Tôi nhìn và gặp Sài Gòn

Quả thật, cho tới đầu tháng 5/1975, tôi chưa biết gì về Sài Gòn cả. Nghĩa là tôi có biết, nhưng chỉ qua sách vở, qua báo chí Sài Gòn mà do công tác tôi được đọc. Ngoài ra thì, do tôi… tưởng tượng.

Ngày còn ở Hà Nội, trước khi đi chiến trường tôi có viết một bài thơ về Sài Gòn nhan đề “Mặt trời-thành phố”. Bài thơ này được in trên báo Văn Nghệ hay tạp chí Văn nghệ Hà Nội gì ấy, tôi quên mất.

Còn nhớ, trong bài thơ của tôi có câu: “Cha còng lưng chạy xe lam”. Nói thật, tôi chỉ biết đó là loại xe chở khách, còn hình dáng nó thế nào, vì sao lại gọi là xe lam, thì…biết chết liền! Hà Nội bấy giờ chưa có xe lam, mình biết tên xe vì có đọc đâu đó, vậy thôi.

Cho tới ngày thống nhất, ở Sài Gòn tôi mới biết cái xe lam. Không những biết xe mà còn được làm quen người lái xe. Có lần lang thang ở chợ Cũ, thì hai người bạn ở chiến khu đang nhậu kéo tôi vào một quán cóc và giới thiệu một người bạn mới. Anh này hành nghề chạy xe lam. Anh nói có họ hàng với chị Quyên( vợ anh hùng-liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi).

Tôi rất hâm mộ, không chỉ vì anh xe lam là bà con với chị Quyên, mà quan trọng hơn, vì anh là người…lái xe lam-một nhân vật đã từng vào thơ tôi. Cùng với chiếc xe mà tôi chưa hề biết nó mày ngang mũi dọc làm sao. Anh xe lam xem ra rất phấn khởi vì được đánh bạn với quân giải phóng. Con tôi cũng rất mừng vì gặp anh, vì anh tuyên bố rất giang hồ: “Bữa nhậu này tôi bao trọn gói, anh em mình cứ chơi thả giàn!”. Thực ra thì bữa nhậu cũng khiêm nhường thôi, bia “Con Cọp” uống với tôm khô củ kiệu. Nhưng tôi thích lắm.

Còn thích hơn những cuộc nhậu “hoành tráng” với đủ sơn hào hải vị mà từ lúc mới vào Sài Gòn chúng tôi vẫn được dự. Đơn giản, vì là nhậu với anh…xe lam, và ở ngay chợ Cũ. Quán cóc vỉa hè, chiếc xe lam đậu một bên, bạn bè ngồi một bên, điều vô cùng thích thú với một gã lang thang là tôi. Thì Sài Gòn là thế chứ sao, là đó chứ đâu! Tính ra, từ lúc viết bài thơ có hình ảnh chiếc xe lam, tới lúc được tận mắt nhìn thấy chiếc xe lam, được quen người lái xe lam, tôi đã mất khoảng thời gian là…6 năm.

Và đã đi bộ hơn 2.500 cây số, qua rất nhiều địa hình, trong nhiều tháng. Dĩ nhiên, so với “Thánh phượt” Vừ Già Pó, thì tôi còn thua xa về cả thời gian và quãng đường đi bộ. Nhưng tôi đã tới đích: Sài Gòn. Tới đích: chiếc xe lam và người lái xe lam. Thế cũng hả dạ. Chợt nhớ, những ngày tháng nằm ở địa hình ven lộ Bốn Cai Lậy, cứ đêm đêm là tôi lại thấy Sài Gòn. Nhìn về một hướng, bầu trời ở hướng ấy sáng rực: Sài Gòn đó! Lại hiện về trong sâu thẳm lòng mình hai câu thơ Lê Anh Xuân:

“Cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ đó
Cứ đêm đêm nức nở gọi ta về”

Có bao nhiêu xót đau và căng thẳng trong hai từ “nức nở” ấy.

Câu thơ “Cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ đó” chính xác nhất đối với tôi khi mỗi đêm tôi nhìn về cái vầng sáng phía Sài Gòn. Dĩ nhiên, trước tôi, thì cả hai câu thơ là chính xác nhất với tác giả Lê Anh Xuân khi anh nằm ở đất Long An, chỉ cách Sài Gòn vài ba chục cây số. Lê Anh Xuân đã hy sinh ở vùng ven Tân An, nơi hằng đêm anh vẫn nhìn về phía vầng sáng Sài Gòn với bao xa xót và yêu thương. Tôi không được như thế, vì tôi chưa có kỷ niệm nào với Sài Gòn cả. Nhưng cứ mỗi lần nhớ câu thơ Lê Anh Xuân, tôi lại cảm giác như mình cũng là người Sài Gòn, mình cũng miên man tưởng tượng cái thành phố chỉ hiện lên trước mắt mình bằng một vầng sáng mơ hồ như thế.

Cho tới khi về Sài Gòn, gặp Sài Gòn và người Sài Gòn. Thú thật, 40 năm qua, chưa bao giờ tôi nghĩ mình sống được ở Sài Gòn, trở thành người Sài Gòn. Đó là thành phố mà tôi chỉ ghé lại như một lữ khách, như một người bạn nhỏ vô danh trong cả triệu người đang tất bật trên đường phố. Ngày mới về Sài Gòn, điều tôi ngạc nhiên đầu tiên là thành phố quá lớn, quá sang trọng, nếu so với Hà Nội. Nhất là khi được viếng thăm lâu đài Chú Hỏa và…uống rượu ở đó, thì sự ngạc nhiên càng tăng. Còn sự ngạc nhiên thứ hai, hoàn toàn ngược lại, là thành phố này có quá nhiều…người nghèo.

Nghèo tới tận cùng của sự nghèo. Không phải ở Hà Nội thiếu người nghèo. Bao nhiêu năm chiến tranh, người Hà Nội rất nghèo. Nhưng nghèo như người…Sài Gòn, phải ở trong những “ngôi nhà” làm bằng bao bì các-tông như dành cho…gà như thế, thì tôi chưa thấy ở Hà Nội. Cũng như những nhà chòi bên rạch Thị Nghè, tôi không thể tưởng tượng con người có thể sống và sinh con đẻ cái trong những “ngôi nhà” thê thảm như vậy. Ngày đó chúng tôi còn rất trẻ, đầy lãng mạn và lý tưởng hóa. Nên nhìn những cảnh ấy không thể chịu được, không sao yên lòng.

Cũng như nhìn những người ăn xin ở Sài Gòn: họ sao nhiều thế, và họ đi ăn xin bằng rất nhiều kiểu lạ lùng. Thời tôi ở Hà Nội, thành phố có rất ít, nếu muốn nói là không có, người ăn xin. Chuyện đó ở Sài Gòn cũng khiến chúng tôi xót lòng, và chỉ mong cảnh này mau chấm dứt. Chúng tôi thật ngây thơ. Nhưng có lẽ lớp cha ông chúng tôi ngày xưa đi làm cách mạng cũng bắt đầu bằng sự ngây thơ như vậy khi nhìn nhận những bất công trong xã hội.

Sài Gòn bây giờ thật khác với hồi 41 năm trước. Rồi mỗi khi có dịp vào Sài Gòn, di chuyển trên những con đường sang trọng ở khu trung tâm, tôi có cảm giác như mình đang ở một thành phố châu Âu nào. Nhưng chỉ cần ra ngoại ô, sự thể đã khác.

Có dịp chuyện trò với vài người bạn giữ trách nhiệm ở thành phố, tôi thường xin họ nên hết sức quan tâm tới những khu ngoại ô của thành phố-nơi người dân còn thiếu cả nước sạch. Thành phố lớn nào trên thế giới cũng có “vấn đề ngoại ô” của riêng mình. Nhiều khi, đó là những vấn nạn rất lớn và rất nóng. Sài Gòn cũng vậy thôi. Nếu mình chỉ lo cho khu trung tâm, chỉ nhìn vào trung tâm, nhiều khi mình sẽ quên mất ngoại ô và những vấn đề của nó. Và sẽ phải trả giá, tất nhiên như vậy. Cái “vầng sáng bồn chồn” mà ngày xưa chúng tôi nhìn thấy từ một khoảng cách khá xa, đó là hình ảnh một Sài Gòn trong tâm tưởng, lãng mạn và thoáng chút mờ ảo.

Nó rất khác với một Sài Gòn nhìn gần, nhất là một Sài Gòn khi ta thực sự sống trong nó, sống cùng nó. 40 năm là khoảng thời gian đủ dài để ta có cái nhìn so sánh. Tôi nghĩ, chẳng hạn, nếu Cần Giờ phát triển chậm, thì chính Sài Gòn cũng chưa thể trọn vẹn là một thành phố lớn. Rồi Bình Chánh, rồi Hóc Môn, rồi Củ Chi, rồi…tất cả bây giờ đều là Sài Gòn, đều thuộc về Sài Gòn.Tất cả đều có chung một “vầng sáng bồn chồn thương nhớ” nếu ta nhìn từ xa và về đêm. Nhưng sẽ rất khác nhau nếu chúng ta nhìn gần và nhìn vào ban ngày.

Cho tới khi nào những khu ngoại ô của Sài Gòn cũng đẹp một cách rất qui hoạch và lung linh, tới lúc đó, hai câu thơ tuyệt vời của Lê Anh Xuân, nếu hương hồn nhà thơ-liệt sĩ cho phép chúng ta đổi hai chữ thôi, có thể sẽ thành một “slogan” cho những ai yêu mến và luôn nhớ về Sài Gòn-thành phố năng động vào bậc nhất châu Á:

“Cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ đó
Cứ đêm đêm âu yếm gọi ta về”

Bây giờ, “âu yếm” thay cho “nức nở”.

Theo THANH THẢO / THANH NIÊN ONLINE (2016)

Tags: ,