Truyền thống thạo thủy chiến của dân tộc Việt Nam

Truyền thống thạo nghề sông nước trong lòng một dân tộc kiên cường bất khuất, có giá trị sáng tạo liên tục tiến hành những cuộc chiến tranh giành và giữ độc lập dân tộc được phát triển thành truyền thống thạo thủy chiến và liên tục được các thế hệ sau kế thừa, phát triển.

Truyền thống thạo thủy chiến của dân tộc Việt Nam

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhấn mạnh: “Do nước ta có vị trí quan trọng, có bờ biển dài, nhiều sông lớn, nên từ xưa tới nay kẻ địch từ bên ngoài thường lợi dụng biển và sông để xâm lược nước ta. Và ở trên biển, trên sông, trong quá trình lịch sử, dân tộc Việt Nam đã bao lần nêu cao truyền thống chống ngoại xâm anh hùng, bất khuất. Thật vậy, trong những trang sử vẻ vang của mình kể từ khi Vua Hùng dựng nước, dân tộc ta đã ghi biết bao sự tích anh hùng trên non sông nước ta nói chung, trên sông, biển nước ta nói riêng”.

Truyền thống thạo thủy chiến của dân tộc ta được hình thành và phát triển như là một tất yếu lịch sử. Tổ tiên ta thường sống trong khu vực nhiệt đới gió mùa, mưa nhiều, độ ẩm cao, sông ngòi chằng chịt, đầm hồ dày đặc, lắm đồi nhiều núi, lại có biển lớn bao bọc. Do vậy, nếp ăn, ở, đi lại, sinh hoạt… bao giờ cũng gắn bó chặt chẽ với sông nước. Những đội quân quen nghề sông nước và cơ động chủ yếu bằng thuyền đã ra đời một cách tự nhiên bên cạnh những đội quân bộ – hai bộ phận chủ yếu trong lực lượng vũ trang truyền thống của dân tộc ta. Đặc biệt, nghệ thuật “đặc công nước” đã xuất hiện từ sớm dưới dạng những người lính thủy giỏi nghề bơi lặn, dùng dùi sắt nhọn đục thuyền đối phương, hoặc dùng thuyền đặc chủng bí mật bất ngờ đánh hỏa công. Trong một tờ khải tâu lên Vua Tống góp bàn về việc tiến binh đánh nước ta, Triệu Bổ Chi đã viết: “Vả lại người Giao Chỉ giỏi thủy chiến. Từ xưa truyền lại rằng người Việt lội xuống nước đội thuyền địch để lật úp. Đỗ Mục nói chúng có kẻ đi chìm dưới đáy biển 50 dặm mà không thở. Vả nay, thuyền buôn thường gặp giặc biển, bị chúng lặn dưới nước đục thuyền”. Một trong những người nổi tiếng trong lịch sử nước ta về nghệ thuật “đặc công nước” mà chúng ta đều biết đó là Yết Kiêu – gia nô trung thành và cận vệ đắc lực cho Trần Hưng Đạo. Ông đã cùng đồng đội dùi đắm nhiều thuyền của quân Nguyên và dùng mưu trí tự giải thoát khỏi sự bắt giữ của chúng.

Do đặc điểm địa hình phức tạp và truyền thống cư trú cũng như truyền thống giao thông của nước ta nên kẻ thù xâm lược nước ta, ở xa cũng như ở gần, thường cơ động bằng đường thủy, vừa nhanh chóng lại tiết kiệm được sức lực. Triệu Đà đánh nước Âu Lạc có Nhâm Ngao mang thuyền đậu ở Tiểu Giang. Năm 42, Mã Viện mang quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng có Đoàn Chí mang 2.000 thuyền đi theo. Trần Bá Tiên của nhà Lương mang quân đi đánh nước Vạn Xuân của Lý Nam Đế cũng đi theo đường thủy. Năm 938, Hoằng Thao con Vua Nam Hán, cũng dùng một đạo quân thủy mò vào cửa Bạch Đằng. Năm 981, tướng Tống đánh Lê Hoàn cũng cử Lưu Trừng mang theo một đạo quân thủy. Năm 1077, nhà Tống lần nữa cử bọn Quách Quỳ mang hàng chục vạn quân xâm lược nước ta vẫn không quên kèm theo 200 chiến thuyền của Dương Tùng Tiên. Thế kỷ XIII, trong ba quân Mông – Nguyên sang xâm lược nước ta thì, chỉ trừ một lần đầu tiên từ Vân Nam xuống là không theo đường thủy, còn cả hai lần sau (1285, 1288) đều quan tâm xây dựng đội quân thủy đi kèm, với mức độ quân thủy ngày càng được chú trọng hơn. (Đáng chú ý, thuyền chiến của Đoàn Chí, của Trần Bá Tiên, của Hoằng Thao, của Lưu Trừng, của Dương Tùng Tiên và của Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đánh quân Trần, tất cả đều hướng theo đường sông Bạch Đằng). Năm 1784, Nguyễn Ánh cầu cứu quân Xiêm, thì lực lượng chính mà Xiêm giúp Nguyễn Ánh là 200 chiến thuyền với 30.000 quân thủy. Năm 1789, trong kế hoạch xâm lược nước ta, nhà Thanh chủ trương dùng một mũi quân thủy đánh vòng xuống Phú Xuân, cùng quân bộ của Tôn Sĩ Nghị ép quân Tây Sơn vào giữa. Vì kiêu căng, khinh địch, Tôn Sĩ Nghị đã không dùng mũi quân thủy này… Những tên xâm lược mới từ phương Tây (Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ) sang xâm lược Việt Nam trong hai thế kỷ vừa qua cũng không đứng ngoài quy luật đó.

Vì kẻ thù thường sử dụng quân thủy để xâm lược nước ta, cho nên chiến trường sông biển và nghề sông nước lại càng có vị trí quan trọng đặc biệt. Tình hình đó làm cho bộ mặt chiến tranh ở nước ta thường rất đậm màu sắc thủy chiến. Quân thủy đã tham gia tất cả các cuộc chiến tranh trong lịch sử dân tộc và đã đem lại nhiều chiến công hiển hách. Ngay từ buổi đầu dựng nước, quân thủy Việt Nam đã là quân thủy giữ nước, quân thủy bảo vệ đất nước. Thời Hùng Vương có truyền thuyết về chống giặc Quỳnh Châu từ phía Bắc và diệt Hồ Tôn từ phía Nam. Quân thủy Âu Lạc ở thành Cổ Loa đã đẩy lùi bao cuộc tiến công quân sự của Triệu Đà (Kết cấu thành Cổ Loa mang những nét rất điển hình của một căn cứ quân thủy). Quân thủy của Hai Bà Trưng do nữ tướng Lê Chân chỉ huy làm khốn đốn Mã Viện ở cửa Bạch Đằng. Quân thủy do Lý Bí chỉ huy anh dũng chặn Trần Bá Tiên trên sông Tô Lịch, hồ Điển Triệt. Quân thủy của Triệu Quang Phục ở đầm Dạ Trạch khiến quân Lương mất ngủ lao đao. Quân thủy do Mai Phúc Loan chỉ huy làm quân Đường vất vả lo âu. Quân thủy của Bố Cái Đại Vương trong trận vây thành Đại La bức chết Cao Chính Bình. Các tướng Khúc Thừa Dụ ở Hồng Châu, Dương Đình Nghệ ở Ái Châu đều huy động và tuyển mộ những dân chài ven sông – biển lập nên những đạo quân thủy thông thạo thuyền bè và chiến đấu trên sông nước.

Quân thủy của Ngô Quyền kết hợp với bãi cọc gỗ cắm ở sông Bạch Đằng đánh tan đoàn chiến thuyền hùng mạnh của quân xâm lược Nam Hán (năm 938), chấm dứt ách đô hộ gần một nghìn năm của phong kiến phương Bắc, mở đầu thời kỳ độc lập lâu dài của dân tộc ta. Quân thủy do Lê Hoàn chỉ huy lập nên trận thắng oanh liệt trên sông Bạch Đằng lần thứ hai, tiêu diệt hoàn toàn đạo quân xâm lược Tống.

Thời Lý, thế kỷ thứ XI, vấn đề xây dựng căn cứ, chốt quân thủy phòng thủ đường biển chính thức được đặt ra, trong đó căn cứ Vân Đồn giữ vai trò quan trọng bảo vệ đất nước trên hướng biển Đông Bắc của Tổ quốc. Quân thủy của Lý Thường Kiệt náo động các châu Khâm, Liêm, chặn thuyền Tống từ ngoài hải giới, cùng quân bộ chặn đứng Quách Quỳ trước sông Cầu, đánh thắng quân thủy Chiêm Thành ở cửa Nhật Lệ năm 1069 và hàng chục trận thắng quân thủy nhà Tống ở vùng biển Quảng Ninh.

Cơ động bằng thuyền, triệt để khai thác địa bàn sông biển trong bố trí lực lượng và thủ đoạn tác chiến đường thủy vẫn là phương châm chiến lược của quân đội nhà Trần. Nhà Trần đã mở rộng đơn vị hành chính Vân Đồn so với thời Lý và đặt ở đây một quân độc lập – quân Bình Hải – có nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ vùng biển đông bắc làm cơ sở quyền lực cho việc thu mối lợi ngoại thương ở đây, biến trang Vân Đồn thành một căn cứ phòng thủ đường biển thực thụ đầu tiên ở nước ta. Quân thủy của Trần Quốc Tuấn quét sạch quân Mông ở Đông Bộ Đầu, diệt quân Nguyên ở Chương Dương, Hàm Tử, Vân Đồn, Vạn Kiếp… Đặc biệt là trong cuộc kháng chiến lần thứ ba (năm 1288), dưới sự chỉ huy thiên tài của Trần Quốc Tuấn, quân và dân ta làm nên chiến thắng Bạch Đằng lần thứ 3, tiêu diệt toàn bộ đạo quân thủy 6 vạn tên, bắt các tướng Ô Mã Phi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ, buộc Thoát Hoan phải rút quân về nước. Những nhân vật tài giỏi về hoạt động trên sông biển như Trần Khánh Dư, Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Nguyễn Khoái… đã lập công xuất sắc, làm rạng rỡ nghệ thuật đánh giặc trên sông biển thời Trần.

Quân thủy của chúa Trịnh và chúa Nguyễn (thời kỳ Đàng Trong và Đàng Ngoài) đã chiến thắng các hạm đội xâm lược của chủ nghĩa tư bản châu Âu (đánh thắng hạm đội của thực dân Tây Ban Nha năm 1595, hai lần đánh thắng hạm đội của thực dân Hà Lan các năm 1642, 1643 và đánh thắng hạm đội của thực dân Anh năm 1702). Sang thế kỷ XVIII, nghệ thuật chiến đấu trên sông biển Việt Nam đã phát triển tới một trình độ khá cao.

Do tài thao lược của người “anh hùng áo vải” Quang Trung – Nguyễn Huệ, một lực lượng quân thủy hùng hậu đã được xây dựng với hàng nghìn chiến thuyền các loại được trang bị hỏa pháo, chở theo cả voi chiến. Quân thủy Tây Sơn nhiều lần vượt biển vào Nam, ra Bắc đánh đổ hai tập đoàn phong kiến Trịnh (Đàng Ngoài), Nguyễn (Đàng Trong) bằng các trận Lỗ Giang, Thúy Ái, chấm dứt cảnh đất nước bị chia cắt hơn 200 năm. Đặc biệt, năm 1785, Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy quân thủy tiến công đánh thắng quân Xiêm ở Rạch Gầm – Xoài Mút đại phá quân Xiêm. Đây là một trong những trận đánh trên chiến trường sông – biển tiêu biểu của dân tộc ta. Đến giữa thế kỷ XIX, quân thủy của Nguyễn Trung Trực đã nhiều lần đánh vào lực lượng hải quân Pháp, gây cho chúng những thiệt hại đáng kể, mà nổi tiếng nhất là trận đốt cháy chiến hạm Êxpêrăngxơ (Hy vọng) trên sông Nhật Tảo (1861).

Thực tế lịch sử đã tỏ rõ: Kẻ thù dùng quân thủy, đi bằng đường thủy và nhân dân ta cũng sử dụng chiến trường sông biển và quân thủy để đánh địch trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược là một quy luật của chiến tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam. Thắng địch trên chiến trường sông nước là một trong những quy luật giành thắng lợi của nghệ thuật quân sự trong lịch sử nước ta.

Theo ĐẠI ĐOÀN KẾT

Tags: ,