‘Tinh thần bất ổn’ – bài tiểu luận viết ở nước Việt cách đây một thế kỷ

Một trạng thái tinh thần bất ổn đang trùm lên đất nước này, nó có thực và khó sờ thấy được như khí quyển, một khí quyển tích đầy điện dông bão.

Đọc lại bài tiểu luận Phạm Quỳnh viết cách đây một thế kỷ

Bài tiểu luận có tựa đề “Tinh thần bất ổn” trích từ ấn phẩm Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932 của nhà văn hóa Phạm Quỳnh.

Phạm Quỳnh – hiệu Thượng Chi, bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhân – là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn (Việt Nam). Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt – thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp – để viết lý luận, nghiên cứu. Ông chủ trương chiến đấu bất bạo động nhưng không khoan nhượng cho chủ quyền độc lập, tự trị của Việt Nam, cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), chống lại sự bảo hộ của Pháp và kiên trì chủ trương chủ nghĩa quốc gia với thuyết Quân chủ lập hiến.

Các tác phẩm chính:

Thượng Chi văn tập (5 tập) (Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1962)
Pháp du hành trình nhật ký (NXB Hội Nhà văn – H, 2004)
Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 – 1932 (NXB Tri thức, H,2007)
Một tháng ở Nam Kỳ
Mười ngày ở Huế
Luận giải về văn học và triết học (Nxb. Văn hoá Thông tin và Trung tâm văn hoá – ngôn ngữ Đông Tây xuất bản, H, 2003)
Hoa Đường tùy bút

.

Sự phát triển kinh tế, sự thịnh vượng vật chất có thể dễ dàng đo đếm, đánh giá được: các chỉ số, các thống kê khéo léo, các biểu đồ dễ dàng hiển thị chúng thành các đường cong biểu diễn. Nhưng một trạng thái bất ổn về tinh thần biểu lộ trong những lĩnh vực không cân đong đo đếm được thì khó nắm bắt hơn nhiều.

Ở nhiều nước khác, văn chương, báo chí cho biết tình hình các chuyển động và dao động của công luận, phản ánh thái độ hay miêu tả các tâm trạng, cung cấp các dấu hiệu quý giá về cuộc sống sâu kín của dân chúng, nhưng ở đất nước này, vì nhiều lý do mà nói ra sẽ rất dài, những phương tiện đó gần như không có.

Đến mức một nhà quan sát tò mò muốn tìm hiểu cuộc sống sâu kín của dân tộc này, đặc biệt nếu anh ta lại không nói được ngôn ngữ của nó, không hoà mình được vào cuộc sống bản địa, sẽ không biết mình phải dựa trên cái gì để mà quan sát. Thậm chí đôi khi anh ta còn không nắm bắt được những biểu lộ ra bên ngoài của người dân: hoặc anh ta không hiểu, hoặc anh ta hiểu sai. Và nếu anh ta hài lòng với các tài liệu chính thức, vốn rất dồi dào và dài dòng, anh ta sẽ chia sẻ một sự lạc quan giả tạo, rất ít thật và rất nhiều giả!

Phải chăng nói như thế có nghĩa là cảnh khủng hoảng mà chúng ta vừa nói ở trên và tình trạng tinh thần bất ổn sinh ra từ đó là điều một nhà quan sát sành sỏi không thể nắm bắt được? Bất kỳ ai chịu khó nghiên cứu cuộc sống của người dân nước Nam mà không dừng lại ở những khía cạnh hời hợt bên ngoài đều nhận ra rất nhiều dấu hiệu tố cáo cảnh lượng khủng hoảng và bất ổn đó. Và người ta sẽ ngạc nhiên khi thấy chỉ trong vài năm mà đã có những biến đổi sâu sắc trong ý thức, tập tục và tâm trạng của các tầng lớp dân chúng khác nhau.

Một sự tiến hóa đang trở thành hiện thực không diễn ra theo đường thẳng mà người ta muốn gán cho nó theo những dấu hiệu bề ngoài, mà đó là một cuộc tiến hóa lộ ra rất nhiều khó khăn và trắc trở, nhiều sóng gió, gian truân, đau đớn.

Làm thế nào để thoát khỏi nó? Đó là bí mật của tương lai.

Giờ đây, một trạng thái tinh thần bất ổn đang trùm lên đất nước này, nó có thực và khó sờ thấy được như khí quyển, một khí quyển tích đầy điện dông bão.

Trạng thái tinh thần bất ổn này là do các nguyên nhân về đạo đức, xã hội và chính trị.

Trên phương diện đạo đức, các giáo huấn xưa đã làm nên sức mạnh và sự bền chặt của gia đình và xã hội nước Nam, nay đang tan vỡ và sụp đổ từng ngày. Không có gì để thay thế chúng cả. Ở các nước khác, các niềm tin tôn giáo, ngay cả khi đã biến mất, vẫn để lại trong tâm trí con người một nếp nhăn rất khó xóa nhòa. Ở đây, nơi giới trí thức chỉ biết hoài nghi còn quần chúng thì mê tín nơi mà tình cảm tôn giáo không có gì sâu sắc, các định đề thuộc phạm trù đạo đức, như lòng hiếu thảo, tôn kính tổ tiên, thờ cúng người chết, khi không còn được nuôi dưỡng và gìn giữ bằng một tổ chức gia trưởng và các quy định lễ nghi, có thể nói là không còn lý do tồn tại nữa, chúng hoàn toàn rơi vào quên lãng, để lại trong tâm trí và ý thức một khoảng trống rỗng không dễ khỏa lấp. Mọi người cảm thấy cuộc sống thiếu vắng một cái gì đó, một có gì đó phải là nguyên tắc chuẩn mực của cuộc sống.

Từ đó nảy sinh một rối loạn tinh thần, đặc biệt trong giới trẻ. Thanh niên gần như bị bỏ mặc, quyền lực của cha và của thầy chỉ còn ảnh hưởng về danh nghĩa, thậm chí nhiều khi còn gần như hoàn toàn bất lực. Bị giằng co giữa các xu hướng trái ngược nhau, thế hệ trẻ không còn biết quay theo hướng nào. Những người hăng hái nhất, nhiệt huyết nhất, do bản chất mạnh mẽ và sự hào hiệp của tuổi trẻ, đến ngay với các luận thuyết cấp tiến nhất, đến với các lý thuyết cực đoan nhất. Những người rụt rè, những người nhút nhát rơi vào bi quan cùng cực, sầu muộn vô định, bệnh hoạn, gần giống bệnh suy nhược thần kinh. Trong những ngày gần đây tin tức từ các địa phương cho thấy có một dạng dịch tự tử, mà nạn nhân là rất nhiều thanh niên nam nữ – một điều đặc biệt nghiêm trọng và chứng tỏ rằng cơn đau thế kỷ đã lan sang cả phái yếu – với rất nhiều cô gái trẻ và phụ nữ trẻ, cái Hồ Nhỏ (1) dường như có sức quyết rũ đặc biệt! Những người khác trốn tránh nỗi buồn trong các trò vui thô tục và trong bê tha trụy lạc.

Và từ trên xuống dưới thang bậc xã hội, người ta chơi cờ bạc, chơi hăng say điên cuồng, chơi như chưa từng được chơi ở đất nước này, nơi cờ bạc vốn là một trò giải trí bị cấm. Đàn bà cũng chơi cờ bạc như đàn ông, có thể còn chơi nhiều hơn, khi họ không lao vào một sự sùng đạo bệnh hoạn có các biểu hiện rõ ràng đủ sức hấp dẫn đồ đệ của Freud hoặc một y sỹ chuyên về các bệnh tâm thần. Phụ nữ nước Nam thường rất cân bằng, hoạt động có ngăn nắp của họ điều chỉnh nhịp sống của gia đình, xã hội, thậm chí cả nhịp sống kinh tế nữa. Người phụ nữ ở đất nước này, trên rất nhiều phương diện đều cao hơn đàn ông, thế mà nay họ cũng mắc phải sự suy đồi đạo đức chung ấy. Và điều này là vô cùng nghiêm trọng, vì gia đình bị tác động thông qua người phụ nữ, mà gia đình là trung tâm và nền tảng của tất cả.

Ở trên chúng ta đã nói về sự bất lực của các bậc cha mẹ và thầy giáo. Đó là một thực tế cần phải chú ý. Uy quyền của cha mẹ không còn tồn tại trong rất nhiều gia đình chứ không phải chỉ ở các gia đình có vị trí và ảnh hưởng thấp kém. Người cha trong gia đình hoặc là không còn biết áp đặt uy quyền của mình nữa, hoặc thậm chí từ bỏ thực hiện uy quyền của mình vì tin rằng họ đã thuộc vào một quá khứ không còn khả năng và không được phép ảnh hưởng lên tương lai nữa. Như vậy sự tiếp nối giữa các thế hệ đã bị cắt đứt, làm cho những người sinh sau không còn được thừa hưởng kinh nghiệm của các bậc cha anh mình nữa. Và họ cũng không được hưởng các bài học của người thầy của mình nữa. Thầy giáo phần lớn là những người xa lạ dạy cho họ một đạo lý xa lạ bằng một ngôn ngữ xa lạ. Dù có tỏ ra thiện chí, các thầy giáo đó cũng không thể thấu hiểu tâm lý của học trò, hiểu tất cả những tình cảm của chúng, tiếp cận cuộc sống sâu kín của chúng; thầy không thể nói với trò bằng một ngôn ngữ của trực giác và giao cảm tạo ra những rung động gây biết bao âm vang thức tỉnh lý trí và tình cảm trò. Dù giá trị bài giảng của thày có cao đến đâu chăng nữa, thì vẫn hoàn toàn là lý thuyết, không thể định hướng được nhận thức, không hình thành nên tính cách, không điều chỉnh được ứng xử, bất kể thế nào vẫn không thể thay thế được các môn học truyền thống đã mất.

Ngoài các nguyên nhân về đạo đức này, còn cần phải kể đến các nguyên nhân xã hội, chúng làm trầm trọng thêm và làm phức tạp thêm các nguyên nhân đạo đức. Xã hội nước Nam là một xã hội phân chia thứ bậc rất mạnh. Ở trên là một tầng lớp thị dân nho giáo tạo thành tầng lớp tinh hoa của quốc gia, ở dưới là dân chúng gắn bó với đồng ruộng, chỉ biết miệt mài với công việc đồng áng. Trong bốn tầng lớp của xã hội: sĩ, nông, công, thương (nhà nho, nông dân, thợ thủ công, thương lái), theo tôn ti truyền thống, chỉ có hai tầng lớp đầu là quan trọng nhất, đáng kể nhất. Trật tự mới do cuộc xâm chiếm thiết lập và sự phát triển kinh tế của đất nước đã làm đảo lộn trật tự thứ bậc cũ. Các tầng lớp mới hình thành nhờ sự phát triển chung và cũng từ hoàn cảnh mới đang du nhập vào đất nước các tập tục mới, ban đầu thì ở thành phố, sau đó ngày càng thấm sâu vào các vùng nông thôn. Chúng mâu thuẫn với các thói quen lâu đời, va chạm với những khuôn khổ xã hội cũ, làm tan rã nền tảng cũ của gia đình và làng xã. Hệ quả tất yếu là một sự rối loạn trong tập tục, cũng nghiêm trọng như rối loạn ngự trị trong đầu óc con người.

Nhưng nếu đúng là giá trị của một đất nước là ở tầng lớp tinh hoa, thì tầng lớp tinh hoa nước Nam hiện giờ lại đang vô cùng chán nản, và họ chán nản vì những lý do chính trị. Trong bài viết về chủ nghĩa dân tộc, chúng tôi đã lưu ý rằng người nước Nam có cảm giác mình là những người xa lạ ở ngay trong đất nước họ. Chúng tôi không hề phóng đại. Cảm giác này mỗi ngày một tăng cùng với kiến thức ngày một nhiều hơn, họ ý thức rõ hơn về tình hình đất nước và thế giới bên ngoài. Và đó không phải là cảm nhận của một vài nhà báo chính luận “bị thôi miên vì lối nói năng hoa mỹ và trống rỗng của mấy gã thanh niên đã quá ư mất gốc”, như lời một đồng nghiệp người Nam; mà đây là cảm nhận của toàn bộ các thành phần tạo nên cái intellígentsia(2) nước Nam: từ nhà nho già thông thạo Hán – Nôm đến trang thanh niên mới tốt nghiệp từ nhà trường Pháp, từ quan lại đến nhà nghiệp chủ và người thương lái. Người ta có thể thấy trạng thái tinh thần này là chẳng có gì hay ho, song không ai có thể phủ nhận sự tồn tại của trạng thái tinh thần ấy. Và những người có trách nhiệm đối với vận mệnh của đất nước phải xem xét nó trong khả năng lớn nhất.

Gộp tất cả các nguyên nhân này lại thì có một trạng thái tinh thần bất ổn chung, nó rồi sẽ trôi qua thôi, cần phải hy vọng thế, nhưng không phải vì thế mà lúc này không lo lắng, bởi vì bất ổn đó làm cho cơ thể xã hội rơi vào trạng thái kháng cự yếu ớt nhất, đúng vào thời điểm trên toàn thế giới sự lây nhiễm một vài tư tưởng đang là điều đáng lo ngại nhất.

——————————————

Chú thích:

(1) Vì viết cho độc giả là người Pháp, nên tác giả đã chơi chữ dùng Hồ Nhỏ thay vì dùng tên hồ Gươm. Thời Pháp thuộc Hồ Gươm (nay đã đổi tên là Hồ Hoàn Kiếm) ở Hà Nội được người Pháp đặt tên là Petit Lac (Hồ Nhỏ) còn Hồ Tây thì họ gọi là Grand Lac (Hồ Lớn). Chúng tôi giữ nguyên tên đó để bạn đọc thưởng thức ý vị ngòi bút học giả Phạm Quỳnh (BT).

(2) Phạm Quỳnh không dùng chữ “giới trí thức” mà dùng chữ intellígentsia in nghiêng trong văn bản, để nhấn mạnh đến những người không chỉ “có học” mà là toàn bộ những tầng lớp nào sống và hoạt động bằng trí thức mà có thể tác động được tới sự tiến hoá của xã hội và đất nước: ngoài lớp người “trí thức” như vẫn quan niệm, còn tính cả lớp người làm các nghề sáng tạo tự do khác (nghệ sĩ, nhà báo, nhà văn…) những người này không chỉ có “địa vị” trong xã hội mà họ còn phải thấy được trách nhiệm của cá nhân mình và của tầng lớp mình trước vận mệnh đất nước và xã hội (BT).

S.T

Tags: , ,