Chùm ảnh: Sông Hằng – dòng sông tâm linh của ngàn năm lịch sử Ấn Độ

Sông Hằng chảy dọc Ấn Độ đã chứng kiến sự hưng vong, suy tàn của các triều đại trong lịch sử quốc gia tỷ dân, là trung tâm của đời sống tâm linh, kinh tế, chính trị đất nước.

Trong hàng nghìn năm qua, sông Hằng với người Ấn Độ không chỉ là một con sông, mọi vấn đề tôn giáo, nông nghiệp, công nghiệp, và chính trị đều xoay quanh con sông biểu tượng chảy dọc đất nước. Nguồn nước từ con sông nuôi sống hàng triệu cư dân, đồng thời hệ thống tự điều hòa của con sông cũng là nơi tiếp nhận và xử lý hàng triệu mét khối nước thải thô.

Từ núi băng Gangotri trên dãy Himalaya, con sông dài hơn 2.700km chạy dọc đất nước Ấn Độ, với điểm cuối là vịnh Bengal. Lịch sử của Ấn Độ phản chiếu trên hai bờ sông Hằng, con sông nuôi dưỡng và chứng kiến sự hưng vong và suy tàn của mọi triều đại phong kiến, tới thời kỳ thuộc địa thực dân Anh và phong trào dân tộc Hindu giành lại độc lập cho Ấn Độ.

Đối với người Hindu, sông Hằng là trung tâm cuộc sống tâm linh của hơn 1 tỷ dân. Mỗi năm, hàng triệu người Hindu hành hương về các đền thờ, thánh đường dọc con sông, uống nước từ sông để được ban phước lành.

Theo quan niệm của người Hindu, cuộc sống sẽ không trọn vẹn nếu chưa ít nhất một lần trong đời tắm trong dòng nước của sông Hằng để rửa sạch tội lỗi. Trong ảnh, người dân tập trung tham gia lễ cầu nguyện bên bờ sông Hằng ở Varanasi, một trong những thành phố linh thiêng nhất của người Hindu.

Thế nhưng, sông Hằng giờ đây không phải chỉ là câu chuyện của sự tươi đẹp. Ô nhiễm khiến việc uống nước trực tiếp từ phần lớn con sông Hằng trở nên cực kỳ nguy hiểm. Các băng đảng tội phạm khai thác cát trái phép từ lòng sông để phục vụ nhu cầu sản xuất xi măng không ngừng nghỉ của nền kinh tế. Hoạt động của các đập thủy điện dọc con sông khiến nhiều người Hindu tức giận, cho rằng sự linh thiêng của con sông bị xâm hại.

Hóa chất và chất thải kết thành bọt trên đoạn sông Yamuna ở thủ đô New Delhi.

Hơn 40 năm qua, sông băng Gangotri, nguồn cung cấp hơn 50% lượng nước cho sông Hằng, đang biến mất với tốc độ “đáng sợ”, theo AP. Sông băng này hiện mất đi 22 m độ dày mỗi năm. Trong hàng nghìn năm, băng tan từ sông băng Gangotri cung cấp nguồn nước đủ tưới tiêu cho các đồng bằng rộng lớn ở Ấn Độ, ngay cả trong thời kỳ khô hạn nhất.

Mỗi năm, hàng nghìn người Hindu được an táng trên sông Hằng, ở thành phố Varanasi. Giáo lý của đạo Hindu cho rằng những ai qua đời ở Varanasi, và thi thể được an táng dọc con sông, sẽ được giải thoát khỏi kiếp luân hồi sự sống và cái chết.

Sau khi chảy qua thành phố thiêng Varanasi, sông Hằng tiếp tục chảy về phía Đông, nuôi sống những vùng đồng bằng màu mỡ, trước khi tách thành các nhánh nhỏ. Nhánh sông lớn nhất là Hooghly, chảy theo phía Nam về hướng biển, đi qua thành phố Kolkata, siêu đô thị với 15 triệu dân.

Tín đồ Hindu chuẩn bị dìm tượng nữ thần Durga xuống sông Hooghly, một nhánh của sông Hằng ở Kolkata, trong một nghi lễ tôn giáo.

“Con người tồn tại giống như băng đá trên dãy Himalaya. Chúng tan ra thành nước và nhập vào dòng chảy lớn. Các dòng chảy tạo thành một nhánh sông chảy về sông lớn, và cuối cùng đổ ra biển. Một số (dòng sông) thuần khiết, trong khi số khác thu về bùn đất trên đường đi của chúng. Một số (người) giúp đỡ nhân loại, trong khi số khác gây ra sự tàn phá”, một tín đồ Hindu sống trên sông băng Gangotri, nơi khởi nguồn của sông Hằng, nói.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , ,