Chùm ảnh: Trên đồi Him Lam, nơi mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ

23h30 phút ngày 13/3/1954, trận đánh đồi Him Lam đã kết thúc thắng lợi. Chiến thắng này có ý nghĩa mở đường cho quân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chùm ảnh: Trên đồi Him Lam, nơi mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ

Nằm ở địa phận phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, di tích lịch sử đồi Him Lam là một địa điểm có vai trò đặc biệt quan trọng của trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954.

Trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp, trung tâm đề kháng Him Lam thuộc phân khu trung tâm cách sở chỉ huy của tướng De Castries 2,5 km về phía Đông Bắc và được mệnh danh là “Cánh cửa sắt” của tập đoàn cứ điểm. Từ vị trí và nhiệm vụ đặc biệt quan trọng ấy, Quân Pháp đã bố trí tại đây 750 binh sĩ trang bị hỏa lực rất mạnh, thuộc bán lữ đoàn Lê Dương số 13 – một trong những đơn vị thiện chiến nhất của chúng.

Trung tâm đề kháng Him Lam được xây dựng bởi 3 cứ điểm, trên 3 quả đồi tạo thành thế chân kiềng để dễ dàng chi viện và bảo vệ lẫn nhau. Trong mỗi cứ điểm đều có hệ thống hầm cố thủ, giao thông hào, lô cốt, trận địa chiến đấu kiên cố cùng với tầng tầng lớp lớp hàng rào dây thép gai. Dưới hàng rào là cả một bãi mìn dày đặc với khoảng cách 50 phân một quả.

Về phía ta xác định cứ điểm Him Lam có vị trí quan trọng, đánh được cứ điểm Him Lam sẽ mở đường cho quân ta đi từ Tuần Giáo Điện Biên để đánh chiếm các cứ điểm thuộc phân khu Bắc và phân khu Nam. Đại đoàn 312 được giao nhiệm vụ quan trọng, mang ý nghĩa mở màn thắng lợi này. Hai trung đoàn bộ binh số 141 và 209 của đại đoàn được chọn là lực lượng trực tiếp tấn công tiêu diệt cứ điểm.

Đúng 17 giờ ngày 13/3/1954, pháo binh ta đồng loạt nhả đạn, dội sấm sét xuống Him Lam. Ngay từ loạt đạn đầu tiên, ta đã bắn sập sở chỉ huy trung tâm đề kháng Him Lam, giết chết tên tiểu đoàn trưởng và 3 sĩ quan khác, phá hủy hệ thống điện đài. Giữa lúc quân địch còn đang hoảng loạn, tại cứ điểm số 1, bộ đội sơn pháo đã nổ súng bắn sập lô cốt tiền tiêu của địch tạo điều kiện cho bộ binh đặt bộc phá mở đột phá khẩu.

Sau 40 phút hàng rào đã phá xong, đại đội 366, tiểu đoàn 130 dũng mãnh tiên phong tiến công cứ điểm. Tiểu đội xung kích do chiến sĩ Trần Can dẫn đầu vẫn lao thẳng tới đỉnh đồi, đặt bộc phá tiêu diệt hầm chỉ huy của tên quan ba Pháp. Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của quân ta đã tung bay trên đỉnh cứ điểm. Các ụ súng khác đã bị các chiến sỹ ta dũng mãnh tấn công, dùng lựu đạn, thủ pháo tiêu diệt.

Ở cứ điểm số 2, khi có lệnh nổ súng tiêu diệt Him Lam, đại đội 58, tiểu đoàn 428, trung đoàn 141 lập tức dùng bộc phá mở hàng rào thép gai. Sau khi đột phá khẩu được mở, đại đội 58 dũng mãnh xung phong nhưng bị hỏa lực từ các lô cốt tiền duyên của địch bắn ra rất ác liệt. Nhiều chiến sỹ ta đã hy sinh. Đại đội lập trung hỏa lực bắn thẳng vào lô cốt nhằm kìm chế hỏa lực địch, mở đường cho các chiến sỹ ta.

Tại cứ điểm này, anh hùng Phan Đình Giót đã đè thân mình lên họng súng địch, bịt chặt lỗ châu mai, tạo điều kiện cho Đại đội 58 xung phong diệt hỏa điểm số 3 và cùng các mũi tấn công khác của tiểu đoàn tràn lên dùng lựu đạn, lưỡi lê tiêu diệt quân thù. Đến 22 giờ 30 phút tiểu đoàn 428 giải quyết xong cứ điểm số 2.

Ở cứ điểm số 3, Tiểu đoàn 11 – Trung đoàn 209 tiếp cận mục tiêu trong lúc pháo binh địch ở Mường Thanh bắt đầu bắn như đổ đạn vào Him Lam, hòng chặn bước tiến của quân ta. Sau 4 giờ chiến đấu ác liệt, Trung đội bộc phá hoàn thành nhiệm vụ mở cửa vào cứ điểm. Toàn đơn vị ào ạt xung phong, tả xung hữu đột, dùng bộc phá, thủ pháo tiêu diệt gọn nhiều lô cốt, ụ súng của địch.

Đến 23h30 phút ngày 13/3, trận đánh đồi Him Lam đã kết thúc thắng lợi. Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, gần 300 tên địch đã bị diệt và hơn 200 tên bị bắt sống, chiến thắng Him Lam có ý nghĩa mở đường cho quân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hơn nửa thế kỉ đã đi qua, di tích trung tâm đề kháng Him Lam vẫn được bảo tồn, gìn giữ và vẫn luôn phát huy giá trị của một di sản lịch sử vô giá trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , ,