⠀
Vùng Đông Nam Á đầu thế kỷ 16 qua góc nhìn của Tome Pires
“Nước Việt là một nước lớn hơn và giàu có hơn nước Chiêm Thành. Họ không thân thiện với những người Hồi. Họ không trương buồm đi tới Malacca, nhưng hay sang Trung Hoa và Chiêm Thành”.
Nguồn: Armando Cortesao, biên tập và chuyển dịch, The Suma Oriental of Tomé Pires and the Book of Francisco Rodrigues (London: Cambridge University Press for the Hakluyt Society, 1944), Vol. I, các trang 103-104, 107-109, 112, 114-115, 133-134. Ngô Bắc dịch
Có lẽ bản tường thuật đầy đủ nhất và quan trọng nhất về vùng Đông Nam Á được viết hồi tiền bán thế kỷ mười sáu là bài The Suma Oriental của Tome Pires (sinh vào khoảng 1468 – chết vào khoảng 1539) [xem thêm chú thích *b của người dịch ở cuối bài]. Pires đã thăm viếng Ấn Độ và nhiều nơi trong quần đảo Nam Dương và có thể đã du hành đến Cochinchina (tên mà Tây Phương dùng để chỉ Việt Nam ngày nay, chú của người dịch), Xiêm La và Căm Bốt. Sự hiểu biết của ông về đảo Lữ Tống (Luzon) [tức Phi Luật Tân ngày nay, chú của người dịch] đến từ các nhà mậu dịch tại Malacca [thành phố và tiểu bang nằm trên bờ biển phía tây của Mã Lai ngày nay, chú của người dịch] nơi mà Pires đã làm việc cho chính phủ Bồ Đào Nha. Chính do khả năng lớn lao của ông với tư cách một đại lý thương mại, một văn gia, và một thương gia mua bán dược phẩm, mà Pires, một nhà bào chế dược phẩm bình dân, đã được bổ nhiệm làm đại sứ Bồ Đào Nha đầu tiên tại Trung Hoa vào năm 1516, sau khi bản Tóm Lược Về Vùng Viễn Đông này được hoàn tất.
Có ba hải cảng tại vương quốc Xiêm La bên phía Pegu, và bên phía Pahang và Champa có nhiều hải cảng. Tất cả đều thuộc về vương quốc nói trên và dưới quyền cai trị của quốc vương nước Xiêm. Lãnh thổ của nước Xiêm thì to lớn và rất phong phú, với đông dân cư và nhiều thành phố, với nhiều vị sứ quân và nhiều thương gia ngoại quốc, và phần lớn những ngoại kiều này là người Trung Hoa, bởi nước Xiêm mua bán trao đổi rất nhiều với Trung Hoa. Vùng đất Malacca được gọi là phần lãnh thổ của Xiêm, và toàn thể lãnh thổ của Xiêm, Chàm, và các vùng lân cận được gọi là thuộc Trung Hoa.
Vương quốc Xiêm là một nước ngoại đạo [theo cái nhìn của người tây phương lúc bấy giờ, để chỉ các nước không theo đạo thờ Chúa hay một vị Thương Đế duy nhất như đạo Thiên Chúa, đạo Do Thái hay đạo Hồi, mà thờ phương các thần tượng hay đa thần, chú thích của người dịch]. Người dân, và hầu như trọn vẹn ngôn ngữ, giống như người dân và ngôn ngữ vùng Pegu. Họ được xem là những người thận trọng có nhiều sự chỉ bảo tốt. Những thương gia hiểu biết nhiều về hàng hóa. Họ có dáng người cao, ngăm đen, cắt tỉa râu tóc như những người Pegu. Vương quốc được cai trị một cách công bằng. Nhà vua lúc nào cũng cư trú tại thành phố Odia (Ayuthia). Nhà vua là người săn bắn thú vật. Ông rất giữ lễ nghi đối với ngoại kiều; ông tỏ ra phóng khoáng và dung dị hơn đối với thần dân của mình. Ông có nhiều vợ, lên tới 500 bà. Khi mà vị vua từ trần, người lên nối ngôi vua là người có giòng máu hoàng tộc, thường là người cháu trai, con trai của một người chị hay em gái, nếu tỏ ra xứng đáng, còn nếu không, đôi khi có những sự thỏa thuận và các hội nghị (để quyết định) ai là kẻ xứng đáng nhất. Họ giữ kín những điều bí mật. Họ là những người rất dè dặt. Họ phát ngôn với một sự khiêm tốn được dậy dỗ một cách kỹ càng. Những nhân vật quan trọng hết sức tuân lệnh nhà vua. Các đại sứ của họ thi hành các chỉ thị một cách triệt để.
Vì tính xảo quyệt (của người Xiêm) các thương gia ngoại quốc đến phần đất thuộc vương quốc của họ để lại hàng hóa tại đó và thường bị trả với giá thấp, và điều này xảy ra với tất cả mọi thương nhân — mặc dù ít hơn đối với người Trung Hoa, do sự thân thiện của họ với nhà vua nước Trung Hoa. Và vì lý do này ít thương nhân cập bến các hải cảng của họ hơn mức bình thường sẽ phải xảy ra. Tuy nhiên, nhờ ở đất nước phong phú về mặt hàng hóa, họ vẫn có thể có một số sản phẩm đem lại lợi nhuận, như vẫn thường xẩy ra cho các thương nhân, bởi nếu không, sẽ không có mậu dịch gì cả.
Có rất ít người sắc dân Moors [sắc dân Hồi pha giống của hai chủng tộc Ả Rập và Barber, sinh sống tại vùng tây bắc Phi Châu, chú của người dịch] tại Xiêm. Người Xiêm không thích họ. Tuy nhiên, có những người Ả Rập, Ba Tư, người Hồi vùng Bengal, nhiều người Kling (Ấn Độ), Trung Hoa, và nhiều quốc tịch khác. Và tất cả mậu dịch của Xiêm diễn ra bên phía bờ thông sang Trung Hoa, và tại Pase, Pedir và Bengal. Các người gốc Hồi (Moors) ở các hải cảng. Họ tuân phục các vị sứ quân của riêng họ, và thường xuyên gây chiến với các người Xiêm, khi thì trên đất liền, khi thì tại Pahang. Họ [các người Xiêm, chú của người dịch] không phải là các chiến sĩ quá hiếu chiến. Các người Xiêm đó đeo chuông giống như người dân ở Pegu, và cũng đeo nhiều chuông như thế chứ chẳng ít hơn chút nào. Các vị sứ quân đeo các viên kim cương nhọn hoắt và các loại đá quý khác nơi bộ phận sinh dục ngoài các quả chuông — một viên đá quý được đeo tùy theo địa vị hay của cải của người đó…
Lúa gạo được sản xuất vô cùng phong phú tại Xiêm, và có nhiều muối, cá muối phơi khô, rượu oraquas nấu bằng gạo hay mía, nhiều loại rau; và có đến ba mươi chiếc thuyền mỗi năm thường đến Malacca với các sản phẩm này.
Từ nước Xiêm họ xuất cảng cánh kiến đỏ, cánh kiến trắng, gỗ vang (sappanwood), chì, thiếc, bạc, vàng, ngà voi, thuốc nhuận tràng (cassia fistula); họ chuyên chở những thuyền lớn đầy đồng và vàng đúc, các nhẫn kim cương và đá hồng ngọc; họ chuyên chở số lượng lớn lao các mặt hàng vải thô, rẻ tiền bán cho người dân nghèo.
Họ nói rằng món hàng chính yếu họ nhập từ Malacca về Xiêm là những nô lệ đàn ông cũng như đàn bà, mà họ nhập về với số lượng lớn, cùng với gỗ đàn hương trắng, hạt tiêu, thủy ngân, sơn son, thuốc phiện, … đinh hương, bột gia vị từ hạt nhục đậu khấu, hạt nhục đậu khấu (nutmeg), các loại vải mỏng khổ lớn và nhỏ, và các loại vải Ấn Độ theo thời trang tại Xiêm, vải lạc đà (quần áo chống thấm nước), nước hoa hoa hồng, thảm, đồ thêu từ Cambay, các vỏ ốc trắng, sáp ong, long não Borneo, cây hương (pachak) có rễ giống như củ cải khô (một loại rễ ăn được tại Âu Châu) [rễ cây pachak có mùi thơm dùng để chế tại ra cây hương (nhang), chú của người dịch], mụn (nấm) cây …. và những hàng hóa sản xuất từ Trung Hoa họ mang sang hàng năm cũng đều có giá cao tại đó.
Người Xiêm đã không mua bán tại Malacca trong hai mươi năm. Họ có một sự khác biệt bởi vì các vị vua tại Malacca đã không trung thành với các vị vua của Xiêm, bởi vì họ nói rằng Malacca thuộc vào lãnh thổ của Xiêm — Họ nói rằng vùng đất đó là của họ và rằng hai mươi năm trước đây Nhà Vua này đã để mất Malacca, nơi đã nổi dậy chống lại sự thần phục này. Họ cũng nói rằng Pahang đã nổi dậy chống lại nước Xiêm theo cùng cung cách như thế, và rằng, do ở mối quan hệ giữa họ với nhau, các vị vua tại Malacca ủng hộ cho người dân tại Pahang chống lại người Xiêm, và rằng đây cũng là một nguyên do cho sự bất đồng của họ.
Họ cũng nói rằng chính là vì các khu vực có mỏ thiếc ở phía bên bờ biển Kedah, và nguyên thủy thuộc về vùng Kedah, đã bị xâm chiếm bởi Malacca; và họ đã cãi cọ vì tất cả các nguyên do này, và họ nói rằng nguyên do chính là sự nổi dậy chống lại sự thần phục. Sau sự kiện này, nước Xiêm đã mang chiến thuyền sang đánh Malacca, và quân Xiêm đã bị xua chạy bởi người Mã Lai, và (họ nói) rằng vị thống lãnh hải quân là Lasamane (Laksamana) — nhân vật nhờ thế được tôn kính rất nhiều kể từ đó.
Người Xiêm mua bán mậu dịch với Trung Hoa — khoảng sáu hay bảy chiếc thuyền mỗi năm. Họ mua bán với Sunda và Palembang … và các hòn đảo khác. Họ mua bán với nước Căm Bốt và Chàm và nước Cochinchina [tên gọi Việt Nam lúc bấy giờ, chú của người dịch] … và với Miến Điện … và (Xiêng Mai) trên đất liền, những khi họ giao hảo hòa bình với nhau.
Về phía Tenasserim nước Xiêm cũng giao thương với Pase, Pedir, với Kedah, với Pegu, với Bengal; và những người Ấn Âu (Gujaratees) có ghé hải cảng nước này hàng năm. Họ giao thưong rất nhiều với nước ngoài và tự do mua bán trong nước, nhưng họ là những kẻ cai trị chuyên chế vĩ đại.
CĂM BỐT
Rời nước Xiêm trên đường đến Trung Hoa dọc theo bờ biển là vương quốc Căm Bốt, được bao bọc dọc theo con đường đó bởi vương quốc Chàm. Nhà vua của nước này là kẻ ngoại đạo và có tinh thần thượng võ. Xứ sở này đâm sâu vào trong đất liền. Nhà vua nước này hiện đang giao chiến với nước Miến Điện và nước Xiêm La, và đôi khi với Chiêm Thành (Chàm), và ông ta không thần phục một ai. Người dân Căm Bốt thì hiếu chiến.
Lãnh thổ Căm Bốt có nhiều sông rạch. Họ có nhiều thuyền buồm (lancharas), được lái tới bờ biển Xiêm La dọc theo phía Lakon, và họ thường tập hợp thành các hạm đội chống lại bạn và thù (?). Đất đai Căm Bốt sản xuất ra nhiều thực phẩm. Đây cũng là một xứ sở có nhiều ngựa và voi.
Đất đai Căm Bốt sản xuất khối lượng lớn về gạo và thịt, cá ngon và loại rượu đặc sản của họ; và xứ sở này sản xuất ra vàng; còn có cánh kiến đỏ, nhiều ngà voi, cá khô, gao.
Họ nhập vải trắng loại tốt từ Bengal, một ít hạt tiêu, đinh hương, son đỏ, thủy ngân, nước cánh kiến trắng (dược liệu), hạt xâu chuỗi màu đỏ.
Tại xứ sở này các sứ quân tự thiêu khi nhà vua băng hà — cũng giống như các bà vợ nhà vua hay những người đàn bà khác tự thiêu khi chồng họ mất đi. Và họ cũng cắt tỉa tóc vòng quanh vành tai của mình như một biểu hiệu cho sự thanh nhã.
COCHINCHINA [Địa danh nói chung để chỉ phần đất Việt Nam khi đó, xem thêm chú thích của người dịch dưới]
Nhà vua của nước Việt Nam (Cochin China) là nhà vua của một nước lớn hơn và giàu có hơn nước Chiêm Thành (Chàm). Vương quốc này nằm giữa Chiêm Thành và Trung Hoa. Nhà vua là một chiến sĩ dũng mãnh trong đất nước. Nhà vua có một số lượng lớn lao các thuyền buồm và khoảng ba mươi hay bốn mươi thuyền mành. Xứ sở này có nhiều sông ngòi lớn tàu bè có thể đi lại được. Trong nước không có người nước khác đến lập nghiệp; gần bờ biển (có) nhiều ngoại kiều. Xứ sở này đâm sâu vào trong đất liền. Tại Malacca xứ sở này được gọi là nước Cochin China…
Nhà vua là kẻ ngoại đạo, cũng như tất cả thần dân của ông ta. Họ không thân thiện với những người Hồi (Moors). Họ không trương buồm đi tới Malacca, nhưng đi sang Trung Hoa va Chiêm Thành. Họ là sắc dân rất yếu kém trên mặt biển; mọi thành quả của họ đạt được trên đất liền. Họ có nhiều sứ quân tài giỏi. Nhà vua này liên kết với nhà vua Trung Hoa qua các vụ hôn phối; và vì nhà vua này không gây chiến với Trung Hoa, ông luôn luôn có phái một đại sứ túc trực tại triều đình Trung Hoa, ngay dù nhà vua nước Việt Nam (Cochin China) không muốn làm như thế, hay mặc dù điều này làm nảy sinh sự bất mãn trong ông, bởi nước ông là một nước chư hầu… Nước Cochin China là một đất nước có nhiều ngựa.
Nhà vua dồn nhiều nỗ lực cho chiến tranh, và ông có vô số ngự lâm quân, và một số lượng nhỏ các tạc đạn. Một số lượng rất lớn lao thuốc súng được xử dụng tại xứ sở này, cả trong thời chiến lẫn trong các buổi tiệc tùng và giải trí của nhà vua, đêm cũng như ngày. Tất cả các sứ quân và các nhân vật quan trọng trong vương quốc này đều làm như thế. Thuốc súng được dùng hàng ngày đế chế tạo các hỏa tiễn và trong mọi cuộc lễ lạc vui chơi nào khác, như khi chúng ta sẽ khảo sát về hàng hóa có giá trị cao tại nơi đó.
Chính yếu là vàng và bạc, nhiều hơn nhiều so với Chiêm Thành; gỗ trầm hương (Calambac) không nhiều bằng Chiêm Thành. Họ sản xuất đồ sứ (porcelain) và đồ gốm (pottery) — một số có giá trị rất cao — những sản phẩm này được chở sang để bán tại Trung Hoa. Họ sản xuất đủ loại tơ lụa mỏng tốt hơn, dài hơn, rộng hơn, mịn hơn tơ lụa tại bất kỳ nơi nào khác, ở đây cũng như ở trong nước chúng ta. Họ sản xuất được thứ tơ lụa sống (?) đủ màu hạng tốt nhất, được sản xuất với khối lượng vô cùng phong phú tại nơi đây, và tất cả những gì họ sản xuất trong đường hướng này đều tốt và hoàn hảo, không hề có sự giả mạo như những sản phẩm chế tạo từ các nơi khác, và họ cũng nuôi ngọc trai nhưng không nhiều.
Đứng đầu hàng hóa có giá trị cao tại nước Cochin China (Việt Nam ngày nay) là chất lưu huỳnh (sulphur), và họ sẽ thu mua cả hai chục chiếc thuyền mành loại hàng này nếu nó được gửi đến đây nhiều đến mức có thể cung cấp được; và lưu huỳnh từ Trung Hoa được đánh giá rất lớn. Một khối lượng vô cùng lớn lao nhập về Malacca từ các hòn đảo ở Solor đi xa quá đảo Java … và từ đây nó được chuyên chở đến nước Cochin-China [Việt Nam ngày nay, chú của người dịch].
Một khối lượng lớn muối hột [saltpeter, tên hóa học là potassium hay sodium nitrate, chú của người dịch] được chở đến đó từ Trung Hoa, và tất cả được bán tại đó. Đá hồng ngọc, kim cương, ngọc sa phia (sapphires) và mọi loại đá quý khác đều có giá trị cao, và một số nha phiến, nhưng ít thôi, một ít hạt tiêu, và một số sản phẩm khác có giá trị tại Trung Hoa. Nước cánh kiến trắng (một loại dược phẩm) có giá trị khá.
Họ hiếm khi nào lái thuyền của họ đến Malacca. Họ đi đến Trung Hoa, đến Quảng Đông … vốn là một thành phố lớn, để liên kết với người Trung Hoa (?); rồi thì họ cất hàng cùng với người Trung Hoa trên thuyền mành của họ, và sản phẩm chính họ chở (đến Malacca) là vàng và bạc cùng các hàng hóa mà họ mua ở Trung Hoa.
Tiền họ dùng để mua thực phẩm là tiền mặt của Trung Hoa, và đối với hàng hóa, họ trả bằng vàng và bạc.
Chú của người dịch về địa danh COCHIN CHINA:
Trong bản văn này, Tomé Pires đã dùng địa danh Cochin-China để chỉ Việt Nam ngày nay, là phần đất mà theo tác giả nằm giữa Trung Hoa và Chiêm Thành (Chàm). Theo các sử liệu của Bồ Đào Nha, vào năm 1512, thuyền trưởng Francisco Rodriguez đã vẽ một bản đồ hải hành vùng vịnh Bắc Việt, trong đó ghi địa danh khu vực Hà Nội là Cauchin de China (tức Cauchin thuộc Trung Hoa). Chắc đây là tên do Rodriguez đặt ra vì ông ta không rõ tên chính thức của khu vực Hà Nội khi đó, và rõ ràng có sự liên tưởng với thành phố Cochin mà Bồ Đào Nha chiếm được của Ấn Độ. Vì thế có thể nhìn nhận đây là lần đầu tiên địa danh Cochin-China xuất hiện trong các văn bản, tức từ năm 1512. Cochin-China là địa danh mà phần lớn các tác giả Tây Phương đã dùng để chỉ phần đất Việt Nam, cho đến khi nước Pháp xâm chiếm toàn thể lãnh thổ Việt Nam rồi chia làm ba xứ: Bắc Kỳ hay tên Pháp là Tonkin, Trung Kỳ hay còn gọi là An Nam, và Nam Kỳ hay tên Pháp là Cochin-China. Do đó nếu được dùng trước hậu bán thế kỷ 19, địa danh Cochin-China trong phần lớn trường hợp là để chỉ toàn thể lãnh thổ Việt Nam khi đó. Chỉ sau khi người Pháp biến Việt Nam thành thuộc địa, địa danh Cochin-China mới có nghĩa để chỉ riêng vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh. Có lẽ phần lớn các nhà du hành ban đầu sang đông phương cũng không biết đến các quốc hiệu của Việt Nam, và cũng không dùng địa danh An Nam vì thực ra An Nam là chữ của các triều đình Trung Hoa chỉ lãnh thổ của Việt Nam, và bắt đầu chính thức xuất hiện từ năm 679 khi nhà Đường bên Trung Hoa đổi tên Giao Châu đô hộ phủ thành An Nam đô hộ phủ. Địa danh An Nam là một trong 6 đô hộ phủ trong đó ngoài An Nam, còn có An Bắc, An Đông và An Tây nữa. Địa danh An Nam cũng bị thay đổi nhiều lần, cho tới thời nhà Lý của Việt Nam, Trung Hoa đổi tên từ Giao Chỉ bộ sang thành An Nam Quốc năm 1139 và phong cho vua Lý Anh Tông làm An Nam Quốc Vương. Cho đến thời Pháp thuộc, danh từ An Nam lại bị thu nhỏ lại để chỉ xứ Trung Kỳ không thôi. Có điều cần ghi nhớ là không có một triều đại nào của Việt Nam lại tự gọi quốc hiệu mình là An Nam mà đây chỉ là quốc hiệu do Trung Hoa đặt ra để gọi Việt Nam. Một điều đáng lưu ý khác là ít nhất mãi đến năm 1975, trên giấy báo điểm thi TOEFL (Anh Ngữ là ngoại ngữ) ở Hoa Kỳ họ vẫn còn ghi ngôn ngữ của thí sinh gốc Việt Nam là Annamese. *b: Về tác giả Tomé Pires: Các tài liệu khác cho biết năm 1517, một phái bộ do Tomé Pires cầm đầu mang ủy nhiệm thư của vua Bồ và được một hạm đội Bồ Đào Nha hộ tống đã đến Quảng Châu trước tiên, và xin phép lên kinh đô để yết kiến vua Minh. Pires bị bắt chờ đợi tại Quảng Châu vì triều đình nhà Minh có nhận được tin là Bồ Đào Nha đã xâm chiếm nhiều nơi tại Á Châu, trong đó có chiếm một phần đất thuộc Mã Lai vốn là một nước thần phục Trung Hoa khi đó. Sau cùng, phái bộ Pires cũng được cho phép lên kinh đô nhưng cùng lúc đó, vào năm 1519, quân Bồ Đào Nha lại xâm chiếm đảo Tou Men của Trung Hoa. Triều đình nhà Minh tức giận, ra lệnh bắt giải sứ bộ Pires về giam tại Quảng Châu. Tomé Pires chết trong tù năm 1523 [chú của người dịch]. Về danh từ Tonkin để chỉ miền Bắc là do người Tây Phương khi đó dịch từ chữ Đông Kinh, tức Hà Nội ngày nay, mà ra. Nguyên vào năm 1397, Hồ Quý Ly đã cưỡng ép vua Trần Thuận Tông dời đô từ Thăng Long, kinh đô của Việt Nam từ thời nhà Lý, về Thanh Hóa và xây thành Tây Đô hay còn gọi là Tây Kinh, thuộc xã Yên Tôn, Vĩnh Lộc ngày nay. Thành Thăng Long được đổi tên lại thành Đông Đô hay Đông Kinh từ đó. Đến năm 1428, vua Lê Lợi sau khi đánh đuổi được quân nhà Minh đã lên ngôi vua tại điện Kính Thiên, thành Đông Đô hay Đông Kinh. Nhà Lê cũng có cho xây cất cung điện thành quách tại quê quán Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa, và gọi là Lam Kinh để phân biệt với Đông Kinh tức Hà Nội ngày nay. Địa danh Đông Kinh này đã xuất hiện trở lại trong danh hiệu Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907 khi cụ Phan Bội Châu, vừa từ Nhật Bản trở về, đã nhóm họp và cùng quyết định với cụ Lương Văn Can lập ra một trường học mở mang dân trí theo kiểu Khánh Ứng Nghĩa Thục tại Đông Kinh (Tokyo), Nhật Bản. Địa danh Đông Kinh để chỉ miền bắc Việt vẫn còn được xử dụng cho đến giờ phút này, trong các sách vở của Tây Phương. Nổi bật nhất như trong biến cố được gọi là The Gulf of Tonkin Incident (Biến Cố Vịnh Bắc Việt) hồi năm 1964, mở màn cho việc Hoa Kỳ trực tiếp tham dự vào cuộc chiến tranh Quốc Cộng tại Việt Nam. Riêng địa danh Hà Nội xuất hiện chính thức vào năm 1831, khi vua Minh Mệnh đổi tên Bắc Thành thành tỉnh Hà Nội, có nghĩa vùng đất nằm phía trong sông Hồng. |
PHI LUẬT TÂN
Người đảo Lữ Tống (Lucoes) ở cách xa khoảng mười ngày lái thuyền kể từ đảo Borneo. Hầu hết trong họ là những người ngoại đạo; họ không có quốc vương, mà họ được cai trị bởi nhiều nhóm các vị trưởng lão. Họ là những người khỏe mạnh, ít được biết đến tại Malacca. Nhiều lắm là họ có hai hay ba chiếc thuyền mành. Họ cất hàng tờ đảo Borneo và từ đó họ chở đến Malacca.
Người dân đảo Borneo đến các phần đất của đảo Lữ Tống để mua vàng, cũng như thực phẩm, và vàng mà họ chở đến Malacca chính là từ đảo Lữ Tống cùng vô số những hòn đảo lân cận; và tất cả họ đều ít nhiều trao đổi mua bán lẫn nhau. Và vàng của những hòn đảo này nơi mà họ mậu dịch có chất lượng kém — thực sự có chất lượng rất tồi.
Người dân đảo Lữ Tống sản xuất trong xứ sở của họ đầy đủ các thực phẩm, và sáp, mật ong; và họ thu mua cùng loại hàng hóa từ đây y như người dân đảo Borneo. Họ gần như là một dân tộc; và tại Malacca không có sự phân biệt nào giữa họ. Họ chưa từng hiện diện trước đây tại Malacca như bây giờ; nhưng vị nhiếp chính {Tomunguo} là người được bổ nhiệm tới đây bởi vị Thống Đốc Ấn Độ đã sẵn khởi sự kết tập họ lại với nhau, và họ đã xây dựng xong nhiều nhà ở và cửa hàng. Họ là một dân tộc hữu dụng; họ cần cù làm viêc.
Theo VANHOAHOC.EDU.VN
Tags: Đông Nam Á