Những cột mốc lịch sử của Afghanistan thế kỷ 20

Đó là lịch sử buồn của một đất nước phải chịu quá nhiều đau thương, đói nghèo và chiến tranh – những cuộc chiến tranh chống lại các thế lực nước ngoài, xen lẫn với nội chiến nồi da nấu thịt nhằm tranh giành quyền lực.

Nhìn lại những cột mốc lịch sử của Afghanistan thế kỷ 20

1919: Tiểu vương Amanullah lãnh đạo Afghanistan đấu tranh giành độc lập từ thực dân Anh. Hiệp ước Rawalpindi đã mang lại cho Afghanistan quyền tự quyết toàn diện trong quan hệ ngoại giao.

1926: Amanullah xưng vương, nỗ lực tiến hành những cuộc cải cách xã hội nhằm hạn chế quyền lực của giới giáo sĩ và mở rộng quyền tự do cho phụ nữ. Ông bị phe đối lập bảo thủ chống đối kịch liệt.

1929: Tình hình bất ổn buộc Amanullah phải chạy ra nước ngoài. Một chỉ huy của phe chống đối, Bacha-i Saqao, giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul. Vài tháng sau, một người anh em họ của Amanullah là Muhammad Nadir Khan đánh bại Bacha-i Saqao và trở thành vua Nadir Shah, tiếp tục tiến hành cải cách nhưng thận trọng hơn.

1933: Nadir Shah bị ám sát. Thái tử Muhammad Zahir Shah lên nối ngôi. Afghanistan giữ thái độ trung lập trong Thế chiến II, gia nhập LHQ năm 1946, theo chế độ quân chủ suốt 40 năm, từ 1933 đến 1973.

1973: Một nhóm sĩ quan do tướng Mohammad Daud, em họ vua Zahir Shah, cầm đầu, lật đổ ngôi vua (tháng 7). Mohammad Daud tuyên bố thiết lập nền cộng hòa, trong đó ông vừa làm tổng thống vừa làm thủ tướng. Các đảng cánh tả ngày càng xa lánh và đi đến chống lại ông.

1978: Tướng Daud bị sát hại trong một cuộc đảo chính do Đảng Dân chủ Nhân dân của Noor Mohammed Taraki tiến hành. Taraki tiến hành cải cách đất nước theo hướng Marxist và thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Liên Xô. Nhưng hai phe Khalq và Parcham trong đảng này lại bất hòa. Hầu hết lãnh đạo của phái Parcham bị thanh trừng hoặc phải lưu vong. Cùng lúc đó, lãnh tụ các cộng đồng thiểu số và Hồi giáo bảo thủ phản đối cải cách xã hội bắt đầu khởi nghĩa vũ trang ở nông thôn.

1979: Tranh giành quyền lực giữa hai chính trị gia cánh tả Hafizullah Amin và Nur Mohammed Taraki ở Kabul. Tháng 9, Taraki bị giết, Amin chiến thắng, nắm quyền lãnh đạo. Nhưng những cuộc nổi dậy ở nông thôn vẫn tiếp tục và quân đội Afghanistan có nguy cơ thất bại. Tháng 12, Liên Xô đưa quân vào Afghanistan để lật đổ chính quyền của Amin, sau đó xử tử ông ta.

1980: Babrak Karmal, lãnh đạo phái Parcham trong Đảng Dân chủ Nhân dân, trở thành lãnh tụ Afghanistan, thiết lập một chính quyền được quân đội Liên Xô hậu thuẫn (trước đó, Karmal cũng là người đã đề nghị Liên Xô đưa quân vào Afghanistan giúp ổn định tình hình). Phong trào chống chế độ ngày càng dâng lên. Nhiều nhóm mujahideen (chiến binh Hồi giáo) khác nhau cùng hoạt động chống lại quân đội Xô Viết, được Mỹ, Pakistan, Trung Quốc, Iran và Ả Rập Saudi viện trợ cả về tài chính lẫn quân sự. Khởi đầu chỉ với một ít vũ khí hiện đại, đến lúc đó, mujahideen đã trở thành con át chủ bài của Mỹ trong cuộc chiến tranh lạnh với Liên Xô. Mỹ cung cấp cho họ rất nhiều vũ khí hiện đại, tinh nhuệ.

1985: Các phái mujahideen họp ở Pakistan, bàn thảo việc hình thành liên minh chống Liên Xô. Có đến một nửa dân số Afghanistan chạy ra nước ngoài để tránh chiến tranh, phần lớn sang sang Iran và Pakistan. Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev tuyên bố sẽ rút quân khỏi Afghanistan.

1986: Mỹ bắt đầu cung cấp tên lửa Stinger cho các mujahideen. Babrak Karmal từ chức. Lên thay ông là Mohammad Najibullah. Chính quyền của Najibullah vẫn tiếp tục được Liên Xô hậu thuẫn.

1988: Tháng 4, Afghanistan, Liên Xô, Mỹ và Pakistan ký hiệp định hòa bình, cam kết chấm dứt viện trợ cho các bên tham chiến và Liên Xô rút quân.

1989: Người lính Liên Xô cuối cùng rời Afghanistan. Nội chiến vẫn tiếp tục. Các phái mujahideen tìm cách lật đổ Najibullah.

1991: Mỹ và Liên Xô đồng ý chấm dứt viện trợ quân sự cho cả hai bên.

1992: Mujahideen chiếm được thủ đô Kabul. Chính quyền Najibullah sụp đổ. Sau đó, các phe phái chiến thắng lập tức quay súng đánh nhau để tranh giành quyền lực.

1993: Các bên tham chiến đồng ý thành lập một chính phủ do Burhanuddin Rabbni, người thiểu số Tajikistan, làm tổng thống.

1994: Chiến sự vẫn tiếp tục. Phái Taliban, bao gồm các sinh viên Hồi giáo mà chủ yếu là dân Pashtun, càng ngày càng mạnh hơn.

1996: Taliban chiếm Kabul. Tổng thống Rabbani chạy trốn, gia nhập Liên minh Phương Bắc chống Taliban.

1997: Taliban được Pakistan và Ả Rập Saudi công nhận làm chính phủ hợp lệ của Afghanistan. Các nước khác thì vẫn coi Rabbani là tổng thống.

1998: Động đất làm hàng nghìn người chết. Ngày 7/8, đại sứ Mỹ ở Tanzania và Kenya bị đánh bom, kẻ bị tình nghi là Osama bin Laden. Ngày 20/8, Mỹ bắn tên lửa vào những nơi họ cho là căn cứ của trùm khủng bố Osama bin Laden.

1999: LHQ thiết lập lệnh cấm bay và cấm vận tài chính để buộc Afghanistan phải giao nộp bin Laden.

2001: Tháng 3, Taliban dùng thuốc nổ phá hai pho tượng Phật cổ ở Afghanistan. Tháng 5: Bắt người không theo đạo Hồi phải đeo phù hiệu nhận dạng. Phụ nữ Hindu cũng phải đeo mạng như mọi phụ nữ Afghanistan Hồi giáo khác. Tháng 9: Ahmad Shah Masood, lãnh đạo lực lượng chống Taliban, Liên minh phương Bắc, bị ám sát.

Theo VNEXPRESS 

Tags: