Từ biển người dâng sao giải hạn: Thánh thần là cái gì với người Việt?

Các bậc thánh thần cũng được “xếp hạng” bởi khả năng ban phát. Người ta tìm đến họ để xin xỏ chứ không phải là để tìm sự thanh thản trong tâm hồn, hướng tới tổ tiên.

Khắp nơi những ngày tháng Giêng là hình ảnh những lễ hội chen chúc, những đám đông khổng lồ vái vọng. Như chùa Phúc Khánh, năm nào cũng biến toàn bộ khu vực xung quanh thành một biển người “giải hạn”. Câu hỏi đặt ra là có phải người Việt Nam tín cẩn thánh thần đến thế?

Để trả lời câu hỏi người Việt Nam có phải thực sự thành kính và tin vào các đấng bề trên, phải làm một động tác hơi khác thường: đi ra ngoại ô các thành phố lớn, tìm đến những ngôi đình làng, chùa làng. Đó cũng là những công trình linh thiêng từ nhiều thế kỷ, thờ những bậc thánh nhân có công, và chứa đựng nhiều giá trị văn hóa.

Đây là đền thờ trạng nguyên Lê Ích Mộc, kia là đình thờ danh tướng Sỹ Quyền của Hai Bà Trưng, chỗ khác lại là ngôi đình với nhiều đồ thờ đã có tuổi thọ 2 thế kỷ, lẩn khuất trong những lũy tre làng là những ngôi đình, ngôi đền như thế. Hãy đến đó, và bạn nhận ra: chúng vắng ngắt. Lạnh tanh. Danh tướng như Sỹ Quyền thời cầm quân đánh giặc cứu nước chắc dưới trướng cũng có binh hùng, như sử chép: “Trên đường đi gió thổi cờ bay vạn dặm, chiêng trống vang rền như sấm động ngàn núi”. Nhưng ngày mùng 2 Tết, chỉ thấy một ông từ cặm cụi quét sân, dọn ban thờ.

Có thể vào ngày chính hội ở những ngôi đình này sẽ đông hơn, người làng sẽ đến tụ họp. Nhưng khi đến những di tích lịch sử như thế, và so sánh với những ngày-lễ-biển-người ở một số nơi khác, bạn sẽ nhận ra một thực tế khác: các địa điểm hành lễ được lựa chọn dựa trên mức độ uy tín của sự “linh thiêng”.

Giống như xếp hạng nhà hàng hay khách sạn, các địa điểm tín ngưỡng cũng được xếp hạng bởi sự truyền khẩu của cộng đồng. Chỗ này trở thành biển-người bởi vì nó linh thiêng, xin gì được nấy, chỗ kia dù cũng là di tích nhưng không thấy ai rỉ tai rằng xin được gì, nên hương lạnh khói tàn.

Các bậc thánh thần cũng được xếp hạng bởi khả năng ban phát. Người ta tìm đến họ để xin, phần nhiều, chứ không phải là để tìm sự thanh thản trong tâm hồn, hướng tới tổ tiên, tri ân người đi trước. Tất nhiên không phải.

Và câu hỏi đặt ra: là nếu thánh thần có mắt, họ có thể chấp nhận được cái thực tế phũ phàng ấy hay không?

Hãy tưởng tượng rằng trong những ngôi đình, ngôi chùa nườm nượp người kia, những đức ông, những la hán vốn là những người thày. Người thày ấy răn dạy điều hay lẽ phải cho con người, dạy họ làm việc thiện hay bảo vệ và xây dựng đất nước. Người thày ấy được dựng tượng thờ vì những điều nhân văn. Nhưng những các phụ huynh đến nhà thày, xếp hàng, và nói: Em tìm đến chỉ vì nghe nói thày xin điểm tốt, nâng hạnh kiểm giỏi, và chạy được cho con em vào lớp chọn, chứ thày dạy gì em không quan tâm. 20/11 năm nay em chỉ đến nhà thày thôi đấy, chứ thày bên kia không có tiếng về chạy điểm, có ai thèm đến đâu. Người thày ấy có tự ái không?

Đằng sau những vẻ mặt thành kính là bao nhiêu cái tâm thành kính? Có lý do để tin rằng có rất nhiều người trong số những đám đông tụ họp kia không hiểu được rằng ở phía trên cao kia là ai. Họ cầu xin. Nhưng chính Đức Phật đã răn rằng sở cầu bất đắc, từ bỏ những ham muốn là cách tốt nhất để giải thoát. Tại sao lại cầu xin một nhà hiền triết chủ trương buông bỏ thế tục về những nhu cầu vật chất đầy bụi trần?

Thật ra, rất đông người Việt Nam không hề tín cẩn thánh thần, nếu không muốn nói rằng hoàn toàn ngược lại. Họ chỉ tin vào một niềm tin mơ hồ về quyền lực siêu nhiên nào đó sẽ giúp đỡ mình. Có lẽ bởi vì ngoài xã hội có quá ít điều để tin, có quá nhiều nỗi sợ, nên người ta vin vào vạt áo cà sa của Đức Phật cả đời cơ hàn để xin vật chất. Chẳng có logic gì.

Có lẽ các vị bên trên nhân từ, chứ người phàm trong cảnh ấy, hẳn sẽ đuổi những con người ấy ra cửa và hỏi: Anh nghĩ tôi là như thế nào mà đưa mấy đồng tiền ấy ra đây?

Theo ĐỨC HOÀNG / DÂN VIỆT (2016)

Tags: ,