⠀
Nhớ về thời bao cấp: Chuyện tình của bố tôi
Đã nhiều lần được nghe câu chuyện tình yêu của bố, nhưng lần nào nghe bố kể cũng là chất giọng đó, to, rõ ràng, ánh mắt long lanh và nụ cười rất duyên luôn trực nở trên môi. Giờ bố đã gần 80, nhưng thi thoảng mấy anh em chúng tôi lại vờ hỏi: Bố ơi, cái cô mậu dịch viên năm xưa thế nào bố nhỉ? Là bố lại lim dim đôi mắt và bắt đầu kể.
Bên trong cửa hàng bách hóa trung tâm ở Hà Nội năm 1980.
Năm đó, bố bảo còn nhớ đó là mùa đông năm 1975, khi đó được gọi là thời bao cấp, cái thời mà mọi thứ hàng hóa đều phải xếp hàng và mua bằng tem phiếu, cái thời mà các cán bộ công nhân viên phải họp thâu đêm để bình bầu xem ai được mua hàng gì, có người kể rằng để mua được cái xe đạp chắc phải mất tới cả chục năm, có người ba năm liền vẫn chỉ bốc được cái áo may ô trắng…
Lần đó, bố về quê thăm nhà. Là anh trai đi làm xa về chẳng có quà gì, thấy người ta xếp hàng mua bánh mỳ, thứ quà xa xỉ thời đó với người nhà quê. Thế là bố cũng xếp vào hàng để đợi mua bánh, nhưng nhìn thấy những người mua được phía trước chỉ giỏi lắm là mua được 2 cái, hoặc 3 cái là cùng… Bố nghĩ rằng nếu chỉ mua được có 3 cái bánh mang về chia cho mọi người thì cũng chẳng bõ. Vậy phải làm sao mua được nhiều bánh bây giờ. Bố lùi ra khỏi chỗ xếp hàng và ngắm nhìn khuôn cửa sổ bán bánh, với ánh đèn vàng ấm áp và cô mậu dịch viên vui vẻ, đon đả đang chuyển những chiếc bánh mỳ đến tay mỗi người.
Sẵn tâm hồn thơ ca, lúc đó bố ngẫu hứng làm một bài thơ. Rồi bố viết vội vào một mẩu giấy gửi cho cô mậu dịch viên. Bài thơ của bố như sau:
Tôi đến nơi đây gặp bánh mỳ
Mua ngay mấy chục để về chia
Cho đàn em nhỏ nơi quê mẹ
Chúng nó reo lên bánh ô kìa!
Anh mua đâu thế sao nhiều thế
Sao chẳng mời cô bán bánh về
Cho thôn cho xóm vui rộn rã
Rồi để cùng nhau ríu rít chia.
Cô mậu dịch viên cầm mẩu giấy đọc và cười khúc khích, cô bảo bố “Anh đưa túi đây” và xếp vào ba lô của bố tận 20 cái bánh mỳ rồi gói ghém cẩn thận và đưa cho bố.
Mọi người xung quanh nhìn bố và nhìn cô mắt tròn mắt dẹt, không hiểu. Biết mọi người tỏ ý nghi ngờ, cô mậu dịch viên nhanh nhảu: “Anh này có giấy giới thiệu các bác ạ!”. Vậy là cả đoàn xếp hàng chẳng nghi ngờ gì, bố tôi cảm ơn cô và đeo ba lô lên vai, trong lòng thật nhiều kỷ niệm.
Bố thấy khâm phục cô mậu dịch viên đó bởi cô rất thông minh, ứng xử rất nhanh. Vậy là tình cảm của bố cứ lớn dần. Lần về quê đó bố quay lại và tìm bằng được, yêu bằng được và lấy cho được cô bán bánh mỳ. Ước mơ “để được cùng nhau ríu rít chia” đã thành hiện thực.
Cuộc sống những năm tháng đó thật vất vả, lần lượt anh em tôi được mẹ sinh thành, mẹ vẫn là cô mậu dịch viên, cơ quan của mẹ phân công cho mẹ bán hàng và nhờ những kinh nghiệm quản lý của thời bao cấp, đến năm 1986, khi Nhà nước xóa bỏ bao cấp, mẹ mạnh dạn xin bố cấp vốn để buôn bán. Với những kinh nghiệm quản lý hàng hóa, nhập hàng, xuất hàng và ghi chép sổ sách, mẹ lại là người nhanh nhạy tháo vát nên mẹ là người gánh vác lo toan kinh tế gia đình.
Cả xe hàng chất cao từ chợ Đồng Xuân (Hà Nội), mẹ nhập hàng và chất lên xe ca chở về miền Tây Bắc, đổ cho các chợ lẻ cứ băng băng. Vì thế, bốn anh em chúng tôi được mẹ lo toan cho ăn học đến nơi đến chốn. Cuộc sống lam lũ vất vả là thế nhưng chưa bao giờ anh em chúng tôi thấy bố mẹ cãi vã. Vậy là mỗi khi nhìn bố mẹ cùng nhau làm ăn, cùng nhau buôn bán, cùng nhau định hướng cho tương lai các con, chúng tôi thấy gia đình mình thật may mắn, thật bình yên và hạnh phúc.
Để mỗi khi vờ hỏi bố về câu chuyện “cô bán bánh mỳ” thì lại được gặp ánh mắt long lanh rực sáng của bố, ánh mắt của người đang yêu, ánh mắt của người đã tìm được đúng cô mậu dịch viên năm xưa, một nửa của chính mình và ánh mắt đó nói rằng bố đã tìm đúng.
Theo TIN MỚI
Tags: Việt Nam giai đoạn 1976-1986, Tình yêu, Thời bao cấp