể nói hầu như tất cả các bệnh nặng khó chữa của ngành y, từ ung thư, tim mạch, tiểu đường đến bệnh nội tiết, thần kinh, cơ xương khớp, tiết niệu…, đều có thực phẩm chức năng được quảng cáo là “chữa được hết”. Nhiều người dân tin đó là thuốc, sẵn sàng bỏ thuốc để uống thực phẩm chức năng “cho nó lành”, dẫn đến vừa bỏ lỡ cơ hội chữa bệnh, vừa tốn tiền vô ích.
Để giúp cho người dân phân biệt đâu là thuốc, đâu là thực phẩm chức năng cần có sự tham gia kiên trì của ngành Y và các cơ quan truyền thông. Tôi tổng hợp một số điểm để bạn đọc dễ nhận biết. Điều phân biệt đầu tiên là thuốc thì phải có giấy phép lưu hành của cục Dược Bộ Y tế; còn thực phẩm chức năng thì chỉ cần có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm của Cục An toàn thực phẩm là đủ.
Điều tiếp theo, thuốc (thuốc kê đơn; thuốc hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc) thì không được phép quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nên tất cả những gì chúng ta nghe, nhìn thấy trên truyền thông đều là thực phẩm chức năng và số ít thuốc không kê đơn. Điều cuối cùng, nhưng rất quan trọng để nhận biết, đó là nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo với những tác dụng “chữa bệnh thần kỳ”.
Ngành y từ lâu đã quy định bác sĩ trong các bệnh viện không được kê đơn thuốc lẫn với thực phẩm chức năng. Nhưng pháp luật không cấm bác sĩ kê đơn thực phẩm chức năng, vì dù sao, thực phẩm chức năng vẫn là một mặt hàng lưu thông hợp pháp trên thị trường.
Thế là ta thấy ở nhiều bệnh viện, bác sĩ lách luật, khi kê đơn cho người bệnh thì kê 2 đơn, một đơn thuốc và một đơn thực phẩm chức năng, mà giá tiền cái đơn thực phẩm chức năng nhiều khi cao gấp mấy lần cái đơn thuốc. Với những đồng nghiệp như vậy tôi cũng không biết nói gì hơn. Chỉ hy vọng cuộc sống này dần dần cái tốt sẽ thắng thế cái xấu.
Theo DÂN TRÍ
Tags: Y học