⠀
Vì sao xứ Catalonia đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha?
Cuộc trưng cầu dân ý ngày 1/10 của vùng Catalonia đòi tách khỏi Tây Ban Nha là một dấu mốc trong nỗ lực bền bỉ đòi độc lập của người dân Catalonia trong suốt nhiều thế kỷ qua. Mâu thuẫn càng gia tăng khi một bên quyết dứt áo ra đi, một bên cho rằng đó là hành động “vi hiến”.
Phong trào đòi độc lập của người Catalonia
Xứ Catalonia được hình thành vào thế kỷ thứ 8, là sự hợp nhất của các tiểu vương quốc phía Đông Tây Ban Nha dưới quyền cai trị của bá tước xứ Barcelona Wifred the Hairy.
Vào năm 987, do mâu thuẫn với Tây Ban Nha, xứ Catalonia đã ly khai dù về mặt danh nghĩa nó vẫn là một quận của Tây Ban Nha. Sau hàng loạt những cuộc sáp nhập vào các vương quốc khác nhau thông qua những cuộc hôn nhân hoàng gia, Catalonia vẫn giữ lại được pháp luật, hải quan và cơ cấu chính trị của riêng mình.
Cho đến khi chiến tranh kế vị Tây Ban Nha (1701-1714) diễn ra, xứ Catalonia đã ủng hộ phe thua cuộc, nên phe thắng cuộc đã trả đũa bằng cách chấm dứt vĩnh viễn quyền tự trị của xứ này.
Từ khi mất quyền tự trị, tiếng Catalonia bị cấm sử dụng nơi công cộng cũng như trong các văn bản hành chính. Phong trào Renaixença (Phục hưng văn hóa) nhằm hồi sinh ngôn ngữ và truyền thống bản địa đã dẫn đến dẫn đến sự phát triển chủ nghĩa dân tộc và khát vọng độc lập. Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, một số cá nhân, tổ chức và đảng phái chính trị bắt đầu yêu cầu sự độc lập hoàn toàn của Catalonia.
Đảng chính trị đầu tiên ủng hộ độc lập là Estat Català (Nhà nước Catalan), được Francesc Macia thành lập vào năm 1922. Sau khi đảng của ông giành được thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử hội đồng thành phố, Macia tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Catalan vào ngày 14/4/1931. Tuy nhiên sau khi đàm phán với chính phủ, ông chấp nhận đạo luật về quyền tự trị cho xứ này, ban hành năm 1932. Sự tự trị ngắn ngủi của Catalonia chấm dứt khi tướng Franco lên nắm quyền và mọi thứ đều bị bãi bỏ vào năm 1938.
Năm 1975, nền dân chủ của Tây Ban Nha được khôi phục. Một hiến pháp mới được ban hành, trong đó khẳng định sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ nhưng thừa nhận “quyền tự chủ của các dân tộc và khu vực hình thành nên nó”. Hiến pháp đã được 88% cử tri ở Tây Ban Nha bỏ phiếu thông qua, và đến hơn 90% người Catalonia đồng ý. Tiếp theo là “Quy chế về quyền tự trị của Catalonia” năm 1979 cũng được phê chuẩn sau một cuộc trưng cầu dân ý với 88% cử tri ủng hộ.
Căn nguyên của cuộc trưng cầu dân ý ngày 1/10
Năm 2006, Tây Ban Nha ban hành luật tự trị cho Catalonia. Tuy nhiên, Toà án Hiến pháp đã hủy bỏ và sửa đổi một phần luật này vào năm 2010, lập luận rằng trong khi Catalan là “quốc tịch”, Catalonia không phải là “quốc gia”. Điều này gây nên sự giận dữ rộng khắp, hơn 1 triệu người đã phản đối quyết định này. Tạp chí Times giải thích: “Nhiều người Catalan đã lớn lên trong niềm tin rằng họ đơn giản không phải dân Tây Ban Nha”.
Phong trào ly khai phát triển mạnh trong vài năm qua khi tình hình kinh tế khó khăn. Catalonia là khu vực giàu có nhất ở Tây Ban Nha và cũng là nơi được công nghiệp hóa ở mức cao nhất, gồm nhiều trung tâm công nghiệp chế biến kim loại, chế biến thực phẩm, dược phẩm và hóa học.
Nơi đây cũng tự hào với ngành công nghiệp du lịch đang phát triển, nhờ các điểm đến nổi tiếng như Barcelona. Khu vực này chỉ chiếm 16% dân số nhưng đóng góp tới 20% kinh tế Tây Ban Nha. Người Catalan thường phàn nàn về việc họ đóng góp cho chính phủ Tây Ban Nha nhiều hơn là nhận lại. Vào năm 2014, khoản chênh lệch này lên tới 11,8 tỷ USD.
Các cuộc khảo sát cho thấy dư luận đang bị chia rẽ. Một trong những cuộc thăm dò gần nhất hồi tháng 7 ghi nhận 41% số người được hỏi nói rằng họ ủng hộ và 49 % cho biết họ phản đối ly khai.
Vào năm 2014, các nhà lãnh đạo Catalonia tổ chức một cuộc khảo sát không chính thức về vấn đề tách ra khỏi Tây Ban Nha. Khi đó, khoảng 1/3 số cử tri đã tham gia, trong đó 80% đã bày tỏ nguyện vọng độc lập. Trong cuộc bầu cử năm 2015, các đảng ủng hộ Catalonia ly khai giành được 48% phiếu bầu, trong khi con số các đảng ủng hộ Tây Ban Nha giành được là 40%.
Nhiều người phản đối Catalonia độc lập là những người từ các vùng khác của Tây Ban Nha di cư đến đây. Họ lo lắng rằng nền kinh tế Catalonia sẽ bị ảnh hưởng nếu khu vực này tách khỏi Tây Ban Nha. Một Catalonia độc lập sẽ gần như không thể gia nhập sớm vào EU cũng như Tổ chức Thương mại Thế giới, khiến chi phí xuất khẩu và nhập khẩu tăng cao và nhiều việc làm sẽ bị mất. Họ cũng quan ngại về sự đối xử phân biệt có thể xảy ra của dân bản xứ.
Rõ ràng, việc ly khai của Catalonia sẽ còn là một chặng đường dài. Tây Ban Nha sẽ không công nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý hoặc bất kỳ cuộc bầu cử độc lập nào trong khu vực này. Chính phủ Tây Ban Nha đã sẵn sàng cho các cuộc biểu tình lớn và thời kỳ khó khăn phía trước.
Theo DÂN TRÍ
Tags: Catalonia, Tây Ban Nha