Những nét chấm phá về hình tượng loài mèo trong văn hóa thế giới

Thời Trung Quốc cổ đại, mèo được xem như một con vật báo lành. Ở Ấn Độ, con mèo biểu thị cho phúc lạc. Trong văn hóa Ai Cập cổ đại, mèo được tôn vinh là một loài vật linh thiêng…

Những nét chấm phá về loài mèo trong văn hóa thế giới

Theo Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới (NXB Đà Nẵng), trong các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, ý nghĩa biểu tượng của mèo rất không thuần nhất, vừa xấu vừa tốt. Điều này có thể giải thích bằng thái độ vừa dịu dàng, vừa vờ vĩnh của mèo.

Trong thế giới đạo Phật, mèo bị chê trách đã cùng với rắn không mảy may xúc động trước sự từ trần của Đức Phật.

Ở Ấn Độ, người ta tìm thấy tượng những con mèo khổ hận biểu thị cho phúc lạc của thế giới động vật.

Ở Trung Quốc cổ đại, mèo hay được xem như một con vật báo lành và người ta bắt chước điệu bộ của nó trong các điệu múa nông nghiệp.

Ngày nay, ở Campuchia, người ta vẫn nhốt mèo vào lồng rồi vừa đi vừa ca hát, rước nó từ nhà này sang nhà kia để cầu mưa. Mỗi người dân làng tưới nước cho mèo và tiếng kêu của nó làm động lòng thần Indra, thần phân phối nước làm phì nhiêu đất…

Ở Việt Nam, mèo đứng vị trí thứ 4 trong 12 con giáp, trong khi ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan… ở vị trí này lại là thỏ. Từ khi các dòng tranh dân gian ra đời, hình ảnh con mèo mới đi vào văn hóa nghệ thuật. Trong tranh “Đám cưới chuột” của làng tranh Đông Hồ, người ta bắt gặp hình ảnh tiến sĩ chuột vinh quy nhưng vẫn phải biếu quà cho chú mèo đang ngồi quặp đuôi vẻ hiền lành, đưa tay ra nhận chút quà mọn trong tiếng trống, tiếng kèn. Đây cũng là một lối ứng xử hay của xã hội tiểu nông. Thế nhưng, hình ảnh con mèo không chỉ xuất hiện ở trong tranh Đông Hồ, các nghệ sĩ dân gian Việt Nam còn cho mèo xuất hiện trên những bức chạm khắc ở những nơi chốn tôn nghiêm như đình làng Bình Lục – Quảng Ninh, cảnh mẹ con nhà mèo quây quần, chạm nổi ở bia chùa Linh Quang – Hải Phòng…

Trong văn hóa Ai Cập cổ đại, mèo được tôn vinh là một loài vật linh thiêng. Trong những văn tự cổ nhất, tìm thấy ở kim tự tháp, có nhắc đến một nữ thần mèo tên là Madfet. Người Ai Cập cổ còn tôn thờ nhiều thần mèo khác, nhưng nổi bật nhất là thần mèo Bastet, dưới hình dạng một phụ nữ với cái đầu mèo đen. Đây là vị thần bảo trợ phụ nữ và trẻ em, được người dân Ai Cập ngưỡng mộ và tôn thờ.

Trong tâm thức sâu thẳm, người Ai Cập xưa luôn tin tưởng rằng, nữ thần mèo sẽ bảo vệ tất cả mọi người, vì thế, ở Ai Cập, hình ảnh con mèo xuất hiện khắp nơi: Trên các loại đồ trang sức bằng vàng, trên cán cầm tay của chiếc gương soi của phụ nữ, hình vẽ trên khuôn mặt các xác ướp… Nếu một người nông dân Ai Cập nằm mơ thấy mèo, anh ta sẽ coi đó là điềm báo trước của một vụ mùa bội thu.

Trong thế giới Hồi giáo, con mèo được ưa chuộng, kể cả mèo đen. Theo truyền thuyết, vì lũ chuột quấy rầy các hành khách trên con thuyền cứu sinh trong trận đại hồng thủy của Noah, ông đã lấy tay vuốt trán con sư tử, sư tử hắt hơi làm nhảy từ trong miệng ra một cặp mèo, chính vì thế, mèo trông giống sư tử. Con mèo đen tuyền có những thuộc tính ma thuật. Người ta ăn thịt mèo đen để tu luyện trở thành thuật sĩ; dùng máu mèo đen thay mực có thể viết nên những áng văn mê hồn…

Theo NĂNG LƯỢNG MỚI

Tags: ,