Những điều cần biết về công cụ quản lý môi trường

Tính thống nhất của hệ thống “Tự nhiên – Con người – Xã hội” đòi hỏi việc giải quyết vấn đề môi trường và thực hiện công tác quản lý môi trường phải toàn diện và hệ thống.

Những điều cần biết về công cụ quản lý môi trường

Quản lý môi trường là gì?

Quản lý môi trường là tổng hợp các biện pháp, luật pháp, chính sách kinh tế, kỹ thuật, xã hội thích hợp nhằm bảo vệ chất lượng môi trường sống và phát triển bền vững kinh tế xã hội quốc gia.

Các mục tiêu chủ yếu của công tác quản lý nhà nước về môi trường bao gồm:

– Khắc phục và phòng chống suy thoái, ô nhiễm môi trường phát sinh trong hoạt động sống của con người.
– Phát triển bền vững kinh tế và xã hội quốc gia theo 9 nguyên tắc của một xã hội bền vững do hội nghị Rio-92 đề xuất. Các khía cạnh của phát triển bền vững bao gồm: Phát triển bền vững kinh tế, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không tạo ra ô nhiễm và suy thoái chất luợng môi trường sống, nâng cao sự văn minh và công bằng xã hội.
– Xây dựng các công cụ có hiệu lực quản lý môi trường quốc gia và các vùng lãnh thổ. Các công cụ trên phải thích hợp cho từng ngành, từng địa phương và cộng đồng dân cư.

Công cụ quản lý môi trường gồm những gì?

Công cụ quản lý môi trường là các biện pháp hành động thực hiện công tác quản lý môi trường của nhà nước, các tổ chức khoa học và sản xuất. Mỗi một công cụ có một chức năng và phạm vi tác động nhất định, liên kết và hỗ trợ lẫn nhau.

Công cụ quản lý môi trường có thể phân loại theo chức năng gồm: Công cụ điều chỉnh vĩ mô, công cụ hành động và công cụ hỗ trợ. Công cụ điều chỉnh vĩ mô là luật pháp và chính sách. Công cụ hành động là các công cụ có tác động trực tiếp tới hoạt động kinh tế – xã hội, như các quy định hành chính, quy định xử phạt v.v… và công cụ kinh tế. Công cụ hành động là vũ khí quan trọng nhất của các tổ chức môi trường trong công tác bảo vệ môi trường. Thuộc về loại này có các công cụ kỹ thuật như GIS, mô hình hoá, đánh giá môi trường, kiểm toán môi trường, quan trắc môi trường. Công cụ quản lý môi trường có thể phân loại theo bản chất thành các loại cơ bản sau:

– Công cụ luật pháp chính sách bao gồm các văn bản về luật quốc tế, luật quốc gia, các văn bản khác dưới luật, các kế hoạch và chính sách môi trường quốc gia, các ngành kinh tế, các địa phương.
– Các công cụ kinh tế gồm các loại thuế, phí đánh vào thu nhập bằng tiền của hoạt động sản xuất kinh doanh. Các công cụ này chỉ áp dụng có hiệu quả trong nền kinh tế thị trường.
– Các công cụ kỹ thuật quản lý thực hiện vai trò kiểm soát và giám sát nhà nước về chất lượng và thành phần môi trường, về sự hình thành và phân bố chất ô nhiễm trong môi trường. Các công cụ kỹ thuật quản lý có thể gồm các đánh giá môi trường, minitoring môi trường, xử lý chất thải, tái chế và tái sử dụng chất thải. Các công cụ kỹ thuật quản lý có thể được thực hiện thành công trong bất kỳ nền kinh tế phát triển như thế nào.

Các nguyên tắc chủ yếu của công tác quản lý môi trường gồm những nguyên tắc nào?

Các nguyên tắc chủ yếu của công tác quản lý môi trường bao gồm:

– Hướng công tác quản lý môi trường tới mục tiêu phát triển bền vững kinh tế xã hội đất nước, giữ cân bằng giữa phát triển và bảo vệ môi trường.
– Kết hợp các mục tiêu quốc tế – quốc gia – vùng lãnh thổ và cộng đồng dân cư trong việc quản lý môi trường.
– Quản lý môi trường cần được thực hiện bằng nhiều biện pháp và công cụ tổng hợp thích hợp.
– Phòng chống, ngăn ngừa tai biến và suy thoái môi trường cần được ưu tiên hơn việc phải xử lý, hồi phục môi trường nếu để gây ra ô nhiễm môi trường.
– Người gây ô nhiễm phải trả tiền cho các tổn thất do ô nhiễm môi trường gây ra và các chi phí xử lý, hồi phục môi trường bị ô nhiễm. Người sử dụng các thành phần môi trường phải trả tiền cho việc sử dụng gây ra ô nhiễm đó.

Cơ sở triết học của quản lý môi trường là gì?

Nguyên lý về tính thống nhất vật chất thế giới gắn tự nhiên, con người và xã hội thành một hệ thống rộng lớn “Tự nhiên – Con người – Xã hội”, trong đó yếu tố con người giữ vai trò rất quan trọng. Sự thống nhất của hệ thống trên được thực hiện trong các chu trình sinh địa hoá của 5 thành phần cơ bản:

– Sinh vật sản xuất (tảo và cây xanh) có chức năng tổng hợp chất hữu cơ từ các chất vô cơ dưới tác động của quá trình quang hợp.
– Sinh vật tiêu thụ là toàn bộ động vật sử dụng chất hữu cơ có sẵn, tạo ra các chất thải.
– Sinh vật phân huỷ (vi khuẩn, nấm) có chức năng phân huỷ các chất thải, chuyển chúng thành các chất vô cơ đơn giản.
– Con người và xã hội loài người.
– Các chất vô cơ và hữu cơ cần thiết cho sự sống của sinh vật và con người với số lượng ngày một tăng.

Tính thống nhất của hệ thống “Tự nhiên – Con người – Xã hội” đòi hỏi việc giải quyết vấn đề môi trường và thực hiện công tác quản lý môi trường phải toàn diện và hệ thống. Con người nắm bắt cội nguồn sự thống nhất đó, phải đưa ra các phương sách thích hợp để giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh trong hệ thống đó. Vì chính con người đã góp phần quan trọng vào việc phá vỡ tất yếu khách quan là sự thống nhất giữa tự nhiên – con người – xã hội. Sự hình thành những chuyên ngành khoa học như quản lý môi trường, sinh thái nhân văn là sự tìm kiếm của con người nhằm nắm bắt và giải quyết các mâu thuẫn, tính thống nhất của hệ thống “Tự nhiên – Con người – Xã hội”.

Cơ sở khoa học – kỹ thuật – công nghệ của quản lý môi trường là gì?

Quản lý môi trường là tổng hợp các biện pháp, luật pháp, chính sách kinh tế, kỹ thuật, xã hội thích hợp nhằm bảo vệ chất lượng môi trường sống và phát triển bền vững kinh tế xã hội quốc gia. Các nguyên tắc quản lý môi trường, các công cụ thực hiện việc giám sát chất lượng môi trường, các phương pháp xử lý môi trường bị ô nhiễm được xây dựng trên cơ sở sự hình thành và phát triển ngành khoa học môi trường.

Nhờ sự tập trung quan tâm cao độ của các nhà khoa học thế giới, trong thời gian từ năm 1960 đến nay nhiều số liệu, tài liệu nghiên cứu về môi trường đã được tổng kết và biên soạn thành các giáo trình, chuyên khảo. Trong đó, có nhiều tài liệu cơ sở, phương pháp luận nghiên cứu môi trường, các nguyên lý và quy luật môi trường.

Nhờ kỹ thuật và công nghệ môi trường, các vấn đề ô nhiễm do hoạt động sản xuất của con người đang được nghiên cứu, xử lý hoặc phòng tránh, ngăn ngừa. Các kỹ thuật phân tích, đo đạc, giám sát chất lượng môi trường như kỹ thuật viễn thám, tin học được phát triển ở nhiều nước phát triển trên thế giới.

Tóm lại, quản lý môi trường cầu nối giữa khoa học môi trường với hệ thống tự nhiên – con người – xã hội đã được phát triển trên nền phát triển của các bộ môn chuyên ngành.

Cơ sở kinh tế của quản lý môi trường là gì?

Quản lý môi trường được hình thành trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường và thực hiện điều tiết xã hội thông qua các công cụ kinh tế.

Trong nền kinh tế thị trường, hoạt động phát triển và sản xuất của cải vật chất diễn ra dưới sức ép của sự trao đổi hàng hoá theo giá trị. Loại hàng hoá có chất lượng tốt và giá thành rẻ sẽ được tiêu thụ nhanh. Trong khi đó, loại hàng hoá kém chất lượng và đắt sẽ không có chỗ đứng. Vì vậy, chúng ta có thể dùng các phương pháp và công cụ kinh tế để đánh giá và định hướng hoạt động phát triển sản xuất có lợi cho công tác bảo vệ môi trường.

Các công cụ kinh tế rất đa dạng gồm các loại thuế, phí và lệ phí, cota ô nhiễm, quy chế đóng góp có bồi hoàn, trợ cấp kinh tế, nhãn sinh thái, hệ thống các tiêu chuẩn ISO. Một số ví dụ về phân tích kinh tế trong quản lý tài nguyên và môi trường như lựa chọn sản lượng tối ưu cho một hoạt động sản xuất có sinh ra ô nhiễm Q nào đó, hoặc xác định mức khai thác hợp lý tài nguyên tái tạo v.v…

Cơ sở luật pháp của quản lý môi trường là gì?

Cơ sở luật pháp của quản lý môi trường là các văn bản về luật quốc tế và luật quốc gia về lĩnh vực môi trường.

Luật quốc tế về môi trường là tổng thể các nguyên tắc, quy phạm quốc tế điều chỉnh mối quan hệ giữa các quốc gia, giữa quốc gia và tổ chức quốc tế trong việc ngăn chặn, loại trừ thiệt hại gây ra cho môi trường của từng quốc gia và môi trường ngoài phạm vi tàn phá quốc gia. Các văn bản luật quốc tế về môi trường được hình thành một cách chính thức từ thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, giữa các quốc gia châu Âu, châu Mỹ, châu Phi. Từ hội nghị quốc tế về “Môi trường con người” tổ chức năm 1972 tại Thuỵ Điển và sau Hội nghị thượng đỉnh Rio 92 có rất nhiều văn bản về luật quốc tế được soạn thảo và ký kết. Cho đến nay đã có hàng nghìn các văn bản luật quốc tế về môi trường, trong đó nhiều văn bản đã được chính phủ Việt Nam tham gia ký kết.

Trong phạm vi quốc gia, vấn đề môi trường được đề cập trong nhiều bộ luật, trong đó Luật Bảo vệ Môi trường được quốc hội nước Việt Nam thông qua ngày 27/12/1993 là văn bản quan trọng nhất. Chính phủ đã ban hành Nghị định 175/CP ngày 18/10/1994 về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường và Nghị định 26/CP ngày 26/4/1996 về Xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường. Bộ Luật hình sự, hàng loạt các thông tư, quy định, quyết định của các ngành chức năng về thực hiện luật môi trường đã được ban hành. Một số tiêu chuẩn môi trường chủ yếu được soạn thảo và thông qua. Nhiều khía cạnh bảo vệ môi trường được đề cập trong các văn bản khác như Luật Khoáng sản, Luật Dầu khí, Luật Hàng hải, Luật Lao động, Luật Đất đai, Luật Phát triển và Bảo vệ rừng, Luật Bảo vệ sức khoẻ của nhân dân, Pháp lệnh về đê điều, Pháp lệnh về việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Pháp luật bảo vệ các công trình giao thông.

Các văn bản trên cùng với các văn bản về luật quốc tế được nhà nước Việt Nam phê duyệt là cơ sở quan trọng để thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Nội dung công tác quản lý nhà nước về môi trường của Việt Nam gồm những điểm gì?

Nội dung công tác quản lý nhà nước về môi trường của Việt Nam được thể hiện trong Điều 37, Luật Bảo vệ Môi trường, gồm các điểm:

– Ban hành và tổ chức việc thực hiện các văn bản pháp quy về bảo vệ môi trường, ban hành hệ thống tiêu chuẩn môi trường.
– Xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, chính sách bảo vệ môi trường, kế hoạch phòng chống, khắc phục suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường.
– Xây dựng, quản lý các công trình bảo vệ môi trường, các công trình có liên quan đến bảo vệ môi trường.
– Tổ chức, xây dựng, quản lý hệ thống quan trắc, định kỳ đánh giá hiện trạng môi trường, dự báo diễn biến môi trường.
– Thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án và các cơ sở sản xuất kinh doanh.
– Cấp và thu hồi giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường.
– Giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, giải quyết các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về bảo vệ môi trường, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
– Đào tạo cán bộ về khoa học và quản lý môi trường.
– Tổ chức nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
– Thiết lập quan hệ quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

ISO 14000 là gì?

Năm 1993, Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế (ISO) bắt đầu xây dựng một bộ các tiêu chuẩn quốc tế về Quản lý môi trường gọi là ISO 14000. Bộ tiêu chuẩn này gồm 3 nhóm chính:

– Nhóm kiểm toán và đánh giá môi trường.
– Nhóm hỗ trợ hướng về sản phẩm.
– Nhóm hệ thống quản lý môi trường.

Phạm vi áp dụng ISO 14000:

– Tất cả các doanh nghiệp.
– Các khu vực như dịch vụ, ngân hàng, bảo hiểm, khách sạn, xuất nhập khẩu, buôn bán, phân phối, lưu kho, vận tải hàng hoá, khai thác.
– Các cơ quan như trường học, các cơ quan chính phủ và các tổ hợp quân sự.

Cho đến nay, rất nhiều nước trên thế giới đã áp dụng các tiêu chuẩn trong bộ ISO 14000.

Thế nào là kiểm toán môi trường?

Kiểm toán môi trường là công cụ quản lý bao gồm một quá trình đánh giá có tính hệ thống, định kỳ và khách quan được văn bản hoá về việc làm thế nào để thực hiện tổ chức môi trường, quản lý môi trường và trang thiết bị môi trường hoạt động tốt“.

Kiểm toán môi trường phải trả lời được các câu hỏi mà các nhà quản lý công ty đưa ra:

– Chúng tôi đang làm gì ? Cụ thể, liệu có phải tuân thủ tất cả các luật, quy định của Chính phủ, hướng dẫn hay không?
– Chúng tôi có thể làm tốt hơn không? Cụ thể ở những khu vực không được quy định, các hoạt động có thể được tăng cường để giảm thiểu tác động môi trường ?
– Chúng tôi có thể làm điều đó với chi phí rẻ hơn không ?
– Chúng tôi phải làm gì nữa ?

Mục đích của Kiểm toán môi trường là giúp vào việc bảo vệ môi trường, sức khoẻ, an toàn bằng các biện pháp:

– Tạo điều kiện cho việc kiểm soát, quản lý các thực tế môi trường;
– Đánh giá sự tuân thủ các chính sách công ty, kể cả việc đáp ứng các yêu cầu về quy chế.

Kiểm toán môi trường là một công cụ quản lý chỉ có giá trị khi được hình thành trong một hệ thống quản lý tổng thể. Nó không thể đứng đơn độc. Nó là một công cụ giám sát trợ giúp việc ra quyết định và giám sát quản lý.

Theo TẠP CHÍ MÔI TRƯỜNG

Tags: