Trào lưu nghệ thuật Ý niệm: Vượt qua mọi quy tắc logic

Trào lưu Nghệ thuật Ý niệm (chữ Nghệ thuật Ý niệm được đưa ra bởi Henry Flynt – lần đầu tiên trên bài viết Concepts Art – trong tập san Anthology– 1963 của Flynt) là một trong những trào lưu quan trọng nhất của nghệ thuật sau hiện đại với những tác giả như Sol Lewitt, Lucy Lippard, Mel Bochner, Marcel Brrodhaer, John Baldessari. Căn rễ của trào lưu nghệ thuật này, là nỗ lực của các nghệ sỹ nhằm chối bỏ quan niệm Nghệ thuật như vật thể (Art as Object) để chú trọng tới tính tiến trình (process) của tác phẩm, nhằm giải cấu trúc nghệ thuật tạo hình thông qua việc đưa vào đó các tính chất thời gian, sân khấu và ngôn ngữ thay thế cho các tính chất không gian và thị giác vốn là lõi cốt của nghệ thuật tạo hình hiện đại.

Trào lưu nghệ thuật Ý niệm: Vượt qua mọi quy tắc logic

Tác giả: Sollewitt.

Nguồn: Conceptual art: a critical anthology, edited by Alexander Alberro and Blacke Stimson, First MIT Press paperback edition 2000.

Biên dịch: Như Huy.

Trong nghệ thuật ý niệm (Conceptual Art), ý tưởng dùng để tạo nên ý niệm (the idea of concept) là khía cạnh quan trọng nhất của tác phẩm (1). Một nghệ sỹ sử dụng hình thái nghệ thuật ý niệm, có nghĩa là khi với anh ta, việc lên kế hoạch cũng như mọi quyết định (cho tác phẩm ấy) đều phải được hoàn thành sẵn từ trước, còn việc thực hiện (tác phẩm) chỉ là chuyện thứ yếu mà thôi. Ý tưởng trở nên một cái máy sản xuất ra nghệ thuật.

Đây không hề là dạng nghệ thuật “nói suông” hay dùng để minh họa cho lý thuyết, trái lại, nó đầy ắp trực giác và thu trọn vào lòng mọi kiểu dạng tiến trình trí tuệ cũng như hoàn toàn thiểu đích. Nó thường xuyên giải phóng bản thân khỏi việc phải phụ thuộc vào các kỹ năng thủ công của nghệ sỹ trong vai trò là nghệ nhân. Với nghệ thuật ý niệm, mục đích chính của nghệ sỹ là làm sao gây được hứng thú trí tuệ cho công chúng. Chính vì thế, anh ta luôn cố tạo ra cho tác phẩm của mình một không khí cằn khô về cảm xúc. Tuy nhiên, chẳng có lý do gì để cho rằng nghệ sỹ ý niệm tìm cách gây buồn chán cho người xem cả. Chỉ những ai hằng chờ đợi một cú đập của cảm xúc theo kiểu mà nghệ thuật biểu hiện thường mang tới mới là những kẻ nản chí khi cảm thụ nghệ thuật ý niệm mà thôi.

Nghệ thuật ý niệm không cần thiết phải mang tính logic. Logic của một hay một loạt tác phẩm là một tạo vật đôi khi được sử dụng chỉ để phá đi. Logic có lẽ được sử dụng để ngụy trang ý định thực của nghệ sỹ, để ru người xem vào cơn mê tin rằng hắn đã thấu hiểu tác phẩm, hay để suy luận ra một tình thế mâu thuẫn (như logic và phi logic) (2). Các ý tưởng không cần thiết phải phức tạp. Hầu hết các ý tưởng thành công nhất đều có vẻ thô sơ đến mức ngớ ngẩn. Nhìn chung, các ý tưởng thành công thường mang theo hình tướng giản dị bởi chúng luôn có vẻ tự nhiên sẵn thế. Nghệ sỹ thậm chí luôn bất ngờ với bản thân khi ý tưởng xuất hiện. Các ý tưởng được phát kiến qua trực giác.

Tác phẩm trông ra sao không phải là điều quá quan trọng. Dù sao nó cũng phải có một hình tướng nào đó khi được thực hiện xong. Chẳng quan trọng gì việc tác phẩm sau cuối trông sẽ ra sao, mà điều quan trọng là – tác phẩm phải được khởi đầu với một ý tưởng. Tiến trình của ý niệm và nhận thức mới chính là những gì nghệ sỹ quan tâm. Sau khi được nghệ sỹ hoàn tất – tác phẩm sẽ mở ra với tất cả các sự cảm thụ từ mọi người, bao gồm chính nghệ sỹ (tôi dùng từ cảm thụ (perception) ở đây với ý nghĩa: khả năng nắm bắt được những dữ liệu mang tính trực cảm. Sự tri hiểu ý tưởng tác phẩm một cách khách quan, cùng lúc ấy là sự diễn giải tác phẩm một cách chủ quan). Chỉ có thể cảm thụ tác phẩm nghệ thuật sau khi nó được hoàn tất.

Dạng nghệ thuật với mục đích chủ yếu gây xúc cảm thị giác sẽ đuợc gọi là nghệ thuật cảm thụ (perceptual) chứ không phải nghệ thuật ý niệm (conceptual). Những dạng nghệ thuật ấy bao gồm Optical art (nghệ thuật ảo thị), Kinetic art (nghệ thuật động lực), light art and color art (nghệ thuật duy sắc và nghệ thuật vị quang).

Bởi các chức năng của ý niệm và cảm thụ tương phản với nhau (một cái gây tác động trong lúc tiếp cận – còn cái kia gây tác động sau khi tiếp cận đối vật). Nghệ sỹ sẽ tự làm giảm thiểu ý tưởng của anh ta bằng việc áp dụng những phán quyết chủ quan với chúng. Nếu nghệ sỹ muốn khảo sát triệt để ý tưởng của bản thân, anh ta cần phải tránh hết mức việc sử dụng các quyết định mang tính võ đoán hay tình cờ, cùng lúc ấy, khiếu thẩm mỹ, sự đồng bóng hay các tính chất bất thường khác phải được loại thải hoàn toàn khỏi quá trình thực hiện tác phẩm. Dáng vẻ trông không hay ho gì của tác phẩm không nhất thiết là lý do để quẳng nó đi. Đôi khi những gì mới đầu trông có vẻ ngô nghê thì lại chính là sự mãn nhãn sau này.

Làm việc với một kế hoạch được chuẩn bị trước là một cách để từ khước tính chủ quan. Nó cũng loại bỏ nhu cầu về việc thiết kế tuần tự từng phần tác phẩm. Kế hoạch sẽ thiết kế nên tác phẩm (tổng thể). Có những kế hoạch yêu cầu hàng triệu biến thể, trong khi những kế hoạch khác lại chỉ đòi hỏi một lượng hạn chế, nhưng cả hai kiểu này đều có giới hạn. Có những kế hoạch hàm ngụ tới sự vô hạn. Tuy nhiên trong mỗi trường hợp, nghệ sỹ đều sẽ phải lựa chọn hình thái gốc và rồi tạo ra luật lệ chung để điều giải vấn đề. Tiếp đến, càng ít những quyết định ngẫu nhiên tạo ra trong quá trình hoàn tất tác phẩm thì càng tốt. Điều này sẽ dẫn tới việc, một cách triệt để, loại thải ra khỏi tác phẩm tính chất võ đoán, sự đồng bóng và thái độ chủ quan. Chính vì những kết quả vừa nêu, mà phương pháp này nên được sử dụng.

Khi sử dụng một hệ thống đơn vị gốc lũy tiến (a multiple modular method), nghệ sỹ thường xuyên chọn một hình thái tiện giản có sẵn. Hình thái tự thân có tầm quan trọng rất hạn chế khi nó trở nên hệ ngữ pháp gốc cho toàn bộ tác phẩm. Thật ra, để dễ dàng hơn cho việc trở nên lõi chung cho tổng thể tác phẩm, tốt nhất là đơn vị gốc nên tỏa ra tính chất phản hấp dẫn một cách cố ý. Việc sử dụng các hình thái gốc phức hợp lặp đi lặp lại sẽ chỉ cắt rời tính thống nhất của tác phẩm mà thôi. Việc sử dụng lặp đi lặp lại một hình thái giản đơn sẽ giới hạn trường của tác phẩm và tập trung được cường độ vào sự hài hòa của hình thái. Khi hình thái chỉ đơn giản là phương tiện, là lúc sự hài hòa sẽ xuất hiện.

Nghệ thuật ý niệm thực sự không liên quan gì với toán học, triết học hay bất kỳ các quy tắc trí uẩn nào khác. Dạng toán học mà hầu hết các nghệ sỹ sử dụng chỉ là số học cơ bản hay hệ thống số đếm đơn mà thôi. Còn triết lý của tác phẩm thì tồn tàng ẩn trong tác phẩm và chẳng minh họa cho bất kỳ hệ thống triết học nào khác.

Chẳng quan trọng gì việc không biết công chúng có hiểu được ý đồ của nghệ sỹ không, khi họ ngắm nhìn tác phẩm của anh ta. Một khi tác phẩm đã được đem trưng bầy, nghệ sỹ chẳng thể nào kiểm soát được cách mà công chúng cảm thụ về tác phẩm của anh ta nữa. Công chúng khác nhau sẽ nhận về những thông điệp giống nhau qua những phương cách khác nhau.

Gần đây, có rất nhiều điều được viết về cái gọi là nghệ thuật tối giản (minimal art). Thế nhưng tôi thì lại chưa tìm ra bất kỳ ai thừa nhận là đang thực hiện loại công việc này cả. Cũng còn một số hình thái nghệ thuật khác nữa được gọi quanh bằng một số cái tên như là: Nghệ thuật của các cấu trúc cơ bản (primary structures art), Nghệ thuật hoàn nguyên (reductive art), Nghệ thuật thải trừ (rejective art), Nghệ thuật lạnh (cool art) và Nghệ thuật tý hon (mini–art). Vì chả có nghệ sỹ nào tôi có quen biết lại thừa nhận các danh tính trên, do đó tôi kết luận rằng những danh tính trên đây hẳn phải là một thứ tiếng lạ nào đó các phê bình gia sử dụng để liên lạc với nhau qua môi trường trung gian là các tạp chí. “Nghệ thuật tý hon“ (mini–art) là tuyệt nhất bởi nó làm ngươi ta mơ về các em chân dài váy ngắn (mini jupe). Hoặc giả có lẽ thuật ngữ “Nghệ thuật tý hon” là hàm chỉ về những nghệ phẩm bé xíu với các tua triển lãm lưu động vòng quanh đất nước trong những bao diêm(?). Hay có lẽ các nghệ sỹ tối giản lại chính là những em bé tý hon vẫn luôn ngước nhìn lên từ độ cao dăm chục centimet. Và nếu vậy, có lẽ các tác phẩm ưu tú nhất sẽ được tìm thấy trong các trường mẫu giáo chăng? (trường mẫu giáo, cấu trúc mẫu giáo – primary school, primary structures).

Nếu nghệ sỹ hình thành ý tưởng và tìm cách thể hiện ý tưởng ấy ra thực tế, các bước trong tiến trình đều rất quan trọng. Tự thân ý tưởng, dù chưa được thể hiện ra thị giác, cũng đã là một nghệ phẩm y như bất kỳ sản phẩm sau cuối nào. Tất cả mọi bước can thiệp ở quãng giữa như – phác thảo, vẽ hình, lập sơ đồ, những thử nghiệm hỏng, những đơn vị mẫu, sự suy ngẫm, nghiên cứu và đối thoại – đều tạo nên sự hứng khởi. Tất cả những việc thể hiện ra tiến trình tư duy của nghệ sỹ đôi khi còn hứng thú hơn tác phẩm sau cuối.

Việc xác định kích cỡ cho một mẫu luôn là một việc khó khăn. Nếu một ý tưởng đòi hỏi tác phẩm ba chiều, dường như mọi kích cỡ đều có thể được chấp nhận. Câu hỏi đặt ra ở đây là – kích cỡ nào hợp lý nhất. Nếu mẫu được làm với kích cỡ quá lớn thì chính bản thân kích cỡ sẽ tạo ra ấn tượng và làm biến mất hoàn toàn ý niệm của tác phẩm. Cũng như thế, kích cỡ quá nhỏ có lẽ sẽ tạo ra cảm giác lụn vụn. Chiều cao của người xem cũng như kích thước không gian nơi tác phẩm được đặt để cũng là những yếu tố liên quan tới việc xác quyết kích cỡ tác phẩm. Tùy vào mỗi nghệ sỹ, tác phẩm có thể được đặt cao hoặc thấp hơn tầm mắt người xem.Tôi cho rằng mẫu phải đủ lớn để cung cấp được cho người xem mọi thông tin cần thiết giúp anh ta hiểu tác phẩm cũng như nó phải được sắp đặt hợp lý để phục vụ cho mục đích này (trừ phi có những ý tưởng đặc biệt nào đó yêu cầu một tầm nhìn và một cách tiếp cận khó khăn hơn).

Có thể coi không gian là một khu vực lập phương bị chiếm hữu bởi một dung tích ba chiều. Mọi dung tích đều chiếm hữu không gian. Dung tích ấy chính là không khí vô hình. Nó là quãng nghỉ giữa các đối vật được đo lường. Các quãng nghỉ và sự đo lường đều có thể trở nên quan trọng với một nghệ phẩm. Khi một khoảng cách cụ thể nào đó được cho là quan trọng, ấy là khi nó làm cho mẫu vật nổi bật lên. Khi vai trò của không gian, một cách tương đối, trở nên thứ yếu, ấy là khi nó có thể bị dàn đều và chia thành những phần bằng nhau (các đối vật được đặt cách nhau theo những khoảng cách đều đặn), để giảm trừ mọi sự chú ý gây ra do sự không đồng đều của các quãng nghỉ. Không gian dàn đều có lẽ cũng sẽ trở nên một yếu tố có tính chất quãng thời, một dạng đập nhịp nhặt khoan nào đó. Khi quãng nghỉ giữa các đơn thể được giữ đều đặn – bất cứ điều gì có tính chất phản đăng đối đều tạo ra hiệu quả quan trọng.

————————-

Chú thích:

(1)Trong những hình thái nghệ thuật khác, ý niệm có lẽ sẽ thay đổi trong quá trình thực hiện.
(2) Vài ý tưởng hợp lý khi hình dung và phi lý khi cảm thụ.

Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG

Tags: