⠀
Chùm ảnh: Khám phá ‘Tổ đại bàng’ ở Iran – nơi bắt nguồn của từ ‘assasin’
Thung lũng Alamut, hay “Tổ đại bàng”, từng là đại bản doanh của nhóm sát thủ thuộc dòng Hồi giáo Shia trong thế kỷ 11, với hàng loạt pháo đài trên vách đá lởm chởm.
Vượt ra khỏi thành lũy đầu tiên của dãy núi Alborz phía bắc Iran, làng Gazorkhan nằm bên dưới những rặng núi lởm chởm trong một thung lũng trải dài. Các công sự nằm trên đỉnh khối đá là tàn tích của Lâu đài Alamut, pháo đài đầu tiên của giáo phái có niên đại hàng nghìn năm, nơi bắt nguồn của từ “sát thủ”.
Alamut có nghĩa là “tổ đại bàng”. Một vị vua từ thế kỷ thứ 8 đã quan sát cách đại bàng làm tổ trên những tảng đá gồ ghề và nảy sinh ý tưởng xây dựng pháo đài bất khả xâm phạm. Hai thế kỷ sau, Hassan-e Sabbah, một nhà truyền giáo trẻ tuổi nổi tiếng ở Ba Tư, đã biến Lâu đài Alamut thành căn cứ của người Hồi giáo dòng Shia.
Ngôi làng Gazorkhan và Thung lũng Alamut nhìn từ Lâu đài Alamut. Vốn sinh ra ở Cairo, Ai Cập, Sabbah lưu lạc tới Thung lũng Alamut hẻo lánh sau cuộc chiến ở quê nhà. Tại đây, Sabbah được cho là đã đào tạo đội quân tinh nhuệ thực hiện những vụ giết người tàn bạo để trả thù. Họ được gọi là các “hashshashin”, từ sau này trở thành “assasin” (sát thủ) trong tiếng Anh.
Những ngôi nhà mái bằng phổ biến tại làng Bahramabad ở thung lũng Alamut, gần Razmian. Alamut nổi tiếng với các thư viện, các phòng chứa nằm sâu bên trong lòng núi và các bể chứa nước được xây dựng tinh vi. Sự cai trị của Sabbah ở Alamut vẫn còn là điều bí ẩn, một phần vì hầu hết ghi chép về giai đoạn này đã bị người Mông Cổ phá hủy.
Những vườn cây ăn trái và những cánh đồng lúa nằm dọc theo thung lũng. Thung lũng Alamut hiện được coi là địa điểm nghỉ dưỡng cuối tuần bình dị với hầu hết du khách, bao gồm người dân Iran. Những cánh đồng ngô, đồng lúa, những thửa ruộng bậc thang nhấp nhô tạo nên khung cảnh đẹp như tranh vẽ.
Dân làng trồng lúa trên ruộng bậc thang ở thung lũng Alamut. Sabbah đã xây dựng khoảng 200 thành lũy Hồi giáo Shia, giống như các thuộc địa bán tự trị, khắp miền Bắc Iran, đặc biệt là giữa dãy núi Alborz và Syria.
Con đường mòn ngoằn ngoèo uốn lượn trên sườn đồi sẽ dẫn du khách tới các vách đá cheo leo với bề mặt lởm chởm. Du khách có thể cưỡi ngựa để tới tham quan các công sự và pháo đài trên đỉnh núi.
Trạm nghỉ Pichebon nằm sát đèo Salambar. Đội quân Mông Cổ tràn vào Ba Tư trong thế kỷ 13 có thể đã xâm nhập vào Thung lũng Alamut qua đèo Salambar phía trên Pichebon. Do địa hình hiểm trở nên hầu như không du khách nào đến Lâu đài Alamut trước khi nhà văn người Anh Freya Stark mạo hiểm tới đây vào năm 1931.
Con đường độc đạo đến lâu đài Lamiasar phía trên thung lũng Alamut gần Razmian. Thung lũng Alamut đầy ắp những câu chuyện kỳ lạ về phù thủy và những giai thoại bí ẩn khác. Người dân kể lại rằng những con dốc ở đây giàu khoáng chất đến nỗi cừu được chăn thả trong khu vực này mọc răng vàng khi nhai một loại thảo mộc đặc biệt.
Hình dạng kỳ lạ của các tảng đá bên sườn thung lũng Alamut, gần làng Andej. Ngày nay, du khách có thể đi bộ hoặc thậm chí lái xe trên con đường độc đạo, luồn lách qua những ngọn núi, băng qua Salambar trước khi lao xuống thung lũng dẫn thẳng ra Biển Caspi.
Tàn tích của lâu đài Nevisar Shah nằm giữa đỉnh núi đá cao ở làng Garmaroud.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN / CNN
Tags: Danh lam thắng cảnh, Di tích lịch sử, Địa điểm du lịch, Iran