Vấn đề chiếm dụng đất đai: Từ thế giới đến Việt Nam

Cần đảm bảo rằng dù nghèo hay giàu, nam hay nữ, thành thị hay nông thôn, mỗi công dân đều có quyền có đất và quyền được bảo vệ để không bị tước đoạt.

Hàng ngày, tại các quốc gia đang phát triển, đất đai vẫn đang bị chiếm dụng bởi các công ty và tập đoàn có sức mạnh tài chính với sự giúp sức của các nhóm lợi ích. Nó đã và đang đẩy hàng triệu người lâm vào cảnh khốn cùng khi bị mất đi nguồn sinh kế chủ chốt. Việc thiếu vắng các thiết chế hay hành động thực tiễn từ nhà nước nhằm bảo vệ người nghèo, người dân tộc thiểu số và các nhóm dễ bị tổn thương trước các sức ép hay thậm chí là sự phạm quyền từ các tập đoàn tài phiệt trong bối cảnh toàn cầu hóa đang tiếp tục duy trì và tạo ra nhiều bất công hơn trong xã hội tại nhiều nước.

Một khảo sát vào năm 2013 tại Ấn độ cho thấy khoảng một nửa dân số đô thị và 1/10 dân số nông thôn của nước này, tương đương khoảng 300 triệu người được xem là “không có một mảnh đất cắm dùi”. Trong khi đó các nghiên cứu tại nước láng giềng Nepal cho thấy có tới ½ dân số nông thôn của nước này không có đủ đất đai để có thể đáp ứng đủ nhu cầu tối thiểu của gia đình họ. Nếu xét riêng những gia đình không hề có một tấc đất nào, thì con số này vào khoảng 1/10 dân số Nepal.

Bên cạnh đó, chiếm dụng đất đai được coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nghèo đói tại nhiều quốc gia.

Có rất nhiều cách để đất đai của người nghèo bị chiếm dụng. Trong đó phổ biến nhất là đất đai được thu hồi với mục đích phục vụ lợi ích công cộng, phát triển kinh tế, xã hội, nhưng lại được chuyển giao cho các tập đoàn để xây dựng các khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí và các khu đô thị. Đây là hình thức phổ biến nhất do tính pháp lý cao và khả năng phát sinh lợi nhuận lớn.

Tại Ấn Độ, có những vùng người dân bị chính phủ thu hồi đất với mức đền bù chỉ 300 Rupees (khoảng 130.000 đồng)/ m2. Sau khi được chuyển đổi mục đích sử dụng, các doanh nghiệp đã bán ra với thị tường với giá 600.000 Rupees (tương đương 290 triệu đồng)/m2. Như vậy lợi nhuận mà các tập đoàn này thu về là hơn 200.000 phần trăm. Nghịch cảnh này rõ ràng không chỉ xảy ra ở Ấn Độ. Đây là hình thức rất phổ biến do người bị mất đất không hề có bất kỳ khả năng tự bảo vệ nào trên góc độ pháp lý.

Một loại hình chiếm dụng khác, đó là các doanh nghiệp hoặc những người giàu có thông qua các tổ chức tín dụng chính thống lẫn phi chính thống cố tình cài bẫy người nghèo để đưa họ vào hoàn cảnh nợ nần và ra tay chiếm dụng khi chủ đất không còn lựa chọn hoặc mất hết khả năng tự bảo vệ trên phương diện pháp lý. Điển hình của hiện tượng này này là một công ty giàu có sẵn sàng liên kết với một cá nhân hay một doanh nghiệp nhỏ có nhiều đất nhưng lại thiếu vốn. Ban đầu họ đưa ra rất nhiều ưu đãi và lợi ích mà có người đất sẽ được hưởng. Kết cục là sau mấy năm hợp tác, mảnh đất này sẽ về tay kẻ mạnh do người sở hữu nó không đủ khả năng tài chính để gánh vác khoản nợ ngày một lớn hơn do doanh nghiệp mà họ liên doanh liên tục bị thua lỗ.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến hiện tượng các doanh nghiệp sử dụng nhiều biện pháp khác nhau hòng cô lập một hay vài hộ dân, khiến họ tiến thoái lưỡng nan và đành phải nhượng lại đất cho doanh nghiệp.

Không thể bỏ qua một hình thức chiếm dụng đất đai phổ biến khác, tuy không trực tiếp lấy đi đất đai của những người nghèo, nhưng có ảnh hưởng quan trọng đến đời sống về tinh thần cũng như sức khỏe của họ. Đó là việc tước đoạt đi những không gian công cộng và sinh hoạt cộng đồng, của người nghèo. Việc các công viên, vườn hoa, sân thể thao hay những sân chơi cộng đồng bị các doanh nghiệp thâu tóm và biến thành các khu nhà chung cư, các phòng tập gym cao cấp, các bãi trông giữ xe ô tô và nhất là những bãi tắm trong các khu resort – những nơi người nghèo không thể tiếp cận, chính là một dạng chiếm dụng cũng tương đối phổ biến.

Cho dù bối cảnh chính trị, xã hội và kinh tế là không giống nhau, nhưng các hình thức chiếm dụng đất đai lại khá tương đồng ở các nước đang phát triển – trong đó có Việt Nam của chúng ta. Mỗi ngày trôi qua, một lượng lớn diện tích bờ xôi ruộng mật đang mất dần hay bị bê tông hóa để nhường chỗ cho các khu chế xuất, khu đô thị hay các khu vui chơi giải trí. Các bãi biển công cộng ngày càng bi thu hẹp và trở thành sở hữu riêng của các resort hay khách sạn. Nhiều người dân phải xin phép để có lối đi ra biển trên chính mảnh đất mà cha ông họ đã sinh sống hàng trăm năm nay.

Song hành với sự tráng lệ của các văn phòng, các trung tâm thương mại, hay khu nghỉ dưỡng cao cấp chính là sự thu hẹp không gian vui chơi giải trí và tái sản xuất sức lao động của người nghèo. Sự thành công và giàu lên nhanh chóng của những tập đoàn đất động sản mà nhiều người ca ngợi luôn đi cùng với nỗi bất hạnh của biết bao người nghèo mất đất.

Đất đai là sự sống, là sinh kế cơ bản của hàng tỷ người trên khắp hành tinh. Với dân số hơn 90 triệu người sinh sống trên tổng diện tích lãnh thổ khoảng 331 ngàn km2, trong khi đó chỉ có khoảng 20,7% diện tích là đất canh tác (theo chuẩn của FAO), tại Việt Nam, đất đai đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Sử dụng đất đai bất hợp lý đã đang và sẽ là một thách thức lớn mà Việt Nam không thể không đối mặt.

Các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này có thể là không giống nhau tại mỗi nước. Nhưng vấn đề này sẽ chỉ có giải pháp hữu hiệu một khi một quốc gia xây dựng được nhà nước pháp quyền vững chắc dựa trên việc đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu.

TRẦN VĂN TUẤN

Tags: ,