Việt Nam và chiến lược ‘cân bằng hóa’ lợi ích giữa các nước lớn

Việt Nam đang có thời cơ lớn để sử dụng các nguồn lực chính trị để “cân bằng hóa” quan hệ với các nước lớn. Thời cơ đó bắt nguồn từ những thay đổi về tư duy chính trị thời kỳ sau chiến tranh lạnh.

Việt Nam và chiến lược ‘cân bằng hóa’ lợi ích giữa các nước lớn

Là một quốc gia chiếm giữ một vị trí địa lý quan trọng trong khu vực, Việt Nam là cầu nối trên đất liền giữa phần lớn nhất của lục địa Á, Âu với khu vực Đông Nam Á, đa sắc tộc, giầu tài nguyên; Hoàng Sa, Trường Sa nằm trên tuyến hành lang đường biển thuận tiện, với 50% khối lượng hàng hóa luân của thế giới đi qua vùng biển này. Cùng với tài nguyên phong phú, dân số khá lớn,… những điều kiện này đã khiến cho Việt Nam trở thành một quốc gia có vị trí địa- chính trị quan trong bậc nhất trong khu vực và trên thế giới.

Thời gian gần đây nhiều cường quốc xem khả năng kiểm soát biển Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của mình. Hơn nữa có người còn cho rằng: Chỉ quốc gia nào kiểm soát được Thái Bình Dương, thì thì mới có thể trở thành lãnh đạo thế giới. Chính vì vậy mà Biển Đông đã trở thành một trong những “điểm nóng” nhất về lợi ích giữa nhiều nước lớn.

Trong lịch sử, hầu hết các nước đế quốc hùng mạnh Á, Âu từng xâm lược Việt Nam, đã nhiều lần “mượn đường qua đất Việt” để đưa quân đội xâm lược các quốc gia phương Nam. Về nguyên nhân của các cuộc chiến tranh liên miên trên đất nước này, có chuyên gia cho rằng, điều này không phải tại người Việt Nam hiếu chiến mà tại địa chính trị mang tính định mệnh của đất nước này, trong đó Biển Đông và đường biên giới trên đất liền gắn với nước lớn.

Các thế hệ người Việt Nam đã từng phải xử lý những tình huống ngoại giao phức tạp như vậy là không ít. Trong thế kỷ 20 nhiều nước lớn đã sớm nhận thấy vị trí địa chính trị quan trọng của Việt Nam. Từ những quốc gia xa xôi trên thế giới, cả từ bên kia đại dương như Hoa Kỳ, Liên Xô… đã “vươn ” tới Việt Nam. Ngược lại những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam cũng đã từng mong muốn thiết lập quan hệ thân thiện với những nước phát triển (như với Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Nga), trong đó có Nguyễn Ái Quốc (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh), các cụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu… Nói một cách khác, do điều kiện địa chính trị của Việt Nam- điều không thể lựa chọn, nên dân tộc Việt Nam đã thường xuyên phải đương đầu với các cuộc chiến tranh xâm lược, và do đó có rất ít thời gian hòa bình để xây dựng đất nước. Tuy nhiên Dân tộc Việt Nam qua nhiều thời đại đã có được nhiều kinh nghiệm để bảo vệ độc lập Dân tộc, chủ quyền quốc gia. Trong những kinh nghiệm đó có chiến lược “hòa hiếu”, “cân bằng” với các nước để có môi trường hòa bình, xây dựng đất nước.

Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc (1991), địa chính trị thế giới cũng như ở khu vực Đông Nam Á đã có những thay đổi lớn: Hoa Kỳ sau cuộc chiến tranh Việt Nam (1975) dường như đã bỏ ngỏ khu vực này, đáng tiếc là họ đã “bỏ ngỏ” Biển Đông trong đó có Cam Ranh của Việt Nam được xem là căn cứ hải quân, tầu ngầm tốt nhất thế giới. Phải chăng lúc này, Hoa Kỳ- thể chế tự do hùng mạnh nhất thế giới đang bận tâm về những chuyển biến chính trị sâu rộng ở Liên Xô, Đông Âu.

Trung Quốc sau sự kiên Thiên An Môn, mùa hè năm 1979 đã trụ lại với chiến lược dựa trên chủ nghĩa dân tộc, được gọi là “Cải cách, mở cửa”, từ học thuyết “Dấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình chuyển sang “trỗi dậy hòa bình” của Tập Cận Bình. Trong những tập kỷ qua, với thể chế kinh tế thị trường (xã hội chủ nghĩa?) nước này đã trở thành một quốc gia hùng mạnh về nhiều mặt, nhất là kinh tế và quân sự. Tuy về chính trị người ta thấy rằng Trung Quốc đang hành xử không khác gì các cường quốc trỗi dậy trong lịch sử. Họ thiết lập các mốc biên giới mới trên đất liền, bầu trời, đại dương (chẳng hạn “đường lưỡi bò” phi pháp), bằng cách tự “làm luật” dựa trên “cơ bắp” cùng với những nỗ lực kinh tế, họ đang tạo vùng ảnh hưởng chính trị rông lớn trên thế giới.

Ấn Độ cũng đang căn chỉnh lại quan hệ với Nga, Mỹ, các nước ASEAN để cân bằng với Trung Quốc và Pakistan.

Đây là lý do nhiều quốc gia cho rằng địa chính trị Châu Á đang bị mất cân bằng. Có thể nói Hoa Kỳ, siêu cường duy nhất sau chiến tranh lạnh đã bị thách thức ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đây là lý do vì sao Hoa Kỳ đã “xoay trục” về Châu Á nhằm “tái cân bằng” vai trò của minh ở Châu Á-Thái Bình Dương đang nghiêng về Trung Quốc.

Các khái niệm: “Lợi ích cốt lõi”, “Xoay trục”, “Tái cân bằng”, “Quan hệ nước lớn” ra đời từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Các khái niệm này chỉ là thể hiện sự cạnh tranh địa chính trị xuất phát từ lợi ích của các nước lớn. Tất nhiên điều đó không xuất phát từ các lợi ích của các nước nhỏ, yếu. Đối với cộng đồng quốc tế nói chung, nhất là các nước nhỏ, những khái niệm: “duy trì môi trường hòa bình”; phản đối “sự dụng vũ lực” và “đe dọa sử dụng vũ lực”; “giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật quốc tế”, (nhất là Công ước của Liên hợp quốc về luật biển, 1982); “hợp tác, hữu nghị” với tất cả các nước…mới là lợi ích cơ bản của họ.

Sự khác biệt về nội hàm khái niệm địa chính trị ngày nay có nhiều điểm mới:

Thứ nhất, sau khi giành được độc lập, cho dù với những phương thức khác nhau, tất cả các quốc gia đều khẳng định “Độc lập dân tộc”, “chủ quyền quốc gia”, “toàn vẹn lãnh thổ”, “thống nhất đất nước” là giá trị, là phẩm giá của mình. Vì những giá trị đó mà ở đâu những lực lượng chính tri, cầm quyền thiếu ý chí bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ (cho dù vì bất cứ lý do sự giống nhau về hệ tư tưởng; những mối quan hệ về lịch sử, sự tương đồng về văn hóa) đều sẽ bị nhân dân các nước lên án. Và trước sau chính quyền đó sẽ bị đào thải. Đây là điều mà cho đến nay nhiều người vẫn còn mơ hồ.

Thứ hai, vai trò của hệ tư tưởng đã khác trước. Đó không còn là tiêu chí để thiết lập quan hệ giữa các nước với nhau. Đó là phương hướng chính trị của mỗi quốc gia. Thay cho vai trò của hệ tư tưởng (được xem là lợi ích của cả hệ thống xã hội của nhiều quốc gia trong thời kỳ chiến tranh lạnh..) nay là lợi ích của dân tộc và là sự tôn trong thể chế chính trị, bản sắc văn hóa của nhau trong quan hệ quốc tế. Tất nhiên sự khác nhau về thể chế trình độ phát triển và bản sắc văn hóa luôn là một thực tế mà các quốc gia phải chia sẻ theo lợi ích phát triển của đất nước. Tuy nhiên con đường để rút ngăn sự khác biệt không phải là “điều kiện” tiên quyết, nó có thể là “chỉ số phụ” trong quan hệ đối ngoại. Lợi ích quốc gia, trong đó có lợi ích kinh tế và về lợi ích về sự cân bằng địa chính trị luôn được đặt lên hàng đầu.

Thứ ba, khác với thời kỳ chiến tranh lạnh, thay cho vai trò lãnh đạo, “cần cân, nẩy mực”của hai cường quốc đứng đầu hai phe – Dân chủ và Xã hội chủ nghĩa là Mỹ và Liên Xô, thì nay vai trò của Liên hợp quốc và luật quốc tế đã được đặt ở vị trí nhất định trong việc xử lý, “căn chỉnh” ít nhiều bằng dư luận quốc tế mà các quốc gia không thể xem nhẹ trong việc bảo vệ uy tín của mình với cộng đồng quốc tế. Điều đáng tiếc cho đến nay đây chỉ là vũ khí của các nước nhỏ yếu, của kẻ yếu!

Thực tế cho thấy, trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, không một quốc gia nào không dẫn ra lẽ phải của mình dựa trên Công ước quốc tế về Luật Biển, UNCLOS, 1982. Hành vi bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông của Trung Quốc đã bị các quốc gia trong cộng đồng quốc tế lên án là vì hành vi đó là trái với Công ước này. Trung Quốc thì trên thực tế họ tự “làm luật”, nhưng điều đó không phải Bắc Kinh không lợi dụng Công ước trên. Chẳng hạn họ thổi cát xây đảo, đưa dân ra sinh sống, tuyên bố thành lập khu vực hành chính… không chỉ vì xây dựng “tàu sân bay không thể đánh chìm” mà còn tính tới tuyên bố chủ quyền và thiết lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ trên những dãy “đảo” này.

Lưu ý rằng, theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), một hòn đảo phải hình thành tự nhiên và vẫn nổi trên mặt nước khi thủy triều dâng mới được xem thuộc chủ quyền của quốc gia. Trái lại, các bãi đá, đảo đá (vốn) không thể duy trì sự sống con người hay đời sống kinh tế thì không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

Dựa vào Luật quốc tế, nhất là UNCLOS, Philippine đã khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, cho dù Trung Quốc không chấp nhận tham gia vụ kiện. Song theo các chuyên gia luật quốc tế, cho dù Tòa án phán quyết như thế nào thì việc bị đưa ra tòa án vẫn đem lại hậu quả xấu đối với hình ảnh của một nước lớn đang có tham vọng lãnh đạo thế giới.

Việt Nam đã nhiều lần khẳng định đường lối đối ngoại của mình là “đa dạng hóa”, “đa phương hóa”, “là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” (Cương lĩnh của Đảng cộng sản Việt Nam thông qua Đại hội XI, 2011). Cho đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 180 nước (trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc). Việt Nam là “đối tác chiến lược”, “đối tác toàn diện” với tất cả các nước là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tuy nhiên người ta có quyền nêu câu hỏi: quan hệ của Việt Nam với những đối tác này nặng nhẹ như thế nào?… Thiết nghĩ phương châm “đa phương hóa” “đa dạng hóa” cần được bổ sung thêm “cân bằng hóa” (với các nước lớn). Đây là điều cần thiết để Việt Nam ứng phó với tình hình địa chính trị trong khu vực, nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia một cách bền vững.

“Cân bằng hóa” như trên đã viết, nó vốn không phải là phát hiện chính trị của Việt Nam mà của các nước lớn, trong đó có Hoa Kỳ. “Cân bằng hóa” là sự lấy lại cân bằng do cán cân lực lượng đã bị khuynh đảo. Việt Nam cần nghiên cứu năng lực và phương thức cân bằng của các nước lớn để tiết kiệm các nguồn lực mà vẫn mang lại hiệu quả đối với sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền Quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ.

Con đường biển qua Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam xuống eo biển Malacca, hàng năm có tới 5.000 tỷ USD hàng hóa qua khu vực này …cùng với các ngư trường giàu có và nguồn tài nguyên năng lượng (trong đó có băng cháy) vô cùng lớn là điều mà nhiều nước lớn xem đây là “lợi ích cốt lõi” của mình.

Mục tiêu của “cân bằng hóa” là chia sẻ công bằng lợi ích chính trị, kinh tế ở đây theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UCLOS. Tiêu chí của các phương thức “cân bằng hóa”là dựa vào “sức mạnh cứng” (đặc biệt là quân sự) và sức mạnh “mềm” (trong đó có Luật pháp quốc tế và dư luận xã hội) để kiềm chế …cuối cùng buộc những kẻ có tham vọng mở rộng lãnh thổ bằng vẽ lại bản đồ phải trở về với đường biên giới vốn có của họ.

Có thể nói, hiện nay Việt Nam đang có thời cơ lớn để sử dụng các nguồn lực chính trị nhằm “cân bằng hóa” quan hệ với các nước lớn. Thời cơ đó bắt nguồn từ những thay đổi về tư duy chính trị thời kỳ sau chiến tranh lạnh. Mối quan hệ giữa các quốc gia ngày nay không còn lấy “hệ tư tưởng” làm điều kiện hoặc là tiêu chí để phát triển quan hệ hợp tác với nhau. Đồng thời sự hợp tác đó cũng không có giới hạn về các mặt, trong đó có quốc phòng, an ninh.

“Cân bằng hóa” của Việt Nam cần và có thể đón nhận dựa trên những nhận thức sau:

Thứ nhất, đánh giá đúng tính tích cực của các chiến lược “tái cân bằng” của các nước lớn trong đó có sự điều chỉnh thế trận và lực lượng hải quân ở khu vực, nhằm không cho phép bất cứ quóc giao nào có hành động cưỡng chế đơn phương xâm hại lợi ích của những quốc gia có chung đường biên giới trên biển và đất liền của các nước trong khu vực.

Thứ hai, Việt Nam cần bầy tỏ rộng rãi quan điểm hoan nghênh, khuyến khích các tổ chức quốc tế và các quốc gia ngoài khu vực (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ,… vốn không có yêu sách đối với vùng biển tranh chấp) để họ chú ý nhiều hơn đến lợi ích quốc tế ở Biển Đông. Làm được điều này có nghĩa đây là thông điệp: Những hành vi cưỡng chế của bất cứ quốc gia nào chẳng những sẽ không bao giờ đạt được, trái lại họ sẽ bị trả giá đắt về nhiều mặt mà họ không có thể lường trước được.

Thứ ba– cuối cùng là, phương thức “cân bằng hóa” phải xem việc sử dụng “sức mạnh cơ bắp” lài giải pháp “bất khả kháng”, cho dù quốc gia nào đó có thể có sức mạnh vượt trội. Phương thức “cân bằng hóa” do đó phải dự trên tối ưu hóa các nguồn lực sao cho giữ vững môi trường hòa bình, không dẫn đến leo thang căng thẳng chính trị và quân sự.

Theo KBCHN

Tags: