Vấn nạn tham nhũng: Một cái nhìn từ Philippines

“Chúng ta đánh ngã một nhà độc tài và nghĩ rằng chúng ta đã tiêu diệt những tay chân của y. Thế mà với 4 Chính phủ sau đó, vấn đề tham nhũng và hối lộ tiếp tục gây tác hại cho đất nước chúng ta. Trong viễn cảnh lịch sử tự lặp lại, một số người bắt đầu hỏi thay đổi Tổng thống có thật sự xóa bỏ tham nhũng? Có lẽ không, nếu như chúng ta không hiểu lí do tại sao tham nhũng tiếp tục tồn tại ở nước ta và chúng ta phải làm một cái gì đó về tham nhũng”.

Vấn nạn tham nhũng: Một cái nhìn từ Philippines

Một công trình nghiên cứu gần đây về thái độ của người Philippines liên quan đến vấn đề tham nhũng và hối lộ đã soi sáng cho chúng ta hiện tượng tiêu cực trong xã hội này. Ba nghiên cứu sinh Tanya Gisbert, Therese Posas và Karla Santos phỏng vấn 12 người và thăm dò ý kiến của 380 người từ 3 thành phần xã hội có thu nhập cao, trung bình, và thấp, tất cả đều là cư dân ở thủ đô Manila. Họ hỏi về định nghĩa thế nào là tham nhũng, hành động nào được xem là tham nhũng, tại sao tham nhũng tồn tại, và có muốn dính dáng vào tham nhũng hay không. Những kết quả của nghiên cứu này có thể tóm lược qua các điểm sau đây:

Tham nhũng là một hình thức ăn cắp

Công trình nghiên cứu phát hiện rằng người dân định nghĩa tham nhũng là một hình thức ăn cắp. Tham nhũng được chia thành 2 loại theo qui mô: tham nhũng nhỏ và tham nhũng lớn. Tham nhũng nhỏ thường liên quan đến thường dân và thương gia cấp nhỏ. Tham nhũng lớn thường xảy ra ở cấp Nhà nước và các “đại gia” trong thương trường. Tham nhũng nhỏ bao gồm những hành động như đút lót cảnh sát để tránh bị phạt, bôi trơn các quan chức Chính phủ để công việc được trôi chảy. Trong môi trường kinh doanh, tham nhũng cũng bao gồm việc bòn rút tiền công ty bằng cách làm hóa đơn với số tiền chi nhiều hơn số tiền chi trong thực tế.

Phổ biến

Khi được hỏi tại sao tham nhũng tồn tại, thì nhiều người chỉ ra những “tấm gương” tiêu cực của quan chức Nhà nước. Một số người mô tả tình trạng tham nhũng ở Phi lippines như đã thấm vào máu.

Khi được hỏi tại sao lại can dự vào tham nhũng và đút lót, những người có thu nhập thấp cho biết đó chỉ là một cách để duy trì sự sống còn của gia đình. Nhưng những người có thu nhập cao thì cho rằng phải hối lộ cho quan chức Nhà nước để công việc được trôi chảy, tức là một cách vượt rào hay “đi tắt đón đầu”. Một người nói thẳng rằng: tại sao lại chuốc lấy phiền phức cho mình khi mà chỉ cần một một số tiền nhỏ là có thể giải quyết xong vấn đề.

Một phát hiện thú vị của công trình nghiên cứu là các đối tượng giàu có (thu nhập cao) thường chấp nhận tham nhũng và sẵn sàng đút lót, nhưng những đối tượng có thu nhập thấp và trung bình thì thường không chấp nhận tham nhũng. Giai cấp có mức thu nhập trung bình là giai cấp chống tham nhũng nhiều nhất. Nhiều người phàn nàn rằng tiền thuế họ đóng góp cho Nhà nước bị tiêu phí cho những dịch vụ vô hình và kém chất lượng. Một người phản ảnh rằng có lần một quan chức tuyên bố sẽ có dịch vụ khám sức khỏe và phát thuốc miễn phí, nhưng thật ra chẳng có gì miễn phí, mà sau đó người ta thấy vị quan chức đó có xe hơi mới và nhà của ông ta được xây dựng khang trang hơn.

Nên hiểu những phát hiện này như thế nào? Dù tham nhũng có thể nhìn với nhiều quan điểm, nhưng nó có thể xem là một hiện tượng xã hội có nguồn gốc từ nhiều quan niệm tâm lí. Những yếu tố tâm lí đó có thể tóm lược như sau:

Thiếu tấm gương tốt. Chúng ta học từ hành động của người khác, và người dân “đến” với tham nhũng qua những tương tác với chính quyền. Chúng ta thấy quá nhiều tham nhũng trên báo chí, quá nhiều hành động tham nhũng của các quan chức Nhà nước, nhưng có rất ít người có tấm gương sáng để đối chọi lại tham nhũng. Hệ quả là giới trẻ và những quan chức tương lai xem hành động tham nhũng là điều có thể chấp nhận được.

Vô cảm. Mặc dù người dân chỉ trích tham nhũng trong chính quyền, nhưng người dân lại thấy những hành động đút lót và “bôi trơn” để đạt được mục tiêu của mình là một điều có thể chấp nhận được! Vấn đề ở đây là làm sao có thể có một đường ranh để phân biệt đâu là tham nhũng nhỏ và đâu là tham nhũng lớn. Tham nhũng lớn ắt phải bắt đầu bằng tham nhũng nhỏ.

Hợp lí hóa. Những người hành xử tiêu cực sẽ tìm cách biện minh cho hành vi xấu của họ để tự cảm thấy họ không có mâu thuẫn. Họ từ chối trách nhiệm, và biện minh rằng họ tham nhũng vì tình thế bắt buộc chứ không còn lựa chọn nào khác. Kiểu giải thích “gặp thời thế, thế thời phải thế”. Một biện minh khác là phủ nhận tai hại của tham nhũng, cho rằng tham nhũng chẳng làm hại ai, tức là một cách lí giải kiểu cứu cánh biện minh cho phương tiện!

Củng cố vị trí xã hội. Sự khác biệt về thái độ đối với tham nhũng giữa các thành phần kinh tế có thể giải thích bằng khái niệm củng cố quyền lực. Đối với những người có thu nhập cao, chi phí cho tham nhũng chẳng là bao nhiêu so với lợi ích mà họ đạt được. Đối với người có thu nhập trung bình hay thấp, họ thấy tham nhũng là bòn rút đồng tiền mà họ làm làm lụn rất vất vả mới có được, và chi phí cho tham nhũng có khi còn nhiều hơn thu nhập của họ. Do đó, người giàu dễ dàng chấp nhận tham nhũng hơn là người nghèo.

Bất lực. Mặc dù người dân nói chung bực tức trước tình trạng tham nhũng, nhưng người dân cũng cảm thấy bất lực, không làm gì được để cải tiến tình hình. Người dân thấy rằng khó mà diệt được tham nhũng, bởi vì chính những người có quyền lực cao nhất cũng chính là những kẻ tham nhũng.

Với những yếu tố tạo nên văn hóa tham nhũng mà chúng ta đã biết qua nghiên cứu này, câu hỏi đặt ra là chúng ta có thể làm gì? Tham nhũng, như trình bày trong nghiên cứu này, là một hiện tượng phức tạp bắt nguồn từ tâm lí và văn hóa. Nghiên cứu này cho thấy ngoài những hành động của giới lãnh đạo và cơ chế xã hội, chúng ta cần có niềm tin rằng có thể tiêu diệt tham nhũng. Một sự thay đổi về nhận thức như thế đòi hỏi nhiều thế hệ và cần một nỗ lực của nhiều thành phần – từ gia đình, trường học và các định chế xã hội.

Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG

Tags: ,