⠀
Tổ tiên người Trung Quốc là ai, nếu không phải người Việt?
Từ những khảo cứu sai lầm và xuyên tạc sự thật, giới học giả Trung Quốc cho rằng người từ châu Phi tới Hoa lục làm nên cộng đồng Bách Việt mà người Hán là trung tâm, còn Việt Nam là đám ly khai khỏi đất mẹ…
Tác giả: Hà Văn Thùy
Lời giới thiệu: Theo tác giả Hà Văn Thùy, ông vừa dự lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Tạp chí Xưa & Nay. Giáo sư Mạc Đường có phát biểu bức xúc: “Trung Quốc công bố những tài liệu xuyên tạc lịch sử, cho rằng Bách Việt bao trùm cả Nam Hoàng Hà. Trong khi đó giới sử học của ta không một lời phản ứng.” Ông Thùy cho rằng điều này mới với ông Mạc Đường nhưng với ông không lạ. Từ những khảo cứu sai lầm và xuyên tạc sự thật của học giới Trung Quốc, cho rằng người từ châu Phi tới Hoa lục làm nên cộng đồng Bách Việt mà người Hán là trung tâm, còn Việt Nam là đám ly khai khỏi đất mẹ. Từ ý tưởng này, báo chí Trung Quốc có lần kêu gọi người Việt Nam “lãng tử hồi đầu” (đứa con đi hoang trở về nhà). Ông Thùy cho rằng đáng buồn là người Việt Nam không hiểu chiếu sâu của ý tứ này. Vì vậy tác giả đã gửi bài viết dưới đây về nguồn gốc người Việt và người Trung Quốc cho chúng tôi. Để rộng dư luận, chúng tôi xin đăng lại bài viết.
Năm 2001, một tổ công nhân tình cờ tìm thấy ở hang Điền Nguyên những mảnh xương động vật có vú hóa thạch. Do không có kinh nghiệm, họ đã làm xáo trộn địa tầng trước khi báo cho các nhà khảo cổ. Không ngờ rằng đó là cái mốc quan trọng của lịch sử phương Đông. Năm 2003 và 2004 di chỉ đã được một nhóm nghiên cứu từ Viện Cổ sinh vật học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc khai quật.
Hang Điền Nguyên (Tianyuandong) là hang động nhỏ có cửa mở ra phía tây bắc, cao 175 m so với mực nước biển, nằm cách 6 km về phía Tây Nam của Chu Khẩu Điếm, một di chỉ khảo cổ quan trọng hàng đầu của thế giới gần Bắc Kinh, Trung Quốc. Ngày 22 tháng 10 năm 1926, nhà khảo cổ Thụy Điển Andersson đã công bố việc phát hiện ra hai chiếc răng của người đàn ông cổ từ Chu Khẩu Điếm. Điều này mang lại tiến bộ đột ngột cho các lý thuyết về nguồn gốc và sự tiến hóa của con người. Chủ nhân của hai chiếc răng được xếp vào giống mới và loài mới Sinanthropus pekinensis của Họ Người Hominidae, còn được gọi là “người Bắc Kinh ” Homo erectus pekinensis. Toàn bộ trầm tích hang Chu Khẩu Điếm được chia thành 17 lớp từ trên xuống dưới. Tuổi tuyệt đối của lớp 13 là khoảng 730.000 năm. Lớp thứ 10, lớp thấp nhất mang xương người Bắc Kinh hóa thạch, có tuổi khoảng 500.000 năm; trong khi lớp 3, lớp ở trên mang xương người hóa thạch, là từ 230.000 đến 250.000 năm trước. Như vậy, người Bắc Kinh đã sống trong hang động này khoảng 260.000 năm. Trong hai năm 1933-1934, khi khai quật Hang Thượng (Upper Cave), ba hộp sọ (số 101, 102 và 103) được phát hiện. Các nhà nhân chủng học cho rằng người Hang Thượng thuộc Homo sapiens muộn. Tuổi tuyệt đối họ khoảng 27.000 năm. Sọ 101 được coi là một Mongoloid nguyên thủy, sọ 102 là một Melanesian và sọ 103 là một Eskimo.
Chu Khẩu Điếm là phát hiện quan trọng hàng đầu của nhân loại. Đó là lần đầu tiên và duy nhất trên thế giới có một di chỉ phong phú đến vậy mang dấu vết con người trong thời gian dài. Việc xuất hiện từ người Homo sapiens giai đoạn sớm 100.000 – 200.000 năm trước tới người Homo sapiens thời kỳ muộn cùng một nơi với người Bắc Kinh 600.000 năm tuổi dường như nói rằng, nơi đây là sự thu gọn của lịch sử nhân loại. Phát hiện Chu Khẩu Điếm là một chứng cứ mạnh mẽ ủng hộ Thuyết nhiều vùng về nguồn gốc con người (Multiregional hypothesis). Chính điều này dẫn tới quan niệm thống trị một thời: “Trung Hoa là dân tộc lâu đời bậc nhất trên thế giới. Người Trung Hoa từ người cổ Bắc Kinh tiến hóa thành.” Nhưng sang thế kỷ này, khoa học cho thấy sự thực không phải như vậy.
Ngày 6 tháng 4 năm 2007, bài báo “Một người hiện đại sớm từ hang Điền Nguyên Chu Khẩu Điếm” (An early modern human from Tianyuan Cave, Zhoukoudian, China” mô tả như sau:
“Trầm tích hang Điền Nguyên gồm bốn lớp, từ trên xuống dưới. Một số trong 34 thành phần của bộ xương người bị công nhân địa phương làm xáo trộn, nhưng phần còn lại được tìm thấy trong lớp III. Không có hiện vật bằng đá hoặc các di tích văn hóa khác được tìm thấy trong di chỉ cho đến nay. Có rất nhiều mảnh xương trong trầm tích hang động Tianyuan, nhưng hiện tại không thể biết liệu chúng có liên quan đến hành vi của con người hay không. Sáu mẫu động vật từ lớp III cung cấp tuổi trung bình dao động từ 39.500 đến 30.500 14C BP.”
Phải nói rằng, bài báo đã trình bày một nghiên cứu công phu, với phong cách khoa học đáng nể nhưng kết quả thu được không như kỳ vọng vì nó chỉ xác định được chủ nhân bộ xương là người hiện đại, khoảng 40-50 tuổi, sống khoảng 40.000 năm trước, không cho biết giới tính của bộ xương. Nó cũng không cho thấy người Điền Nguyên từ đâu tới, có quan hệ thế nào với những người cổ khác trong vùng?
Phải sáu năm sau, khi công nghệ di truyền vào cuộc, sự thật mới được sáng tỏ. Ngày 21 tháng 1 năm 2013 một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế thuộc Viện Nhân chủng học tiến hóa Max Planck ở Leipzig, Đức công bố bài viết “Họ hàng từ hang Điền Nguyên” (A relative from the Tianyuan Cave) nhận định: “Phân tích DNA xương chân của cá nhân này cho thấy rằng chủ nhân hang Điền Nguyên là người đàn ông sống 40.000 trước, có chung nguồn gốc với tổ tiên của nhiều người châu Á và người Mỹ bản địa ngày nay. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng tỷ lệ gen Neanderthal và Denisovan trong con người hiện đại sớm này không cao hơn so với những người sống trong vùng này ngày nay.”
Trong thế kỷ 20, khảo cổ học Đông Nam Á phát hiện di cốt xưa nhất của người hiện đại tại Hang Niah, Indonesia khoảng 39.000 năm trước. Trên đất Việt Nam tìm được di cốt người sớm nhất tại Sơn Vi khoảng 32.000 năm tuổi. Đây được coi là bằng chứng đầu tiên về tổ tiên người Việt. Nhưng từ thập niên 1970, nhờ tìm được bộ xương người Mongoloid tại Lưu Giang, Quảng Tây 68.000 năm nên nảy sinh hy vọng người hiện đại nhiều khả năng có mặt trên đất nước ta sớm hơn nữa.
Sang đầu thế kỷ 21, nhiều nghiên cứu di truyền học dân cư châu Á đưa ra nhận định: 70.000 năm trước, người tiền sử từ châu Phi theo ven biển Ấn Độ di cư tới Việt Nam. Sau khi gặp gỡ hòa huyết và tăng nhân số, 40.000 năm trước, người từ Việt Nam đi lên chiếm lĩnh Hoa lục. Nếu điều này đúng thì suốt 40.000 năm sống trên đất Việt (từ 70.000 đến 30.000 năm trước) ngoài những công cụ đá, tổ tiên ta không để lại chút vết tích nào của xương thịt! Một việc không khỏi khiến chúng ta băn khoăn.
Tài liệu di truyền học cho rằng, 40.000 năm trước người từ Việt Nam đi lên hoa lục. Nhưng suốt thế kỷ 20 chỉ tìm thấy trên đất Trung Quốc sọ người hiện đại 27.000 năm tuổi tại Chu Khẩu Điếm. Sang thế kỷ 21 mới phát hiện tại Tiên Nhân Động tỉnh Giang Tây di cốt người 25.000 năm. Như vậy, vấn đề thời điểm người Việt Nam đi lên Hoa lục vẫn còn là câu hỏi. Trong khảo cứu của mình, tôi đặc biệt quan tâm tới điều này vì nó có ý nghĩa lớn trong lịch sử phương Đông.
Việc xuất hiện di cốt người đàn ông 40.000 năm trước ở Chu Khẩu Điếm cho thấy, khu vực này có điều gì đó đặc biệt nên đã thu hút nhiều lớp người tới cư trú và sinh sống lâu dài. Do đặc điểm của khí hậu, địa hình và thổ nhưỡng, nơi đây đã bảo tồn được di cốt xưa nhất của dòng người từ Việt Nam lên. Các báo cáo khoa học chưa cho biết người Điền Nguyên từ đâu tới. Nhưng từ khảo cứu của mình, tôi khẳng định là từ Việt Nam lên. Có thể nói gọn về quá trình con người hình thành ở đây như sau: 600.000 năm trước, người Đứng thẳng Homo erectus có mặt. Cho tới 250.000 năm trước không hiểu vì sao họ rời khỏi đây cũng như toàn châu Á, để lại khoảng hơn 200.000 năm châu lục vắng bóng người. Trong ý nghĩa nào đó, xương Điền Nguyên được coi là di cốt người hiện đại xuất hiện sớm nhất ở phương Đông. Tuy nhiên sự thực không phải như vậy. Thập niên 1970 phát hiện bộ xương người Mongoloid tại Lưu Giang Quảng Tây và sọ người Australoid ở Hồ Mungo châu Úc, cùng 68.000 năm tuổi. Năm 2009 tìm được tại hang Tampaling Bắc Lào cốt sọ người hiện đại 63.000 năm trước. Điều này phù hợp với những khám phá di truyền học cho rằng người hiện đại từ châu Phi di cư tới Việt Nam 70.000 năm trước, làm nên dân cư Việt Nam và châu Á. Nhưng do sự tàn phá của thời gian và môi trường, phần lớn di cốt người cổ chỉ có thể giữ được tới 30.000 năm. Sọ Lào và xương người Lưu Giang là hai đại diện hiếm hoi của dòng người tới Việt Nam 70.000 năm trước. Tới nay xương người hang Điền Nguyên là dấu vết xưa nhất của tổ tiên người Trung Quốc được tìm thấy. Nhà nhân học Trung Quốc Ngô Tân Trí (吴新智)nói: “Trung Quốc từ 20.000 năm trước cho tới nay, không có bằng chứng nào cho thấy con người có những hoạt động di cư lớn. Vì vậy, cần phải nói rằng ông là tổ tiên của chúng tôi.” (而我们中国从2万年前一直到现在,没有任何证据表明人类有很大的迁徙活动。所以应该说,他就是我们的祖先.)
Khúc xương chân người Điền Nguyên kể với ta câu chuyện thú vị:
1. Với 40.000 năm tuổi và “có chung nguồn gốc với tổ tiên của nhiều người châu Á và người Mỹ bản địa ngày nay,” mảnh xương Điền Nguyên là di vật vô giá của Tổ tiên dân cư Đông Á và người Mỹ bản địa. Điều này phù hợp với nhận định của di truyền học cho rằng: người từ Việt Nam đi lên Trung Quốc và làm nên dân cư Đông Á. Đồng thời cũng xác nhận cuộc hành trình của người Việt cổ từ Hoa lục lên Siberia rồi vượt eo Bering sang chinh phục châu Mỹ 30.000 năm trước, trở thành cư dân bản địa châu Mỹ.
2. Thông tin “tỷ lệ gen Neanderthal và Denisovan trong con người hiện đại sớm này không cao hơn so với những người sống trong vùng này ngày nay” cho thấy, người Điền Nguyên là hậu duệ của dòng người di cư từ châu Phi theo ven biển Ấn Độ tới Việt Nam 70.000 năm trước. Trên đường đi, họ đã gặp và giao phối với người Đứng thẳng Neanderthal và Denisovan ở nơi nào đó và nhận gen của những người này mang tới Việt Nam. Tại Việt Nam, những dòng người di cư đã gặp gỡ, hòa huyết sinh ra người Việt cổ mang 1-2 % gen Neanderthal và Denisovan. Rời Việt Nam, con cháu người Việt cổ mang theo trong mình 1-2% gen của người Đứng thẳng như một “dấu ấn nòi giống” đi khắp châu Á sang châu Mỹ, mà người Điền Nguyên là một trong những dòng con cháu ấy.
3. Việc người hiện đại có mặt 40.000 năm trước ở hang Điền Nguyên Nam Hoàng Hà đã xác nhận kết quả nghiên cứu của di truyền học cho rằng 40.000 năm trước, người từ Việt Nam đi lên Hoa lục.
Tổ tiên người Đông Á (Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản) có tuổi 40.000 năm. Trong khi đó tổ tiên người Việt Nam có tuổi 70.000 năm, sớm hơn tổ tiên người Đông Á 30.000 năm, chứng tỏ đất Việt Nam là nơi phát tích của dân cư châu Á và người Việt Nam gần tổ tiên nhất. Điều này còn được chứng minh bằng chỉ số đa dạng sinh học của người Việt Nam cao nhất trong dân cư châu Á.
Đó là sự thật được chứng minh bằng khảo cổ và di truyền học, không thể phản bác. Nhưng sự đời không dừng ở đó. Bởi lẽ nếu chỉ có vậy, thì người Việt Nam hôm nay sẽ khác. Sẽ có nước da đen hơn một Đinh Núp hay một Ama Kông bởi vẫn mang mã di truyên của chủng người Australoid trong máu huyết! Nếu hôm nay hiện về, chắc Cụ Điền Nguyên sẽ lắc đầu không nhận những người xung quanh là con cháu! Bởi lẽ Cụ là người da đen. Không chỉ Cụ đen mà con cháu vạn năm sau của Cụ như Đế Khốc cũng đen như con chim cốc, Thành Thang đen như hòn than còn Lão Tử có nước da đen bóng! 40.000 năm với biết bao biến chuyển!
Tại sao lại như vậy? Một câu hỏi hóc búa đeo đẳng tôi suốt những tháng năm đi tìm nguồn cội. Trong cuốn sách Nhân chủng học Đông Nam Á, Giáo sư Nguyễn Đình Khoa người Thầy của tôi thời đại học đã viết: “Suốt thời Đồ đá, người Việt Nam mang mã di truyền Australoid nhưng sang Thời Kim khí, người Mongoloid phương Nam xuất hiện và trở thành chủ thể của dân cư. Người Australoid biến mất khỏi đất nước này, không hiểu do nhập cư hay do đồng hóa?” Câu hỏi của Thầy gửi đến tôi như một thách đố nhưng cũng là gợi ý vô giá. Vấn đề là, người Mongoloid phương Nam từ đâu ra? Cố nhiên chỉ có thể từ phương Bắc! Tôi dõi theo những khai quật khảo cổ trên đất Trung Hoa. Và thật may mắn, gặp được tài liệu nói rằng người Ngưỡng Thiều 7.000 năm trước giống với người Trung Hoa hiện đại, mang mã di truyền Mongoloid phương Nam! Học giả Trung Quốc cho rằng họ từ phía Nam lên! Không thể như vậy, bởi lúc này khu vực phía Nam chỉ có duy nhất người Australoid! Khi chứng cứ khoa học không đủ thì tưởng tượng nảy sinh. Tôi cho rằng, chỉ có thể là sự hòa huyết giữa người Việt cổ Australoid bờ Nam và người Mông Cổ North Mongoloid du mục trên bờ Bắc Hoàng Hà. Sống bên một dòng sông hàng nghìn năm, ai có thể cấm gái trai gặp gỡ? Tôi như thấy Tạo Hóa mỉm cười: “Thằng bé hiểu thâm ý của mình!” Quả đúng là sự kỳ diệu của Tạo Hóa! Vì lẽ gì, sau chuyến đi dài hàng nghìn năm từ châu Phi, khi đến Việt Nam, hầu hết người di cư tụ hội trên thềm Biển Đông ấm áp thì lại có những nhóm nhỏ lầm lụi đi tới vùng giá lạnh Tây Bắc Việt Nam để sống lẻ loi ở đấy hàng vạn năm? Rồi khi trời ấm lên họ lại theo “Thục đạo nan” đi lên đất Mông Cổ vẫn còn hoang lạnh! Cuộc hành trình gian khổ ấy đổi lấy điều gì? Phải chăng chỉ là giữ nguồn gen thuần Mông Cổ để rồi sau này kết hợp với người Việt cổ, sinh ra giống dòng mới Mongoloid phương Nam? Một sự huyền bí diệu kỳ của Tự Nhiên!
Cụ Điền Nguyên – ta tạm gọi tên Cụ theo tên quê- là người Việt cổ, thuộc nhóm loại hình Australoid được sinh ra trên đất Việt Nam. Cụ là lớp di dân đầu tiên. Sau Cụ, người Việt mang theo công cụ đá mới Hòa Bình rồi giống lúa, giống kê, giống gà, giống chó cùng đồ gốm và tộc danh người Việt (chủ nhân đầy tự hào của cái việt – công cụ và vũ khí siêu việt của loài người thời đó) đi lên xây dựng kinh tế nông nghiệp trên lưu vực Hoàng Hà. Khoảng 7.000 năm trước, tại trung du Hoàng Hà, con cháu Cụ Điền Nguyên đã đông đúc, với nghề trồng lúa, trồng kê và đánh cá. Lúc này diễn ra sự tiếp xúc với người Mông Cổ phương Bắc (North Mongoloid) sống du mục bên kia sông. Hai dòng người gặp gỡ, hòa huyết, sinh ra chủng người Mông cổ phương Nam (South Mongoloid). Là con do mẹ Việt mang nặng đẻ đau, bú sữa mẹ Việt, sống trên đất Việt với tiếng nói cùng văn hóa Việt, người Mongoloid phương Nam thành chủng người Việt mới. Người Việt Mongoloid phương Nam tăng số lượng, thay thế cha ông Việt cổ, trở thành chủ nhân văn hóa trồng kê nổi tiếng Ngưỡng Thiều và lưu vực Hoàng Hà. Năm 2879 TCN theo ý chỉ của vua cha Đế Nghi, nơi đây thành lập vương quốc của Đế Lai với hai trung tâm Thái Sơn và Trong Nguồn. Năm 2698 TCN, người Mông Cổ phương Bắc do Hiên Viên dẫn đầu đánh chiếm trung du Hoàng Hà, lập nhà nước Hoàng Đế. Một bộ phận dân Việt nằm trong vương quốc Hoàng Đế. Dân tại vùng chưa bị chiếm tổ chức kháng chiến lâu dài. Một bộ phận dân Việt từ Thái Sơn-Trong Nguồn vượt Dương Tử di cư về phía Nam. Theo thời gian, dòng người đi tới Việt Nam và Đông Nam Á, đem nguồn gen Mongoloid chuyển hóa dân cư phương Nam từ Australoid sang Mongoloid phương Nam. Hiện tượng này được nhân chủng học gọi là quá trình Mongoloid hóa dân cư Đông Nam Á. Đến 2.000 năm TCN, hầu như toàn bộ dân cư Đông Nam Á chuyển thành chủng Mongoloid phương Nam, được gọi là người Nam Á.
Như vậy, người Việt được hình thành theo hai giai đoạn: Ban đầu, 70.000 năm trước, hai đại chủng người Australod và Mongoloid từ châu Phi tới, hòa huyết sinh ra bốn chủng người Việt cổ là Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid, cùng thuộc loại hình Australoid. 40.000 năm trước, người từ Việt Nam (chủ yếu là người Indonesian đa số) đi lên khai phá Hoa lục. Tại Nam Hoàng Hà, khoảng 7.000 năm trước, người Việt cổ hòa huyến với người Mông Cổ, sinh ra người Việt chủng Mongoloid phương Nam. Khoảng năm 2698 TCN, do cuộc xâm lăng của người Mông Cổ, một bộ phận người Việt di cư về Việt Nam và Đông Nam Á, đem nguồn gen Mongoloid chuyển hóa dân cư trong vùng sang chủng Mongoloid phương Nam, được gọi là người Việt hiện đại.
Từ quá trình hình thành như vậy cho thấy, người Việt Nam hiện nay không chỉ là hậu duệ của Cụ Thủy Tổ 70.000 năm trước mà còn là con cháu của Cụ Tổ Điền Nguyên. Vấn đề cần làm rõ là Cụ Tổ Điền Nguyên đóng góp bao nhiêu trong bộ gen của người Việt hôm nay? Đó là chuyện “nhạy cảm” vì nó sẽ phân định rằng người Việt Nam có bị Hán hóa hay không? Hai khả năng có thể xảy ra. Khả năng thứ nhất: người từ Hoa lục xuống rất đông, tiêu diệt hay xua đuổi người Việt cổ đi nơi khác, chiếm đất thành lập nhà nước của mình. Khả năng thứ hai: người từ Hoa lục di cư tới từ từ, trong thời gian dài rồi hòa huyết chuyển hóa dân cư sang chủng người mới. Khả năng đầu chỉ xảy ra bằng một cuộc xâm lăng có tổ chức của nhà nước mạnh, dẫn tới chiến tranh khốc liệt. Một sự kiện như vậy sẽ ghi dấu ấn sâu trong lịch sử và cả trong bộ gen con người ngày nay, như cuộc xâm lăng của người Arian vào Ấn Độ 1500 năm TCN. Sự kiện như thế chưa từng xảy ra ở Việt Nam. Trên thực tế đây là quá trình người từ Thái Sơn – Trong Nguồn trở về quê cũ theo từng làn sóng rải rác trong nửa sau thiên niên kỷ III TCN. Cũng phải kể đến đặc điểm của máu huyết. Trong số bốn chủng người Việt cổ được sinh ra 70.000 năm trước thì theo nguyên lý di truyền học, người đa số Indonesian (sau này được gọi là Lạc Việt) nhận được lượng máu Mongoloid cao nhất. Do vậy, chỉ cần thêm lượng nhỏ gen Mongoloid thì như giọt nước làm tràn ly, người Lạc Việt Australoid đễ dàng chuyển hóa sang chủng Mongoloid phương Nam. Việc Mongoloid hóa dân cư Đông Nam Á diễn ra như phản ứng dây chuyền. Cho tới 2.000 năm TCN, dân cư Đông Á đã gần như cùng một chủng tộc và văn hóa. Minh chứng rõ ràng nhất là năm 2005 phát hiện tại di chỉ Mán Bạc Ninh Bình một khu mộ với 30 thi hài người Ausrtraloid và Mongoloid được chôn chung, là kết quả của viêc chung sống lâu dài. Ngày nay, khi khảo sát di truyền người châu Á, khoa học cho thấy người Việt Nam có độ đa dạng sinh học cao hơn cả, chứng tỏ người Việt cổ là tổ tiên dân cư châu Á. Do vậy chẳng làm gì có chuyện Hán hóa ở đây. Cho rằng người Việt Nam bị Hán hóa về dòng giống và văn hóa là sự nhầm lẫn đáng buồn trong lịch sử. Nửa thiên niên kỷ di cư và chuyển hóa di truyền đã để lại cho người Việt câu ca:
Công Cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa Mẹ như nước Trong Nguồn chảy ra.
Nhưng đấy mới chỉ là một nửa sự thật về nguồn cội. Ký ức sâu thẳm của người Việt qua ca dao và truyền thuyết cũng chỉ có thể ghi nhận được giai đoạn sau của quá trình hình thành dân tộc, khoảng 5000 năm. Còn nửa đầu vì dài tới 70.000 năm nên chìm sâu trong bụi thời gian. Không chỉ ký ức cộng đồng mà cả xương cốt cũng đành bất lực trước sự tàn phá của năm tháng. Chỉ hôm nay, nhờ đọc được cuốn “thiên thư” ADN trong máu huyết con cháu sống tại Việt Nam và châu Á, ta mới thưc sự nhận biết đầy đủ về tổ tiên của mình!
Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ
Tags: Thời tiền sử, Người Việt cổ