Triệt sản cưỡng bức: Vết nhơ thế kỷ 20 của Thụy Điển

Thụy Điến là một quốc gia có mức sống cao hàng đầu thế giới. Dù vậy, lịch sử hiện đại của quốc gia này đã phải chịu một một vết nhơ lớn với việc áp dụng thuyết ưu sinh đế triệt sản cưỡng bức hàng nghìn người dân từ thập kỷ 1930 đến 1970.

Triệt sản cưỡng bức: Vết nhơ thế kỷ 20 của Thụy Điển

Thuyết ưu sinh (eugenics) là học thuyết cho rằng, chủng tộc người có thể (hoặc phải) cải tiến bằng cách nhân giống chọn lọc có kiểm soát giữa những người có tính trạng mong muốn như sức khoẻ, vóc dáng, trí tuệ. Thuật ngữ thuyết ưu sinh được nhà nhân chủng học người Anh Francis Galton (em họ của nhà bác học Charles Darwin ) đưa ra năm 1883, dựa trên các tác phẩm của người anh nổi tiếng của mình.

Học thuyết này đã trở thành một môn học tại nhiều trường đại học và cao đẳng Âu – Mỹ, nhận được rất nhiều nguồn hỗ trợ. Nó đã được hậu thuẫn bởi các chương trình khoa học ứng dụng và phong trào sinh học – xã hội ủng hộ việc sử dụng các phương thức triệt sản nhằm cải thiện cấu tạo gen của dân số loài người.

Vào đầu thập niên 1900, các chính sách ưu sinh được thực hiện lần đầu tiên ở Mỹ. Đến các thập niên 1920 và 1930, các quốc gia khác như Bỉ, Brasil Canada, Thụy Điển vv… bắt đầu thực hiện chính sách ưu sinh bằng phương pháp triệt sản đối với bệnh nhân tâm thần, thiểu năng, gái mại dâm.

Vào giai đoạn cao trào, thuyết ưu sinh đã được công nhân bởi nhiều nhân vật có tiếng tăm, trong đó có cả các nguyên thủ quốc gia như Thủ tướng Anh Winston Churchill, Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt. Tuy nhiên, nhân vật ủng hộ thuyết ưu sinh nổi tiếng nhất chính là trùm phát-xít Adolf Hitler.
Hitler đã ca ngợi và đưa các luận điểm của thuyết ưu sinh vào cuốn Mein Kampf của mình và đề ra một đạo luật ưu sinh nhằm triệt sản những người bị coi là khiếm khuyết, nhằm tạo ra một chủng tộc “thượng đẳng”, gồm những con người hoàn thiện tuyệt đối về thể chất và trí tuệ.

Chính điều này đã làm uy tín khoa học của thuyết ưu sinh bắt suy giảm. Từ chỗ ủng hộ, nhiều nhà khoa học đã quay sang phản đối học thuyết này. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều quốc gia trên thế giới đã từ bỏ các chính sách liên quan tới thuyết ưu sinh.

Tuy nhiên, Thụy Điển là một trong số những trường hợp ngoại lệ hiếm hoi mà chính sách ưu sinh vẫn được thực hiện cho tới năm 1975, với các chương trình triệt sản quy mô lớn, trong đó bao gồm việc triệt sản cưỡng bức những cá nhân bị bại liệt tâm thân và nhiều phương thức khác.

Lịch sử áp dụng học thuyết ưu sinh bắt đầu tại Thụy Điển từ những năm 1920. Khi đó, trong lòng quốc gia Bắc Âu đã xuất hiện ý tưởng phải lành mạnh hóa giống nòi bằng biện pháp cưỡng bức, bao gồm việc triệt sản các cá thể “không hoàn thiện” nhằm “bảo vệ giống nòi Bắc Âu và thanh lọc xã hội – chủng tộc”.

Vào năm 1935, chính sách triệt sản cưỡng bức đã chính thức được ban hành theo đề nghị của phe xã hội – dân chủ mới lên cầm quyền. Theo quy định, những người vô gia cư, rối loạn tâm thần và “yếu kém về mặt xã hội” sẽ bị liệt vào danh sách phải triệt sản cưỡng bức.

Những năm đầu tiên, số ca bị triệt sản cưỡng bức không nhiều. Đến năm 1941, một đạo luật mới ra đời đã nêu rõ mục đích nhà nước muốn kiểm soát và cải thiện giống nòi nên cấm triệt sản theo yêu cầu đơn thuần và buộc triệt sản đối với những người bị xem là “có nguy cơ” cho ra đời những đứa trẻ không hoàn thiện. Đạo luật này đã khiến số người bị triệt sản tăng vọt.

Đạo luật phi lý này vẫn được áp dụng sau chiến tranh thế giới II, và phải đến năm 1976 mới bị hủy bỏ. Trong hơn 40 năm tồn tại, chính sách ưu sinh của Thụy Điển đã khiến 6.000 người bị triệt sản một cách bí mật và 15.000 bị triệt sản cưỡng bức dưới danh nghĩa tự nguyện, vì họ không còn lựa chọn nào khác.

Đã có nhiều trường hợp đau lòng xảy ra do chính sách ưu sinh của Thụy Điển, ví dụ như một cô bé trong viện mồ côi chỉ vì có những hành vi kỳ lạ (do thị lực kém mà không ai biết) nên đã bị đưa vào danh sách những đứa trẻ có vấn đề về trí óc, và sau đó bị đưa đi cắt buồng trứng để tránh làm tổn hại nguồn gene quốc gia.

Sau những tranh cãi dai dẳng về mặt đạo đức của chính sách ưu sinh, phải đến năm 1999 chính phủ Thụy Điển mới công khai xin lỗi và bồi thường cho những nạn nhân của hoạt động triệt sản cưỡng bức. Tuy vậy, không có bất cứ một cá nhân hoặc tổ chức nào bị kết tội vì những sai lầm của chính sách này.

Thời gian gần đây, với việc ban hành quyết định không chữa bệnh cho người nghiện thuốc lá, chính phủ Thụy Điển lại khiến dư luận quốc tế lo ngại rằng họ đang trở lại với học thuyết ưu sinh nhằm thanh lọc nguồn gene của đất nước. Những nghi vấn lớn đang được đặt ra với Thụy Điển là hệ tư tưởng dân tộc thượng đẳng còn tồn tại trong chính giới nước này hay không, và những chính sách nào mang màu sắc ưu sinh sẽ còn được áp dụng trong tương lai?

Theo KIẾN THỨC

Tags: , ,