Về sự trả thù của người Do Thái

Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu người Do Thái không bao giờ ngừng việc săn lùng và tiêu diệt kẻ thù của mình từ cấp độ cá nhân tới cấp độ nhà nước.

Cái chết của gần như toàn bộ thành viên một gia đình Do Thái ở một thị trấn nhỏ miền Đông Romania dưới thời Antonescu, việc Hồng Quân giải phóng Romania năm 1944, một phiên xử của toà án nhân dân Romania xử phạt 5 năm cải tạo cho một tội giết người năm 1947, những huấn luyện quân sự của lính dù và hải quân Israel, binh đoàn Lê Dương của Pháp, cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và một vụ ám sát một thượng sỹ Lê Dương trên đường 18 đi Bắc Ninh vào một ngày đầu năm 1954, và một phiên toà án binh của hải quân Israel năm 1958 có gì liên hệ với nhau? Đó là sự trả thù của người Do Thái.

Eliahu Itzkovitz lớn lên tại một thị trấn nhỏ ở miền Đông Romania, Chisinau. Khi nhà độc tài Antonescu gia nhập khối Phát xít và tiến hành xâm lược Liên Bang Xô Viết, ông cũng áp dụng chính sách diệt chủng đối với người Do Thái của Hitler tại Romania. Khác với sự giết người một cách “khoa học” bằng phòng hơi ngạt của lực lượng SS Đức, người Do Thái Romania bị giết bởi những người cảnh sát đồng bào mình bằng súng, bằng lưỡi lê trong sự thích thú của những kẻ giết người đó. Cùng với những người Do Thái khác trong thị trấn, cả gia đình của Eliahu bị giết chết và chỉ còn cậu bé 10 tuổi sống sót. Cậu lẩn trốn suốt cả năm trời đến khi người Nga tới và giải phóng Romania năm 1944. Mồ côi, không nhà cửa, không người thân sau chiến tranh, nhưng cậu nhớ tên và mặt kẻ đã giết gia đình mình một cách thích thú – Stanescu. Không tiền bạc nhưng Eliahu vẫn lang thang từ thị trấn này sang thị trấn khác tìm kẻ thủ. Stanescu đã biến mất khi người Nga tới, thế nhưng Eliahu tìm được con trai của kẻ thù. Eliahu giết chết người con bằng dao mổ heo. Cậu không lẩn trốn và chối tội sau khi giết người. Năm 1947, toà án nhân dân Romania xử Eliahu 5 năm cải tạo vì phạm tội khi còn là trẻ vị thành niên.

Sau khi ra tù, năm 1952, Eliahu được phép di cư tới Israel. Ở đây, Eliahu gia nhập lực lượng nhảy dù của Israel. Một đất nước Israel mới, một cuộc đời mới, cuộc sống binh nghiệp với đồng đội xung quanh khiến Eliahu nguôi ngoai. Cho tới một ngày, một số người Do Thái mới tới từ Romania gia nhập lực lượng lính dù. Qua họ, Eliahu biết được Stanescu đã trốn thoát khỏi người Nga rồi sang Đức và cuối cùng gia nhập lực lượng Lê Dương của Pháp để sang Đông Dương đánh nhau. Eliahu xin thuyên chuyển sang lực lượng hải quân Israel và được chấp nhận. Trong một lần tàu vận tải của Eliahu dừng ở Ý, chàng thanh niên trốn khỏi tàu và tìm đường sang Pháp gia nhập Lê Dương. Cuộc chiến Đông Dương đang ngốn một nguồn lớn nhân lực nên việc gia nhập rất dễ dàng. Là một lính dù chuyên nghiệp, các kỹ năng chiến đấu của Eliahu được nhanh chóng thừa nhận và anh được cử sang Đông Dương. Ở Việt Nam, việc xin thuyên chuyển trong lực lượng Lê Dương rất dễ dàng – trong trường hợp một người muốn chuyển tới một vùng đang có chiến sự ác liệt. Eliahu được chuyển đến – và theo đúng nguyện vọng của anh – tới đúng tiểu đoàn mà Stanescu (tất nhiên là bây giờ có một tên giả khác và đã là thượng sỹ) đang chỉ huy một tiểu đội. Eliahu nhận ra ngay kẻ thù của mình nhưng Stanescu thì không nhận ra chàng trai đứng trước mặt mình là cậu bé 10 tuổi sống sót ngày xưa.

Với các kinh nghiệm sẵn có từ thời gian là lính dù và lính hải quân Israel, Eliahu nhanh chóng lấy được sự tin tưởng từ Stanescu. Vào một ngày đầu năm 1954, binh đoàn Lê Dương số 3 phải tiến hành một trận càn trên đường 18 đi Bắc Ninh. Stanescu quyết định đi trinh sát và mang theo người thích hợp nhất – Eliahu. Sau khi họ vượt lên khỏi binh đoàn Lê Dương và khuất vào trong các bụi rậm lớn, Eliahu đi lùi lại đằng sau Stanescu và gọi bằng tiếng Romania:

– “Stanescu! Ông là Stanescu có đúng không?”
– Stanescu ngạc nhiên và trả lời cũng bằng tiếng Romania: “Đúng rồi! Nhưng….”
– “Stanescu, tao là một trong những người Do Thái từ Chisinau”. Eliahu nói bằng một giọng vô cùng bình tĩnh và trút cả băng đạn của cây tiểu liên MAT-49 và ngực kẻ thù.

Sau đó, Eliahu kéo xác Stanescu trở về với đơn vị. Mọi người đều tiếc cho viên thượng sỹ mẫn cán.

Eliahu phục vụ đến khi hết hạn hợp đồng và rời khỏi binh đoàn Lê Dương năm 1957. Anh đến gặp sứ quán Israel để xin trở lại Israel. Mới đầu, tuỳ viên quân sự không tin vào câu chuyện của anh cùng với các giấy tờ do binh đoàn Lê Dương cấp. Tuy nhiên, sau khi chính quyền Pháp khẳng định về tính chân thật của các tài liệu đó, anh được đưa về Israel. Tại Haifa, anh được đưa thẳng từ tàu biển tới nhà tù quân đội. Tại đây, Eliahu bị xét xử bởi toà án quân sự. Trong phiên xét xử, anh đã nói rõ lý do, mục đích của việc đảo ngũ khỏi Hải quân và những gì anh đã làm với Stanescu. Và toà án binh, vào năm 1958, đã quyết định “…. trong những hoàn cảnh đã nêu, Toà án của nhà nước Do Thái không thể tự cho mình áp dụng một bản án nặng … một năm tù giam…”

Theo Kinh Cựu Ước “eye for eye, tooth for tooth, hand for hand, foot for foot” (Exodus 21:24) (NIV). Do đó, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu người Do Thái không bao giờ ngừng việc săn lùng và tiêu diệt kẻ thù của mình từ cấp độ cá nhân (như Eliahu trong câu chuyện trên) tới cấp độ nhà nước như các lực lượng tình báo, đặc nhiệm của Israel đã và vẫn đang làm.

Về sự trả thù của người Do Thái

Trong ảnh, Abba Kovner, người sáng lập ra Nokmim (tiếng Do Thái là những người báo thù) (đứng giữa, hàng 2) và các thành viên đầu tiên của Nokmim. Nokmim đã săn lùng và ám sát hàng trăm các thành viên Phát xít mà Đồng Minh đã không xét xử vì các tội ác diệt chủng. Nokmim dùng mọi thủ đoạn và không có bất kỳ thủ tục pháp lý nào trong việc tiêu diệt các kẻ thù cùa người Do Thái. Hầu hết các thành viên của đội đều là người đã sống sót qua Holocaust hoặc có người thân bị giết.

Theo THÁI BẢO ANH / FACEBOOK

Tags: