⠀
Những lỗ hổng trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay
Đó đều là những vấn đề không thể cải thiện một sớm một chiều. Nhưng nếu không thực hiện, thì về dài hạn chống tham nhũng sẽ giống như vỗ tay một bàn: rất mạnh, nhưng không phải khi nào cũng trúng mục tiêu.
Tác giả: Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu sinh tại ĐH Victoria ở Wellington, New Zealand.
Năm 2012, tôi lần đầu tiếp tay cho tham nhũng. Tôi bị cảnh sát giao thông dừng xe do lỗi vượt phải. Anh cảnh sát đề nghị 300.000 đồng để “xử lý nhanh”, tôi tặc lưỡi đồng ý.
Không ít người rơi vào trường hợp như tôi, đến nỗi thời điểm đó một vị tướng từng nói đại ý nhận vài ba trăm nghìn bồi dưỡng thì đâu gọi là tham nhũng. Ai cũng biết chuyện “xử lý nhanh” là xấu, nhưng nhắm mắt cho qua vì coi đó là chi phí ngầm của bộ máy nhà nước.
Năm đó, công tác phòng chống tham nhũng tái khởi động. Sau mười năm, kết quả được công bố trong đợt tổng kết vừa qua. Gần 170.000 đảng viên, tương đương 3,2% tổng số đảng viên cả nước, chịu trách nhiệm tập thể do sai phạm của hơn 2.700 tổ chức đảng. Khoảng 7.500 cá nhân trực tiếp bị kỷ luật, trong đó có 170 cán bộ cấp cao. Tôi không dám chắc chuyện “xử lý nhanh” chấm dứt hay chưa, nhưng chắc chắn nhận thức về hành vi này đã khác trước.
Sai phạm nhiều chứng tỏ công tác chống tham nhũng được thực hiện nghiêm túc, “không có vùng cấm” như tuyên bố của người đứng đầu. Nhưng số lượng lớn vụ vi phạm cho thấy nỗ lực hiện tại sẽ là không đủ.
Về dài hạn, chống tham nhũng không thể chỉ dựa vào hình phạt hoặc kêu gọi “tự giác, nêu gương”. Nếu coi xử lý tham nhũng bao gồm cả phòng lẫn chống, thì 10 năm qua đã ưu tiên phần “chống”. Một chiến dịch bao giờ cũng có điểm kết thúc, trong khi tham nhũng luôn tồn tại. Chính vì thế, xây dựng được cơ chế trong đó hệ thống chống tham nhũng tự vận hành hiệu quả là yêu cầu tiếp theo.
Theo tôi, cần phân biệt rõ hai nhóm cơ chế: nhóm tiền kiểm và nhóm hậu kiểm.
Với cơ chế tiền kiểm, quốc gia có thể học hỏi là Singapore. Lý Quang Diệu, khi bắt đầu nỗ lực tái xây dựng bộ máy hành chính đảo quốc này vào thập niên 70-80 thế kỷ trước, cho rằng cần ba yếu tố để chống tham nhũng hiệu quả. Thứ nhất, mức thu nhập của cán bộ phải đủ cao để họ ít có động cơ tham nhũng. Thứ hai, hình phạt đủ nặng để răn đe. Và thứ ba, quan trọng hơn, là xây dựng được văn hóa công chức đủ tốt để coi tham nhũng là hành vi không chấp nhận được.
Việt Nam không thiếu quy định hay hình phạt để chống tham nhũng. Trong 10 năm qua, đã có hơn 250 văn bản về xây dựng Đảng, 300 bộ luật, và hơn 2.000 văn bản từ chính phủ đề cập tới chống tham nhũng. Tuy nhiên, cải thiện thu nhập khu vực công và xây dựng văn hóa công chức là hai mặt còn yếu.
Trong khi công việc ở khu vực công ngày càng áp lực, thu nhập của công chức không tăng tương xứng. Lấy một ví dụ đơn giản: một sinh viên mới ra trường khi làm cho cơ quan nhà nước sẽ hưởng mức lương khoảng 3,5 triệu đồng/tháng – thấp hơn tiền học phí hàng tháng của một số trường đại học. Nghĩa là nếu bạn phải đi vay tiền để hoàn thành chương trình cử nhân, thì kể cả nhịn ăn cũng không đủ tiền trả nợ khi làm công chức.
Thực tế này sẽ bị nhiều người phản bác rằng “đâu có cán bộ nào sống bằng lương”. Chính quan điểm này là vấn đề. Nếu không sống bằng lương, cán bộ sống bằng gì?
Khi một người được trả lương quá thấp so với năng lực, sẽ có ba khả năng. Trước tiên, bạn có thể thiếu trách nhiệm, làm việc cho qua ngày như cách nói “vui nhưng đúng” thời Liên xô, “họ giả vờ trả lương, chúng tôi giả vờ làm việc”. Thứ hai, bạn có thể tận dụng vị trí để làm lợi cho bản thân, bù vào khoản thu nhập kém. Thứ ba, bạn xin nghỉ việc.
“Sống bằng lương” cũng là điều kiện cần để xây dựng văn hóa công chức. Không phải ai nghèo cũng tham nhũng (những đại án vừa qua là minh chứng), nhưng thu nhập càng thấp thì cám dỗ càng lớn. Tôi sẽ bớt thông cảm với anh cảnh sát nói trên hơn nhiều, nếu thu nhập của anh ta không phải là 3,5 triệu một tháng.
Về nhóm cơ chế hậu kiểm, bộ máy phòng, chống tham nhũng đã được kiện toàn từ trung ương tới địa phương. Có một tiền đề quan trọng: Không kiểm soát được tài sản thì không thể chống tham nhũng. Tuy nhiên, Luật Phòng chống tham nhũng 2018, sau đó là Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (ban hành năm 2020) vẫn chưa lấp hết các kẽ hở, khiến tính hiệu lực, hiệu quả về kiểm soát tài sản vẫn rất thấp. Ví dụ, kiểm soát sự di chuyển tài sản của đối tượng bị kê khai là một chuyện khó khăn. Tài sản của một lãnh đạo tỉnh có thể được chuyển cho con là giám đốc một doanh nghiệp và không kiểm soát được vì con ông không thuộc diện phải kê khai.
Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng khuyến cáo các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, cần hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp, và hành vi không giải trình được nguồn gốc tài sản bất thường của cán bộ, công chức. Hiện Việt Nam chưa thực hiện được triệt để khuyến cáo này.
Các giải pháp cơ chế trong ngắn hạn cần tập trung bịt kín những lỗ hổng trên.
Quan trọng hơn, chống tham nhũng không thể chỉ phụ thuộc vào quyền lực nhà nước và bộ máy hành chính. Thực tế cho thấy những nước Bắc Âu và New Zealand, nơi có chỉ số tham nhũng thấp, nguồn lực dành riêng cho chống tham nhũng là không lớn. Không nơi nào có cơ quan chống tham nhũng từ trung ương đến địa phương. Ngoài yếu tố văn hóa, thành công của họ đến từ sự tham gia tích cực của công chúng, báo chí – truyền thông, và các tổ chức xã hội. Người dân, những người vừa tiếp tay, vừa là nạn nhân chịu ảnh hưởng lớn nhất từ tham nhũng, chắc chắn sẽ là “tai mắt” hiệu quả.
Muốn người dân cùng tham gia giám sát, trước hết các cơ quan nhà nước cần minh bạch hơn, thực hiện nghiêm túc Luật Tiếp cận thông tin, và quy định cụ thể “cách thức” để người dân chống tham nhũng: phổ biến địa chỉ email, đường dây nóng chống tham nhũng; hoặc tốt hơn là sự lắng nghe của các đại biểu quốc hội hoặc hội đồng nhân dân thành phố. Trong hàng nghìn văn bản về chống tham nhũng, vai trò của “tai mắt” còn rất mờ nhạt.
Đó đều là những vấn đề không thể cải thiện một sớm một chiều. Nhưng nếu không thực hiện, thì về dài hạn chống tham nhũng sẽ giống như vỗ tay một bàn: rất mạnh, nhưng không phải khi nào cũng trúng mục tiêu.
Theo VNEXPRESS
Tags: Tham nhũng - Tiêu cực