Việt Nam và vấn đề tham nhũng trong ‘chủ nghĩa tư bản hoang dã’

Không chỉ một vài, mà là nhiều ông tướng này, ông tướng kia, cựu lãnh đạo địa phương này, bộ kia, toàn là những bậc “phụ mẫu chi dân”, bị xộ khám vì tay đã nhúng chàm. Cùng liên đới với họ là những “đại gia”.

Bên cạnh những tò mò xem họ đã “ăn” những gì, như thế nào, hay bị pháp luật trừng phạt ra sao, có lẽ cũng cần nhìn lại câu chuyện dài này trong chiều kích tạm gọi là “lịch sử kinh tế” để có thể, hy vọng là như thế, cùng nhận chân vấn đề trong toàn thể, mà tìm ra một vài gợi ý cho một lối ra. Cũng may là chuyện đang diễn ra ở Việt Nam cũng đã từng hoặc đang diễn ra ở các nơi khác, và cũng đã có những trường hợp đã được giải quyết, bên cạnh những trường hợp mới sinh ra.

Tháng 8/2018, Novastan.org, một cơ sở chuyên thông tin và phân tích về các nước Trung Á có trụ sở tại Bishkek (Kyrgyzstan) thành lập từ năm 2011, đã đăng một bài viết có tựa đề “Hướng đến một chủ nghĩa tư bản hoang khai tại Uzbekistan” của Vladimir Paramonov, nguyên cố vấn của Tổng thống Uzbekistan.

“Trước hết, chúng ta phải nhắc nhở tất cả những người đã quên hoặc chưa hiểu điều này: chào mừng đến với thế giới của chủ nghĩa tư bản, thế giới mà chúng ta (tất cả các quốc gia thuộc Liên Xô cũ) đã bị phá hủy vào năm 1991, và nay đang tiếp tục mở rộng, đặc biệt là ở Uzbekistan… Uzbekistan cần các dự án kinh tế lớn có thể hỗ trợ toàn bộ nền kinh tế, tăng cường an ninh và lĩnh vực xã hội và giữ gìn sự ổn định chính trị.

Nói cách khác, chúng ta cần thúc đẩy các dự án kinh tế đầu tàu sẽ ảnh hưởng tích cực đến tất cả các lĩnh vực chính. Về mặt này, Uzbekistan chắc chắn nên thúc đẩy hợp tác ưu tiên với các đối tác kinh tế lớn và gần gũi về mặt địa lý: Nga, Trung Quốc, và tất nhiên các nước Trung Á khác, Afghanistan…”.

Có một tương đồng nào đó giữa hiện trạng Uzbekistan như được mô tả ở trên với một số nơi khác. Tỷ như cần đến “các dự án kinh tế lớn có thể thúc đẩy nền kinh tế… giữ gìn sự ổn định chính trị”? Chắc là có, như những “tam giác đồng dạng”.

Sự tương đồng không dừng ở đó. Nhận định sau của tác giả nghe quen quen: “Thiếu đội ngũ nhân viên được đào tạo tốt? Không phải vậy, mà là do chỉ toàn là những ông sếp kém cỏi… Cần phải nói rõ rằng các giám đốc điều hành được đào tạo kém, kém chuyên nghiệp và ít được giáo dục, vẫn đang đưa ra quyết định xa vời thực tế… Đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp luôn ở đó, nhưng bạn phải có thể nhìn thấy họ, đưa họ vào làm việc và đặc biệt là tổ chức công việc phù hợp với phẩm chất của các nhân sự này. Tức trước tiên, cần những người quản lý giỏi ở các vị trí quản lý, những người hiểu tất cả những điều này.

Tuy nhiên, rất thường xuyên, một quan chức cấp cao sẽ dễ dàng lấy vào một người họ hàng, hoặc ít nhất là một kẻ trung thành, trung thành đến mức cuồng tín, dẫn đến hậu quả là công việc quản lý thường là thảm họa”.

Tác giả kết luận những ta thán về vấn đề nhân sự lãnh đạo này bằng một câu: “Do đó, chúng ta chủ yếu áp dụng khẩu hiệu sai lầm rằng “ngay cả một đầu bếp cũng có thể quản lý nhà nước””.

Những chi tiết tương tự như thế, từ nhu cầu của các dự án đầu tàu cho tới vấn đề nhân sự…, có thể được xem như là những đặc tính của chủ nghĩa tư bản “hoang khai” (Capitalisme sauvage), được cho là do các nhà xã hội học Pháp như Loïc Wacquant và Pierre Bourdieu đưa ra và phát triển từ thập niên 1980. Sang đến thập niên 1990, từ ngữ này mang thêm một ý nghĩa khác là “hoang khai” trong khi phân tích những chuyển biến kinh tế và xã hội ở các nền kinh tế đang chuyển đổi.

Có nhiều định nghĩa cho cụm từ này, xin mượn định nghĩa của chính quyền tỉnh Quebec ở Canada: “Hệ thống kinh tế dựa trên các nguyên tắc của doanh nghiệp tự do, sở hữu tư nhân đối với tài sản sản xuất, chấp nhận lợi nhuận như là động lực của hoạt động kinh tế mà trong đó các công dân không được bảo vệ khỏi lòng tham không kiểm soát cùng các tác động tiêu cực của sự toàn cầu hóa vô chính phủ”.

Ý chính của định nghĩa trên, “các công dân không được bảo vệ khỏi lòng tham không kiểm soát cùng các tác động tiêu cực của sự toàn cầu hóa vô chính phủ”, có lẽ gần gũi với hiện tình ở Việt Nam, trong đó tham nhũng đang gắn chặt không ít quan chức với các đại gia, bất chấp những thua thiệt về phía người dân.

Theo THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

Tags: ,