Vì sao dân ta dễ bị lừa đảo đến như vậy?

Có một nghịch lý là những người từng bị lừa đảo lại dễ bị lừa tiếp nhất nên kẻ xấu luôn khai thác tối đa đặc điểm này. Nếu đã bị lừa, hãy chấp nhận sự thật, đừng sợ hãi hay xấu hổ.

Vì sao dân ta dễ bị lừa đảo đến như vậy?

Tác giả: Đức Nguyễn, chuyên gia tư vấn tài chính.

Chị gần như thả chiếc xe vào tay bác bảo vệ rồi ào đến chỗ tôi đang ngồi – trong một quán cà phê ở quận trung tâm TP HCM. “Cứu chị, có nên chuyển thêm 600 triệu nữa để lấy tiền về không?”.

Nghe đến đây, tôi đã hiểu phần nào cơ sự. Mọi chuyện bắt đầu khi có người rủ chị tham gia sàn Forex với hứa hẹn chắc thắng. Chị không tin, họ vẫn mời vào nhóm Telegram để quan sát.

Rồi một ngày, chị thử bỏ 500 nghìn vào tài khoản. Kỳ diệu thay, số tiền nhân đôi chỉ sau một lệnh. Chị rút hết tiền ra và chỉ trong năm phút, tiền đã về tài khoản. Chị vui nhưng vẫn cảnh giác. Sau vài lần vừa thử vừa lo, số tiền trong tài khoản của chị đã lên đến hai trăm triệu. Khi chị rút tiền, họ yêu cầu nộp thêm thuế thu nhập cá nhân và phí giao dịch.

Rồi các yêu cầu nối tiếp, chị phải nộp thêm số tiền lớn hơn. Chị vay mượn với hy vọng rút được tiền ra. Nhưng hệ thống liên tục báo lỗi nhập sai mã giao dịch, không rút được tiền.

Lúc này tổng số tiền chị bỏ ra đã hơn 400 triệu, và số dư tài khoản hơn 600 triệu. Chị căng thẳng tột độ, lo sợ gia đình phát hiện ra. Dù ngờ ngờ mình bị lừa, chị vẫn hy vọng. May mắn là chị chưa có ngay 600 triệu để chuyển khoản theo như hướng dẫn gần nhất.

Trong lúc bế tắc, chị nhớ đến tôi vì tôi từng có những buổi chia sẻ trực tuyến về chủ đề này. Nhưng tôi biết tin khi đã quá muộn, chỉ có thể ngăn chị bỏ thêm tiền vào; giúp chị xâu chuỗi lại sự việc, nhận ra các dấu hiệu lừa đảo để từ bỏ nốt hy vọng mong manh.

Hiện nay các vụ lừa đảo không chỉ được thực hiện bởi những cá nhân nhỏ lẻ mà đã hình thành các đường dây xuyên biên giới tinh vi và bài bản, quy tụ những kẻ có đầu óc thượng thừa trong khâu tổ chức, giăng lưới, dẫn dắt, đến tẩu tán tài sản. Việc phòng chống ngày càng phức tạp và khó khăn hơn.

Gần như trong mọi vụ lừa đảo trực tuyến, nạn nhân lại là người tiếp tay đắc lực nhất, là mắt xích yếu nhất để phòng chống. Đây là điều bất cứ ai cũng cần hiểu rõ để bảo vệ bản thân và gia đình. Không ai hoàn toàn miễn nhiễm trước lừa đảo, đề cao cảnh giác là nguyên tắc đầu tiên.

Các chuyên gia đã chia sẻ rất nhiều về mặt công nghệ để phòng chống, tôi chỉ tập trung vào khâu trọng yếu nhất, phòng tuyến đầu tiên – chính là người dùng. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người bị lừa đảo qua mạng cao nhất, thiệt hại lên tới gần 16 tỷ USD (số liệu của Liên minh chống lừa đảo toàn cầu GASA) – chiếm một phần ba tổng thiệt hại lừa đảo trực tuyến toàn cầu năm 2023.

Những dấu hiệu sau có thể cảnh báo bạn sắp mất tiền.

Kẻ lừa đảo thường tạo ra cảm giác cấp bách để kích hoạt lối tắt tâm trí người nghe. Lối tắt tâm trí là chiến thuật của bộ não giúp ta bỏ qua quá trình tư duy thông thường để ra quyết định nhanh chóng. Chúng rất có ích trong nhiều tình huống nhưng cũng có thể dẫn đến quyết định sai lầm. Ví dụ, đa phần nạn nhân chuyển tiền là do bị đặt vào tình thế rất khẩn cấp nên không để ý các dấu hiệu đáng ngờ như cách xưng hô không phù hợp, số tài khoản lạ… Chỉ khi việc vỡ lở, nạn nhân mới à ồ nhận ra các lỗ hổng này.

Một yếu tố thường thấy nữa là khi trao đổi bằng tin nhắn, kẻ lừa đảo thường mắc lỗi văn phạm hoặc chính tả do công cụ dịch, bởi chúng có thể không phải là người Việt. Các kết nối giao tiếp không mong đợi như yêu cầu kết bạn, tin nhắn, cuộc gọi từ người lạ cũng là dấu hiệu cần cảnh giác. Cơ quan chức năng thường chỉ làm việc với người dân qua văn bản, không gọi điện trực tiếp.

Một dấu hiệu rất điển hình của lừa đảo là yêu cầu cài đặt các phần mềm không rõ nguồn gốc và không đến từ các nguồn tin cậy như Apple App Store hay Google Play Store, mà được gửi trực tiếp hoặc thông qua website thứ ba. Yêu cầu thanh toán hoặc chuyển khoản mập mờ, không rõ ràng cũng là điều phải lưu ý. Chúng cũng thường lòng vòng, nổi nóng khi bạn muốn làm rõ thông tin.

Trong sự việc một phụ nữ mất 26,5 tỷ đồng từ hai tài khoản ngân hàng, thủ đoạn của bọn lừa đảo rất tinh vi. Chúng giả mạo nhà chức trách, đe dọa và cô lập nạn nhân bằng những lời hăm dọa về bí mật điều tra. Đầu tiên, chúng yêu cầu nạn nhân mở tài khoản tại ngân hàng và nộp tiền vào thay vì chuyển khoản trực tiếp, tránh kích hoạt quy trình phòng chống lừa đảo của ngân hàng. Sau đó, chúng yêu cầu nạn nhân cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc, để chiếm quyền điện thoại và ứng dụng ngân hàng trực tuyến. Cuối cùng, chúng thực hiện các giao dịch chuyển tiền bằng điện thoại đã bị chiếm quyền, hoặc làm cho nạn nhân tự chuyển do quá lo sợ và bị khủng bố tinh thần trong thời gian dài. Chính sự “tiếp tay trong ép buộc” của nạn nhân đã giúp phi vụ này thành công.

Chính vì thế, hãy xây dựng cho mình quy trình ra quyết định tài chính cẩn trọng, coi đó như nguyên tắc để bảo vệ bản thân. Hình thành thói quen thiết lập ngân sách để mỗi đồng tiền đều có tên gọi và nhiệm vụ của nó, không duy trì tiền nhàn rỗi. Khi bạn đối mặt với các tình huống lừa đảo trực tuyến, bạn sẽ buộc phải cân nhắc số tiền nào để phục vụ cho yêu cầu này. Quá trình này giúp bạn mua thêm thời gian, kích hoạt tư duy, và khiến bạn ít bị chi phối về cảm xúc, từ đó có khả năng suy nghĩ thấu đáo hơn.

Hơn nữa, đặt câu hỏi và luôn cân nhắc kỹ trước khi ra quyết định tài chính là một thói quen rất tốt giúp tránh những sai lầm. Đồng thời, hãy kiểm tra chéo thông tin bằng cách gọi điện thoại để đảm bảo tính xác thực, không nên gọi qua các ứng dụng.

Xây dựng nguyên tắc thiết lập – kiểm tra trong gia đình cũng rất cần thiết; nguyên tắc này yêu cầu bạn thông báo trước cho người thân khi thực hiện các giao dịch với một số tiền lớn nhất định trở lên.

Có một nghịch lý là những người từng bị lừa đảo lại dễ bị lừa tiếp nhất nên kẻ xấu luôn khai thác tối đa đặc điểm này. Nếu đã bị lừa, hãy chấp nhận sự thật, đừng sợ hãi hay xấu hổ. Chăm sóc, bảo vệ và tha thứ cho bản thân mới là điều quan trọng. Khi đã biết mình bị lừa, đừng ngại báo cho cơ quan chức năng và các bên liên quan, đồng thời cắt đuôi kẻ lừa đảo bằng cách rà soát thông tin trực tuyến, khóa thẻ và tài khoản. Hiện nay có nhiều đường dây đội lốt cơ quan an ninh điều tra để giúp thu hồi tiền lừa đảo. Đây là thủ đoạn nhắm vào người đã bị lừa nhưng vẫn níu bám cơ hội lấy lại tiền

Nếu người thân, bạn bè bị lừa đảo, đừng phán xét, hãy thể hiện sự thông cảm, thấu hiểu.

Thiệt hại do lừa đảo không chỉ là những tổn thất vật chất to lớn, mà còn là tổn thương sâu sắc về tinh thần. Người dùng chính là phòng tuyến đầu tiên và quan trọng nhất. Sự tỉnh thức và thông thái trong từng quyết định tài chính, thói quen chậm lại một nhịp để phân tích trước các thông tin đường đột sẽ là chìa khóa giúp bạn tránh xa bẫy rình rập của kẻ xấu.

Theo VNEXPRESS 

Tags: ,