‘Triều Tiên là nước nghèo nhất trong nhóm các nước phát triển’

Trong một thời gian dài, người ta đã nhìn CHDCND Triều Tiên dưới lăng kính phóng đại chống cộng…

Giáo sư người Pháp Théo Clément, người từng có một thời gian giảng dạy tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng, trả lời các câu hỏi về CHDCND Triều Tiên của phóng viên Stephane Lagarde, báo mạng Asialyst chuyên về thời sự châu Á. 

– PV: Phải chăng người ta cảm thấy bị nhầm lẫn nhiều về Triều Tiên?

Théo Clément: Đúng thế, bởi vì trong một thời gian dài, người ta coi đó là một nước thuộc khối phương Đông (các nước xã hội chủ nghĩa theo Liên Xô cũ) như những quốc gia khác. Thế nhưng, trên thực tế, Triều Tiên chưa bao giờ nằm trong khối đó. Có nhiều công trình của giới nghiên cứu lục tìm trong khối tài liệu lưu trữ của Nga hoặc của các nước trước đây theo nền dân chủ nhân dân và nhận thấy, đúng là Triều Tiên theo chế độ xã hội chủ nghĩa, nhưng họ có tư tưởng riêng và có những nét xã hội riêng. Người ta đã nhìn Triều Tiên dưới lăng kính phóng đại chống cộng, nhưng thực ra đó là một chế độ khác.

– Vậy Triều Tiên là gì ? Một triều đại Đỏ ?

– Đó là một chế độ gần gũi với các nền dân chủ nhân dân, đi kèm với sự chuyển giao quyền lực cha truyền con nối và điều này giúp tránh được sự đoạn tuyệt đã từng xảy ra trong Liên Xô cũ giữa Stalin (được coi là người bạn của Triều Tiên) và Krouchtchev (bị coi là kẻ phản bội). Trong hồi ký, Kim Nhật Thành giải thích rằng thông qua sự chuyển giao năng động này, người dân Triều Tiên đã tìm ra cách thức bảo đảm sự tiếp nối liên tục chính sách của chế độ và tính chính đáng của bộ máy quyền lực, tránh được chủ nghĩa xét lại và cải lương. Đương nhiên, đây cũng là chế độ gia đình trị.

– Trong số những định kiến về cuộc sống khó khăn tại Triều Tiên, người ta hay nói đó là một vương quốc khép kín: Phải chăng người dân Triều Tiên bị bưng bít, không biết gì xảy ra ở bên ngoài ?

– Người dân Triều Tiên biết rất rõ những gì xảy ra ở bên ngoài. Vì đã có những cuộc thảo luận dài với các sinh viên, tôi nhận ra rằng đương nhiên họ có cách nhìn riêng và tiếp cận hạn chế với văn hóa phương Tây. Đó là một đất nước rất bất cân xứng về thông tin, nhưng điều này không ngăn cản người dân có được thông tin về những gì xảy ra ở Hoa Kỳ hoặc chẳng hạn họ rất say mê văn hóa Pháp.

Đôi khi họ có những hiểu biết làm tôi hoang mang. Ví dụ, họ biết rất rõ các mạng xã hội tại phương Tây vận hành như thế nào cho dù họ chưa bao giờ sử dụng. Văn hóa phương Tây thâm nhập vào Triều Tiên, hoặc là bị chính quyền kiểm duyệt hoặc là nhỏ giọt để rồi cuối cùng góp phần tạo ra một dạng nhận thức vụn ghép về những gì đang xảy ra ở bên ngoài.

– Chế độ của Kim Jong Un có ổn định không ?

– Mọi chỉ dấu cho thấy chế độ đó ổn định. Người ta có thể giả định rằng cho dù trong tương lai, Trung Quốc tỏ ra kiên quyết hơn trong vấn đề trừng phạt, cho dù Bắc Kinh đóng cửa biên giới, chế độ Triều Tiên vẫn sống sót. Tình hình kinh tế hiện nay vững chắc hơn hồi xảy ra nạn đói trong những năm 1990. Ngay cả khi người dân phải ăn cỏ như Putin nói, thì chế độ dường như vẫn trụ lại được.

– Tuy nhiên, gần đây, người ta thấy vụ đào thoát ngoạn mục của một binh sĩ Triều Tiên chạy qua khu vực phi quân sự dưới làn đạn. Trước đây có các nữ tiếp viên trong các nhà hàng tại Trung Quốc chạy sang Hàn Quốc hoặc nhân vật số hai của sứ quán Triều Tiên ở Luân Đôn đào tẩu…

– Đúng là có chuyện người lính trẻ làm nghĩa vụ quân sự và dường như đã tại ngũ được 5 năm. Anh ta đang ở giữa chừng thời kỳ hết nghĩa vụ, một thời điểm quan trọng đối với triển vọng nghề nghiệp của anh ta. Phải chăng người ta đã nói với anh ta là còn phải tiếp tục bê bết như vậy trong quân đội thêm 5 năm nữa trước khi quay về quê làm ruộng? Dẫu sao thì đây cũng là trường hợp rất hiếm.

Nhìn chung, số người đào thoát giảm kể từ khi Kim Jong Un lên cầm quyền. Vả lại, đó là cũng là một chỉ số tốt về tình hình kinh tế của Triều Tiên. Đất nước hoàn toàn không còn ở tình trạng như những năm 1990 nữa.

Mitsuhiro Mimura, người Nhật, giảng viên nghiên cứu đại học, thường xuyên tới Triều Tiên, biết rất rõ nước này và nói rằng Triều Tiên là nước nghèo nhất trong nhóm các quốc gia phát triển. Trong những năm gần đây, kinh tế Triều Tiên đã được cải thiện rất nhiều và chế độ không tìm cách chuyên môn hóa sản xuất mà ngược lại, tìm cách sản xuất rất nhiều loại sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp để có thể tự chủ được.

– Với những dự án vĩ đại mà chế độ phô trương…

– Đúng thế. Có những dự án được phô trương như đường trượt tuyết trên núi Masik hay “phố tương lai” ở Bình Nhưỡng, nhưng đó là tình trạng cây che khuất rừng đấy. Nếu đi về nông thôn, bạn sẽ thấy ngày càng nhiều xe máy kéo đang hoạt động, đường xá tuyệt vời và nhiều thành phố đang chuyển đổi… Tất cả gắn liền với chính sách mở cửa, cũng như với cơ cấu thị trường nội địa của Triều Tiên.

Trong nạn đói ở những năm 1990, người dân Triều Tiên đã học cách tự xoay xở mà không cần đến Nhà nước. Có những mạng lưới kinh tế ít nhiều không chính thức và trong một chừng mực nào đấy được chính quyền khuyến khích. Đất nước Triều Tiên giống như bậc thang lên núi. Càng lên phía bắc, thì càng cao. Do vậy, cần phải để cho hàng hóa lưu thông bởi vì không thể sản xuất tất cả các loại hàng hóa ở cùng một chỗ. Ví dụ, nông phẩm từ vùng duyên hải và phía Nam tới và cần phải đưa hàng hóa vào miền trung.

– Vai trò của Trung Quốc và các doanh nghiệp Trung Quốc ra sao ?

– Với Trung Quốc, Triều Tiên có nhiều kênh trao đổi hàng hóa chính thức, hợp lệ, nhưng cũng có những kênh “xám” hoặc bất hợp pháp. Triều Tiên ít nhiều khuyến khích nền kinh tế không chính thức này. Trung Quốc cũng vậy và tìm cách phát triển “vành đai công nghiệp” Đông Bắc (Dongbei) bao gồm các tỉnh ở phía đông bắc Trung Quốc.

– Các đầu tư của Trung Quốc vào Triều Tiên đang ở đâu ?

– Năm 2002, đợt cải cách dưới thời Kim Jong Il đã kéo theo làn sóng đầu tư của Trung Quốc vào Triều Tiên. Vào cuối những năm 90, chỉ có một doanh nghiệp Trung Quốc hiện diện tại Triều Tiên. Ngày nay, có khoảng 120 doanh nghiệp Trung Quốc. Ngược lại, từ năm 2015, người ta nhận thấy đầu tư Trung Quốc giảm do căng thẳng gia tăng. Người ta không rõ liệu có phải do Trung Quốc không tính đến những khoản đầu tư này nữa hay không trong các số liệu thống kê và qua đó che dấu các trao đổi kinh tế với Triều Tiên hay phải chăng các số liệu nói trên đúng với thực tế.

– Về mặt ngoại giao, Bắc Kinh chơi trò gì trong quan hệ với Bình Nhưỡng ?

– Bắc Kinh trong tình thế bấp bênh về ngoại giao cực kỳ phức tạp. Trung Quốc duy trì lập trường chờ đợi nhằm giữ cho tình hình ổn định. Họ nói đang thực hiện các trừng phạt nhưng các xe tải có thể được phép hoặc không vẫn tiếp tục đổ về khu vực bờ sông Áp Lục (Yalu), biên giới giữa hai nước. Trong mọi trường hợp, Trung Quốc hiểu rõ rằng gây áp lực với Triều Tiên không phải là một giải pháp. Bình Nhưỡng tìm cách kéo dài sự bền vững của các cơ cấu chính trị thông qua chính sách răn đe hạt nhân và một nước Triều Tiên bị cô lập, suy yếu thì còn nguy hiểm hơn là một nước Triều Tiên khỏe mạnh về kinh tế.

Theo RFI