⠀
Chùm ảnh: Những loài giun đốt kỳ quái nhất quả đất
Trái với dáng vẻ buồn chán của giun đất, nhiều họ hàng của chúng trong ngành Giun đốt (Annelida) có ngoại hình rất độc đáo. Đây đều là các loài giun sống ở biển.
Giun cây giáng sinh (Spirobranchus giganteus) dài 4-7 cm, phân bố rộng ở các rạn san hô nhiệt đới. Loài giun đốt này có đặc điểm nổi bật là các vòng xúc tu xoắn ốc dùng để lọc thức ăn và ôxi.
Sâu róm biển (Aphrodita aculeata) dài 10-20 cm, thường được ghi nhận ở các vùng biển nông Bắc Âu. Chúng có vảy phủ lông, chuyên đào bùn để kiếm thức ăn.
Giun tổ ong (Sabellaria alveolata) dài 1-4 cm, phân bố ở Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. Loài giun ống này xây ống bằng cát và các mảnh vỏ sò. Các quần thể đông đúc tạo nên rạn giống tổ ong.
Giun hoa Thái Bình Dương (Sabellastarte sanctijosephi) dài 8-10 cm, phổ biến dọc các vùng biển ven bờ, bao gồm cả các rạn san hô và vùng gian triều ở khu vực nhiệt đới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Loài giun nhiều tơ này có các xúc tu dài phủ lông mao, dùng để lọc chất hữu cơ trong nước làm thức ăn.
Giun ống khổng lồ (Riftia pachyptila) dài 2-2,4 mét, sống quanh các miệng núi lửa ở đáy biển Thái Bình Dương tối tăm, có nhiệt độ cao và giàu lưu huỳnh. Chùm lông màu đỏ của chúng là nơi ẩn náu của vi khuẩn tạo dinh dưỡng bằng cách sử dụng các chất thoát ra từ miệng núi lửa.
Giun ống đỏ (Serpula vermicularis) dài 5-7 cm, phân bố rộng ở các vùng biền trên toàn thế giới. Loài này tạo những ống cứng bằng vòi. Giống như phần lớn các loài giun ống, chúng có các xúc to biến đổi để nút kín ống sau khi thụt vào.
Giun ống xoắn ốc phương Bắc (Spirorbis borealis) dài 2-3 cm, sống ở dọc các đường bờ biển Bắc Đại Tây Dương. Ống cuộn nhỏ của loài giun ống này thường gắn chặt vào tảo Fucus và tảo bẹ.
Sâu lông Đại Tây Dương (Hermodice carunculata) dài 6-30 cm, phân bố ở vùng biển nhiệt đới Đại Tây Dương. Loài giun nhiều tơ này ăn thịt san hô bằng cách hút thịt mềm bên trong bộ xương cứng của san hô. Gai cứng hai bên cơ thể của chúng có thể gây nguy hiểm cho con người.
Giun vảy hải sâm (Gastrolepidia clavigera) dài 2,5-3 cm, phân bố ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Loài giun nhiều tơ này có các vảy lưng dẹt, chuyên sống ký sinh trên hải sâm.
Giun mái chèo xanh (Eulalia viridis) dài 5-15 cm, sống giữa đá và tào bẹ vùng gian triều tại bờ biển châu Âu. Chúng là những loài ăn thịt nhanh nhẹn, có phần phụ để bơi hình lá trên các phần kéo dài của cơ thể.
Rươi xanh (Alitta virens) là họ hàng gần của giun mái chèo, thường đào bùn dưới đáy biển Đại Tây Dương. Các phần nhô ra trên cơ thể chúng có hai ngạnh. Loài này có thể cắn rất đau.
Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG
Tags: Giun đốt, Thiên nhiên