Về cuộc ‘khủng hoảng nam tính’ đang diễn ra ở Trung Quốc

Các quan chức giáo dục Trung Quốc kêu gọi tăng cường các lớp giáo dục thể chất ở trường học để giúp thanh thiếu niên “nam tính” hơn.

Về cuộc ‘khủng hoảng nam tính’ đang diễn ra ở Trung Quốc

Bên cạnh đó, trong kế hoạch được Bộ Giáo dục Trung Quốc công bố cuối tuần trước, chính quyền và các trường học địa phương còn được đề nghị tăng số giáo viên thể chất và cải thiện phương pháp dạy học để “nuôi dưỡng nam tính”.

Lời kêu gọi trên là phản hồi đáp lại gợi ý của cố vấn chính trị Si Zefu rằng Trung Quốc cần chống lại sự “nữ tính hóa” ngày càng tăng, biểu hiện ở việc đàn ông “yếu ớt, nhút nhát”.

Trong một tài liệu, Si nhấn mạnh Trung Quốc phải “ngăn các nam thanh niên trở nên yếu ớt”, đồng thời chỉ trích các phụ nữ trong gia đình như mẹ, bà và các nữ giáo viên vì nuông chiều trẻ trai. Ông còn kêu gọi các giáo viên nam “chống lại vấn đề này” và bày tỏ quan ngại về “mối đe dọa với sự phát triển và tồn tại của đất nước”.

Việc Bộ Giáo dục Trung Quốc ủng hộ đề xuất trên đã lập tức gây phản ứng dữ dội trong cộng đồng.

“Chẳng lẽ từ ‘nữ tính’ lại xấu xa đến thế”, một tài khoản Weibo viết. Người khác ý kiến: “Có một khác giúp trẻ trai nam tính hơn. Đó là yêu cầu đàn ông nuôi dạy con cái và làm việc toàn thời gian ở nhà”.

Các chuyên gia về giới và tính dục ở Trung Quốc cho rằng việc tập trung vào nam tính là phân biệt đối xử và sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ em.

“Lo lắng trẻ em không đủ nam tính là chống lại các biểu hiện nữ tính”, đại diện một tổ chức phi chính phủ về LGBT ở Quảng Châu nói. “Thay vì quá để ý đến ngoại hình và các thể hiện bản sắc giới, tại sao họ không quan tâm nhiều hơn đến nhân cách và sức khỏe tinh thần của giới trẻ? Sự chính trực và lòng nhân ái quan trọng hơn nam tính nhiều”.

Fang Gang, nhà tính dục học ở Bắc Kinh, đã thách thức quan điểm truyền thống về nam tính ở Trung Quốc suốt nhiều năm. Ông tin rằng nam tính là yếu tố quan trọng dẫn đến bạo lực gia đình.

“Người ta thường nghĩ rằng đàn ông phải dũng cảm, gai góc, chế ngự phụ nữ. Do đó, khi không thể đạt những điều này thông qua sự nghiệp hay gì khác, đàn ông sẽ bị đánh giá là không nam tính”, Fang nhận định.

“Bạo lực gia đình là một cách để đàn ông thể hiện hình ảnh cứng rắn đó. Những người đàn ông ấy sợ hãi một cách vô thức rằng mình không đủ nam tính nên cố chứng tỏ bằng bạo lực”, chuyên gia nói thêm.

Fang cho rằng việc đòi hỏi trẻ trai trở nên nam tính hơn đi ngược lại các nghiên cứu về giới và có thể làm tổn thương sức khỏe cũng như sự phát triển của các em.

Thực tế, “khủng hoảng nam tính” ở Trung Quốc đã trở thành ưu tiên trong mắt các nhà chức trách từ lâu, dẫn tới các lời kêu gọi như tích cực tuyển giáo viên nam và giáo dục hướng tới nam giới nhiều hơn.

Năm 2018, một trường trung học cơ sở ở Hàng Châu đã mở các lớp học leo núi bởi hiệu trưởng tin rằng: “Trẻ trai quá yếu, chúng cần một môn thể thao nam tính”.

Năm ngoái, poster nhóm nhạc Trung Quốc S.K.Y. ở cuộc thi marathon tại Hàng Châu bị gỡ xuống sau khi các vận động viên nói rằng các chàng trai với mái tóc nhuộm và lớp trang điểm dày “không đủ nam tính” để đại diện cho sự kiện.

Theo VNEXPRESS / SCMP

Tags: , , ,