Lan đột biến và giấc mơ làm giàu của những người nhẹ dạ

Kinh doanh đa cấp không xấu nếu nó tuân thủ và bị giám sát chặt chẽ bởi các hợp đồng pháp luật như các nước phương Tây. Nhưng ở nhiều nơi, trong đó có Việt Nam, có những người kinh doanh dùng thông tin thiếu kiểm chứng và lời đồn thổi nhằm bán các mặt hàng có giá trị thấp với giá cao hơn nhiều lần.

Lan đột biến và giấc mơ làm giàu của những người nhẹ dạ

Tác giả: GS Nguyễn Lân Dũng.

Gần đây, tôi khá ngạc nhiên khi nhận được nhiều câu hỏi về loài Lan đột biến.

Hôm qua, tôi nhận được tin nhắn với nội dung như sau: Thầy ơi, dạo này trên em bao nhiêu người đổ tiền vào mua bán Lan đột biến. Thực ra nhân giống và trồng Lan không khó nhưng không hiểu tại sao có những cái giá mà kinh khủng hơn cả kim cương. Thầy có dự đoán được thị trường sẽ thế nào trong tương lai không ạ? Em cũng muốn đầu tư.

Tôi trao đổi với giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Thạch, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này trong Hội Các ngành sinh học Việt Nam – nơi chúng tôi cùng làm việc. Giáo sư Thạch nói, việc nhân giống vô tính hàng loạt cây Lan này được nhiều nhà sinh học làm từ lâu và không khó. Và ông không hiểu tại sao nó lại có giá đắt như vậy.

“Đừng mạo hiểm”, tôi trả lời học trò.

Cơn sốt Lan đột biến đã lan rất nhanh trong xã hội. Người ta gọi Lan đột biến là “Lan var”. Tôi hiểu ý họ muốn dùng chữ “variation” có nghĩa là biến dị. Tức là sự khác biệt giữa các con với nhau hoặc với cha mẹ; hoặc giữa các cá thể trong quần thể, hoặc trong một gia đình.

“Đột biến” trong tiếng Anh dùng chữ “mutation”, có nghĩa là “bất kỳ sự thay đổi di truyền nào có thể phát hiện được trong vật chất di truyền mà không do tái tổ hợp nhiễm sắc thể gây nên”, theo Giáo sư Lê Đình Lương.

Lan là những thực vật trong họ Orchidaceae. Hiện con người đã biết đến khoảng 20.000 loài Lan, 850 chi, 29 tông và 7 phân họ. Nước ta thuộc nhóm quốc gia có tự nhiên thích hợp cho sự phát triển phong phú của nhiều loài Lan khác nhau.

Nhưng đột biến không phải điều gì kinh khủng. Đột biến trong thiên nhiên là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Trong các chủng đột biến, nhiều chủng sẽ có màu sắc hoa, hình dạng một số chi tiết biến đổi. Trong số này có thể có những chủng có màu sắc hoa cực kỳ đẹp đẽ, sang trọng.

Nếu đưa đến các phòng thí nghiệm chuyên về nuôi cấy mô, người ta có thể nhân lên hàng loạt những cây giống hệt cây Lan đột biến này với giá thành rất rẻ như đang nhân giống các loài Lan thương mại khác. Tại miền Bắc có giáo sư Nguyễn Quang Thạch, ở miền Nam có tiến sĩ Dương Hoa Xô chuyên về nuôi cấy mô.

Vậy tại sao có những giá tiền tỷ cho các cây Lan đột biến đang xuất hiện đầy rẫy trên mạng xã hội và rao bán ở các tỉnh? Đó là những cái tên như Lan năm cánh trắng Pleiku, năm cánh trắng cờ đỏ, năm cánh trắng đại cát, thảo chi, hồng chương chi, năm cánh trắng Phú Thọ, năm cánh trắng HPR, năm cánh trắng Phú Quý, năm cánh trắng Bạch Tuyết… Và đặc biệt là năm cánh trắng Bảo Duy.

Rồi thì nổi lên những cái giá cũng “đột biến” như cây Lan 250 tỷ đồng và gần 300 tỷ đồng của người chơi ở Quảng Ninh, nào là cây Lan Ngọc Sơn Cước 250 tỷ đồng của đại gia Hải Phòng, rồi đến cây Lan 200 tỷ đồng của một đại gia ở Hòa Bình…

Về khoa học, tôi không thấy nhà sinh học nào tham gia vào dịch vụ mang tính chuyên ngành này, trong khi chúng ta đã có một đội ngũ đông đảo chuyên gia có chuyên môn sâu về nuôi cấy mô cây phong lan.

Về khía cạnh kinh tế, cơ quan nào có chức năng kiểm định, cấp giấy chứng nhận hay công nhận về giá trị thị trường tiền tỷ của những cây Lan đột biến, hay đó chỉ là cách gây chú ý trong thời đại truyền thông xã hội nhiễu loạn?

Lịch sử chứng kiến nhiều loại hàng hóa được phân phối bất cân xứng thông tin như hoa Tuylip ở Hà Lan thế kỷ trước, bất động sản, các mặt hàng sức khỏe, hay như tiền ảo mới đây, cho thấy các mô hình kinh doanh không đủ minh bạch về thông tin gây hậu quả rất tai hại.

Một trong số đó là ponzi, ở Việt Nam gọi là mô hình kinh doanh đa cấp. Nó vận hành theo cách người ban đầu đưa ra những cam kết và “bằng chứng” về giá trị và lợi nhuận cao gấp nhiều lần mức thông thường của một mặt hàng để mời người mới tham gia vào chuỗi mua bán. Nhiều trường hợp là lấy tiền người mới vào đóng góp để trả cho người tham gia trước, tạo cảm giác kiếm lợi rất nhanh. Người mua tham gia vào chuỗi cũng trở thành người bán hàng tiếp đó.

Kinh doanh đa cấp không xấu nếu nó tuân thủ và bị giám sát chặt chẽ bởi các hợp đồng pháp luật như các nước phương Tây. Nhưng ở nhiều nơi, trong đó có Việt Nam, có những người kinh doanh dùng thông tin thiếu kiểm chứng và lời đồn thổi nhằm bán các mặt hàng có giá trị thấp với giá cao hơn nhiều lần. Người lĩnh hậu quả là những người mua cuối cùng. Vì khi thông tin sáng tỏ, không ai mua hàng nối tiếp nữa.

Nếu đấy là thú chơi, bạn đam mê và sẵn sàng bỏ vào vườn Lan vài tỷ đồng, tôi không dám phản đối. Nhưng nếu bỏ ra tiền tỷ với hy vọng sẽ kinh doanh Lan, kiếm thêm nhiều tỷ, rủ rê người khác đổ tiền đầu tư loại cây này, tôi thấy thực sự chưa có cơ sở chắc chắn.

Các bạn đang chuẩn bị tiền nong để tham gia làm giàu trong lĩnh vực kinh doanh Lan đột biến hãy bình tĩnh cân nhắc thật kỹ: thực sự mặt hàng này có giá trị đến hàng triệu, tỷ đồng không, thị trường Việt Nam thực sự có sức cầu bền vững không?

Tôi cho rằng cơ quan quản lý thị trường nên thông tin cho dân biết về những mặt hàng đột ngột nổi lên và tăng giá liên tục như Lan đột biến.

Theo VNEXPRESS

Tags: