Chùm ảnh: Nhớ lại khoảnh khắc bác sĩ Yesin ‘phát hiện ra Đà Lạt’

Sau hai ngày đường, vào 15h30 ngày 21/6/1893, bác sĩ Yersin bước ra khỏi rừng thông và nhìn thấy một cao nguyên tuyệt đẹp: Cao nguyên Lâm Viên. Đây chính là khoảnh khắc “phát hiện ra Đà Lạt” được ghi lại trong sử sách.

Là thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam, Đà Lạt có lịch sử hình thành từ năm 1893, khi bác sĩ Alexandre Yersin lần đầu tiên đặt chân đến cao nguyên Lâm Viên. Ông được ghi nhận trong sử sách như “người phát hiện ra Đà Lạt”. (Ảnh trong bài chụp tại tượng đài Bác sĩ Yersin, Đà Lạt).

Ngược dòng lịch sử, vào năm 1890, sau khi đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ y khoa và làm việc tại Viện Pasteur Paris, Alexandre Yersin quyết định rời bỏ phòng thí nghiệm để dấn thân vào những cuộc phiêu lưu ở phương Đông xa xôi.

Đầu năm 1893, ông được Toàn quyền Đông Dương giao nhiệm vụ khảo sát một tuyến đường bộ từ Sài Gòn lên Cao nguyên Trung phần và kết thúc ở bờ biển Trung Kỳ. Trong sứ mệnh đó, bác sĩ Yersin đã thực hiện nhiều hành trình khác nhau. Hành trình khám phá Đà Lạt là hành trình thứ ba.

Hành trình này bắt đầu ngày 30/5/1893, khi Yersin từ Tánh Linh đi Phan Rang bằng một con đường núi khác với các hành trình trước. Ngày 11/6, ông đến Bross, địa danh nằm ở đáy một thung lũng sâu có sông Đồng Nai chảy qua, phía Bắc là núi Tadoung (Tà Đùng), nay thuộc tỉnh Đắk Nông.

Từ Tadoung, bác sĩ Yersin xuống núi để quay trở lại Rioung. Ông để lại hành lý tại đây rồi cùng bốn người phu khuân vác lên đường thám sát vùng núi Lang Biang – Lâm Viên.

Sau hai ngày đường, vào 15h30 ngày 21/6/1893, Yersin bước ra khỏi rừng thông và nhìn thấy một cao nguyên tuyệt đẹp: Cao nguyên Lâm Viên. Đây chính là khoảnh khắc “phát hiện ra Đà Lạt” được ghi lại trong sử sách.

Trong nhật ký hành trình, Yersin viết: “Những đường đất uốn lượn làm ta tin rằng chúng ta đang đi trên mặt biển dậy sóng lớn. Lang Biang nằm ở giữa như một hòn đảo và cảm giác càng xa dần mỗi khi ta tiến lên”.

Yersin ngủ lại một đêm ở Dankia rồi trở về Rioung dưới một cơn mưa tầm tã. Sau khi rời Rioung, đoàn thám hiểm men theo thung lũng sông Đa Nhim và đến Phan Rang, kết thúc hành trình ngày 26/6/1893. Và câu chuyện chưa dừng lại ở đây.

Năm 1897, Toàn quyền Paul Doumer tìm kiếm một địa điểm để xây dựng trạm nghỉ dưỡng dành cho công chức và binh lính Pháp ở Đông Dương. Nhận được thư riêng của ông Toàn quyền, bác sĩ Yersin đã đề nghị chọn cao nguyên Lâm Viên, nơi có khí hậu tương tự như vùng ôn đới châu Âu.

Cuối tháng 3/1899, đích thân Toàn quyền Paul Doumer cùng bác sĩ Yersin đến cao nguyên Lâm Viên để khảo sát và quyết định triển khai dự án thành phố nghỉ dưỡng Đà Lạt. Tuy nhiên, dự án đã bị gián đoạn và phải đến giữa thập niên 1910 công cuộc kiến thiết thành phố mới thực sự bắt đầu.

Trong vòng 30 năm, nhờ bản quy hoạch của các kiến trúc sư Ernest Hébrard và Jacques Lagisquet, một thành phố xinh đẹp với những biệt thự, công sở, trường học, khách sạn… đã hình thành. Nhiều công trình tồn tại đến ngày nay, trở thành di sản kiến trúc vô giá của thành phố Đà Lạt.

Trở lại với câu chuyện Alexandre Yersin phát hiện ra Đà Lạt, có một sự thật là trước khi bác sĩ người Pháp đặt chân đến, vùng đất này đã là nơi cư trú lâu đời của các cư dân người Lạch và đã được một số nhà thám hiểm khác biết đến.

Nhưng chuyến thám hiểm của bác sĩ Yersin vào năm 1893 có ý nghĩa quyết định đối với thành phố Đà Lạt tương lai, bởi chuyến đi này là tiền đề cho việc khai sinh Đà Lạt và rồi từ đó, dấu ấn của Alexandre Yersin ngày càng sâu đậm trong quá trình phát triển của thành phố.

Vào năm 2008, nhân kỷ niệm 115 năm hình thành và phát triển, thành phố Đà Lạt đã khánh thành tượng đài bác sĩ Alexandre Yersin tại công viên Yersin. Tượng do nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng tạc từ một khối đá hoa cương nặng 36 tấn, tái hiện chân dung kèm chữ ký của bác sĩ Yersin.

Bức tượng nằm trong một không gian rợp bóng cây xanh, nhìn ra hồ Xuân Hương, đồi Cù và dãy núi Lang Biang hũng vĩ – biểu tượng bất hủ của cao nguyên Lâm Viên. Đứng ở nơi đây, có thể hình dung phần nào cảm giác choáng ngợp của bác sĩ Yersin vào thời khắc ông tìm ra Đà Lạt…

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , , ,