Nhiệm vụ đầu tiên của Không quân Việt Nam ở Trường Sa năm 1976

Trực thăng UH-1 số hiệu 60139 được lệnh đưa xuống tàu ra đảo! Đó là lần đầu tiên trong lịch sử, máy bay của Không quân Nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ ở Trường Sa.

Đầu tháng 1/1976, Trung đoàn Không quân 917 nhận nhiệm vụ đưa thiếu tướng Lê Ngọc Hiền (phó tổng tham mưu trưởng) và đoàn cán bộ của Bộ Tổng tham mưu đi thị sát tình hình và kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của bộ đội hải quân trên quần đảo Trường Sa.

Chuyến đi nhớ đời

Đoàn công tác cả trăm người gồm lãnh đạo của Bộ tư lệnh Không quân và Hải quân cùng các bộ phận liên quan đến… chiếc máy bay UH-1. Trung đoàn trưởng trung đoàn 917 khi đó là anh Lê Đình Ký lái chính, Hồ Duy Hùng lái phụ, anh Lê Quang Vinh lái phụ kiêm dẫn đường và kỹ thuật mặt đất, kỹ thuật trên không.

Đặc biệt, một xe chở xăng dầu chỉ chuyên phục vụ chiếc máy bay UH-1 cũng được xuống tàu ra Trường Sa. Càng của chiếc máy bay UH-1 được ràng buộc rất kỹ xuống sàn tàu. Đoàn công tác đi bằng tàu đổ bộ của Mỹ trọng tải 4.000 tấn sản xuất từ năm 1942, mỗi lần sóng đánh tàu kêu răng rắc. Tàu cũ nên tốc độ chỉ 7-8 hải lý/giờ.

Tàu lắc liên tục. Sóng gió lớn quá. Nhiều người say lả. Hùng cũng bị say sóng nhưng chỉ qua một ngày là quen sóng ngay. Lái phụ số 2 kiêm dẫn đường Lê Quang Vinh nằm bẹp một chỗ, tổ bay chỉ còn Lê Đình Ký và Hồ Duy Hùng. Càng gần đến quần đảo Trường Sa sóng càng lớn. Mờ sáng ngày thứ ba, sau hành trình ba ngày hai đêm, đảo Trường Sa Lớn đã hiện ra trong tầm mắt. Đây là hòn đảo lớn nhất thuộc các đảo do quân ta đóng giữ. Tàu đậu cách đảo Trường Sa Lớn chừng 2 hải lý.

Nhiệm vụ của tổ bay là chở đoàn cán bộ cao cấp của quân đội thị sát năm đảo vừa tiếp quản và hạ cánh trên đảo. Chiếc máy bay UH-1 khi đó như taxi, chở lần lượt từng đợt cho tới khi hết đoàn công tác. Ở nơi sóng gió khắc nghiệt này, để một chiếc máy bay cất cánh không đơn giản, nhất là lại cất cánh ở trên boong một con tàu không ngừng chao lắc. Phi công phải căng tất cả giác quan, chú ý không cất cánh khi độ nghiêng của tàu lớn quá, cánh máy bay sẽ đập vô boong tàu. Hạ cánh còn gian nan hơn. Con tàu cứ chòng chành, lắc lư.

Phi công phải treo máy bay, canh đúng khoảng ngưng chỉ 1-2 giây ngắn ngủi giữa độ lắc của tàu là hạ cánh xuống. Nhưng nếu chọn không đúng thời cơ đặt càng hạ cánh, chỉ với độ nghiêng lớn có thể đánh bật chiếc trực thăng rớt xuống biển! “Phi công bay biển thường cao hơn phi công đất liền một bậc vì bay biển khó hơn rất nhiều. Đường chân trời mờ mịt, không biết đâu là trời, đâu là biển, dễ bị cảm giác sai, nhưng khi đó tôi cứ nhằm vào vật đối chứng là tàu và đảo mà canh chừng để bay, cất hạ cánh” – ông Hùng nhớ lại chuyến đi lịch sử ấy.

Đoàn công tác ở Trường Sa hơn hai tuần, đi qua năm đảo: Trường Sa, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca, Song Tử Tây – những cái tên mà trước đó Hồ Duy Hùng chỉ nghe qua và ước ao được một lần bay đến.

“Tôi đã bay nhiều đảo ở Lý Sơn, Phú Quốc, Thổ Chu, cù lao Xanh… toàn đảo lớn, cây cối um tùm. Còn các đảo ở Trường Sa khi đó nhỏ và hoang vu lắm. Nhiều đảo chìm nước lên là ngập. Bản đồ Nhật Bản vẽ đảo Trường Sa Lớn năm 1942 chỉ dài 450m nhưng khi tôi bay ra đảo lớn hơn, dài trên 600m. Hồi đó sâm đất trên đảo rất nhiều. Mùa chim đẻ trứng, các bãi cát mênh mông trắng màu trứng chim, nếu chở phải dùng xe tải!”, ông Hùng bồi hồi nhớ lại.

Chiếc UH-1 số hiệu 60139, sau khi huấn luyện bay chuyển loại cho hai tổ bay đầu tiên xong là hết giờ bay, đã được giao lại cho Bộ tư lệnh Phòng không không quân, kết thúc hành trình lịch sử, nhưng nó tiếp tục kể lại câu chuyện độc đáo và thú vị của mình cho hậu thế tại Bảo tàng Phòng không không quân Việt Nam.

Còn Thiếu úy Không quân Nhân dân Việt Nam Hồ Duy Hùng, người tham gia lái chiếc UH-1 ở Trường Sa năm ấy, sau này trở thành Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Phú Thọ, là người có công rất lớn để biến bãi đầm lầy thành khu du lịch nổi tiếng Đầm Sen. Ông nghỉ hưu năm 2008. Nhưng không nhiều người biết được: Hồ Duy Hùng là sĩ quan không quân quân đội Sài Gòn.

Hồ Duy Hùng là ai?

Năm 1968, theo sự chỉ đạo của mạng lưới điệp báo, Hồ Duy Hùng gia nhập quân đội Sài Gòn. Tháng 8/1968, anh được tuyển đi học Trường Sĩ quan bộ binh Thủ Đức. Do có khả năng và kiến thức, Hùng lọt vào những sinh viên sĩ quan được chọn học tiếng Anh phi hành.

Cuối năm 1969, sau khi hoàn thành khóa học tiếng Anh, Hồ Duy Hùng được chọn đi học lái trực thăng ở Mỹ. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi phi công lái chính UH-1, Hùng được học bay thêm một tháng gunship (trực thăng vũ trang). Tháng 10/1970, anh tốt nghiệp và về Việt Nam, được tổ chức phân công về công tác tại tổ điệp báo E4.

Và như vậy, “Việt cộng nằm vùng” Hồ Duy Hùng bắt đầu hoạt động với tư cách thiếu úy phi công trực thăng UH-1 thuộc phi đoàn 215 (không đoàn 62, sư đoàn 2 không quân quân đội Sài Gòn đóng ở Nha Trang).

Do có điều kiện đi về bằng máy bay từ Nha Trang vào Sài Gòn nên Hùng thường xuyên liên lạc với tổ E4 và đồng chí Sáu Bán – người phụ trách trực tiếp. Anh đã cung cấp cho B7 nhiều tài liệu quý, trong đó có tập tài liệu tối mật in toàn bộ bản đồ, không ảnh các sân bay lớn nhỏ ở miền Nam và các nước Đông Nam Á cùng các tần số liên lạc với các sân bay và các căn cứ pháo binh. Toàn bộ tài liệu quý này được chuyển về Khu an toàn.

Ngày 12/3/1971, khi vừa thực hiện một phi vụ trở về, Hồ Duy Hùng bị hai sĩ quan của phòng an ninh sư đoàn 2 không quân tịch thu súng và bắt ngay trước phòng trực ban của phi đoàn ở sân bay Nha Trang! Đó là một ngày không may mắn vì buổi sáng trước đó, khi đi đổ quân ở Di Linh, anh bị quân giải phóng bắn suýt thiệt mạng.

Sau năm tháng giam giữ với dồn dập những cuộc thẩm vấn, ngày 30/7/1971 Hồ Duy Hùng bị sa thải khỏi Không lực Việt Nam cộng hòa vì “khai man lý lịch, có nhiều thân nhân hoạt động cho cộng sản, có tư tưởng thiên cộng”. Sau đó, anh còn bị giam thêm ba tháng ở Tổng nha Cảnh sát với những cuộc thẩm vấn kỹ hơn.

Cuối cùng vẫn không khai thác được gì thêm, Tổng nha Cảnh sát chuyển Hồ Duy Hùng về bót Ngô Quyền làm các thủ tục giải giao về cho Ty Cảnh sát Gia Long (Đà Nẵng) để quản lý ở địa phương.

Hồ Duy Hùng được lệnh phải bằng mọi giá lấy được một chiếc trực thăng mang ra vùng giải phóng. Sau đó, chiếc UH-1 số hiệu 60139 đậu gần bờ hồ Xuân Hương (Đà Lạt) đã biến mất.

Đây là vụ mất cắp máy bay hi hữu, dẫn đến một “vụ án tản thất quân dụng” trong quân đội Sài Gòn lúc đó.

Đầu tháng 5/1972, Hồ Duy Hùng được gọi vào căn cứ ở vùng Sở Cốt (Trảng Bàng, Tây Ninh) để gặp cấp trên. Đó là một cuộc gặp gỡ bí mật vào ban đêm. Hùng được một người không biết mặt, chỉ nghe giọng nói, tự giới thiệu là Ba Tú, giao nhiệm vụ tuyệt mật: đánh cắp một chiếc máy bay để kêu gọi phản chiến, hỗ trợ chiến dịch Nguyễn Huệ.

Sáng hôm sau, Hùng trở lại Sài Gòn, rồi đi một số nơi mà trực thăng thường đến trực cấp cứu hoặc hạ cánh như Phan Thiết, Quy Nhơn, bãi đáp máy bay ở sân vận động Buôn Ma Thuột…tìm cơ hội thực hiện nhiệm vụ. Chuyến đi này bất thành vì không có cách nào vào sân bay có lính gác. “Tôi nghĩ chỉ còn cách lấy máy bay ở sân bay dã chiến hoặc chỗ nào máy bay thỉnh thoảng hạ cánh”.

Sau đó phát hiện có người theo dõi, Hồ Duy Hùng lập tức rút lên Đà Lạt. Ở được một thời gian ngắn, anh lánh ra Phan Rang đi đốt than để tránh mật thám. Được vài tháng, Hùng được lệnh của cấp trên yêu cầu phải vào khu gấp vì đang bị truy bắt! Giữa tháng 10/1973, Hồ Duy Hùng chủ động đề xuất với ông Năm Hà (Lê Nam Hà, phó ban quân báo, khi này là người trực tiếp phụ trách anh) kế hoạch: quay trở ra, lấy cắp một chiếc trực thăng bay về căn cứ!

Giờ hành động

9h30 sáng 7/11/1973, bầu trời Đà Lạt vẫn mù sương. Trên con đường dốc gần hồ Xuân Hương, một thanh niên chừng 25 tuổi, choàng áo pardessus xanh đen của phi công, đi giày đen, đội mũ lưỡi trai đen, đeo kính Pilot, vội vã bước những bước rất nhanh về bãi đất trống sát bờ hồ. Đó là Hồ Duy Hùng. Chiếc trực thăng UH-1 số hiệu 60139 đang đậu gần đấy. Hùng đảo mắt nhìn xung quanh. Bên kia hông trực thăng là chốt gác có mấy tay nhân dân tự vệ. Anh vòng lên đầu ra phía đuôi máy bay. Nếu có ai đó nhìn từ ngoài đường vào, phía này sẽ được che khuất bởi máy bay.

“Mình sẽ lấy được chiếc UH-1 này nếu nó còn đủ xăng và điện”, Hùng nhớ lại cảm giác lúc đó. Anh bình tĩnh mở cửa trước máy bay, leo vô buồng lái. Lượng xăng còn đủ để bay được khoảng 105 phút. Bật công tắc bình ắcquy, đủ để nổ máy. Kiểm tra nhiên liệu và điện xong, người thanh niên leo xuống đóng cửa lại, quan sát xung quanh và dọc con đường lên chợ Đà Lạt. Trong khoảng cách gần 300m, không thấy có người theo dõi, cũng không thấy phi hành đoàn. Chỉ có một đứa bé chừng 10 tuổi đang tò mò đến gần chiếc máy bay, mở đôi mắt trẻ con to tròn ngắm nhìn!

“Phải hành động thật nhanh, chỉ sợ đám an ninh đột ngột xuất hiện hoặc phi hành đoàn bất ngờ trở lại”, Hùng quyết định trong sự hồi hộp. Anh nhanh chóng tháo dây buộc cánh máy bay khỏi đuôi, rồi leo lên buồng lái, gấp rút thực hiện những thao tác khởi động động cơ. Từ hôm trước khi đề xuất nhiệm vụ đầy táo bạo và nguy hiểm này, anh đã cố nhớ lại hết các động tác khởi động và cất cánh chiếc UH-1, nhưng lúc này anh như một thí sinh sắp hết giờ…

Thời điểm này một giây cũng là vàng. Không dám chần chừ, anh quyết định nổ máy theo điều kiện khẩn cấp, chỉ mất 40 giây. Tuy nhiên, lựa chọn này sẽ rất căng thẳng. Phải giữ đồng hồ chỉ nhiệt độ động cơ ở vạch vàng, chỉ cần qua vạch đỏ 3 – 5 giây sẽ bị cháy động cơ ngay lập tức! Người thanh niên căng mắt nhìn đồng hồ nhiệt độ và giữ tay ga đúng 40 giây, rồi kéo cần điều khiển.

Chiếc UH-1 cất cánh khỏi bờ hồ Xuân Hương…

Đánh cắp “Ngọc hoàng”, đưa về “Thượng đế”

Hồ Duy Hùng đã có mặt ở Đà Lạt 7 ngày để “săn tìm” trực thăng theo kế hoạch đã đề xuất. Thời gian cấp trên cho Hùng thực hiện nhiệm vụ này là hai tháng. Nếu sau hai tháng không lấy được, Hùng phải ra ngay chiến khu vì anh đang bị an ninh quân đội Sài Gòn săn lùng khắp nơi. “Anh em đã bàn tính rất kỹ, rất cẩn trọng trước khi để Hùng hành động. Đã vào hang bắt cọp thì chuyện mất còn dễ như chơi. Nhưng chúng tôi tin Hùng sẽ làm được dù rất khó khăn, nguy hiểm!” – ông Năm Nhưỡng, một lãnh đạo của Hồ Duy Hùng, nhớ lại.

“Buổi sáng hôm ấy, khi chạy xe gần tới nhà người cô ở đường Thái Phiên thì tôi nghe tiếng máy bay trực thăng hạ cánh phành phạch xuống bờ hồ Xuân Hương – Hồ Duy Hùng nhớ lại – Hôm nay trời mù lại nhiều mây như thế này mà sao vẫn có máy bay đến? Tôi khá ngạc nhiên vì trực thăng không hạ cánh xuống được sân bay dã chiến trong điều kiện thời tiết không thuận lợi như thế. Có lẽ do thời tiết quá xấu nên các phi công chiếc UH-1 này phải đáp xuống đây để chờ trời tốt lên”. Anh vội vàng quay về trả xe cho người cô, chỉ kịp nói: “Nếu con không về là con đi luôn nghe cô”, rồi tức tốc xuống bến xe trước chợ Đà Lạt trong bộ quần áo rất… pilot.

“Trước đó hai tháng, chúng tôi đã thống nhất hai phương án: đánh cắp hoặc cướp máy bay nếu có bảo vệ. Kế hoạch lúc đầu chỉ có một mình Hồ Duy Hùng hành động. Nhưng sau đó nhận thấy phải có thêm một người hỗ trợ để khi cần, một người khống chế lực lượng bảo vệ để người còn lại lấy máy bay. Hùng chọn Tư Đen”, ông Năm Nhưỡng cho biết. Tư Đen tên thật là Hoàng Đôn Bảnh, một chiến sĩ tình báo, khoảng 20 – 22 tuổi, rất gan dạ, chuyện gì cũng dám làm. Và Tư Đen đã có lúc làm nhân viên kỹ thuật máy bay trực thăng ở sân bay Biên Hòa.

Họ hẹn nhau 8h sáng 30/10/1973 ở quán phở Tùng – một quán phở khá nổi tiếng ngày đó – nằm sau bến xe nhỏ của Đà Lạt. Nhưng Tư Đen không đến. Rồi đến ngày 1 và 2/11, Hồ Duy Hùng vẫn đến điểm hẹn ở phở Tùng và cà phê Ngọc Lan nhưng không gặp được Tư Đen. Sau này anh mới biết Tư Đen bị phục kích ở bàn đạp (vùng đệm giữa vùng giải phóng và tạm chiếm) nên ra trễ mất ba ngày.

Không có Tư Đen, Hồ Duy Hùng vẫn quyết thực hiện nhiệm vụ một mình.

“Theo bàn bạc, Hùng sẽ bay thật thấp để tránh rađa địch theo dõi và tránh súng phòng không, súng bộ binh của ta khi bay qua vùng giải phóng – ông Nguyễn Trung Hiếu, nhân viên kỹ thuật điện đài của ban quân báo, kể – Hùng sẽ dùng tần số FM của máy thu phát trên trực thăng gọi về máy PRC 25 của bộ phận trinh sát kỹ thuật điện đài ở nhà (vùng giải phóng). Mật danh để gọi ở nhà là “Thượng đế”, máy bay là “Ngọc hoàng”. Thời gian trực máy từ 10h – 15h hằng ngày”.

Đường bay từ Đà Lạt về đến điểm hẹn bí mật dài 235km, thời gian bay khoảng 90 phút nếu không có gió lớn. Nhưng thực tế việc đưa chiếc UH-1 về vùng giải phóng là một hành trình đầy rẫy chết chóc, nhất là 15 phút đầu tiên trên không đầy kịch tính…

“Đó là một đề xuất rất mạo hiểm, không chỉ là tình huống không may bị địch bắt” – ông Năm Nhưỡng, phó ban quân báo, nhận xét. Bởi Hùng mới có gần 400 giờ bay tích lũy, tính cả thời gian huấn luyện ở trường! Với phi công, giờ bay tích lũy như thế chỉ mới là con chim non nớt. Phi công giỏi phải trên 1.000 giờ bay. Hơn nữa, anh đã dừng bay trên 2 năm 8 tháng, một thời gian gián đoạn quá dài, gấp 10 lần cho phép! “Tôi vẫn quyết định thực hiện lại nhiệm vụ này dù biết rất khó khăn và vô cùng nguy hiểm”, ông Hùng giải thích.

Theo ĐẤT VIỆT ONLINE (2012)

Tags: ,