Cần làm gì để có một ngành công nghiệp nội dung số lành mạnh?

Việc tường thuật trực tiếp nhất cử nhất động của ông Thích Minh Tuệ trong hành trình tu tập, hay chĩa máy quay vào đám tang của nghệ sĩ, vào quá trình vây bắt tội phạm của công an… phản ánh điều gì?

Cần làm gì để có một ngành công nghiệp nội dung số lành mạnh?

Tác giả: Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương.

Hành giả đầu đà Thích Minh Tuệ đã đi bộ khất thực từ Nam ra Bắc và ngược lại nhiều lần từ năm 2018. Nhưng câu chuyện bàn luận xung quanh hình thức thực hành hạnh nguyện của ông nay mới ồn ào lên, chủ yếu do sự đeo bám, tường thuật trực tiếp của các YouTuber, TikToker.

Dù ông Minh Tuệ đã yêu cầu mọi người giải tán, không để ảnh hưởng đến an toàn giao thông trật tự tại địa phương, đám đông không có ý định chấm dứt ngay cả khi ông đã hạn chế đi bộ khất thực.

Việc này gợi cho tôi nhớ đến vài câu chuyện về chia sẻ dữ liệu và nội dung qua mạng, khởi đầu là Napster.

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, âm nhạc kỹ thuật số, phổ biến nhất là các tệp âm thanh được mã hóa ở định dạng mp3, là một cuộc cách mạng đối với công chúng nghe nhạc, do sự tiện lợi về định dạng phổ biến, kích thước nhỏ gọn, dễ tương thích với các thiết bị, chất lượng gần như bản gốc và dễ dàng chia sẻ.

25 năm trước, Napster ra đời. Với vai trò là một trong những dịch vụ internet chia sẻ ngang hàng (P2P) các nội dung mp3, Napster có thời điểm thu hút tới 80 triệu người đăng ký sử dụng trên toàn thế giới. Dịch vụ này giúp người dùng chia sẻ nội dung nhạc số rất nhanh, nhưng có nhược điểm là khiến các hãng đĩa thất thu vì hành vi lan truyền nội dung không bản quyền. Hồi đó, máy chủ của trường Đại học mà tôi theo học ở nước ngoài đã phải chặn Napster, phần vì lo ngại vi phạm bản quyền, phần vì một lượng lớn băng thông mạng internet được sử dụng chỉ cho dịch vụ này.

Một thời gian sau, torrent là phương thức phổ biến để chia sẻ nội dung có dung lượng lớn hơn, chủ yếu là các video có độ phân giải cao. Tôi và chắc nhiều người dùng máy tính khác lúc bấy giờ đã mua các ổ lưu trữ lớn, lưu không biết bao nhiêu bộ phim yêu thích được tải qua torrent (mà trong đó nhiều phim chưa xem một lần cho đến khi ổ cứng hỏng). Thế mới biết sự khát khao các nội dung số lớn đến thế nào.

YouTube, nền tảng chia sẻ video trực tuyến ra đời năm 2005 và đến nay là trang được truy cập nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau trang tìm kiếm của Google. Thống kê năm 2023 cho thấy YouTube có khoảng 2,5 tỷ người dùng, trong đó ở Việt Nam có hơn 73% người trưởng thành sử dụng (63 triệu người), đứng thứ hai Đông Nam Á (sau Indonesia), đứng thứ chín trên toàn thế giới. YouTube không phải nền tảng duy nhất chia sẻ video trực tuyến, chỉ là nền tảng lớn nhất, còn rất nhiều mạng xã hội khác có vai trò tương tự và cũng thu hút lượng người dùng khổng lồ, bao gồm Facebook, TikTok, Instagram …

Nói như vậy để thấy khối lượng nội dung số dưới dạng video được chia sẻ ngày hôm nay đã là con số khổng lồ. Rất nhiều đối tượng đăng tải các video này giờ đây không cần phải là doanh nghiệp sản xuất chương trình, doanh nghiệp truyền thông mà đã có rất nhiều cá nhân. Ngành công nghiệp nội dung số mở rộng cơ hội cho rất nhiều người tham gia, kể cả các bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường, nhất là khi các nền tảng này trả chi phí cho số lượt truy cập quảng cáo thông qua những video được đăng tải. Nghiên cứu về xu hướng người sử dụng YouTube cho thấy 54% người xem được khảo sát thậm chí thích bình luận của chủ kênh về sự kiện hơn là xem chính sự kiện đó!

Rất nhiều người trẻ Việt Nam thông qua các video của mình đã góp phần tích cực vào việc phổ biến các tác phẩm văn học, âm nhạc của thế hệ trước. Có những bạn tạo ra nội dung thu hút nhiều khán giả về lối sống lành mạnh. Có nhà sáng tạo nội dung cổ vũ, khuyến khích người xem theo đuổi ước mơ thời thơ bé. Không thể phủ nhận lợi ích của nhiều video được chia sẻ trên các mạng xã hội, giúp cho sự nghiệp học cả đời (lifelong learning) của các cá nhân trở nên khả thi hơn. Nói cách khác, video và các nội dung số nói chung đã và đang tạo ra một cách thức thông tin, giải trí và giáo dục mới, sinh động và dễ hiểu hơn đối với công chúng.

Tuy vậy, cũng có rất nhiều người đang chạy theo việc tạo ra nội dung, để phục vụ một bộ phận người xem tò mò, khao khát các nội dung không chính thống. Các nội dung số được lưu truyền, khởi đầu phần lớn chỉ là các bản nhạc hay bộ phim, bây giờ đa số là các clip do youtuber tự sản xuất. Trong nhiều trường hợp, một số youtuber đeo bám đối tượng, quay video mà không cần chú ý đến nguyện vọng của đối tượng, thu hút thêm sự tò mò của những người xung quanh.

Việc tường thuật trực tiếp nhất cử nhất động của ông Thích Minh Tuệ trong hành trình tu tập nói trên, hay chĩa máy quay vào đám tang của nghệ sĩ, vào quá trình vây bắt tội phạm của công an liệu có phải là việc nên làm? Không dễ để có quy định cứng, chi tiết về những vấn đề này, nhưng tôi nghĩ đã đến lúc nên thống kê lại, xem bao nhiêu phần trăm băng thông dữ liệu đang được sử dụng để sản xuất, tiêu thụ những nội dung lành mạnh? Bao nhiêu phần trăm đang dành cho những nội dung tạm gọi là nhảm nhí?

Các chỉ số thống kê, nếu được thực hiện một cách nghiêm túc và khoa học, sẽ phản ánh đúng sự phát triển của kinh tế số trong nền kinh tế, phản ánh sự thay đổi của xã hội số, công dân số. Nó sẽ trở thành cơ sở dữ liệu giúp cơ quan Nhà nước trong việc định hướng, quản lý các nội dung số; các doanh nghiệp sở hữu nền tảng trong việc tạo ra thuật toán gợi ý người xem, các doanh nghiệp và cá nhân sở hữu và sản xuất các kênh, các video trong việc duy trì đạo đức sản xuất nội dung…

Và khó nhất, nhưng cũng quan trọng nhất, là tất cả công việc này sẽ giúp người sử dụng nội dung số trong việc gạn đục, khơi trong những nội dung của ngành công nghiệp này.

Theo VNEXPRESS

Tags: