⠀
Paul Doumer – một nhân vật lịch sử đặc biệt và đầy phức tạp
Trong lịch sử chính trường nước Pháp, cựu Tổng thống Paul Doumer (1857 – 1932) là một gương mặt đặc biệt – từ gia cảnh xuất thân tới các chính sách gây tranh cãi nảy lửa cũng như những thành tựu đạt được. Ông là vị Toàn quyền trẻ nhất nước Pháp (39 tuổi) khi được chỉ định làm Toàn quyền Đông Dương (giai đoạn 1897 – 1902) và đã để lại một khối di sản lớn ở Đông Dương, đặc biệt tại Việt Nam.
Gia cảnh khác thường của một chính khách
Một năm trước khi sang Đông Dương nhậm chức, Paul Doumer (tên gọi đầy đủ: Joseph Athanase Paul Doumer) đã được cử làm Bộ trưởng Tài chính. Sự kiện này đã gây sốc trong dư luận, là ”một hiện tượng lạ trong giới chính trị của nước Pháp’’. Bởi lẽ, phàm những ai được tiến cử vào chiếc ghế bộ trưởng trong nội các thường phải có xuất thân từ giới quý tộc và chững tuổi.
Với Bộ trưởng Paul Doumer, gia cảnh xuất thân của ông khá đặc biệt: Cha là công nhân lắp đặt đường ray (ngành Đường sắt) mất sớm, mẹ không nghề nghiệp. Bản thân ông lúc mới 13 tuổi vừa làm nhân viên chạy vặt, rồi làm thợ khắc ở một nhà máy sản xuất huân/huy chương, vừa tranh thủ học thêm vào buổi tối tại Học viện Kỹ nghệ Quốc gia – nơi ông sau đó đạt được tấm bằng tú tài khoa học và sau đó thêm tấm bằng cử nhân Toán. Khi 21 tuổi, sau khi được bổ nhiệm làm giáo viên trung học, Paul Doumer đã cưới con gái một viên thanh tra giáo dục và sau này họ có tới 8 người con (5 trai).
Trước khi làm Tổng thống Pháp trong một thời gian ngắn ngủi (1931 – 1932), ông Paul Doumer từng đảm nhiệm nhiều chức vụ cao: Bộ trưởng Tài chính, Toàn quyền Đông Dương, Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện. Khi nhắc đến Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (giai đoạn 1897 – 1902), người Việt Nam thường nhớ đến những đóng góp lớn của ông khi cho triển khai những công trình cơ sở hạ tầng lớn như những cây cầu huyền thoại: Long Biên (Hà Nội), Tràng Tiền (Huế), Bình Lợi (Sài Gòn), cảng Hải Phòng, và nhất là đường sắt (hệ thống đường sắt xuyên Đông Dương, đường sắt Vân Nam…). Ngoài việc tạo lập khu nghỉ dưỡng trên cao nguyên ở Đà Lạt, Paul Doumer còn đóng vai trò quan trọng đối với văn hóa và khoa học, khi lập ra nhiều học viện nghiên cứu (Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp – EFEO, Đại học Y Hà Nội, Viện Pasteur Nha Trang…) nhằm mục đích phát triển dài lâu tại Việt Nam.
Người đặc biệt, nhưng ít được quan tâm
Có một điều ngạc nhiên là, một nhân vật đặc biệt như Paul Doumer – một người có khoảng 25.000 đường phố ở Pháp đặt tên ông – lại có ít sử gia quan tâm nghiên cứu một cách toàn diện và khoa học. Nhiều người Việt Nam muốn tìm hiểu nhiều hơn về ông, nhưng ít có tài liệu nào ghi chép. Mãi tới năm 2004, một trong số những tác phẩm hiếm hoi nghiên cứu về Paul Doumer được Amaury Lorin viết và xuất bản với tên tiếng Pháp “Paul Doumer, gouverneur général de l’Indochine (1897 – 1902): Le tremplin colonial (Paul Doumer, Toàn quyền Đông Dương (1897 – 1902): Bàn đạp thuộc địa, do NXB L’Harmattan (Paris) ấn hành trong bộ sách Recherches Asiatiques (Nghiên cứu Châu Á).
Amaury Lorin sinh năm 1972, tại Angers (Pháp), tốt nghiệp cao học ngành Sử học đương đại (Viện Nghiên cứu Chính trị Paris – IEP), đã thực hiện nhiều chuyến khảo cứu tại các nước Đông Dương cũ, đặc biệt tại Việt Nam và Campuchia, hiện là tiến sĩ Lịch sử tại Viện Nghiên cứu Chính trị Paris. Tại Pháp, cuốn sách nói trên đã được trao 2 giải thưởng: Giải Auguste Pavie (Prix Auguste Pavie) của Viện Hàn lâm Khoa học hải ngoại năm 2005 và giải của Hội Nhà văn chiến binh (Prix des écrivains combattants) năm 2006. Tại Việt Nam, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Cộng đồng Pháp ngữ (1970 – 2020), tác phẩm “Paul Doumer – Toàn quyền Đông Dương (1897 – 1902): Bàn đạp thuộc địa” đã được Omega Plus Books và NXB Thế giới ấn hành phiên bản Việt (do Nguyễn Văn Trường dịch) trong khuôn khổ ”Tủ sách Pháp ngữ – Góc nhìn Sử Việt’’.
Một trang sử được lật giở
Viết cuốn lịch sử lý thú này, trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu lưu trữ của Bộ Thuộc địa và các kho tư liệu của Chính quyền Đông Dương được chuyển về lưu trữ ở Pháp, tác giả Amaury Lorin đã làm sáng tỏ một trang sử thuộc địa Pháp chưa được nhiều người hiểu một cách tường tận một thời kỳ tồn tại đan xen những khoảng tối, sáng lẫn lộn, đặc biệt nổi lên một nhân vật đầy phức tạp với một nghị lực đáng kinh ngạc và một sự nghiệp có một không hai.
Theo Amaury Lorin, công cuộc thực dân hóa của Pháp có vô vàn khoảng tối cũng như điểm sáng, nó tích cực đối với một số đông này và tội lỗi với số đông khác đã làm dấy lên ở nước Pháp những cuộc tranh luận nảy lửa, đôi khi thành những cuộc luận chiến. Có hai vấn đề thúc đẩy tác giả biên soạn cuốn sách này. Thứ nhất, khoản nợ chính xác của Đông Dương thuộc Pháp (1858 – 1954) trong 5 năm nhiệm kỳ của Paul Doumer (1897 – 1902) là bao nhiêu, có hợp lý khi cho đó là một “bước ngoặt lớn” hay không? Thứ hai, đâu là vai trò ngược lại của Đông Dương đối với sự hình thành, chín muồi của Paul Doumer về mặt cá nhân cũng như bản lĩnh chính trị, người được bầu làm Tổng thống Cộng hòa Pháp năm 1931?
Amaury Lorin cũng chia sẻ việc ”thiếu hiểu biết về Paul Doumer’’ là ”bất công và có cái gì đó thật mẫu thuẫn, trong khi thế hệ những người Pháp trẻ như tôi coi Paul Doumer chỉ là một vị tổng thống mờ nhạt… Nói một cách chính xác hơn, sự thăng tiến khác thường của ông qua nhiều chức vị cho tới chức quan tòa tối cao rồi sau đó là vận kết thúc sự nghiệp bi thảm của ông mà sau này mọi người được biết quả là đã khiến người ta đánh giá thấp, thậm chí còn làm lu mờ đi tầm quan trọng dẫu sao cũng có tính quyết định của những năm làm việc ở Đông Dương này đối với sự nghiệp mà ông theo đuổi một cách đầy năng nổ sau này tại chính quốc’’.
Trong “Paul Doumer – Toàn quyền Đông Dương (1897 – 1902): Bàn đạp thuộc địa”, tác giả Amaury Lorin đã đề cập tới nhiều chi tiết quan trọng liên quan tới Paul Doumer trong thời gian làm việc tại Đông Dương – từ lúc chấp nhận các thách thức, rủi ro khi đến xứ lạ, tới việc có phát ngôn để đời về phương thức hành động ”Cai trị toàn cõi, không cai quản từng xứ’’, cải tổ bộ máy chính quyền, rồi ra các chính sách thuế thân, thuế đất cùng nhiều loại thuế khác. Dù các yếu tố đó đã khiến dư luận cả ở chính quốc lẫn khu vực thuộc địa đều bất bình, nhưng kết quả thu được lại chứng tỏ tầm nhìn tài năng của một nhà quản trị và nhà kiến thiết, thuyết phục được sự nhìn nhận của chính quyền Pháp, trong đó có không ít người ở phe đối lập.
Lộ sáng một giai đoạn giao thời đặc biệt
Cuốn sách này chắc chắn sẽ góp phần giúp mọi người có thêm nhiều hiểu biết về một giai đoạn giao thời đặc biệt, về một giai đoạn bản lề hết sức đặc biệt xét ở mọi phương diện đối với lịch sử của Việt Nam, Campuchia, Lào trong thời kỳ thuộc địa, và rộng hơn nữa là đối với lịch sử của nước Pháp thực dân: Đó chính là thời khắc thiết lập bộ máy khai thác hợp lý và hiệu quả trên cõi Đông Dương sau khi cuộc chinh phục quân sự kết thúc (mà sau này được thay bằng từ bình định) và trước khi sứ mệnh kiến thiết bắt đầu.
Đó là còn chưa kể tới việc Paul Doumer được chỉ định làm Toàn quyền Đông Dương đúng vào thời điểm nước Pháp đã đạt được mục đích ban đầu của công cuộc chinh phục Đông Dương là sở hữu một cửa ngõ tiện lợi vào thị trường Trung Hoa khi mà trước đó đã có kết quả một số hiệp ước, hiệp định Pháp – Trung được ký kết và theo đó, đã công nhận một khu vực ảnh hưởng rộng lớn thuộc nước Pháp – bao gồm: 3 tỉnh phía Nam Trung Quốc (Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông) cùng 2 tuyến đường sắt (Lào Cai – Côn Minh và Lạng Sơn – Nam Ninh) được nhượng lại. Ngoài ra, ở thời điểm đó, vịnh Quảng Châu Loan của Trung Quốc vẫn thuộc quyền quản lý hành chính của Liên bang Đông Dương.
Theo LÊ QUANG VINH / LAO ĐỘNG ONLINE
Tags: Pháp, Đông Dương thời thuộc địa, Paul Doumer