Phan Văn Trường: Chân dung một nhà trí thức yêu nước

Luật sư Phan Văn Trường (1876 – 1933) là nhà yêu nước, nhà cách mạng, nhà báo nổi bật của thế hệ trí thức tân học đầu thế kỷ 20.

Phan Văn Trường: Chân dung một nhà trí thức yêu nước

Tri thức luật học và báo chí là vũ khí đấu tranh chống thực dân của ông ở từ bất cứ hoàn cảnh nào, ở trong nước hay ở tận chính quốc thực dân.

Từ Hội Đồng bào thân ái với Phan Chu Trinh

Phan Văn Trường sinh ngày 25/9/1876, quê làng Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội. Thuở nhỏ ông học chữ Hán, sau đó học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Sau khi tốt nghiệp Trường Thông ngôn, ông làm thông ngôn ở Phủ Thống sứ Bắc Kỳ. Trong thời gian này, ông tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục rất tích cực. Năm 1908, thực dân Pháp tiến hành khủng bố các phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục, ông bị bắt.

Sau khi thoát khỏi nhà tù, cuối năm 1908, nhận thấy học vấn là con đường để có thể tiếp tục sự nghiệp cứu nước của mình, ông đã xin sang Pháp. Tại Pháp, Phan Văn Trường làm phụ giảng tiếng Việt ở Trường Ngôn ngữ phương Đông và theo học luật khoa tại Đại học Sorbonne, Paris. Ông còn đồng thời học cả văn chương và chỉ trong vài năm ông đỗ cả cử nhân luật khoa lẫn cử nhân văn khoa.

Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục học trình tiến sĩ luật khoa. Việc học tiến sĩ của ông bị ngắt quãng vì thế chiến thứ nhất bùng nổ, ông phải nhập ngũ, sau đó bị bắt vì nghi làm gián điệp cho Đức. Chiến tranh chấm dứt, ông lại tiếp tục việc học và đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ luật khoa với đề tài Lược khảo về Bộ luật Gia Long, trở thành một người Việt Nam đầu tiên có bằng tiến sĩ luật

Khoảng cuối năm 1911, Phan Văn Trường đã lần đầu tiên gặp gỡ Phan Chu Trinh tại Paris. Ông đã giúp đỡ Phan Chu Trinh rất nhiều, đã mời cụ về ở cùng tại ngôi nhà thuê tại số 6 Villa des Gobelins, quận 13, Paris. Sự gặp gỡ này đã tạo ra bước ngoặt lớn trong phong trào của người Việt Nam yêu nước tại Pháp.

Tại đây, hai nhà yêu nước đã sớm đi đến quyết định thành lập Hội Đồng bào thân ái, ra mắt vào ngày 18/1/1912 tại trường Parangon, nơi có đông đảo học sinh, sinh viên Việt Nam theo học. Là Chủ tịch Hội, Phan Văn Trường là người lãnh đạo, tổ chức các hoạt động của hội để giúp đỡ các đồng bào của mình tại Pháp, mở ra thời kỳ mới cho phong trào của người Việt Nam tại đây.

Mặc dù cho phép thành lập nhưng chính quyền thuộc địa vẫn cho rằng hoạt động của Hội Đồng bào thân ái sẽ gây nguy hiểm cho sự cai trị của Pháp tại Đông Dương. Do đó, giữa tháng 9/1914, chính quyền Pháp đã lấy cớ làm gián điệp cho Đức để bắt giam cả Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường. Sau hơn 10 tháng ngồi tù, ngày 16/7/1915, hai ông được trả tự do nhưng lúc này Hội Đồng bào thân ái cũng đã tan rã vì không có người lãnh đạo.

Sau khi ra tù, Phan Văn Trường phải trở lại quân ngũ với vai trò phiên dịch và dạy tiếng Pháp cho lính thợ người Việt tại Xưởng đóng tàu ở Toulouse cho đến khi kết thúc chiến tranh. Tại đây, ông đã nỗ lực tập hợp, đoàn kết và bênh vực cho những người Việt bị bắt đi lính sang Pháp.

Chính vì thế, chính quyền Pháp càng có lý do để lo lắng vì những ảnh hưởng của ông đối với lính thợ người Việt Nam và muốn tách ông ra khỏi cộng đồng này. Tuy nhiên Phan Văn Trường đã cảnh giác và hành động rất thận trọng nên vẫn tiếp tục được ở lại và có nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ đồng bào mình, tiếp tục duy trì và phát triển những hoạt động của phong trào yêu nước của người Việt tại Pháp.

Năm 1917, Nguyễn Tất Thành đến Paris. Nhưng trước đó, giữa Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Tất Thành đã có sự liên hệ qua thư từ. Từ khi Nguyễn Tất Thành đến Paris đã hình thành nhóm “Ngũ Long An Nam” gồm Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Tất Thành – những trí thức dẫn đầu phong trào yêu nước của người Việt tại Pháp. Sau khi ra tù, để tránh sự khủng bố của thực dân Pháp nếu trực tiếp lãnh đạo phong trào, Phan Văn Trường và Phan Chu Trinh đã quyết định chuyển giao vai trò cho Nguyễn Tất Thành.

Sau một thời gian tìm hiểu, làm quen với tình hình nước Pháp, dưới sự hỗ trợ của Phan Văn Trường và các đồng bào mình tại Paris, cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành đã thành lập Nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Nhóm này đã sớm có những hoạt động sôi nổi trong việc đoàn kết người Việt yêu nước ở Pháp. Hoạt động nổi bật nhất của tổ chức này là soạn thảo và gửi cho Hội nghị Versailles Bản Yêu sách của Nhân dân An Nam, ký tên là Nguyễn Ái Quốc vào ngày 18/6/1919.

Đến các báo Chuông rè, Nước Nam với Nguyễn An Ninh

Cuối năm 1923, Phan Văn Trường về nước, mở văn phòng luật sư tại Sài Gòn. Ông còn tham gia các cuộc diễn thuyết về chính trị, văn hóa, giáo dục; Biên soạn cuốn “Pháp luật lược luận” để giúp đồng bào có công cụ đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Năm 1928, cuốn sách ông viết tại Pháp là “Une histoire des conspirateurs annamites à Paris ou La Vérité sur l’Insochine” (Một câu chuyện về những người Việt Nam mưu loạn ở Paris hay sự thật về Đông Dương) được xuất bản ở Sài Gòn, khiến Khâm sứ Trung Kỳ phải ra nghị định ngày 31/8/1929 cấm lưu hành tại Trung Kỳ.

Hoạt động nổi bật nhất là ông cộng sự cùng Nguyễn An Ninh xuất bản báo La Cloche Fêlée (Chuông rè) bằng tiếng Pháp tại Sài Gòn theo tinh thần Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đây là một trong những tờ báo đầu tiên thuộc dòng báo chí công khai trực tiếp phê phán mạnh mẽ chính sách cai trị của thực dân Pháp, phơi bày nỗi thống khổ của người dân, đồng thời truyền bá các tư tưởng cách mạng, đặc biệt là tư tưởng cách mạng Pháp, Ấn Độ và chủ nghĩa Marx – Lenin.

Do sự o ép của chính quyền thực dân, lại thiếu tiền và sức khỏe Nguyễn An Ninh không tốt nên đến số 19 ra ngày 14/7/1924 thì La Cloche Fêlée tạm ngưng.

Ngày 26/6/1925, La Cloche Fêlée tái bản do Phan Văn Trường chủ nhiệm (vì có quốc tịch Pháp) với sự cộng tác của nhiều cây bút nổi tiếng đương thời. Từ số 63 ra ngày 6/6/1926, báo đổi tên thành L’Annam (Nước Nam).

Cùng với La Cloche Fêlée/L’Annam, và Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường đã có sự chuyển hóa về tư tưởng, trở nên quyết liệt, thiên tả hơn trong đấu tranh chống lại chế độ thực dân cai trị. Từ tư tưởng cải lương ôn hòa, ông công khai ủng hộ việc dùng bạo lực trong cuộc đấu tranh giải phóng, giành quyền sống cho Nhân dân, phát triển cho dân tộc. Ông đã cho đăng một số bài của các báo Người cùng khổ, Nhân đạo (của Đảng Cộng sản Pháp), Diễn đàn thông tin quốc tế (của Quốc tế Cộng sản); đặc biệt ông là người đầu tiên đăng Tuyên ngôn Đảng Cộng sản trên báo.

Cũng trong thời kỳ này, Phan Văn Trường còn tích cực tham gia hoạt động trong Thanh niên Cao vọng Đảng – một tổ chức chính trị chống chính quyền thực dân Pháp ở Nam Kỳ từ năm 1923 đến 1929, do Nguyễn An Ninh sáng lập và tổ chức.

Tháng 5/1927, nhà chức trách buộc tội ông với vai trò chủ nhiệm có liên can đến một bài báo trên tờ L’Hummanité mà tờ L’Annam đăng lại, nội dung kêu gọi “những binh lính thuộc địa người bản xứ trong đế quốc Pháp nổi loạn”.

Tháng 6/1927, ông bị khởi tố vì cho là có tham gia chuẩn bị lễ tang tưởng niệm Lương Văn Can. Ngày 21/7/1927, Phan Văn Trường bị bắt; Ngày 2/2/1928, báo L’Annam bị đình bản.

Ngày 27/3/1928, ông bị tòa án thực dân kết tội “xúi kích làm phản, kêu dân Việt Nam nổi loạn để đuổi người Pháp ra khỏi xứ”, xử 2 năm tù giam. Ông chống án sang Pháp, nhưng một năm rưỡi sau Tòa Thượng thẩm Paris mới đem ra xử, và y án cũ. Bị giam ở Pháp đến năm 1931 mới mãn hạn tù, ông trở về Sài Gòn và gặp lại Nguyễn An Ninh với ý định tiếp tục cuộc đấu tranh trên mặt trận báo chí công khai. Nhưng không may, khi về Hà Nội để thăm gia đình, ông đã bị bệnh và qua đời tại quê nhà ngày 23/4/1933.

Phan Văn Trường là một trí thức lớn đã lựa chọn con đường đi riêng để suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp độc lập và tự do cho đất nước; dám hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích dân tộc. Bài học lớn nhất mà ông để lại là phấn đấu để có tri thức tiến bộ để đấu tranh và cống hiến vì đất nước.

Theo KINH TẾ ĐÔ THỊ

Tags: ,