Về thứ ngôn ngữ ẩn sau mỗi đôi mắt

Raplh Waldo Emerson viết, “Đôi mắt nói nhiều như cái lưỡi”. Chúng ta đều biết điều đó là đúng. Một vị bác sĩ rất giỏi giao tiếp với các bệnh nhân từng kể với tôi việc đầu tiên ông làm khi bước vào phòng bệnh là nhìn vào đôi mắt của bệnh nhân. “Nó giúp tôi thấu hiểu mức độ căng thẳng của người bệnh”, ông giải thích…

Về thứ ngôn ngữ ẩn sau mỗi đôi mắt

Đôi mắt là một trong những tài sản quý nhất của mỗi người. Mặc dù giữa phụ nữ và đàn ông có sự khác nhau về hành vi mắt cũng như ý nghĩa của chúng, giao tiếp bằng mắt luôn là hình thức giao tiếp phi ngôn từ mạnh mẽ nhất. Một nghiên cứu bởi Stephen Janik và Rodney Wellens tại Đại học Miami (Florida, USA) cho thấy 12.6% sự thu hút của một người được tạo ra ở miệng và đến 43.4% được tạo bởi đôi mắt. Như vậy, chỉ riêng mắt và miệng đã làm nên 56% sự thu hút của một người.

Chúng ta chú ý vào đôi mắt vì đó là bộ phận có khả năng diễn tả cảm xúc cao. Tại sao chúng ta lại nhìn vào mắt của người khác nếu không có ý định đánh giá cảm xúc của họ? Hãy tưởng tượng đến cảm xúc mà bạn cảm thấy khi đôi mắt của người yêu diễn tả những cảm xúc buồn bã, vui sướng, đam mê, sợ hãi, hoặc khi ngấn lệ. Bây giờ thử kết nối những hình ảnh hay bài hát với những miêu tả sau: đôi mắt xảo quyệt, đôi mắt biết cười, đôi mắt hoang dại, đôi mắt gian dối …

Phụ nữ biết rõ khả năng quyến rũ của đôi mắt. Họ thường dành nhiều thời gian chăm chút chúng hơn so với đàn ông. Cleopatra nổi tiếng với cách trang điểm mắt – bà dùng phấn đen để viền và làm nổi bật đôi mắt. Tại Ấn Độ, phụ nữ đeo trang sức quanh mắt để thu hút sự chú ý. Tại Mỹ, phụ nữ dùng kem che nếp nhăn, mi giả, phấn mắt và mascara.

Sự thật là phụ nữ thường giao tiếp bằng mắt nhiều hơn đàn ông. Có hai lý do giải thích cho hiện tượng này. Đầu tiên, phụ nữ được xem là dễ chịu hơn và thường phản ứng bằng các hành động phi ngôn từ. Họ cười nhiều và cởi mở hơn. Thứ hai, phụ nữ được xem là phái yếu. Họ không thể bảo vệ sự riêng tư của bản thân khỏi những cặp mắt tò mò.

Giao tiếp bằng mắt liên tục hơn 10 giây hay nhìn chằm chằm sẽ tạo ra cảm giác khó chịu. Người đối diện sẽ có thể nghĩ rằng “Răng mình dính rau à?”, “Mình có chùi mũi chưa nhỉ?” hay “Gã đó đang thách thức mình à?”. Ngược lại, việc tránh giao tiếp bằng mắt cũng thể hiện những thông điệp mạnh mẽ. Đưa ánh mắt ra hướng khác tạo cảm giác xa cách về tâm lý, và có thể là tín hiệu của sự giận dữ. “Tôi giận đến mức không muốn nhìn vào mặt anh nữa!” “Tôi ước gì chưa bao giờ thấy anh”, “Tránh đi cho khuất mắt tôi.” Thành ngữ “Talk to my hand” (nói chuyện với cái tay của tôi ấy) đồng nghĩa với “tôi không muốn nhìn anh.”

Một lần tôi cùng chồng mang xe đi sửa tại cửa tiệm của một người thợ tên Dave. Mặc dù tôi là chủ nhân của chiếc xe, và tôi hiểu rõ nguyên nhân tại sao chiếc xe bị hư, Dave không hề nhìn vào mắt tôi. Ông ta hành động như thể tôi không hiện hữu. Suốt cả cuộc trò chuyện, Dave chỉ nhìn Adam. Cảm thấy mình bị phớt lờ, tôi bước tới gần Adam như một cách để buộc Dave phải nhìn mình. Dave có liếc qua nhưng lập tức dành sự tập trung lại với Adam. Tình trạng này chỉ chấm dứt khi tôi lên tiếng. “Tôi là chủ của chiếc xe này, và tôi có thể nói cho ông biết tình trạng trước khi nó bị hư.” Lúc đó Dave mới chịu nhìn tôi.

Câu chuyện trên cho thấy chúng ta chú ý và dùng mắt để giao tiếp với đối tượng có địa vị cao nhiều hơn với những đối tượng có địa vị thấp. Tất cả chúng ta đều vô thức thể hiện điều đó qua đôi mắt, và thậm chí sử dụng đôi mắt để điều khiển tình hình và đạt được điều mình muốn. Cách giao tiếp bằng mắt cũng thể hiện vị thế của một người trong xã hội. Người ít quyền lực hay phụ thuộc vào ai đó thường chăm chú hơn so với những người có nhiều quyền lực.

Một nghiên cứu cho thấy chúng ta chú ý nhiều hơn đến những người có địa vị cao trong xã hội. Trong một nghiên cứu với các sinh viên và sĩ quan huấn luyện ROTC (Chương trình giáo dục quốc phòng Mỹ), các nhà khoa học nhận thấy những sĩ quan cao cấp, những người có uy quyền sẽ dành được nhiều ánh mắt từ người khác hơn các hạ cấp của họ. Những người có địa vị cao lại nhìn ít hơn vì họ không cần phải tiếp nhận những phản hồi từ cấp dưới. Có thể là họ cũng chẳng quan tâm đến hạ cấp nghĩ gì cả.

Một nghiên cứu khác chứng minh những người có địa vị cao thường thoải mái nhìn người khác, hay nhìn ít đi khi họ lắng nghe, và chiếm hữu một không gian lớn hơn. Họ có thể nhìn ra ngoài, xuống đại sảnh, hay nhìn hết tất cả mọi người trong phòng – họ có tầm nhìn rộng hơn. Điều này trái ngược với người có địa vị thấp hơn: họ thường quay đi nếu bị nhìn, nhìn chăm chú hơn khi họ lắng nghe, và bao quát một tầm nhìn hẹp hơn. Chúng ta có thể nhìn thấy những hành vi đó giữa đàn ông và phụ nữ, giám đốc và thư kí, hay giữa các sắc tộc.

Trong 30 năm làm công việc của một người huấn luyện và tư vấn trong các tập đoàn tư nhân lớn ở Mỹ, nhiều phụ nữ thường phàn nàn với tôi rằng họ cảm thấy không được xem trọng bởi các đồng nghiệp nam vì những người đồng nghiệp này không hề giao tiếp bằng bắt với họ. Ví dụ Janice, một nữ phó chủ tịch tập đoàn có thể nghĩ rằng người đồng nghiệp nam Ed không hề quan tâm đến những gì cô nói vì anh này không hề nhìn Janice. Đây là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, cũng có thế Ed không giao tiếp bằng mắt vì anh không muốn bị hiểu lầm là mình đang khiêu chiến với Janice. Trong khi đó, Janice diễn dãi việc thiếu giao tiếp bằng mắt của Ed là một hành động thể hiện sự thiếu tin tưởng vào cô. Mặt khác, cũng có thể là Ed cố tình tránh giao tiếp bằng mắt để thao túng tình hình và khẳng định uy thế. Nhà ngôn nhữ học Deborah Tannen đã chỉ ra, khi một người giữ thông tin, người đó sẽ tạo ra cho mình một vị thế có nhiều quyền lực hơn. Nếu Janice muốn tiếp cận thông tin đó, cô sẽ phải làm tất cả để phân tích những dấu hiệu phi ngôn từ của Ed. Điều này có nghĩ là cô càng phải nhìn Ed nhiều hơn để hiểu được những ý định của anh.

Phụ nữ dùng đôi mắt để tìm hiểu người khác đánh giá mình thế nào. Họ cũng cố gắng làm cho đối phương phải giao tiếp bằng mắt với mình. Phụ nữ sẽ hạ đôi mắt xuống nếu họ cảm thấy mình đã bị khuất phục. Ngược lại, đàn ông dùng đôi mắt để khẳng định vị thế và sức mạnh. Họ nhìn chằm chằm nhiều hơn phụ nữ. Họ ít sử dụng mắt để giao tiếp – đây chính là thông điệp “Anh là đồ nhãi nhép. Tôi mới là người có uy quyền hơn.”

Quan tâm đến các hành vi phi ngôn từ sẽ giúp bạn hiểu được những tín hiệu mà bạn vô tình hay cố ý gởi đi, và cách mà những thông điệp này được tiếp nhận. Hãy chú ý đến những hành vi vô tình đi vượt quá giới hạn giao tiếp. Tôi nghĩ điều quan trọng là mọi người phải kiểm soát được hành vi của mình.

Phụ nữ nên nhận ra cách bạn luôn hạ mắt xuống, một hành động ngầm thể hiện sự khuất phục và thấp kém. Hãy giữ một cái nhìn chắc chắn để phát tín hiệu rằng “tôi ngang hàng với anh đấy”.

Nam giới nên giao tiếp bằng mắt nhiều hơn để hiểu được họ đang được người khác đánh giá như thế nào. Quan trọng là nếu các chàng trai không nhìn vào mắt cô gái, thì các cô sẽ nghĩ các chàng không hứng thú với mối quan hệ đâu.

Theo THANG N / VIET PSYCHOLOGY

Tags: