20 năm Mỹ xâm lược Iraq: Bài học từ sự ngạo mạn của chủ nghĩa đế quốc

Tờ Online NNZ của Thụy Sĩ nhận định rằng cuộc xâm lược Iraq đã định hình Trung Đông cho đến ngày nay và cho thấy hậu quả chết người từ sự ngạo mạn của chủ nghĩa đế quốc. Thậm chí, 20 năm sau ngày quân đội Mỹ can thiệp chống lại Saddam Hussein, những làn sóng xung kích vẫn chưa lắng xuống.

20 năm cuộc xâm lược Iraq của Mỹ: Bài học từ sự ngạo mạn của chủ nghĩa đế quốc

Sự thất bại đã cho người Mỹ thấy giới hạn sức mạnh của chính họ và có vẻ như đã cho thấy một bài học về những cuộc phiêu lưu xa hơn trong tương lai.

Những hệ lụy không được lường trước

Khi quân đội Mỹ và Anh vượt qua biên giới Iraq vào ngày 20/3/2003, quân đội Iraq nhanh chóng sụp đổ. Suy yếu vì nhiều năm bị bao vây cấm vận, họ ít có khả năng chống lại các lực lượng xâm lược vượt trội về công nghệ.

Thế nhưng, Baghdad thất thủ không đánh dấu sự kết thúc của cuộc giao tranh. Thay vào đó, một cuộc nổi dậy chống lại quân chiếm đóng đã nổ ra ngay lập tức, khốc liệt và dai dẳng, khiến khoảng 4.800 binh sĩ thiệt mạng cho đến thời điểm quân đội đồng minh rời đi vào năm 2011. Đồng thời, căng thẳng lâu dài giữa người Shiite và người Sunni bùng phát thành bạo lực tàn bạo.

Cuộc xâm lược của Mỹ đối với Iraq giống như hòn đá ném xuống nước: Đầu tiên nó tạo ra những đợt sóng, sau đó tiếp tục quay vòng và… chìm nghỉm. Chỉ trong 3 tuần, người Mỹ và liên quân (chủ yếu là Anh) đã hạ bệ Tổng thống Saddam Hussein. Tuy nhiên, sự sụp đổ của chế độ Baathist lại đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc chiến vốn nhanh chóng vượt quá sự kiểm soát của người Mỹ. Nhiều người cho rằng, những làn sóng mà cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đã gây ra với sự thay đổi chế độ ở Baghdad vẫn có thể được cảm nhận ở Trung Đông ngày nay.

Cùng với việc Iran, đã vươn lên thành cường quốc khu vực bởi sự sụp đổ của đối thủ quan trọng nhất của họ trong khu vực, thì cuộc chiến Iraq của Mỹ là một loại “dung môi” cực kỳ tốt cho sự lan rộng của Nhà nước Hồi giáo (IS). Nhóm cực đoan này đã nổi lên từ cuộc nổi dậy chống lại sự chiếm đóng của Mỹ. Tổ chức này tìm thấy nơi sản sinh của mình trong sự tức giận của người Sunni về việc họ bị gạt ra ngoài lề trong hệ thống và tình trạng tham nhũng mà người Mỹ đã thiết lập sau khi chế độ Baathist bị lật đổ.

Cuộc xâm lược dựa trên thông tin tình báo sai lệch đã gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín và vị thế của Mỹ ở Trung Đông. Kể từ vụ bê bối tra tấn ở nhà tù Abu Ghraib, nhiều người Arab đã cho rằng vận động nhân quyền của Mỹ là dối trá. Cho đến tận bây giờ, những lời chỉ trích của Mỹ về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga với Ukraina cũng không thuyết phục được nhiều người ở Trung Đông, bởi vì họ vẫn chưa quên cách người Mỹ xâm chiếm một quốc gia có chủ quyền bất chấp luật pháp quốc tế.

Trách nhiệm còn đấy…

Trên thực tế, thất bại của Mỹ và đồng minh tại Iraq không có gì ngạc nhiên. Nhiều chuyên gia trong nước đã sớm cảnh báo rằng sự sụp đổ của chế độ Saddam Hussein có thể đẩy đất nước bị chia rẽ sâu sắc về sắc tộc, tôn giáo và dẫn đến một cuộc nội chiến. Các chuyên gia quân sự thì cảnh báo rằng quân đội của đồng minh, với 160.000 binh sĩ là quá mỏng để có thể kiểm soát một đất nước 27 triệu dân trong dài hạn. Thế nhưng, Mỹ đã phớt lờ những cảnh báo.

Rõ ràng Mỹ không có kế hoạch nào cho giai đoạn hậu xâm lược mà chỉ dựa vào một số ít người Iraq lưu vong, những người đã mất liên lạc với quê hương của họ từ lâu và có rất ít sự hỗ trợ ở đó. Sự đảm bảo của họ rằng người Iraq sẽ chào đón những kẻ xâm lược với tư cách là những người giải phóng đã tỏ ra sai lầm.

Cả các chính trị gia ở Washington lẫn binh lính địa phương đều không biết nhiều về cấu trúc xã hội phức tạp và lịch sử chính trị của đất nước Iraq. Họ không nhận thức được tầm quan trọng của các bộ lạc ở Iraq cũng như sự đối kháng giáo phái giữa đa số người Shiite bị áp bức và thiểu số Sunni mà chế độ Baathist dựa vào. Bên cạnh đó, người Mỹ cũng đã chuẩn bị rất kém khi nội chiến nổ ra. Ngoài ra, một số quyết định sai lầm của nhà quản lý dân sự Paul Bremer lẽ ra có thể tránh được – trên hết là quyết định giải tán quân đội Iraq và loại trừ các thành viên của đảng Baath khỏi nghĩa vụ dân sự. Cùng với đó, bộ máy hành chính nhà nước sụp đổ, tiếp theo là việc hàng trăm nghìn công chức dày dạn kinh nghiệm và những người lính thiện chiến bị sa thải không chút do dự. Thất nghiệp và chán nản, nhiều người trong số họ đã lựa chọn cầm súng. Rất nhiều thành viên Baath gia nhập Al-Qaeda. Tổ chức Body Count của Iraq đã thống kê được 114.000 dân thường thiệt mạng trước khi quân đồng minh rút đi vào năm 2011.

Trước khi rút quân vào năm 2011, Mỹ đã chi 780 tỷ USD cho chiến dịch quân sự ở Iraq. Họ cũng đầu tư thêm nhiều tỷ USD vào việc phát triển cơ sở hạ tầng hành chính và dân sự của nhà nước. Dù vậy, họ đã không thành công trong việc xây dựng một nhà nước có thể vận hành hiệu quả. Nhiều vấn đề của Iraq có từ trước năm 2003 vẫn tiếp tục, thậm chí trở nên trầm trọng hơn. Nguồn cung cấp điện và nước gặp vấn đề ở nhiều nơi trên cả nước. Tình hình y tế và giáo dục sa sút. Cho đến nay, đất nước này vẫn chưa thoát khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ. Thị trường lao động không thể đáp ứng do dân số tăng nhanh. Những người trẻ tuổi không nhìn thấy triển vọng phát triển trong nước. Các vấn đề môi trường như thiếu nước và sóng nhiệt gây ra nhiều vấn đề.

Phần lớn người Mỹ đã quay lưng lại với Iraq. Họ gần như không muốn làm gì hơn với trang sử đau đớn và đáng xấu hổ này. Nhưng, nhân kỷ niệm 20 năm cuộc xâm lược, họ nên nhớ trách nhiệm của họ đối với đất nước này. Năm 2003, đa số đã ủng hộ Mỹ phát động cuộc xâm lược, mặc dù nhiều người nghi ngờ việc Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc có liên quan đến vụ tấn công ngày 11/9.

Theo AN NINH THẾ GIỚI

Tags: , , , ,