Vài suy ngẫm về thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Có những lúc quy mô của thảm họa lớn đến mức chúng ta không thể hiểu điều gì đã xảy ra. Trận động đất ở Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Đông Bắc Syria ngày 6/2 vừa qua là một thảm họa như vậy.

Vài suy ngẫm về thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Thảm họa động đất đó mạnh đến mức đã dịch chuyển vùng Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ ba mét về phía Tây. Thảm họa này đã tàn phá một khu vực rộng lớn đông dân ở cả hai nước, lấy đi tính mạng của hơn 41.000 dân và có thể còn cao hơn nữa. Đó thật sự là một thảm họa theo đúng nghĩa của từ này.

Vào những lúc như vậy chúng ta thường hành động theo bản năng không dựa trên sự hiểu biết. Chúng ta đã cử các đoàn tìm kiếm cứu nạn đến để tìm trong đống đổ nát hy vọng sẽ tìm được những người sống sót. Chúng ta đưa máy bay chở hàng cứu trợ hy vọng rằng sẽ giúp được gì. Chúng ta quên đi những gì chia cắt chúng ta ngay trước đó, hy vọng rằng có thể làm được gì có ý nghĩa vào thời khắc khó khăn đó. Danh sách các nước chuyển hàng cứu trợ dài và cho đến nay vẫn còn nhiều nước làm như vậy. Đó là các nước láng giềng châu Âu, các nước theo đạo Hồi ở Trung Đông (Ả Rập Saudi, Kuwwait, UAE, Qatar, Bharain, Oman, Lybia, Lebanon, Jordan, Iraq, Iran…), châu Âu (Anh, Nga, các nước EU, Armenia … ) châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Indonesia …), những nước có mối liên hệ thân thiết, bằng hính thức này hay hình thức khác, với hai nước bị nạn.

Tuy nhiên, giữa những hành động cao cả và anh hùng này, chúng ta khó có thể không quan tâm đến hình ảnh khác về nỗi đau khổ của con người gần giống như những bức ảnh ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Đó là những bức ảnh chúng ta đã quen thuộc chụp ở Mariupol, Bakhmut (Ukraine), Homs và Mosul (Syria). Chúng ta đã không có hay nói đúng hơn là không thể có phản ứng như những bức ảnh về động đất. Vấn đề là ở chỗ những nỗi đau ở các thành phố ở Ukraine và Syria là nỗi đau chiến tranh do con người gây ra. Với động đất, đơn giản là không có kẻ gây ra tội ác mà chỉ có nạn nhân.

Làm thế nào mà chúng ta có thể giải thích được phản ứng khác nhau của chúng ta với thiên tai xảy ra ở các nước khác nhau? Tại sao chúng ta lại không phản ứng nhanh chóng và đầy tình cảm với trận lụt năm 2022 ở Pakistan như phản ứng với động đất vừa qua? Tại sao nạn đói ở vùng Sừng châu Phi kéo dài bao nhiêu năm nhưng quốc tế lại không tỏ tình đoàn kết như thế? Điều dễ nhất là tìm được lý do có thể làm chúng ta chấp nhận được. Đó là những thiên tai này là thiên tại diễn biến chậm còn tàn phá do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là đột ngột.

Thực ra, chính trị có vai trò nào đó quyết định khu vực nào trên thế giới chúng ta quan tâm khu vực nào không. Chính trị cũng quyết định thảm cảnh nào do con người gây ra mà chúng ta không thể ngăn được. Điều này rõ nét nhất ngay trong việc cứu trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Trong khi các đội cứu hộ và cứu nạn, và hàng cứu trợ đổ về Thỗ Nhĩ Kỳ, thì Syria đã không được chú ý nhiều lắm. Có thể lý do không hoàn toàn là do các nước cứu trợ mà do chính phủ Syria. Phải mất tám ngày chính phủ Syria mới mở thêm hai cửa khẩu để tiếp nhận hàng cứu trợ của Liên Hợp quốc và cũng chỉ mở cửa ba tháng! Tuy nhiên còn có ly do nữa là lo ngại của các nước rằng chính phủ Syria sẽ giữ hàng cứu trợ không phân phát cho những vùng quân đối lập kiểm soát hay dùng hàng cứu trợ để kiểm soát dân. Trên thực tế chính phủ Syria yêu cầu viện trợ cho nạn nhân trận động đất, bao gồm cả viện trợ cho các khu vực không nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ, đều phải được chuyển đến thủ đô Damascus. Điều này chứng tỏ cứu trợ quốc tế và quan hệ quốc tế có quan hệ mật thiết với nhau. Đây cũng là vấn đề chính trị.

Hiện tại, chúng ta đang tập trung để cứu những người bị nạn và chăm sóc những người được cứu. Tuy nhiên, giai đoạn này cũng đang đi đến kết thúc. Giai đoạn sau chúng ta cần chú ý đến nỗi đau và sự thiếu thốn của người dân cũng như thảm cảnh cuộc động đất đã gây ra và tình đoàn kết được tạo ra sau trận động đất. Mong rằng khi đó chính trị không còn vai trò quan trọng trong quyết định của các nước.

Theo TRẦN HÀ / CÔNG DÂN & KHUYẾN HỌC

Tags: ,