Suy nghĩ về tấm bằng đại học: Ngày xưa và thời nay

Còn nhớ, khi tôi đang học phổ thông trung học, khoảng từ năm 2002 trở về trước, nói đến thi và đậu đại học quả là mơ ước lớn lao đối với học sinh. Bởi, muốn đậu đại học phải học thật giỏi, gia đình có điều kiện mới cho con học được đại học.

Suy nghĩ về tấm bằng đại học: Ngày xưa và thời nay

Nhiều anh chị lớp trước, tuy học rất giỏi ở địa phương, nhưng khi thi đại học cũng rớt, rồi phải kiên trì năm sau thi tiếp; nhiều khi phải thi 2 – 3 năm mới đậu được đại học.

Khi học ra trường, họ đều có việc làm ổn định, lương cao và rất nhiều người thành đạt. Tôi cũng không phải ngoại lệ. Khi thi vào đại học ở TP. Hồ Chí Minh, tôi cũng “miệt mài kinh sử”, học rất nhiều, tốn nhiều chi phí cho việc học hành. Khi ra trường thì phải kiếm công việc ổn định để đi làm. Lúc ấy, thấy mình thật may mắn hơn những người không có điều kiện học tập. Xen vào đó là một chút tự hào vì mình đã được xã hội ghi nhận công lao, trình độ qua tấm bằng đại học.

Nhưng ngày nay, việc thi đậu đại học không còn là chuyện gì khó khăn và không có gì là to tát như xưa. Ngoại trừ các trường danh tiếng, đào tạo kỹ sư, bác sĩ, cử nhân ngành nghề… có chất lượng đào tạo cao, chỉ dành cho người có thực học, trên thực tế, đã xuất hiện rất nhiều trường đại học mà nhiều khi không ai biết chất lượng đào tạo như thế nào. Những trường đại học này tuyển học viên với điểm rất thấp; có trường nhận kết quả của những thí sinh không trúng tuyển vào những trường khác để báo trúng tuyển cho trường mình… Đã thế, nhiều nơi còn tổ chức đại học từ xa, hoặc tham vọng kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xóa bỏ cụm từ “từ xa”, “tại chức” để tránh phân biệt. Điều này, một mặt mở rộng cơ hội học đại học cho nhiều người, nhưng mặt khác, nó cũng khiến giá trị chung của tấm bằng đại học có phần giảm sút.

Nếu so sánh với bằng đại học trước kia, thì bằng đại học ngày nay học thật dễ dàng. Cũng là một ngành kinh tế, luật…, nhưng mọi người có thể học tại những trường hoàn toàn không dính dáng gì đến ngành học, thông qua những chương trình liên kết đào tạo. Hoặc, cũng có thể học từ các chương trình từ xa, tại chức, dân lập, công lập… Việc có quá nhiều trường, quá nhiều chương trình đào tạo mà không ai dám chắc về chất lượng đầu ra đã khiến tình trạng học để kiếm bằng hơn là tích lũy kiến thức trở thành phổ biến. Chính vì chủ trương không phân biệt của Nhà nước mà những cử nhân này cũng được hưởng các chế độ giống như những người phải bỏ công sức để đi học tại các trường công lập có lịch sử hình thành, có đội ngũ giảng viên ưu tú. Điều này cũng có mặt tích cực là tạo điều kiện cho các cá nhân phát huy trình độ của mình nhưng mặt khác cũng khiến chất lượng nguồn lực lao động giảm sút.

Chủ trương cho thành lập nhiều trường đại học là tốt nhưng cũng cần chú ý đến các điều kiện cần và đủ. Đó là phải nghiêm túc trong việc “trồng người”; không dễ dàng, tùy tiện và quan trọng là tránh “thương mại hóa giáo dục”. Báo chí cũng đã phản ánh tình trạng các trường kém chất lượng, không có cơ sở vật chất, không có giáo viên, phải thuê mướn, chắp vá… hoặc để đạt mục tiêu tuyển sinh, nhiều trường đã hạ thấp điểm chuẩn; tuyển thẳng mà không quan tâm đến chất lượng… Đầu vào thấp thì làm sao đào tạo ra những cử nhân chất lượng?

Nếu như trước kia, khi tốt nghiệp đại học, ra trường, được các cơ quan, doanh nghiệp nhận ngay, thì liệu hiện nay, với chất lượng đào tạo đại học như vậy, có cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nào nhận hay không? Và thời nay, đã có không ít sinh viên tốt nghiệp đại học, không kiếm được việc làm, đành quay ra học nghề mới. Phải chăng học đại học kiểu đó là để cho có bằng, học cho vui?! Nên chăng, cần cơ cấu hệ thống giáo dục đại học hiện nay; khi tuyển sinh viên vào học, những người có trách nhiệm cũng phải tính đến và phải lo cho các em ra trường để làm gì, đừng bỏ mặc sinh viên bơ vơ sau khi tốt nghiệp!

Theo MINH ĐỨC / BÁO KHÁNH HÒA

Tags: ,