⠀
Thử phác thảo cuộc sống của cư dân văn hóa Đông Sơn
Với tất cả những gì để lại, di vật của nền văn hóa Đông Sơn cho phép hình dung khá rõ cuộc sống của con người thời đó, cách đây đã hơn 2.500 năm, mặc dù đối với khoa học lịch sử không thể nào chỉ là nhìn những hình ảnh trên di vật mà cần những bằng chứng khảo cổ học.
Tuy nhiên đời sống thường nhật không phải cái gì cũng tồn tại được, chúng may mắn nếu được ghi chép bằng sử sách hoặc vẽ nặn lại bằng điêu khắc và hội họa. Một con thuyền được sử dụng làm mộ táng với bộ xương người và các đồ vật mang theo là chứng cứ rất quan trọng có tính thực tế, nhưng hình ảnh những con thuyền khắc trên trống đồng cũng quan trọng không kém và cho thấy nhiều mặt hơn con thuyền có thật. Song nếu nghệ thuật mang tính khoa trương và cách điệu thì sự đoán định sẽ không chính xác. May mắn thay, thời Đông Sơn, người ta chưa nghĩ đến một thứ nghệ thuật thuần túy bay bổng đến như vậy, nó gắn với tôn giáo và gắn với quan niệm tâm linh đương thời, yếu tố gì không có thực thì chính là đời sống huyền thoại sinh ra từ văn minh Đông Sơn mà thôi.
Khi xem tranh của các họa sỹ Indonesia, chúng tôi thấy họ luôn hình dung về một cuộc sống hoang dã thời kỳ tiền sử như thế nào. Đó là cuộc sống của những bộ lạc sống ven biển, một bên là núi rừng, họ đi thuyền độc mộc, săn bắn chim thú và hải sản, có những điệu múa vòng tròn quanh đống lửa bên những căn lều và những ngôi nhà sàn mái cong trong cộng đồng thị tộc. Đối với các nhà lịch sử và khảo cổ, cuộc sống mới thoát thai từ tình trạng nguyên thủy đó, cách đây từ 3.000 – 2.500 ở Đông Nam Á, nhưng thực ra cho đến tận thế kỷ 19, lối sống đó vẫn còn thấy không ít ở nhiều làng mạc cư dân Đông Nam Á, như là sự duy trì lối sống tự nhiên với cộng đồng làng bản không chuyển sang chế độ phong kiến và cũng không biết gì về sự sở hữu của chủ nghĩa tư bản. Đôi khi khái niệm văn minh cần nhìn nhận lại, và cho đến nay, người ta nhận thấy lối sống của các thổ dân duy trì sự bền vững của con người với tự nhiên hơn cả, mặc dù hình thức bên ngoài của lối sống ấy bị coi là lạc hậu, thậm chí là man rợ, hoang dã.
Cuộc sống của con người Đông Sơn là bước đệm điển hình của xã hội hoang sơ tiền sử tiến lên một xã hội có tổ chức cộng đồng làng bản, có những tín ngưỡng riêng, nhưng không hề có một hệ tư tưởng nào chi phối nhất nhất, như các hệ tư tưởng Ấn Độ và Trung Hoa ảnh hưởng đến châu Á.
Tang ma là nghi lễ lớn nhất không dành cho cuộc sống mà dành cho cái chết, nhưng qua nó và những đồ vật liên quan đến nó, người ta đoán định ra những quan niệm về con người, trời đất và những gì thuộc về đời sống tâm linh. Con thuyền Việt Khê, thạp đồng Đào Thịnh, trống đồng Ngọc Lũ là di vật quan trọng của nền văn minh Đông Sơn, tất thảy đều liên quan đến tang ma cả, buộc chúng ta phải bắt đầu từ đấy.
Con thuyền Việt Khê với chủ nhân là một người đàn ông khá cao lớn được đặt chôn giữa lòng thuyền, xung quanh đặt những kỷ vật của ông, nói chính xác là gia tài ông mang theo sang thế giới bên kia, gồm nhiều đồ trang sức, rìu, dao, kiếm, thạp – phần lớn đều bằng đồng. Người Đông Sơn cách đây hơn 2.000 năm sống trên một địa bàn rộng, có lẽ từ phía nam Trung Quốc đến các vùng đa đảo ở Indonesia, vào thời đó, vùng này đầm lầy xen kẽ các con sông cổ, mặt đông giáp biển, mặt tây với nhiều khu rừng nguyên sinh trên các dãy núi cao. Người Đông Sơn được coi là dân đi biển sống ở các khu vực giáp ranh giữa đầm lầy ven biển và rừng rậm, do đó mà săn bắn và sử dụng thuyền là hai nét đặc trưng dễ thấy trong văn minh Đông Sơn. Người ta cũng làm nhà, và nhà cũng làm dưới dạng một con thuyền lớn, nhưng phần lớn thời gian họ sống trên những con thuyền độc mộc dài, nay đây mai đó săn bắn và đánh cá. Khi chết đi, con thuyền chính là nấm mồ của họ. Tập tục sống trên thuyền vẫn được người Việt ưa chuộng cho đến thế kỷ 17 – 18, theo quan sát của các thương nhân phương Tây, nhưng chôn bằng con thuyền quá tốn kém và không còn là tập tục nữa.
Từ giờ chúng ta ở rìa mái nhà Chúng ta ở trên cao, trên mái nhà Hãy thổi lên, gió của biển cả Đưa chúng tôi lên khỏi mặt đất Hãy chèo đi những con chim có bộ lông óng ánh Những con chim ưng kia hãy nắm vững bơi chèo Cầu vồng là xe của chúng tôi…(Bài ca chiêu hồn của người Toraja ở đảo Célébes, một nghi thức liên quan đến trống đồng) |
Con thuyền Việt Khê – ngôi mộ của một chủ nhân Đông Sơn chứng tỏ việc chôn một lần rất phổ biến. Nhưng kho mộ chum Sa Huỳnh cho thấy một lối tang ma khác, mà có thể là hai cách: hoặc hỏa thiêu rồi đưa tro hài vào mộ chum, hoặc cải táng sau một thời gian rồi xếp xương vào mộ chum. Thạp đồng Đào Thịnh là một nghi vấn khác – người ta có thể đặt người chết theo tư thế ngồi vào lòng thạp, vì chúng khá lớn. Sau này, những thạp gốm hoa nâu Lý – Trần cũng làm nhiệm vụ y như vậy, cũng có hai chiếc lồng vào nhau như mộ chum Sa Huỳnh, chiếc trong dùng đựng di hài người chết.
Ngoài những thuyền độc mộc có tính cá nhân và gia đình, tức là cỡ nhỏ và vừa, thì có lẽ người Đông Sơn có những con thuyền rất lớn. Những hình khắc thuyền trên thạp đồng Đào Thịnh và trống đồng cho thấy mỗi thuyền là một đội quân, thuyền có cả nhà thuyền và vọng lâu. Những thuyền này dùng để tiến hành các cuộc đi biển dài và tiến hành chiến tranh với các bộ lạc khác. Có lẽ lúc đó người ta không thể nuôi được tù binh, nên đem những người bị bắt ra tế lễ. Cảnh giết tù binh ngay trên con thuyền rất phổ biến. Toàn bộ vũ khí Đông Sơn cũng cho thấy nó được sử dụng trong chiến tranh trên sông nước là chính. Cung tên, giáo dài, rìu các loại, áo giáp thì chỉ có tấm hộ tâm kính che ngực và vòng chân vòng tay cỡ lớn, vừa trang sức vừa dùng đỡ gươm giáo trong những cuộc đấu áp sát. Hoặc họ đánh từ xa, bắn cung tên, ném lao, hoặc áp sát đánh giáp lá cà thì dùng dao găm, kiếm ngắn và rìu. Càng ở cuối thời kỳ Đông Sơn, vũ khí càng được trang trí cầu kỳ, rìu được chạm khắc hoa văn, dao găm thì cán là hình người nam hoặc nữ, điều này chứng tỏ chiến tranh đã giảm dần khi vũ khí trở thành vật làm đẹp. Những hình/tượng người trên cán dao găm và đồ trang sức đã cho thấy hình ảnh con người thời đó như thế nào. Đó là những con người – chiến binh, rất tầm vóc, cân đối: nữ quấn khăn đầu, ngực trần và quấn váy, tai đeo những khuyên lớn; nam đóng khố, mình trần, tay đeo vòng như ống che cổ tay dài tới 15 phân, chân đeo vòng thố có những lục lạc lớn, thắt lưng bằng khóa đồng có hình cóc để giắt dao kiếm rất đẹp. Cả nam lẫn nữ đều xăm trổ những hình chim thú và giao long. Đôi khi trong tế lễ, họ cắm những chiếc lông chim dài lên đầu, nên tất cả đều cao ngất ngưởng, đi vòng quanh đống lửa, đánh trống đồng và múa. Điệu múa đi vòng tròn quanh nhà mồ, hay cột kut còn lưu lại trong lễ hội và tang ma Tây Nguyên của người Bana và Giarai. Điệu múa đi vòng tròn này cũng được các họa sỹ Indonesia thể hiện lại trong các bức họa tập tục. Trống đồng với những vòng tròn trang trí là đúc kết của nghi lễ vòng tròn đó.
Trong các thị tộc Đông Sơn, theo những gì được mô phỏng lại, thì nó cũng tương tự như buôn làng Tây Nguyên, và làng của người Cà Tu cũng là một loại dấu ấn như vậy. Ở làng của người Cà Tu, tất cả các ngôi nhà đều xếp theo hình ô van, giống như một sân bóng đá, trong đó trung tâm là nhà Gươl – nhà cộng đồng đẹp nhất, được chạm khắc cầu kỳ. Nhà rông, nhà Gươl, đặc biệt nhà mồ Tây Nguyên, không thiếu những dấu ấn của động vật biển, một ký ức đã đi vào tiềm thức của các bộ tộc vốn sống ven biển chuyển lên núi. Tất cả các cư dân Đông Nam Á và Nam Trung Hoa đều có liên quan nào đó với trống đồng và với văn minh Đông Sơn cho đến tận ngày nay. Dấu tích rõ nhất lại nằm trong hệ ngôn ngữ Nam Á thấy được trong tất cả các ngôn ngữ từ Hoa Nam trở xuống Đông Nam Á. Hình ảnh những ngôi nhà trên trống đồng với hai loại mái hình thuyền và hình tròn như cái thúng úp hiện có thể thấy ở Indonesia, đặc biệt là ngôi nhà hình thuyền với mái cong đua ra hai phía đầu hồi. Chúng tôi gọi đó là ngôi nhà cái, còn ngôi nhà mái tròn là ngôi nhà đực. Dấu ấn của hai loại kiến trúc này cũng thấy trong quần thể tháp Chàm Po Klong Garai. Buôn làng cộng đồng của người Đông Sơn có thể cũng như vậy, và trên thực tế nó được mô phỏng trên hình khắc trống đồng. Trong cái buôn làng này có người giã gạo, đánh trống đồng, nhảy múa, người trong nhà và người dưới đất. Cũng những vòng chim thú hoa văn khác, tất cả các vòng tròn được xếp theo ngược chiều kim đồng hồ, điều này cho thấy có thể trống đồng là một loại nhạc khí tang ma, khi cầu hồn, tiễn hồn, người ta đưa hồn về phía mặt trời lặn.
Qua những di vật Đông Sơn, thấy rõ nhất những tín ngưỡng thờ thần Mặt Trời, thờ linh hồn và sùng bái sự phồn thực. Tất cả các trống đồng đều có hình tượng Mặt Trời dưới dạng ngôi sao từ 12 đến 16 cánh nằm ở trung tâm, các vòng hoa văn khác đồng tâm bao bọc lấy mặt trời và quay ngược chiều kim đồng hồ. Người ta cho rằng cư dân nông nghiệp trồng lúa nước đương nhiên phải tôn sùng mặt trời, trên thực tế thì bất luận là dân nông nghiệp hay săn bắn, phần lớn đều thờ thần Mặt Trời cả. Cư dân Đông Sơn lúc đó chưa có nông nghiệp theo đúng nghĩa là vụ mùa và chăn nuôi các gia súc cơ bản – ngựa, trâu, bò, cừu, dê. Có trồng trọt, thu lượm và có nền nông nghiệp là hoàn toàn khác nhau. Ở một quan điểm khác, nông nghiệp là bước thụt lùi của xã hội loài người khi nó làm mất tính tự nhiên trong quan hệ với thiên nhiên sơ khai, làm biến đổi rất nhiều giống nguyên sinh và dẫn loài người đến một thời gian dài phát triển trì trệ. Người Đông Sơn lúc đó chủ yếu săn bắt chim thú và hải sản, có manh nha chăn nuôi lợn và chó, cũng có lưỡi cày nhưng có lẽ là lưỡi cuốc thì đúng hơn và tất nhiên chưa có vụ mùa theo sự tuần hoàn của Mặt Trời và Mặt Trăng theo âm dương lịch. Việc xuất hiện nông nghiệp muộn mà vẫn duy trì kinh tế tự nhiên không biểu hiện sự chậm phát triển mà cho thấy sản vật tự nhiên Đông Nam Á thời cổ quá giầu có, không nhất thiết con người phải canh tác vụ mùa đều đặn. Cho đến tận nửa sau thế kỷ 20, sông ngòi đầm hồ Việt Nam vẫn rất nhiều tôm cá, đất đai ẩm thấp, bất cứ cỏ cây nào cũng dễ dàng sinh trưởng, còn đến đầu thế kỷ 20, chim thú hoang vẫn còn nhiều trong rừng. Vậy thì cách đây 2.500 năm, con người hà cớ gì phải làm nông nghiệp, như văn minh Trung Hoa chẳng hạn, nơi mà dân số quá đông, đô thị cổ phát triển, con người đã thuần hóa được nhiều thú hoang và giống cây trồng cho bốn mùa xuân hạ thu đông, rồi khoanh mình trong một nhà nước phong kiến đầy nghi lễ cứng nhắc! Hình ảnh tự do của con người Đông Sơn hoàn toàn xa lạ với mô hình phong kiến như vậy, cộng đồng buôn làng thì không thể trở thành nhà nước tập quyền với quân đội mạnh như các vua phong kiến. Đông Sơn có lẽ chưa có nhà nước, mà cũng lắm chỉ có liên minh các bộ lạc, mỗi bộ lạc có dân số, đất đai, chiến binh riêng ở quy mô nhỏ từ vài trăm đến vài ngàn người. Chiến tranh nhỏ xảy ra liên miên, nhưng hòa bình cũng dễ dàng được thỏa thuận trong cái nền văn hóa trống đồng chung nhất.
Mặt Trời là nguồn soi rọi, là quyền lực, cảm thức về tuần hoàn ban đầu, cũng được đồng nhất với khái niệm trời – giàng (dương) nói chung. Con người sinh ra rồi đi về đâu, có đời sống sau cái chết hay không là những câu hỏi lớn, chưa bao giờ có lời giải đáp. Người tiền sử dễ dàng tin vào vạn vật hữu linh, người ta chết là một hành trình quay lại với bản thể hoặc lên thế giới cực lạc bên kia nào đó, hoặc là thế giới linh hồn có tác động xấu hay tốt đối với người đang sống. Sự khiếp sợ linh hồn là có thật và dẫn đến những tín ngưỡng bỏ mả sơ khai, chia của cho người chết. Cho nên mộ táng là quan trọng, sống sao chết vậy, cái gì của người đã khuất nên để cho anh ta đem theo cùng. Sự xuất hiện của các trống đồng minh khí (dạng nhỏ chôn theo người chết) cho thấy tín ngưỡng linh hồn hình thành khá chắc chắn, nhưng nó cũng bắt đầu thể hiện sự hoài nghi dẫn đến hình thức chôn của tượng trưng, tức là đồ minh khí, gần giống như đồ thật.
Tín ngưỡng phồn thực là kết quả của một xã hội sinh nhiều nuôi ít và nhu cầu tăng lực lượng lao động và chiến binh. Những tượng cóc chồng lên nhau giao phối được gắn lên mặt trống đồng, tượng nam nữ giao phối được gắn lên nắp thạp đồng Đào Thịnh. Tất cả nói lên khát vọng sinh sôi nảy nở và cuối cùng cụ thể hơn là sùng bái sinh thực khí. Tín ngưỡng tiền sử Đông Sơn không đến nỗi phức tạp và nó gắn với nhiều sắc tộc Đông Nam Á đến tận ngày nay. Một vài dân tộc phát triển tiếp cận các hệ tư tưởng lớn ở châu Á như Phật giáo, Ấn Độ giáo, Nho giáo, Đạo giáo chính thức kết thúc xã hội thị tộc thái cổ. Ví dụ điển hình là người Việt và người Mường, vốn có chung một nguồn gốc, nhóm Việt (Kinh) đã đi xuống đồng bằng, phát triển nông nghiệp và du nhập Tam giáo (Nho – Lão – Phật), trong khi người Mường vẫn bán canh tác nông nghiệp và dựa vào kinh tế tự nhiên với rừng, và chỉ có tín ngưỡng Mo đơn giản. Ở miền Nam tình hình cũng như vậy với người Chàm và các sắc tộc Tây Nguyên, một đằng du nhập Phật giáo và trở thành những tiểu quốc có nền văn hóa cao, trong khi các sắc tộc miền núi vẫn bảo lưu lối sống buôn làng cổ xưa với kinh tế tự nhiên cho đến tận gần đây. Đông Sơn có thể là thời điểm cuối cùng của các sự phân chia đó.
Nhà sàn của người Toraja, Indonesia.
Bài ca chiêu hồn của người Toraja ở đảo Célébes [tên gọi trước đây của đảo Sulawesi, Indonesia] mà chúng tôi dẫn đề từ trên là một khái cảm của những sắc tộc tôn thờ trống đồng. Trống đồng đã có trong truyền thuyết và sinh hoạt tín ngưỡng của người H’mong, người Dao, người Mường, người Thái, người Choang, người Lê (ở đảo Hải Nam), người Malai, người Indonesia, người Tây Nguyên… và tất nhiên là người Việt. Nó cho thấy những quan niệm chung và những tính cách riêng hình thành trong quá trình lịch sử khác nhau của một vùng, và sau này thì hầu hết các dân tộc từ Hoa Nam đến Nam Á đều có đặc điểm chung là phát triển nông nghiệp canh tác lúa nước, mặc dù trống đồng ban đầu không có biểu hiện gì của một xã hội canh tác lúa nước. Nhưng tục thờ và đánh trống đồng, đúc trống đồng còn diễn ra cho đến tận thế kỷ 11, và nó chính thức chuyển thành một nhạc khí quan trọng trong nghi lễ triều đình và dân gian.
Thời đại Đông Sơn đã qua từ lâu nhưng những gì nó để lại cho thấy một nền văn minh rất hoàn chỉnh và có trình độ kỹ thuật đúc kim loại rất cao, cũng như sự phong phú về văn hóa khi sử dụng phổ biến nguyên liệu đồng chế tác đồ vật.
Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG
Tags: Văn hóa Đông Sơn, Người Việt cổ