⠀
Cuộc cách mạng của văn hóa tiêu dùng ở CHDCND Triều Tiên
Tuy cuộc sống ở vùng nông thôn CHDCND Triều Tiên vẫn còn nhiều khó khăn nhưng có một điều ngạc nhiên là cảm giác mua bán nhộn nhịp đang hiện diện ở nhiều nơi trên cả nước.
Một cửa hàng trong khu dân cư mới được xây dựng tại đường Ryomong ở Bình Nhưỡng
Ngay sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lên nắm quyền, bà Song Un Pyol cũng bắt đầu quản lý một siêu thị nhỏ, nơi có tủ đông chứa đầy thịt heo và thịt bò, bánh kem và đồ hộp. Khách hàng tại đây sau khi tự lấp đầy giỏ hàng, bên cạnh tiền mặt họ cũng thường thanh toán bằng thẻ ngân hàng. Siêu thị của bà Song là một ví dụ cho sự thay đổi rõ ràng và không thể đảo ngược được tại Triều Tiên, khi thị trường và nền văn hóa tiêu dùng bắt đầu nở rộ.
Theo Bloomberg, trong thời gian cố lãnh đạo Kim Jong-il, cha của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, cầm quyền, với phương châm “quân đội đầu tiên”, ông đã dành một phần tư GDP quốc gia để chi cho quốc phòng. Đây là một gánh nặng quân sự nhiều hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới. Tuy nhiên, đến thời Kim Jong-un, nhà lãnh đạo này đã đổi khẩu hiệu mới là “Phát triển song song” cả “súng và bơ”.Sau khi phục hồi vào năm 2015, kinh tế Triều Tiên năm 2016 tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất từ năm 1999.
Trong những năm 1990, Triều Tiên gần như bị tê liệt khi Liên bang Xô Viết sụp đổ. Chưa kể lũ lụt, nạn đói và chế độ quan liêu đã không còn đủ khả năng cho hệ thống bao cấp vốn đã quá tải. Và để tự đáp ứng các nhu cầu cơ bản, người dân lúc đó đã làm nảy sinh một làn sóng trao đổi và thương mại, một mô hình đang ngày càng phát triển trong nền kinh tế thị trường.
Ngày nay, tuy cuộc sống ở vùng nông thôn Triều Tiên vẫn còn nhiều khó khăn nhưng có một điều ngạc nhiên là cảm giác mua bán nhộn nhịp đang hiện diện ở nhiều nơi trên cả nước. Dọc theo những con đường vào thành phố là những người bán hàng rong rau trái. Còn trong thành phố, ở các chợ, cửa hàng bách hóa, siêu thị đầy ắp người và những mặt hàng như thuốc lá, nước ngọt, đồ ăn đóng hộp.
Tại các cửa hàng chuyên dụng cũng đã xuất hiện các mẫu điện thoại thông minh “Bình Nhưỡng”, được cho là do Trung Quốc sản xuất, bán với giá 200 USD. Mặc cho việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt, sản phẩm tiêu dùng đến từ khắp nơi trên thế giới vẫn tiếp tục đổ về đây. Việc mua một lon cà phê Pokka của Nhật Bản rất dễ dàng và chỉ tốn khoảng 80 xu. Mua một chiếc Mercedes-Benz Viano có thể đòi hỏi một số kết nối phức tạp hơn, nhưng vẫn có thể thực hiện được với giá khoảng 63.000 USD.
Trên những tuyến đường cao tốc gồ ghề của đất nước là các đoàn xe buýt đường dài và xe tải chở hàng từ thành phố này đến thành phố kia. Bên cạnh việc sử dụng phổ biến đồng USD và nhân dân tệ, nhiều người Triều Tiên giờ đây còn sử dụng thẻ trả trước hoặc nội tệ, cho thấy sức mua ngày càng lớn và thái độ tự tin vào sự ổn định của nội tệ.
Tuy nhiên, một số biểu hiện hiển nhiên của chủ nghĩa thương mại vẫn còn là điều cấm kỵ tại quốc gia này. Cụ thể, Bình Nhưỡng, một thành phố khoảng 3 triệu người, nhưng chỉ có ba bảng hiệu quảng cáo. Chủ yếu là quảng cáo của nhà sản xuất xe địa phương Pyonghwa Motors, nhằm gây ấn tượng với du khách nước ngoài hơn là việc bán xe. Ngoài ra, cả nước không có quảng cáo trên truyền hình hay trên báo chí.
“Lúc đầu, chúng tôi mở cửa hàng từ 10 giờ sáng đến 18 giờ tối. Tuy nhiên, vào năm 2015, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đảm bảo rằng chúng tôi có thể phục vụ đến 20 giờ tối, vì nhiều người thường ghé cửa hàng vào buổi tối sau giờ làm việc”, bà Song nói.
Có thể nói, bên cạnh các kế hoạch tên lửa hạt nhân, Bình Nhưỡng còn có những chính sách tập trung phát triển kinh tế, xây dựng thị trường thân thiện hơn với người tiêu dùng. Nhưng cũng giống như việc theo đuổi vũ khí hạt nhân, đó là một hoạt động kinh doanh nhiều rủi ro. Các biện pháp chế tài mới do Liên Hiệp Quốc đưa ra hồi đầu tháng này sẽ làm cho nền kinh tế đóng kín nhất thế giới khó xuất khẩu hàng hóa, số lượng lao động gửi ra nước ngoài, một trong những nguồn ngoại tệ quan trọng của Bình Nhưỡng, sẽ bị hạn chế. Các lệnh cấm mới từ phía Bắc Kinh đối với một số sản phẩm chủ chốt bao gồm than đá, quặng sắt và hải sản, được đánh giá cũng sẽ ảnh hưởng đặc biệt tới kinh tế Triều Tiên.
Đối diện với các biện pháp trừng phạt quốc tế ngày một nặng nề hơn, cùng với một loạt hàng nhập khẩu của Trung Quốc vốn gây ra sự mất cân bằng thương mại lớn, có những lý do chính đáng để người ta tin rằng nền kinh tế Triều Tiên đang trong các đợt “bong bóng” và có thể sẽ sớm bùng nổ.
Theo AP, một số dấu hiệu rắc rối đã xuất hiện, khi giá xăng nhập khẩu tại nước này tăng hơn 200% trong vòng chưa đầy sáu tháng. Mặc dù khó xác nhận một cách độc lập vì những khó khăn trong việc thăm dò thị trường địa phương, nhưng giá gạo cũng được cho là đã tăng khoảng 20% trong tháng 7.2017. “Đây có thể là mối đe dọa gần nhất đối với sự ổn định của chế độ Kim Jong-un”, William Brown, nhà kinh tế học tại Đại học Georgetown (Mỹ) nhận định.
Theo THANH NIÊN ONLINE
Tags: CHDCND Triều Tiên