Quân đội Italia có thực sự là ‘đồ bỏ đi’ trong Thế chiến II?

Từ trước đến giờ, quân đội Italia trong Thế chiến thứ II vẫn được coi là một trong những đồng minh vô dụng nhất trong lịch sử, là một gánh nặng lên quân đội Đức ở mặt trận Châu Âu.

Quân đội Italia có thực sự là ‘đồ bỏ đi’ trong Thế chiến II?

Chúng ta bị ấn tượng mạnh mẽ bởi màn trình diễn tồi tệ của người Italia trên khắp các chiến trường: Không thể chiếm được Ethiopia mặc dù có ưu thế vượt trội về vũ khí so với phe thổ dân, bị quân Hy Lạp và Albani đẩy lùi và xâm lược ngược lại, mặc dù đông gấp đôi họ, và bị quân Anh bắt sống đến 90.000 tù binh chỉ sau đợt tấn công đầu tiên từ Libya sang Ai Cập.

Chưa hết, để cữu vãn Mussolini khỏi thất bại thảm hại trước quân Anh-Hy Lạp, Hitler phải điều quân xuống cứu vãn tình hình (trận đảo Crete). Mặc dù chiến dịch đó diễn ra thành công cho người Đức và đồng minh Italia của họ được an toàn cho đến năm 1943, quân đội Đức mất thêm sáu tuần nữa mới có thể thực hiện cuộc tấn công vào Liên Xô. Sáu tuần đó đáng lẽ ra sẽ đóng góp rất nhiều cho tiến độ xâm lược của người Đức, vì chỉ khoảng ba tháng sau khi phát động chiến tranh, đà tiến quân của họ bị chậm lại vì những cơn mưa mùa thu như trút nước biến thảo nguyên Nga thành những biển bùn khổng lồ.

Thế rồi nội chiến Italia xảy ra sau khi quân Đồng Minh đặt chân lên đây, và người Đức lại mất thêm công sức tiêu diệt một số đơn vị quân đội Italia để phòng họ bỏ chạy sang phía Đồng Minh (vụ thảm sát sư đoàn Acqui).

* * *

Tuy nhiên, về mặt chiến lược, nếu chúng ta xét rằng Đức không có Italia như một đồng minh của mình, mọi việc đã có thể tồi tệ hơn rất nhiều cho họ.

Italia đóng góp cho nỗ lực chiến tranh của người Đức ở mặt trận phía Đông hàng chục sư đoàn. Mặc dù nếu tính ra sức chiến đấu họ chỉ tương đương với vài sư đoàn của Đức, nhưng quân số của họ vẫn tạo ra một cái đà rất cần thiết cho những kẻ tấn công.

Không có Italia như một đồng minh, sườn Nam nước Đức sẽ bị hở, và họ sẽ phải luôn luôn duy trì một lực lượng lớn quân đội để canh giữ nó (người Đức duy trì khoảng 50 sư đoàn ở Pháp để canh giữ mặt Tây của đất Đức). Mặc dù Italia là một đồng minh vô dụng, việc có họ là đồng minh giúp Đức cầm chân được hơn nửa triệu lính Anh, hơn một triệu lính Mĩ thuộc tất cả các binh chủng ở mặt trận Bắc Phi và sau này là đất Italia.

Quân đoàn Châu Phi của Thống chế Rommel nghe có vẻ ác chiến, nhưng thực ra lực lượng của họ chả thấm vào đâu so với các cánh quân khác của quân đội Đức Quốc xã trên các chiến trường khác. Khi quân Đồng Minh đặt chân lên đất Italia, họ bị cuốn vào một cuộc chiến tiêu hao đẫm máu, rất giống với chiến tranh hầm hào trong Thế chiến thứ I. Địa hình đồi núi của bán đảo Italia rất lí tưởng cho phe phòng thủ (trận Monte Cassino). Trên thực tế người Đức chỉ có không quá 20 sư đoàn ở mặt trận Italia (nổi bật nhất là sư đoàn SS Herman Goering) trong suốt thời kì cầm cự với quân Đồng Minh (về sau này con số tăng lên, nhưng là do các đơn vị rút về từ Nga được trú đóng ở đây, và giao tranh ở đây vào năm 1945 khá yên ắng so với các khu vực khác).

Tóm lại, một đồng minh dù có tồi tệ, thì vẫn tốt hơn là một kẻ thù.

Theo PHI HOÀNG TRỊNH

Tags: ,