Tư tưởng biện chứng về tự nhiên của Lão Tử

Tư tưởng biện chứng về tự nhiên là một thành tựu đặc sắc trong tư tưởng triết học của Lão Tử. Thông qua cách luận giải về nguồn gốc của vũ trụ và sự tồn tại của vạn vật, Lão Tử đã đưa ra một hệ thống những tư tưởng biện chứng về tự nhiên. Theo ông, muôn vật đều trong quá trình sinh thành, hủy diệt, đều bao chứa những mặt đối lập song hành, đều chuyển hóa lẫn nhau theo phương thức dần dần, tiệm tiến… Dấu ấn của tư tưởng biện chứng này vẫn hiện hữu trong lối suy nghĩ và cách hành xử trong cuộc sống của nhiều người phương Đông, trong đó có người Việt Nam ta.

Tư tưởng biện chứng của Lão Tử về tự nhiên

Bài viết của tác giả  Cung Thị Ngọc, Tiến sĩ Triết học, Học viện chính trị Khu vực I, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Bài đăng trên Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 6(103)/2016.

1. Mở đầu

Lão Tử (khoảng thế kỷ thứ VI TCN) là người sáng lập học thuyết Đạo gia của Trung Quốc cổ đại. Sách Đạo Đức Kinh là tác phẩm lưu lại tư tưởng triết học của Lão Tử. Đây là một hệ thống quan niệm tương đối hoàn chỉnh về tự nhiên (luật trời), về xã hội (đạo người), về sự nhận biết các sự vật hiện tượng và cách ứng xử của con người (tri túc, tri chỉ). Trong hệ thống đó, những quan điểm về tự nhiên luôn là cơ sở của những quan điểm về nhân sinh, về phương pháp hành xử của con người. Tính lôgic của hệ quan điểm này phản ánh mối liên hệ hữu cơ giữa các thành tố của hiện thực: tự nhiên – xã hội – con người. Đó cũng là cống hiến đáng kể của Lão Tử, góp vào hệ thống giá trị của tư tưởng phương Đông cổ đại. Bài viết này trình bày tư tưởng biện chứng của Lão Tử về nguồn gốc và những qui luật vận động phổ biến của tự nhiên, đồng thời chỉ ra ưu điểm và hạn chế của tư tưởng đó.

2. Tư tưởng biện chứng của Lão Tử về nguồn gốc của tự nhiên

Khác với triết học chính trị – xã hội – đạo đức của Nho giáo, triết học Lão Tử đã đề cập khá hệ thống những vấn đề của vũ trụ (tự nhiên). Theo Lão Tử, vũ trụ bao gồm những tạo vật vốn tồn tại hiện hữu, do “đạo” tự sinh chứ không phải do một lực lượng siêu nhiên thần bí nào tác thành. Trong tác phẩm Đạo Đức Kinh, Lão Tử đã dùng phạm trù đạo với nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa là toàn bộ tạo vật vũ trụ gồm cả con người. Lão Tử dùng khái niệm “đạo thường” (cái vĩnh hằng, bất tận) để chỉ bản nguyên của vũ trụ, nguồn gốc sâu xa của muôn loài. Đạo không thể gọi được bằng một tên gọi, không diễn tả được, không có hình dạng, bởi vì khi đã mượn lời nói để giải thích đạo cho đầy đủ thì đã không phải đạo nữa rồi. Ông tạm miêu tả: đạo là cái nhìn không thấy gọi là “di”, nghe không thấy gọi là “hi”, nắm không được gọi là*“vi”. Ba cái đó (di, vi, hi) truy cứu đến cùng cũng không biết được gì, chỉ thấy hỗn độn làm thành một thể. Ở trên không sáng, ở dưới không tối, thâm viễn, bất tuyệt, không thể gọi tên, nó lại trở về cõi vô vật. Nó thấp thoáng mập mờ. Đón nó thì không thấy đầu, theo nó thì không thấy đuôi [6, tr.184 – 185]. Nghĩa là, về cái thể của đạo, chúng ta không thể miêu tả nó một cách rõ ràng, song nó đầy khắp vũ trụ và làm ngọn nguồn, gốc rễ cho muôn loài. Đạo là vô thuỷ, vô chung (không đầu, không cuối). Ông nói rõ rằng: “Đạo bản thể thì hư không mà tác dụng thì cơ hồ vô cùng… Nó sâu kín mà dường như trường tồn… Ta không biết nó là con ai” [6, tr.169].

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa đạo là cái huyền bí, hư vô, siêu tự nhiên mà là hiện hữu. “Đạo là cái gì chỉ mập mờ, thấp thoáng; thấp thoáng mập mờ mà bên trong có hình tượng; mập mờ thấp thoáng mà bên trong có vật; nó thâm viễn, tối tăm mà bên trong có cái tinh tuý, tinh tuý đó rất xác thực và rất đáng tin” (Đạo chi di vật, duy hoảng duy hốt; hốt hề hoảng hề, kì trung hữu tượng; hoảng hề hốt hề, kì trung hữu vật. Yểu hề, minh hề, kì trung hữu tinh; kì tinh thậm chân, kì trung hữu tín) [6, tr.195]. Sau đó ông nói rõ hơn: “Có vật hỗn độn mà thành trước cả trời đất. Nó yên lặng (vô thanh), trống rỗng (vô hình), đứng một mình mà không thay đổi (vĩnh viễn, bất biến), vận hành khắp vũ trụ mà không ngừng, có thể coi nó là mẹ của vạn vật trong thiên hạ. Ta không biết tên nó là gì, tạm đặt tên nó là Đạo, miễn cưỡng gọi nó là lớn (vô cùng)” (Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh. Tịch hề, liêu hề, độc lập nhi bất cải, chu hành nhi bất đãi, khả dĩ vi thiên hạ mẫu. Ngô bất tri kì danh, tự chi viết đạo, cưỡng vị chi danh viết đại) [6, tr.201].

Lão Tử còn dùng hình ảnh ẩn dụ để diễn tả sự rộng lớn đến mức cùng cực của đạo và vai trò “sinh thành vạn vật” của nó. Ông viết: “Hình vuông cực lớn thì không có góc [nói về không gian], nó không có góc vì không biết góc nó ở đâu; cái khí cụ cực lớn [Đạo] thì không có hình trạng cố định; thanh âm cực lớn thì không nghe thấy, Đạo lớn thì ẩn vi, không thể giảng được [không gọi tên được]. Chỉ có Đạo là khéo sinh và tác thành vạn vật” (Đại phương vô ngung, đại khí vãn thành, đại âm hi thanh, đại tượng vô hình, đạo ẩn vô danh. Phù duy đạo, thiện thải thả thành) [6, tr.227].

Đạo bản thể (nguồn gốc vũ trụ) ở Lão Tử là cái trừu tượng nhưng là sự trừu tượng mang tính hiện thực, có nội dung khách quan chứ không phải cái trừu tượng chủ quan. Có thể luôn gặp sự biểu hiện của đạo dưới những hình thức phong phú của giới tự nhiên và chúng không phải bất biến mà luôn vận động, biến đổi, chuyển hoá lẫn nhau. Quan niệm về đạo của Lão Tử có tính biện chứng sâu sắc. Nó cho thấy đạo là vô, là nguồn gốc của tất cả, nhưng vô không phải là hư vô, mà là trạng thái hỗn mang, nguyên sơ của vũ trụ khi chưa xuất hiện các vật, các giống loài khác nhau, đó là một thực tại ở trạng thái hỗn độn, chưa phân hóa.

Lão Tử cho rằng, vạn vật đều hình thành từ đạo. Ông viết: “Đạo sinh ra một, một sinh ra hai, hai sinh ra ba, ba sinh vạn vật” (Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật) [6, tr.228]; “Vạn vật trong thiên hạ từ “có” mà sinh ra; “có” lại từ “không” mà sinh ra” (Thiên hạ vạn vật sinh ư hữu, hữu sinh ư vô) [6, tr.225], “Đạo thường vô vi nhi vô bất vi” (đạo thường không làm gì nhưng lại làm tất cả). Nghĩa là, đạo có năng lực sản sinh và là nguyên nhân của mọi vật, nó luôn hoạt động, tác tạo và chi phối vạn vật. Đạo dường như không làm gì (vô vi) nhưng mọi vật đều cần đến, phải bẩm thụ. “Đạo là chỗ ẩn náu của vạn vật (vì Đạo dung nạp vạn vật), là vật quý của người tốt, chỗ nhờ cậy của người không tốt” [6, tr.253]. Nếu con người xử thế theo đặc tính vô vi của đạo thì mọi việc đều thông thuận, ngược lại nếu xử thế theo đặc tính hữu vi sẽ gặp trắc trở thậm chí gặp tai vạ. Như vậy, theo Lão Tử, sự biến đổi của vạn vật là một quá trình tự nhiên ngoài ý muốn của con người và con người cần phải tuân theo nó. Trật tự ấy là phổ biến, vô hình của tự nhiên, của xã hội loài người, là cái không tách rời thế giới vật vạn và chi phối thế giới đó. Tuy nhiên, ông cũng chưa nói rõ được trong quá trình ấy một, hai, ba là gì, hữu sinh ra từ vô ra sao.

Theo Lão Tử, vì đạo là quy luật phổ biến, chi phối mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới hiện thực nên trời, đất và con người đều phải bắt chước nó. Ông viết: “Người bắt chước đất, đất bắt chước trời, trời bắt chước Đạo, Đạo bắt chước tự nhiên” [6, tr.202]. Lão Tử không những khẳng định tính cách tự nhiên của đạo mà còn cho rằng con người cần phải bắt chước tự nhiên, phải tuân theo trật tự tự nhiên. Làm được như vậy, thì mọi việc sẽ tốt đẹp. Để làm theo tự nhiên, con người cần: một là, cần thuận theo sự sắp đặt tự nhiên, không chống đối, không miễn cưỡng; hai là, hành động một cách hồn nhiên, tuỳ thuận bản tính và quy luật vốn có của sự vật; ba là, trừ bỏ những gì thái quá, nâng đỡ những gì bất cập để lập lại thế quân bình của tự nhiên. Suy ngẫm theo nghĩa đó, để làm theo tự nhiên, mỗi người cần phải thực sự tự giác, chủ động, sáng tạo để nhận thức đúng những điều kiện khách quan, những qui luật tự nhiên đang tồn tại và những phẩm chất cá nhân (bản tính vốn có) làm cơ sở cho nhận thức, hành vi của mình. Khi đó con người thực sự làm chủ được bản thân, được sống tự tại theo sở nguyện mà không bị lệ thuộc, chi phối bởi chuẩn mực có sẵn nào. Quan niệm trên của Lão Tử (cho rằng con người cũng chỉ là một tạo vật của tự nhiên, con người cần sống thuận theo tự nhiên, tôn trọng trời đất, đừng hành động thái quá, cần biết vị trí của mình và kìm chế những hành động thái quá) không chỉ có ý nghĩa thế giới quan mà còn có ý nghĩa phương pháp luận sâu sắc.

3. Tư tưởng biện chứng của Lão Tử về các quy luật vận động phổ biến của tự nhiên

Lão Tử cho rằng mối liên hệ giữa các sự vật hiện tượng và sự biến đổi của chúng là một quá trình tất yếu. Ông viết: “Cây lớn một ôm, khởi sinh từ cái mầm nhỏ; đài cao chín tầng khởi đầu từ một sọt đất; đi xa ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân” (Hợp bão chi mộc sinh ư hào mạt; cửu tầng chi đài khởi ư luỹ thổ; thiên lý chi hành thuỷ ư túc hạ) [6, tr.256]; “gió lốc không hết buổi sáng, mưa rào không suốt ngày” (phiêu phong bất chung triêu, sậu vũ bất chung nhật) [6, tr.199]; “Người ta sinh ra thì mềm yếu mà khi chết thì cứng đơ. Thảo mộc sinh ra thì mềm dịu mà khi chết thì khô cứng” (Nhân chi sinh dã nhu nhược; kì tử dã kiên cường. Vạn vật thảo mộc chi sinh dã nhu thuỷ; kì tử dã khô cảo) [6, tr.270]. Sự liên hệ, biến đổi diễn ra trong mọi sự vật, hiện tượng tự nhiên và xã hội. Mọi sự vật, hiện tượng tuy liên hệ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng đều có mối liên hệ với cội nguồn (đạo), với hữu và vô. Đó là mối liên hệ chủ đạo trong muôn vàn liên hệ của vạn vật. Hơn nữa, sự liên hệ, biến đổi còn diễn ra trong tư duy của con người. Sự hiểu biết của con người về sự vật đều chỉ là tạm thời, tương đối, không có gì là tuyệt đối vĩnh viễn. Theo thời gian, sự hiểu biết của con người sẽ được mở rộng. Lão Tử đã khẳng định điều đó khi chỉ ra rằng, tuy con người luôn muốn hiểu tường tận mọi khía cạnh của đạo, song khi đã diễn tả, hình dung, gọi được nó là gì thì nó cũng không còn như thế nữa (“Đạo khả đạo phi thường đạo. Danh khả danh phi thường danh” [6, tr.161]).

Tư tưởng về sự liên hệ, biến đổi của chuỗi các sự vật, hiện tượng còn được làm rõ hơn khi Lão Tử đề cập đến luật phản phục (luật vận hành của vạn vật). Ông viết: “Hết sức giữ được cực hư, cực tĩnh xem vạn vật sinh trưởng ta thấy được quy luật phản phục” (Trí hư cực, thủ tĩnh đốc, vạn vật tịnh tác, ngô dĩ quan phục) [6, tr.188]; “Luật vận hành của đạo là trở lại lúc đầu (trở lại gốc)” [6, tr.225]. Lão Tử khẳng định rằng, phản phục là quy luật tất yếu của vạn vật nên con người phải làm theo mới là hợp đạo và tồn tại lâu dài, nếu không sẽ gặp hậu quả xấu. Ông viết: “Vạn vật phồn thịnh đều trở về căn nguyên của chúng [tức đạo]. Trở về căn nguyên thì tĩnh, [tĩnh là bản tính của mọi vật, cho nên] trở về căn nguyên gọi là “trở về mệnh”. Trở về mệnh là luật bất biến (thường) của vật. Biết luật bất biến thì sáng suốt, không biết thì vọng động mà gây họa. Biết luật bất biến thì bao dung, bao dung thì công bình [vô tư] công bình thì bao khắp, bao khắp thì phù hợp với tự nhiên, phù hợp với tự nhiên thì phù hợp với đạo, hợp với đạo thì vĩnh cửu, suốt đời không nguy” (Phù vật vân vân, các phục qui kì căn. Qui căn viết tĩnh, thị vị phục mệnh. Phục mệnh viết thường. Tri thường viết minh, bất tri thường vọng tác hung. Tri thường dung, dung nãi công, công nãi toàn, toàn nãi thiên, thiên nãi đạo, đạo nãi cửu, một thân bất đãi) [6, tr.188 – 189].

Ông cho rằng, nếu con người nhận thức được đạo (quy luật vốn có của vạn vật) thì sẽ hành động sáng suốt, ngược lại sẽ lầm lạc và gây ra tai họa. Lão Tử đã chỉ ra một quy luật phổ biến của tự nhiên là luật phản phục và yêu cầu không làm trái nó. Tuy nhiên, ông chưa diễn tả chi tiết được quá trình phản phục ra sao: lặp lại y nguyên hay ở mức cao hơn. Đây là hạn chế của tư tưởng biện chứng Lão Tử về trật tự vận hành của tự nhiên.

Vậy mỗi tạo vật tồn tại và vận hành như thế nào? Bất đầu từ luận giải về bản thể của đạo, Lão Tử đã lý giải điều này. Ông cho rằng, đạo là thể thống nhất giữa hữu và vô và chúng là hai mặt đối lập trong đạo. “Thiên địa vạn vật sinh ư hữu, hữu sinh ư vô” [6, tr.225] (vạn vật trong thiên hạ sinh ra từ hữu, sinh ra từ vô). Hai mặt vô và hữu cùng đồng thời xuất hiện: hữu vô tương sinh, hữu và vô làm nên nhau, thống nhất hữu cơ với nhau, không có cái này thì không có cái kia và ngược lại. Hữu và vô mặc dù tên gọi khác nhau nhưng đều là hai mặt của đạo cũng như của mỗi vật (hữu vô là thống nhất) và chúng có vai trò như nhau. Ông cho rằng, tạo thành vật dụng hữu ích là nhờ sự kết hợp của cả hữu và vô (chứ không phải chỉ cái hữu mới là cái có ích, còn cái vô là cái vô ích). Chén bát dùng được là nhờ khoảng trống không ở lòng chén bát. Cửa ra vào, cửa sổ, khoảng không của căn nhà mới chính là chỗ hữu ích giúp cho ngôi nhà hữu dụng. Chính nhờ cái trống không đó mà vạn vật mới trở nên có ích. Nhưng sự đắc dụng hay vô dụng của hữu và vô cũng chỉ là tương đối. Trang Tử (cùng môn phái Đạo gia) đã nói rõ hơn về điều này: cây thân cong queo, nhiều mấu mắt, theo quan niệm của người thợ mộc là vô dụng; nhưng người nông dân làm đồng nghỉ dưới bóng mát của nó lại thích chí. Cái đắc dụng của sự vật cũng tùy thuộc vào cách ta dùng nó (như trường hợp V.I.Lênin nói về các cách dùng chiếc cốc). Như vậy, biện chứng giữa hai nguyên lý hữu và vô cũng chính là biện chứng phổ quát nhất qui định tính biện chứng của các mặt đối lập ở mỗi vật.

Lão Tử cho rằng, bản tính hữu và vô của đạo được biểu hiện bằng vô vàn trạng thái của các mặt đối lập trong mỗi vật và trong tự nhiên rộng lớn. Lão Tử viết: “có và không sinh lẫn nhau; dễ và khó tạo nên lẫn nhau; ngắn và dài làm rõ lẫn nhau; cao và thấp dựa vào nhau; âm và dương hoà lẫn nhau; trước và sau theo nhau” (Cố hữu vô tương sinh, nan dị tương thành, trường đoản tương hình, cao hạ tương khuynh, âm dương tương hoà, tiền hậu tương tuỳ) [6, tr.65]. Tư tưởng này thể hiện rõ sự liên hệ ràng buộc lẫn nhau của các mặt đối lập trong hiện thực. Từ những mặt đối lập cụ thể đã quan sát thấy, Lão Tử đã thể hiện quan niệm về sự tồn tại vốn có của các mặt đối lập và chỉ ra sự thống nhất hữu cơ giữa chúng. Theo ông, mỗi sự vật, hiện tượng đều bao gồm hai mặt đối lập thống nhất hữu cơ với nhau. “Vạn vật đều cõng âm mà ôm dương, điều hòa bằng khí trùng hư” [6, tr.228]. Sự vật tồn tại là do có các mặt đối lập thống nhất với nhau: dựa vào nhau, làm căn cứ của nhau chứ không tồn tại một cách tách rời thuần tuý; chúng điều hòa, cân bằng nhau bằng khí trùng hư (có lẽ là thể lưỡng hợp giữa âm và dương; giữa vô và hữu). “Có khó là do có dễ, có tốt là do có xấu, có cao là có thấp, có dài là do có ngắn. Đó là vì các mặt đối lập của sự vật còn chứa đựng lẫn nhau, tiềm ẩn trong nhau. Bởi thế, “họa là chỗ dựa của phúc, phúc là chỗ nấp của họa” (Họa hề phúc chi sở ỷ, phúc hề họa chi sở phục) [6, tr.248]. Lão Tử đặc biệt nhấn mạnh sự thống nhất hai mặt đối lập của một chỉnh thể, trong đó hữu và vô là hai mặt bao trùm nhất, phổ biến nhất, tồn tại không tách rời nhau mà làm nên công dụng của muôn vật. Đây thực sự là một nét đặc sắc của tư tưởng biện chứng Lão Tử. Ông đã chỉ rõ trong mỗi mặt đối lập đều chứa đựng mầm mống của mặt đối lập kia và ngược lại: trong cái phúc có cái họa, trong cái thất bại có mầm mống của thành công, trong hạnh phúc lẩn khuất bất hạnh và ngược lại. Vì vậy, cần phải nhận thức đầy đủ điều này để có hành động và thái độ phù hợp.

Lão Tử cho rằng, ranh giới của các mặt đối lập (họa – phúc, được – mất, may – rủi…) là tương đối và có thể chuyển hoá lẫn nhau tạo nên sự biến đổi của sự vật. Ông viết: “Họa phúc không có gì nhất định. Chính có thể biến thành tà, thiện có thể trở thành ác. Loài người mê hoặc (không hiểu được lẽ đó) đã từ lâu rồi” (Kì vô chính. Chính phục vi kì, thiện phục vi yêu. Nhân chi mê, kì nhật cố cửu) [6, tr.248]. Vì thế, ông đã chỉ ra phương thức làm biến đổi sự vật là: “Muốn cho vật gì thu rút lại thì tất hãy mở rộng ra đã. Muốn cho ai yếu đi thì tất hãy làm cho họ mạnh lên đã. Muốn phế bỏ ai thì tất hãy đề cử lên đã. Muốn cướp lấy vật gì thì tất hãy cho đã. Như vậy là sâu kín mà sáng suốt” (Tương dục hấp chi, tất cố trương chi. Tương dục nhược chi, tất cố cường chi. Tương dục phế chi, tất cố cử chi. Tương dục đoạt chi, tất cố dữ chi. Thị vị vi minh) [6, tr.218]. Sự chuyển hoá giữa các mặt đối lập của sự vật không phải ngẫu nhiên mà là theo các quy luật tự nhiên vốn có: luật phản phục (quay trở về cội rễ ban đầu) và luật quân bình (cân bằng, điều hòa).

Như vậy, Lão Tử đã gợi ý cách giải quyết mâu thuẫn và điều kiện cho sự chuyển hoá các mặt đối lập. Các mặt đối lập chỉ có thể chuyển hóa cho nhau khi nó phát triển hết mức độ của nó. Song, Lão Tử mới chỉ nêu ra mâu thuẫn với các cặp mặt đối lập của nó như những hiện tượng vốn có trong tự nhiên, xã hội mà chưa khẳng định được mâu thuẫn là nguyên nhân quyết định sự tồn tại, phát triển của vạn vật. Ông chưa đạt đến trình độ cho rằng đấu tranh các mặt đối lập là cách thức để giải quyết mâu thuẫn. Ông có xu hướng dung hòa các mặt đối lập khi đề cao luật quân bình của tự nhiên. Quan niệm về chuyển hoá các mặt đối lập của ông còn chưa triệt để.

Lão Tử khuyên con người phải biết sống tri túc (biết đủ thì không nhục), tri chỉ (biết dừng thì không sợ hiểm nguy), biết đề phòng và ngăn ngừa hậu họa khi nó còn mới manh nha, chưa định hình. Điều đó chứng tỏ ông đã có nhận thức về lượng của sự vật cũng như giới hạn tồn tại của sự vật hay độ của nó. Lão Tử cho rằng, nói lắm hay cùng lý, chẳng bằng giữ lấy cái vừa mức (nói vừa phải đủ độ); gỗ cứng thì dễ gãy, quân đội mạnh tất yếu ẩn họa diệt vong (mộc cứng tắc chiết, binh cường tắc diệt). Vì vậy, con người nên giữ mức trung bình, hài hòa giữa hai thái cực để được bền lâu. Tinh thần này của Lão Tử cũng được Trang Tử tiếp tục khi ông khuyên con người nên xóa nhòa ranh giới của mọi chuẩn mực xã hội (thị phi, thiện ác, đẹp xấu…), giữ lấy thái độ hành xử lưỡng hành (không thái quá về mặt nào) trong nhân thế.

Ông cho rằng, “Giải quyết việc khó từ khi còn dễ, thực hành việc lớn từ khi còn nhỏ, [vì] việc khó trong thiên hạ khởi từ chỗ dễ, việc lớn trong thiên hạ khởi từ lúc còn nhỏ. Do đó, thánh nhân không làm việc lớn mà thực hiện được việc lớn” [6, tr.254 – 255]. Hơn nữa, theo ông, cần phải thật sáng suốt, nhờ đức hư tĩnh để thấy trước cái loạn sắp xảy ra. Ông viết: “Cái gì an định thì dễ nắm, điều chưa hiện thì dễ tính. Ngăn ngừa sự tình từ khi chưa manh nha, trị loạn từ khi chưa thành hình” [6, tr.256]. Theo Lão Tử, vạn vật cũng như mỗi mặt đối lập trong nó đều biến đổi không ngừng từ nhỏ đến lớn, từ chưa định hình đến hiện hữu, từ điều bất ổn đến đại họa; vì vậy, muốn trừ họa phải trừ mầm mống, muốn xoá bỏ kết quả phải trừ bỏ nó từ khi nó còn là nguyên nhân. Tuy nhiên, Lão Tử chưa chỉ ra cách phát hiện cái mầm mới manh nha đó để kịp thời tìm cách ngăn ngừa, phòng tránh. Có thể Lão Tử cũng lúng túng, bất lực và trở nên mâu thuẫn với chính mình khi chứng kiến đại họa của đương thời (thời kỳ Xuân Thu của Trung Quốc) mà chưa tìm ra cách khắc phục nó.

Qua những nội dung trên, có thể nói rằng, Lão Tử đã nhìn thấy các chu kỳ của sự phát triển và sự lặp lại của các chu kỳ đó. Tuy nhiên, vì chưa thấy được sự vật sau một chu trình tự phủ định, dường như quay trở về cái ban đầu, nên Lão Tử chưa có được nhận thức đúng đắn về sự phát triển. Theo ông, quá trình phát triển không diễn ra theo đường thẳng hoặc xu hướng tiến lên mà là khuynh hướng vòng tròn khép kín. Đây là một hạn chế lớn của tư tưởng Lão Tử cũng là hạn chế chung của các nhà triết học trước Mác.

Như vậy, thông qua những nội dung trình bày trên, có thể thấy, một tư tưởng biện chứng tự phát, chưa triệt để nhưng không kém phần sâu sắc của Lão Tử. Theo đó, thế giới xung quanh tồn tại tự nhiên, không phụ thuộc một lực lượng siêu nhiên nào. Thế giới ấy không đứng yên mà luôn vận động (xô đẩy), biến đổi theo những trật tự nhất định và sự vận động, chuyển hoá của các mặt đối lập là vốn có của vạn vật. Con người muốn sống yên ổn thì cần phải thuận theo tự nhiên, không nên cải tạo thái quá để có cuộc sống hài hòa, yên ổn.

4. Kết luận

Tư tưởng biện chứng của Lão Tử về nguồn gốc và những quy luật vận động phổ biến của tự nhiên được trình bày bằng hệ thống khái niệm vừa trực quan, vừa trừu tượng; thể hiện một lối tư duy sắc sảo ở tầm vượt thời đại. Mặc dù tư tưởng của ông chưa đạt tới trình độ duy vật biện chứng triệt để nhưng chứa đựng nhiều yếu tố duy vật, biện chứng quý giá. Đặc biệt tư tưởng của ông về các mặt đối lập, về giới hạn của sự vật, hiện tượng, về chuỗi tiếp diễn của nhân quả, họa phúc… là tư tưởng biện chứng rất sâu sắc, đóng góp cho kho tàng tư tưởng biện chứng của phương Đông cổ đại. Trong quá khứ và hiện tại, tư tưởng sống thuận theo tự nhiên của Lão Tử có ảnh hưởng không nhỏ tới nhận thức, quan niệm sống và phương châm ứng xử của người Trung Quốc nói riêng và người phương Đông trong đó có người Việt Nam nói chung. Gạn đục, khơi trong, phát huy những giá trị đắc dụng trong mạch ngầm truyền thống, chúng ta cần có những nghiên cứu tiếp tục để giải mã thấu đáo hơn nữa những hiện tượng văn hóa làm nên những giá trị bản sắc của người Việt Nam ta trong công cuộc xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

————————-

Tài liệu tham khảo

[1] Đại học Sư phạm Hà Nội, Trung tâm Trung Quốc học (2000), Đạo gia và văn hoá, Nxb Văn hoá tư tưởng, Hà Nội.
[2] Thu Giang, Nguyễn Duy Cần (1997), Lão Tử Tinh Hoa, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.
[3] Thu Giang, Nguyễn Duy Cần (dịch và bình chú) (2001), Lão Tử, Đạo Đức Kinh, Nxb Văn học, Hà Nội.
[4] Nguyễn Hùng Hậu (1997), “Triết lý “Vô” của Lão Tử”, Tạp chí Triết học, số 3.
[5] Cao Xuân Huy (1995), Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu, Nxb Văn học, Hà Nội.
[6] Nguyễn Hiến Lê (chú dịch và giới thiệu) (1994), Lão Tử – Đạo Đức Kinh, Nxb Văn hóa, Hà Nội.
[7] Friof Capra, Đạo của Vật lý (Một khám phá mới về sự tương đồng biên dịch) giữa vật lý hiện đại và Đạo học Phương Đông, Nxb Trẻ, Hà Nội, (2001).
[8] Lão Tử (1999), Đạo Đức Kinh, Nxb Văn học, Hà Nội.
[9] Lão Tử (2001), Đạo Đức Kinh, Nxb Văn học, Hà Nội.
[10] Nguyễn Tài Thư (1982), “Thử tìm hiểu vị trí ba đạo”, Tạp chí Triết học, số 1.

Theo TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Tags: ,