Đầu tư tiền ảo: Không có cục tiền nào từ trên trời rơi xuống

Ban đầu, còn ngờ vực, M. chơi thử với chục triệu, tiền lời về đều đặn. Ứng dụng đầu tư siêu việt chỉ “sập” khi hàng trăm nhà đầu tư đã dốc hết hầu bao vào nó.

Đàu tư tiền ảo: Không có cục tiền nào rơi xuống từ trên trời

Tác giả: Hồ Quốc Tuấn, giảng viên, Đại học Bristol, Anh.

Ngày đầu năm 2020, chúng tôi ngồi ở góc đường Mạc Đĩnh Chi – Nguyễn Thị Minh Khai, TP HCM, trưởng phòng môi giới một công ty chứng khoán mở điện thoại cho tôi coi app và trang tin của Emas.

Sàn giao dịch online này hứa hẹn sử dụng công nghệ tài chính để giao dịch tiền mã hóa và cam kết “đầu tư là chắc thắng”, trả lãi hàng tháng 30% cho người chơi. M. là khách của bạn tôi, đã bán hết cổ phiếu lấy tiền đầu tư vào app. “Em can không được”, cậu bảo, “lợi nhuận 30% có lẽ thuộc hàng cao nhất thế giới”.

Hơn một năm sau, Emas biến mất. Emas fintech “sập” khiến hàng nghìn nhà đầu tư mất trắng tiền. Có người khai báo đã đi vay nặng lãi mấy trăm triệu đổ vào sàn.

Kiểu lấy tiền của anh Sáu trả cho chị Ba đã trở thành công thức kinh điển trong các phi vụ lừa đảo dạng đa cấp phổ biến trên thế giới và giờ đây cũng phổ biến ở Việt Nam.

Ứng dụng Coolcat, sàn giao dịch tài chính Busstrade, OCB life, Blockmax và nhiều “sàn” khác đang hoạt động tại Việt Nam chẳng phải phát minh gì. Nó dựa trên chiêu thức vô cùng cũ.

Năm 2004, tôi được rủ tham gia buổi thuyết trình về sàn forex S. Lãnh đạo sàn cũng trạc tuổi tôi, khoe đã làm việc ở Australia trong lĩnh vực ngoại hối, giờ về Việt Nam mở sàn. Anh thao thao bất tuyệt về triển vọng của sàn giao dịch ngoại hối, rằng cho phép người chơi được mua bán ngoại tệ như trên phim Mỹ. Và đặc biệt, tôi được hướng dẫn giao dịch, lợi nhuận cam kết có thể lên đến 5% một ngày.

Sàn có chuyên gia theo sát chúng tôi, tóm lại “đảm bảo không thua”. Những người tham gia thuyết trình được “chơi thử”. Ai cũng lời nhiều.

Đến khâu nộp tiền gia nhập sàn, tôi hơi phân vân. Lúc đó, tôi làm việc ở phòng kinh doanh tiền tệ của một ngân hàng nên biết mua bán ngoại tệ có thể lời nhiều. Tôi và vài người định “xuống tiền”.

May thay, hôm đó xảy ra đợt biến động rất mạnh của Yen Nhật và vàng, nhiều nhà đầu tư ngoại tệ “chợ đen” lỗ nặng, dự báo của các chuyên gia sừng sỏ nhất sai bét. Tôi chột dạ, gọi cho người cùng chơi “tao nghi cái cam kết lợi nhuận 5% quá”. Chúng tôi dừng lại dù vẫn còn nhấp nhổm, nhỡ đâu mình lỡ cơ hội làm giàu.

Hơn một năm sau, công ty đóng cửa, ông chủ biến mất. Hồi đó chưa có điện thoại thông minh và các “app đầu tư” như bây giờ, sự kiện một trang web giao dịch ngoại tệ sập khá chấn động. Cậu sinh viên khóa sau tôi, nhân viên cho ông chủ “sàn” cũng bị lừa số tiền lớn.

Tôi thử phân tích kỹ nghệ lừa đảo qua các app đầu tư. Bước thứ nhất, họ đưa ra hình thức “đầu tư” vào những tài sản thời thượng như tiền số, vàng số, ngoại tệ, kèm theo cam kết lợi nhuận rất cao và lời hứa “chắc chắn thắng”.

Bước thứ hai, họ tạo ra chuỗi đa cấp mà người chơi đến sau sẽ nộp tiền “nuôi” người chơi đến trước. Ví dụ, trường hợp của Coolcat, người mới tham gia cần phải thông qua mã giới thiệu của người đi trước. Người dùng Coolcat đi trước sẽ được hưởng phần trăm hoa hồng trên số tiền thắng của người mới tham gia mà không cần làm gì.

Bước ba, có thể nói rằng kẻ lừa đảo vận hành cỗ máy bằng chiêu thức “tẩy não”. Đưa ra cam kết “bảo hiểm 100% vốn”, dùng lời lẽ mạnh bạo, tuyên bố lặp đi lặp lại, kèm hành động đền tiền ngay vào tài khoản cho khách hàng mới đến để thao túng lòng tin. Mức lợi nhuận họ luôn cam kết tối thiểu hàng chục phần trăm và tối đa lên tới 100%, có nơi hứa hẹn lợi nhuận 200%-300% mỗi năm.

Ai theo dõi tiền số, có kiến thức cơ bản về tài chính đều biết thị trường trồi sụt liên tục, ông trùm phố Wall cũng chưa bao giờ dám hứa điều gì.

Vì sao người ta dễ bị lừa như vậy?

Thứ nhất, vì tiền đã rẻ hơn. Tiền rẻ là xu hướng từ giữa năm ngoái, khi kinh tế toàn cầu chững lại bởi Covid, lạm phát về cực thấp nên hệ thống ngân hàng hầu hết các quốc gia đều phải hạ lãi suất, có nơi lãi suất âm. Việt Nam chưa đến mức đó, nhưng lợi suất trái phiếu, lãi suất tiết kiệm đều ở mức thấp kỷ lục, bất động sản đô thị xuống dốc bởi thương xá, tiệm ăn, cửa hàng không cho thuê được. Người dân rút tiền từ kênh ít lời đi tìm kiếm kênh lợi nhuận cao hơn.

Những tài sản tài chính mời gọi trên các app trở thành một kênh cực kỳ dễ tiếp cận. Không phải nghiên cứu báo cáo tài chính phức tạp như chứng khoán, khảo sát kỹ pháp lý và quy hoạch như bất động sản, đầu tư vào “kinh tế mạng” qua các app, người ta chỉ việc quẹt màn hình chuyển tiền rồi ngồi đợi lợi nhuận quay về.

Thứ hai, vì tâm lý hơn thua. Năm 2010, một nghiên cứu của Đại học Warwick và Cardiff, Anh cho biết, con người không cảm thấy rất vui nếu họ kiếm được nhiều tiền. Họ chỉ vui vẻ thật sự khi kiếm được nhiều tiền hơn bạn bè, người quen và đồng nghiệp.

Trạng thái không muốn thua bạn kém bè, kém hàng xóm rất phổ biến, không phải chỉ ở Việt Nam mà ở con người khắp mọi nơi. Kết quả nghiên cứu trên chỉ ra, trong một cộng đồng, khi hàng xóm làm gì thì mình có xu hướng muốn làm điều tương tự, vì sợ nếu ông ta thành công mình bị bỏ lại đằng sau. Con người cũng tự tin hơn khi cùng làm một việc với nhiều người. Rất nhiều vụ gạt hụi, lừa đảo xảy ra với cả một làng, cả xã là vì vậy.

Không phải những người bị lừa đều thiếu hiểu biết. Khách hàng mua cổ phiếu qua công ty bạn tôi không phải tay mơ. Nhiều người còn tự tin vì mình am hiểu hơn “bọn lừa đảo”. Không ít người từng làm giàu tiền tỷ từ những thương vụ “chuyền củ khoai nóng” với chứng khoán, bất động sản. Tức là rút vốn ra khỏi chứng khoán, nhà đất trước khi giá bị đẩy lên nhiều lần.

Tâm lý học hành vi giải thích, khi cảm xúc tăng, lý trí và hiểu biết giảm thì hành xử cảm tính nảy sinh, nhất là khi mục tiêu phải đạt thỏa dụng kỳ vọng quá lớn. Thỏa dụng này đã được chủ sàn đầu tư “bơm” vào đầu người chơi trước đó. Cộng với hiệu ứng đám đông, những người cùng chung một mục đích dễ bị dẫn dắt bởi kẻ cầm trịch vì óc phán đoán đã bị tê liệt bởi kỳ vọng.

Vì sợ bỏ lỡ cơ hội kiếm vài trăm nghìn đến cả triệu mỗi ngày, muốn mau chóng hơn người, lại có “bầy đàn”, nhiều người dù đã được cảnh báo vẫn lao vào kênh đầu tư ảo.

Dù Ngân hàng Nhà nước từng lên tiếng cảnh báo không cấp phép và không có trách nhiệm quản lý các sàn đầu tư, nhưng tôi cho rằng cơ quan quản lý cần làm nhiều việc hơn là một vài tuyên bố miễn trừ trách nhiệm. Nhất là khi các loại sàn đầu tư tài chính đang nở rộ nhân mùa dịch bệnh.

Bên cạnh đó, chúng ta còn thiếu một mảng lớn, đó là tăng cường giáo dục về tài chính cá nhân từ ghế nhà trường.

Kẻ lừa đảo sẽ chẳng tiêm nhiễm kiến thức lệch lạc và kích thích được lòng tham của “nhà đầu tư” nếu người nghe nắm được các quy luật của tài sản. Kiến thức và kỹ năng tài chính cá nhân đã được dạy rộng rãi trong các trường từ trung học ở châu Âu và các nền giáo dục tiên tiến. Mọi công dân trước 18 tuổi đều được cung cấp nền tảng tư duy về tài chính và tiền bạc để dùng nó trong suốt cuộc đời.

Khi trẻ em hiểu rằng, tiền chẳng bao giờ từ trên trời rơi xuống, chúng sẽ trở thành những người lớn có thái độ nghiêm túc với lao động, nghề nghiệp và tiền bạc.

Nhìn thấy sự vô lý của những phi vụ siêu lợi nhuận, quản lý được cảm xúc và lòng tham, chúng ta sẽ hình thành hệ miễn dịch nhất định với các công nghệ lừa. Vì thực ra, thứ trên trời rơi xuống chỉ có nước mưa.

Theo VNEXPRESS 

Tags: