Chùm ảnh: Chiếc đầu máy huyền thoại của ngành đường sắt Việt Nam

Đầu máy Tự Lực số 141-158 là chiếc đầu máy lịch sử gắn liền với công cuộc tái thiết đất nước sau ngày thống nhất.

Khuôn viên ga Sài Gòn (quận 3, TP HCM) là nơi lưu giữ một hiện vật đặc biệt của ngành đường sắt Việt Nam.

Đó là chiếc đầu máy Tự Lực số 141-158, chiếc đầu máy lịch sử gắn liền với công cuộc tái thiết đất nước sau ngày thống nhất.

Chiếc đầu máy này được lắp ráp năm 1964 tại Nhà máy xe lửa Nguyễn Văn Trỗi ở Gia Lâm, Hà Nội, theo kiểu dáng công nghệ của thương hiệu đầu máy Mikado nổi tiếng.

Số 141 trong tên gọi của đầu tàu là ký hiệu của phân hiệu công nghệ đầu máy xe lửa Mikado kiểu Pháp.

158 là thứ tự sản xuất của chiếc đầu máy.

Đây là dòng đầu máy chạy bằng hơi nước, đốt than, được sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới từ thập kỷ 1970 trở về trước.

Đầu máy có một nồi hơi mang thể tích 4m3, phía sau là toa nhiên liệu có khả năng chứa 10 tấn than và 16m3 nước, đủ để kéo được 20 toa khách lưu thông đoạn đường dài khoảng 50km.

Ngày 31/12/1976, đầu máy Tự Tực 141-158 đã kéo đoàn tàu đầu tiên khai thông tuyến đường sắt Bắc Nam.

Trong giai đoạn sau đó, 141-158 cùng các đầu máy hơi nước tương tự hoạt động chủ yếu ở miền Bắc.

Từ năm 1996, các đầu máy hơi nước ngừng hoạt động trên các tuyến đường trường, chỉ chở khách du lịch theo yêu cầu và phục vụ vận chuyển nội bộ trong ga với thời lượng thấp.

Đến năm 2003, toàn bộ đầu máy hơi nước của Việt Nam chính thức dừng hoạt động.

Giờ đây, đầu máy Tự Lực 141-158 được lưu giữ như chứng tích về một giai đoạn lịch sử của đất nước trong thế kỷ 20.

Một số hình ảnh khác về đầu máy Tự Lực 141-158.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , ,