Sri Lanka: Hồi chuông cảnh báo cho những quốc gia ngập trong nợ nần

Câu chuyện của Sri Lanka giờ đây đã trở thành câu chuyện cảnh báo cho những quốc gia đang ngập trong nợ nần hoặc đối mặt với khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.

Sri Lanka: Hồi chuông cảnh báo cho những quốc gia ngập trong nợ nần

Cuộc khủng hoảng kinh tế đã dẫn đến bất ổn chính trị nghiêm trọng tại Sri Lanka. Khoảng trống quyền lực ở quốc gia này ngày càng lớn hơn sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe từ chức theo yêu cầu của những người biểu tình.

Hồi chuông cảnh báo

Thảm họa tiền tệ và chính trị tại Sri Lanka bắt nguồn từ nhiều yếu tố như các khoản nợ quá lớn, lạm phát gia tăng và những sai lầm trong quản lý tài chính. Nhưng Sri Lanka không phải là nền kinh tế duy nhất đang gặp khó khăn nghiêm trọng khi giá lương thực, nhiên liệu và các mặt hàng chủ lực khác tăng cao. Hồi chuông báo động đang vang lên đối với nhiều nền kinh tế trên thế giới, từ Pakistan đến Venezuela, Zimbabwe và Guinea.

Câu chuyện của Sri Lanka giờ đây đã trở thành câu chuyện cảnh báo cho những quốc gia đang ngập trong nợ nần hoặc đối mặt với khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Nguyên nhân chính xác gây ra vấn đề này ở mỗi quốc gia rất khác nhau, nhưng tất cả đều chịu rủi ro trước tình trạng giá thực phẩm và nhiên liệu gia tăng, một phần do cuộc xung đột Nga – Ukraina, một phần do dịch bệnh COVID-19 gây gián đoạn hoạt động du lịch và các hoạt động kinh doanh khác. Ngân hàng Thế giới ước tính, thu nhập bình quân đầu người ở các nền kinh tế đang phát triển trong năm nay sẽ thấp hơn 5% so với mức trước đại dịch.

Khủng hoảng kinh tế đang làm bùng phát các cuộc biểu tình ở nhiều quốc gia, trong khi đó, việc tăng lãi suất cho vay hay vay nợ ngắn hạn hay để tài trợ cho các gói cứu trợ đại dịch đã khiến nhiều nước vốn đang phải gồng minh chi trả các khoản nợ lớn rơi vào tình trạng điêu đứng. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, hơn một nửa số quốc gia nghèo nhất thế giới đang đối mặt hoặc chính thức lâm vào cảnh túng quẫn.

Một số quốc gia như Zambia và Lebanon đã nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ trên toàn thế giới để có được các khoản vay mới hoặc cơ cấu lại số tiền nợ của họ. Còn Pakistan, cũng giống như Sri Lanka, đang gấp rút đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với hy vọng khôi phục gói cứu trợ 6 tỷ USD bị trì hoãn sau khi chính phủ của cựu Thủ tướng Imran Khan bị bãi nhiệm vào tháng 4 vừa qua. Dự trữ ngoại tệ đang xuống mức thấp kỷ lục. Giá nhiên liệu gia tăng đã khiến lạm phát tăng trên 21%. Đồng rupee của Pakistan đã giảm khoảng 30% so với đồng USD. Để nhận được chấp thuận của IMF, Thủ tướng nước này, ông Shahbaz Sharif đã bãi bỏ trợ cấp nhiên liệu và áp đặt mức thuế mới 10% đối với các ngành công nghiệp lớn để giúp khôi phục phần nào nền kinh tế đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng.

Tại Zimbabwe, lạm phát đã tăng 130%, làm dấy lên lo ngại nước này có thể quay trở lại viễn cảnh đen tối như năm 2008, với tỷ lệ lạm phát ở mức 500 tỷ %, khiến đồng nội tệ ZWD gần như không có giá trị trên thực tế và buộc chính phủ phải phụ thuộc vào USD và đồng tiền của các nước láng giềng (đồng rand Nam Phi). Zimbabwe đang phải nỗ lực tạo ra một đồng bạc xanh phù hợp với nền kinh tế của đất nước vốn đã bị vùi dập bởi tình trạng phi công nghiệp hóa, đầu tư thấp, xuất khẩu giảm và nợ công cao.

Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng đối với các nền kinh tế đang phát triển, từ mức 4,6% xuống còn 3,4% trong năm nay. Cuộc xung đột Nga – Ukraina cùng quyết định tăng lãi suất của FED đã khiến nhiên liệu và nhiều mặt hàng nhập khẩu khan hiếm. Khoản nợ của nhiều quốc gia cũng tăng lên khi lãi suất cho vay gia tăng.

Một cuộc khủng hoảng không lối thoát

Trong trường hợp của Sri Lanka, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch, làm giảm thu nhập ngoại tệ của nước này. Điều đó kết hợp với tình trạng lạm phát trên thế giới gia tăng đã khiến hệ thống tài chính của Sri Lanka gần như sụp đổ. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính dường như đã nảy mầm từ rất lâu, bắt nguồn từ các khoản vay hàng loạt để chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, quyết định cắt giảm thuế khiến ngân sách chính phủ bị thâm hụt nghiêm trọng và lệnh cấm sử dụng phân bón làm giảm sản lượng hoa màu.

Sri Lanka đã phải sử dụng một lượng lớn ngoại hối dự trữ để trả nợ công, dẫn tới sụt giảm dự trữ ngoại tệ. Việc khan hiếm ngoại tệ khiến nước này không thể nhập khẩu đủ nhiên liệu phục vụ cho các nhu cầu trong nước. Lạm phát tại Sri Lanka đã tăng vọt lên mức kỷ lục 54,6% vào tháng 6 và dự kiến sẽ tăng lên đến 70% trong những tháng tới, khiến khó khăn với người dân nước này ngày càng thêm chất chồng.

Đối với người dân Sri Lanka, cuộc sống hiện giờ đầy bế tắc khi họ phải dành hàng giờ xếp hàng dài ở các cửa hàng để mua nhiên liệu, lương thực và các nhu yếu phẩm cần thiết khác. Nhiều người cảm thấy không có lối thoát và lo sợ cho tương lai của chính họ.

Tôi giống như đang rơi vào ranh giới giữa sự sống và cái chết. Không việc làm, không có tiền để mua thức ăn và cũng không thể tìm cách rời khỏi đất nước”, cô Shanthi, 50 tuổi – một bà mẹ đơn thân chia sẻ. Shanthi là một trong số những người xuống đường biểu tình yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức. Cô cho biết thêm: “Chúng tôi không thể ngủ trong nhiều đêm. Đây là điều tồi tệ nhất mà chúng tôi chứng kiến trong cuộc đời. Tôi thậm chí không đủ khả năng trả tiền thuê nhà hàng tháng của mình“.

Còn Mohammed Jafreen, một tài xế sống ở Wellampitya, gần Colombo cho biết: “Tôi phải xếp hàng chờ 4 ngày liên tiếp và đến ngày thứ 5 mới mua được nhiên liệu. Một lít xăng có giá khoảng 490 rupee Sri Lanka (tương đương 1,33 euro)”. Ban đầu gia đình anh Jafreen đun nấu thức ăn bằng ga, nhưng sau đó phải dùng dầu hỏa và giờ chuyển sang dùng củi. Jafreen cho biết thêm: “Hiện giờ chúng tôi chỉ có thể kiếm đủ 2 bữa ăn một ngày”.

Để đối phó với những thách thức về kinh tế, chính phủ nhiều nước trên thế giới đang tung ra các khoản trợ cấp mới và thúc các gói chi tiêu xã hội để ngăn chặn tình trạng bất ổn và nạn đói. Nhưng giới phân tích cảnh báo rằng việc gia tăng trợ cấp và chi tiêu xã hội khi giá cả leo thang có thể đẩy các quốc gia vào cuộc khủng hoảng tiền tệ sâu sắc

Theo VOV

Tags: ,