⠀
Thoáng hoài niệm về cái Tết tất bật của một thời đã xa
Những ngày giáp Tết luôn làm cho tất cả chúng ta lặng lòng, tìm về một hoài niệm xa xưa, thời mà tất bật chuẩn bị Tết trong nôn nao, bận rộn, lo lắng và háo hức. Bây giờ không sao tìm lại được cái không khí ấy…
Tết cứ nao nức, cứ rậm rịch trước cả tháng Chạp. Thời ấy, tất cả thực phẩm, từ gạo, đậu xanh, thịt, lá dong… đến gói mứt Tết, cân bột mì đều mua theo bìa mua hàng Tết. Trong gói hàng ấy thường có một tập bánh đa nem, khoảng 2 lạng miến, một chút mì chính, một chút hạt tiêu, một gói mứt, một gói chè khô…
Ngày ấy, dù thiếu thốn nhưng Tết đến thì nhà nào cũng phải lo nồi bánh chưng. Để có được một nồi bánh chưng đầy đặn, người nội trợ đảm đang trong nhà phải rất khéo thu vén. Củi nấu bánh phải gom để dành từ rất lâu. Lá dong, đậu, thịt, gạo nước cũng xếp hàng từ sớm tinh mơ để mua. Rồi ngày sát Tết, nhà nhà rộn ràng rửa lá, ngâm gạo, đãi đỗ xanh và í ới mượn nồi to để luộc bánh.
Trong tiết trời rét căm căm của tháng Chạp, xúm quanh nồi luộc bánh chưng thì không gì thú vị bằng. Lửa bập bùng. Bên trên nồi bánh để cái thau đồng có thả nắm mùi già. Khi bánh sôi lục bục thì thau nước cũng bốc hơi tỏa ra một mùi thơm “tổng hợp” của Tết.
Trước đó một tuần, hai chị em đã mang bột mì, trứng gà và mấy lạng đường ra hàng gia công “quy gai quy xốp” để làm bánh. Cửa hàng đông nên mọi người phải tự nhào bột của mình rồi ngồi chờ đến lượt. Bánh mang về có màu vàng nâu, gai góc. Xấu nhưng mà thơm, mà chất lượng bởi có ăn là quý, câu nệ gì hình thức!
Hộp mứt Tết “bao cấp” chỉ lỏng chỏng mấy món nên mấy chị em theo nhau làm thêm mứt gừng, mứt dừa. Mẻ thành mẻ dở mà cũng loay hoay mất đến cả tuần.
Rồi đến món dưa hành. Một yến dưa, nửa yến hành. Dưa tãi ra phơi từng lá cho se bớt, muối trước. Hành thì ngồi quây lại, bóc bớt lớp vỏ ngoài, cay xè mắt. Sau đó mới ngâm nước tro, nước vôi, muối, nén… phải mấy ngày mới xong.
Cho đến giờ, đã gần 40 năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ mãi, trong những tháng ngày gian nan của thời bao cấp, thiếu gì thì thiếu, nhưng Tết không thể thiếu một bình hoa tươi. Có thể là một lọ thược dược nhiều màu sắc, một vài nhánh violet cắm kèm. Rồi cành đào hoặc chậu quất. Nó vừa là nét văn hóa vừa là niềm hy vọng cho một năm mới tốt lành hơn…
Buổi chiều cuối năm lúc nào cũng tất bật, nào là chuẩn bị cho bữa cơm tất niên, mâm cúng giao thừa, rồi cho mồng 1. Trong căn bếp nhỏ xíu, bố đun nước sôi làm gà; mẹ ướp thịt, ngâm nấm, quấn nem; hai chị em tỉ mẩn nhặt rau thơm, tỉa hoa su hào, cà rốt, làm chân tẩy bóng… Mẹ vừa làm vừa rủ rỉ giảng giải những kinh nghiệm nấu nướng và cách thưởng thức món ăn sao cho thanh nhã. Mẹ luôn tin rằng, mâm cỗ được nấu nướng cẩn thận và đầy yêu thương, kính trọng dâng lên Trời Phật, tổ tiên, sẽ như tấm lòng thành của người phụ nữ cầu mong cho gia đình mọi điều tốt đẹp. Bố thì thường nói, các cụ ở trên kia chỉ cần nhìn xuống thấy con cháu quây quần, bày biện cỗ đẹp thì các cụ cũng cảm nhận được hương vị ngày Tết thật đậm đà, ấm cúng và vui lòng.
Cơm nước xong thì lại tiếp tục dọn dẹp nhà cửa, tắm giặt tất bật đến tận giao thừa. Ai cũng mong mọi thứ chu tất trước năm mới. Có năm, giao thừa không kịp giặt xong chậu quần áo, vừa phơi vừa khóc vì tiếng pháo đã lẹt đẹt bắt đầu…
Nhìn lại những ngày ấy, chao ôi, việc chuẩn bị Tết sao mà chu đáo, trang trọng và háo hức. Mấy chị em có cay mắt vì bóc hành, cóng tay vì rửa lá dong, còng lưng ngồi xào mứt, quấn nem… nhưng có là gì so với nỗ lực của bố mẹ cố gắng để gia đình có một cái Tết truyền thống đủ đầy. Đó chính là nếp nhà.
Tết bây giờ nhàn nhã hơn, một loáng đã có thể mua xong hết mọi thứ cho ba ngày Tết, nhưng tôi vẫn muốn tự tay làm những món ngày xưa mẹ dạy. Phần vì như thế mới hợp khẩu vị gia đình. Phần lớn hơn, cái sự xốn xang chuẩn bị Tết cũng là một niềm vui. Tôi muốn các con hiểu những việc tưởng chừng như “nỗi vất vả của người phụ nữ” thực ra lại là một hạnh phúc được thắp lửa ấm cho gia đình, là truyền thống tốt đẹp tôi muốn các con mang theo trong hành trang đến tương lai.
Theo THU HẰNG / HÀ NỘI MỚI
Tags: Tết Nguyên đán, Hoài niệm