Những danh nhân tuổi Mão trong lịch sử Việt Nam

Phạm Ngũ Lão, Trần Nhật Duật, Ông Ích Khiêm, Phan Bội Châu, Nguyễn Công Hoan, Hoàng Văn Thái… là những gương mặt lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam ra đời vào năm Mão.

Phạm Ngũ Lão (1255-1320), sinh năm Ất Mão: Ông là danh tướng thời Trần, quê ở làng Phù Ủng, huyện Đường Hào (nay là huyện Ân Thi), tỉnh Hưng Yên. Ông rất tài giỏi, văn võ song toàn nên được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn gả con gái nuôi và tiến cử lên vua Trần Thánh Tông.

Trong cuộc chiến tranh chống quân Mông-Nguyên xâm lược lần thứ hai (năm 1285), do lập được nhiều chiến công, Phạm Ngũ lão được phong làm Hạ phẩm Phụng Ngự.

Trong cuộc chiến tranh chống quân Mông-Nguyên xâm lược lần thứ ba (năm 1288), Phạm Ngũ Lão lại lập nhiều chiến công hiển hách và từ đây đường công danh của ông ngày một mở rộng.

Năm 1290, dưới triều Trần Nhân Tông, ông được giao chức quản lĩnh quân Thánh Dực của triều đình.

Phạm Ngũ Lão là vị tướng luôn có mặt ở những trận quyết chiến quan trọng và luôn tự mình xông lên giết giặc làm gương cho ba quân tướng sỹ. Cuộc đời ông gắn liền với chiến trận và những chiến công vang dội.

Trần Nhật Duật (1255-1330), sinh năm Ất Mão: Ông là con thứ sáu của vua Trần Thái Tông. Ông được phong tước Chiêu Văn Vương năm 12 tuổi, một trong những tước vương trẻ nhất của vương triều Trần.

Chính sử chép kỹ biệt tài quân sự của ông trong chiến thắng Hàm Tử Quan (tháng 5/1285) nhưng trên thực tế tài cầm quân của ông đã sớm được thể hiện từ trước đó, đặc biệt là tư duy quân sự mang tính chiến lược sâu sắc, phi thường, phục vụ hết sức có hiệu quả trong các lần chiến thắng quân Nguyên-Mông.

Trần Quốc Toản (1267-1285), sinh năm Đinh Mão: Sinh ở xã Trang Liệt (nay là phường Trang Liệt, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), Trần Quốc Toản là người anh hùng trẻ tuổi chống quân Nguyên-Mông, nổi tiếng với giai thoại bóp nát quả cam vì phẫn chí ở Hội nghị Bình Than.

Sau đó, ông về lập đội quân gồm hơn 1.000 người đi đánh giặc Nguyên-Mông dưới lá cờ “Phá cường địch, báo hoàng ân” (phá giặc mạnh, báo ơn vua). Ông tử trận được tặng tước Hoài Văn Hầu.

Trịnh Khả (1399-1451), sinh năm Kỷ Mão: Ông là danh tướng đời Lê Thái Tổ, quê ở xã Sóc Sơn, huyện Vĩnh Ninh, (nay là xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Ông có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông. Ông được vua Lê Thái Tổ cho mang họ vua nên gọi là Lê Khả. Ông lập được nhiều chiến công đánh quân xâm lược, nổi tiếng trong các trận Trà Lân, Kha Lưu, giải phóng vùng Tam Giang, đánh tan viện binh của Mộc Thạch ở đèo Lê Hoa năm 1427.

Sau kháng chiến thành công, năm 1427, ông được phong Kim tử vinh lộc đại phu, Vệ tướng quân, Kỵ đô úy và giữ nhiều trọng trách quan trọng những năm về sau.

Mạc Đăng Dung (1483-1541), sinh năm Quý Mão: Ông quê ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (nay là huyện Kiến Thụy), thành phố Hải Phòng, nổi tiếng là đô vật, làm quan lên đến chức Đô chỉ huy sứ rồi Thái phó và thái sư An Hưng Vương. Sau đó, Mạc Đăng Dung lật đổ nhà Lê, lập ra nhà Mạc từ năm 1527.

Nguyễn Đăng Đạo (1651-1719), sinh năm Tân Mão: Ông là người làng Hoài Bão, huyện Tiên Du, trấn Kinh Bắc (nay là xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), đỗ Trạng nguyên năm 1683, làm quan đến Thượng thư bộ lại. Ông có hai tác phẩm nổi tiếng “Tang thương ngẫu lục” và “Nguyễn trạng nguyên phụng sứ tập.”

Nguyễn Thiếp (1723-1804), sinh năm Quý Mão: Ông là người làng Mật Thôn, huyện La Sơn, trấn Nghệ An (nay là huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Là ẩn sỹ trên núi Bùi Phong, ông được vua Quang Trung mời ra chỉ đạo việc học trong nước. Ông làm Viện trưởng viện Sùng chính, chuyên biên dịch các sách chữ Hán ra chữ Nôm. Tác phẩm chính của ông là bộ “Hạnh Am thi cảo.”

Võ Duy Thanh (1807-1861), sinh năm Đinh Mão: Quê ông ở làng Kim Bồng, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ông đỗ Bảng nhãn triều Nguyễn, nổi tiếng về học vấn và chính trị. Tác phẩm văn học của ông là “Trừng Phủ thi tập.”

Vũ Phạm Khải (1807-1872), sinh năm Đinh Mão: Ông quê ở làng Thiên Trì (nay là thôn Thượng Trì), xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Ông là danh sỹ, nhà sử học nổi tiếng triều Nguyễn. Thơ văn của ông gồm các tác phẩm “Ngu Sơn toàn tập,” “Phượng Trì Đông Dương tiên sinh văn tập,” “Vũ Đông Dương văn tập,” “Lịch đại chúng hình thông khảo.” Người đương thời đánh giá ông “Vũ Phạm Khải là người bạn đáng kính, mắt cao vượt một thời, tâm hùng hơn muôn kẻ.”

Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872), sinh năm Đinh Mão: Ông quê ở làng Long Tuyền, (nay thuộc quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) là nhà thơ, tác giả bản tuồng “Kiêu Thạch kỳ duyên” nổi tiếng. Ông là nhà yêu nước kháng Pháp.

Nguyễn Phúc Miên Thẩm (1819-1870), sinh năm Kỷ Mão: Ông là con thứ 10 của vua Minh Mạng nên tục gọi là ông Hoàng Mười. Ông nổi tiếng văn chương, được phong tước Tùng Thiện Công. Ông cùng với em là Tuy Lý Vương Miên Trinh lập nên “Tùng Vân thi xã” quy tụ các văn sỹ nổi tiếng. Các tác phẩm nổi tiếng là “Thương Sơn thi tập,” “Nam cầm phổ”…

Ông Ích Khiêm (1831-1884), sinh năm Tân Mão: Ông quê ở làng Phong Lệ, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Ông đỗ cử nhân khi mới 16 tuổi. Sau này, ông giỏi cầm binh, tiêu diệt giặc phỉ được phong tước “Kiêu Dũng nam.” Vì cương trực, ông bị các quyền thần bức tử ở Bình Định.

Phan Bội Châu (1867-1940), sinh năm Đinh Mão: Ông ở làng Đan Nhiễm, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông là chí sỹ yêu nước, lập hội Duy Tân để học việc cách tân đất nước, lãnh đạo phong trào Đông Du ở Nhật, thành lập Việt Nam quang phục hội ở Trung Quốc.

Những danh nhân tuổi Mão trong lịch sử Việt Nam

Tượng đài Phan Bội Châu ở Huế.

Tháng 6/1925, ông bị thực dân Pháp bắt ở Thượng Hải, giải về nước và bị xử án chung thân. Trước phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước đòi thả Phan Bội Châu, ông được đưa về an trí tại Huế.

Ông để lại nhiều tác phẩm yêu nước như “Thuốc chữa dân nghèo,” “Cao đẳng quốc dân,” “Luân lý vấn đáp,” “Nhân sinh triết học,” “Phan Bội Châu niên biểu.”

Nguyễn Công Hoan (1903-1977), sinh năm Quý Mão: Ông sinh ở làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông là nhà văn hiện thực xuất sắc, nổi tiếng về truyện ngắn, tiểu thuyết như “Kép Tư Bền,” “Tắt lửa lòng,” “Lá ngọc cành vàng,” “Bước đường cùng.”

Ông có nhiều đóng góp cho nền văn nghệ cách mạng. Ông là Chủ tịch đầu tiên của Hội nhà văn Việt Nam.

Hoàng Văn Thái (1915-1986), sinh năm Ất Mão: Ông là Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, quê ở xã Tây An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ông đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội như Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Tư lệnh kiêm Chính ủy quân khu V, Bí thư Khu ủy Khu V, Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Phó Bí thư Trung ương cục miền Nam.

Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa III, IV, V và là đại biểu Quốc hội khóa VII. Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý. Tên ông được đặt cho nhiều được phố, trường học.

Theo VIETNAM PLUS 

Tags: ,